22/10/2018, 22:43

Các phương pháp thông dụng trong nghiên cứu nhu cầu thông tin của người dùng tin

(ĐHVH HN) - Nhu cầu thông tin của người dùng tin là loại nhu cầu tinh thần, nhu cầu bậc cao của con ngườ đó là những đòi hỏi khách quan, nảy sinh từ những hoạt động khác nhau của con người, được hình thành trên cơ sở sự tiếp nhận thông tin của người dùng tin. Việc nghiên cứu nhu cầu thông tin ...



(ĐHVH HN) - Nhu cầu thông tin của người dùng tin là loại nhu cầu tinh thần, nhu cầu bậc cao của con ngườ đó là những đòi hỏi khách quan, nảy sinh từ những hoạt động khác nhau của con người, được hình thành trên cơ sở sự tiếp nhận thông tin của người dùng tin. Việc nghiên cứu nhu cầu thông tin trong các cơ quan thông tin thư viện luôn là một trong những nhiệm vụ được đặt trung tâm bởi đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của thư viện. Việc sử dụng những phương pháp thu thập, xử lý thông tin trong nghiên cứu nhu cầu thông tin của người dùng tin tương đối giống các phương pháp nghiên cứu các ngành khoa học xã hội khác, bên cạnh đó cũng tồn tại một số kỹ năng đặc thù. Bài viết trình bày ý nghĩa của nghiên cứu nhu cầu thông tin, phân loại phương pháp nghiên cứu đồng thời phân tích những ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp khi áp dựng trong nghiên cứu nhu cầu thông tin của người dùng tin trong các cơ quan thông tin thư viện.
  1. Ý nghĩa của nghiên cứu nhu cầu thông tin
Trong hoạt động thông tin thư viện, người dùng tin và nhu cầu thông tin của họ đóng vai trò quan trọng. Sử dụng thành quả của hoạt động thông tin thư viện, người dùng tin là tác nhân điều hướng của hoạt động thông tin thư viện đồng thời là người góp phần tạo ra các thông tin mới. Người dùng tin chính là chủ thể của nhu cầu tin – nguồn gốc nảy sinh hoạt động thông tin thư viện. Nhu cầu tin của người dùng tin - cũng giống như các nhu cầu bậc cao khác của con người - luôn biến đổi và bị chi phối bởi các yếu tố như hoàn cảnh lịch sử xã hội, môi trường sống, nghề nghiệp, lứa tuổi, trình độ văn hóa, lối sống, phương thức thỏa mãn nhu cầu, sở thích… Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển nhu cầu tin đó là mức độ đáp ứng nhu cầu tin: thư viện thỏa mãn đầy đủ, kịp thời, chính xác nhu cầu tin sẽ khiến nhu cầu lặp lại và nội dung nhu cầu phát triển, ngược lại sẽ làm nhu cầu bị triệt tiêu. Những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tin nêu trên khiến nhu cầu tin luôn thay đổi cả trên bình diện thời gian và không gian bởi nhu cầu tin hình thành trên cơ sở khoa học và khám phá thế giới khách quan, bản thân người cán bộ thư viện hay hoạt động thông tin thư viện không thể làm nảy sinh nhu cầu mà chỉ có thể phát hiện, bồi dưỡng và kích thích để nhu cầu phát triển và lý tưởng hơn nữa là thư viện phải hiểu được nhu cầu từ đó “đón đầu nhu cầu” để phát triển.
Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, mỗi cá nhân hay tập thể đều cần có nhiều cơ hội tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau đòi hỏi cách thức tiếp cận đa dạng phù hợp với nhu cầu và mục đích của người dùng tin. Song trước khối lượng thông tin khổng lồ, người dùng tin cần thu nhận được thông tin giá trị, chính xác, phù hợp và trong thời gian ngắn nhất. Với yêu cầu như vậy, một trong những vấn đề đặt ra cho các cơ quan thông tin thư viện hiện nay là nắm vững đặc điểm của người dùng tin và nhu cầu tin thuộc địa bàn phục vụ của mình để có thể đáp ứng một các đầy đủ, chính xác, kịp thời, phù hợp và trong thời gian ngắn nhất.
Nhu cầu tin là động lực và mục tiêu phát triển của các cơ quan thông tin thư viện. Cơ quan thông tin thư viện được coi là một thể chế có quan hệ chặt chẽ với người dùng tin. Quan điểm hiện đại cho rằng người dùng tin là khách hàng của cơ quan thông tin thư viện, hoạt động thông tin thư viện lấy người dùng tin làm trung tâm của hoạt động, vì thế việc nghiên cứu nhu cầu tin là vô cùng cần thiết trong bối cảnh cần nghiên cứu sâu và toàn diện nhu cầu của khách hàng – trung tâm của hoạt động. Việc tiến hành nghiên cứu người dùng tin và nhu cầu tin không chỉ cần được nhận thức là công việc quan trọng mà cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ và mang tính triệt để. Điều này có nghĩa là một thư viện phát triển bền vững luôn lấy kết quả từ việc nghiên cứu nhu cầu tin là yếu tố căn bản và quyết định hướng hoạt động của mình. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay một thư viện không thể có đủ tài chính để xây dựng được một nguồn lực thông tin đa dạng, phong phú về chủng loại, nội dung, phù hợp nhu cầu tin của người dùng. Việc nghiên cứu nhu cầu tin của người dùng tin, theo dõi quá trình hình thành và động lực, quy luật phát triển của nhu cầu tin, mức độ ổn định và nhu cầu tiềm năng, sự biến động của nhu cầu qua các thời kỳ luôn là việc làm cần thiết.
Việc nghiên cứu nhu cầu tin được ví như nghiên cứu nhu cầu khách hàng trong kinh tế học và đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan thông tin thư viện như:
  • Giúp thư viện lên kế hoạch phục vụ cho từng nhóm đối tượng hiệu quả
  • Xác định đặc điểm nhu cầu tin căn bản của từng nhóm đối tượng người dùng tin
  • Xây dựng chiến lược phát triển nguồn thông tin hợp lý
  • Xây dựng chiến lược phát triển hoạt động thông tin thư viện sát hợp với xu thế phát triển của xã hội
  • Xác định các công cụ và chiến lược tìm phù hợp trong từng trường hợp tìm cụ thể
  • Tổ chức các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ người dùng hiệu quả và thiết thực.
Như vậy không thể phủ nhận vai trò của nghiên cứu nhu cầu tin trong hoạt động thông tin thư viện, bởi đứng từ góc độ kinh doanh thương mại mà nói thì “người bán” cần hiểu rõ đối tượng khách hàng là ai, cần gì, có khả năng thanh toán ra sao.
  1. Phương pháp nghiên cứu và nghiên cứu nhu cầu tin 
Nghiên cứu khoa học là quá trình sử dụng phương pháp nghiên cứu nhằm thu thập và xử lý thông tin để đạt mục đích và nhiệm vụ mà chủ thể nghiên cứu đặt ra. Trong nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau như các phương pháp luận, phương pháp tiếp cận và đánh giá, phương pháp thu thập thông tin, xử lý thông tin.... Nghiên cứu nhu cầu tin là hoạt động trung tâm rất được quan tâm trong mọi loại hình thư viện. Nhu cầu tin là nhu cầu xã hội nên các phương pháp nghiên cứu nhu cầu tin có thể phân chia tạm thời thành hai nhóm: nhóm thu thập thông tin bao gồm các phương pháp chính trong điều tra xã hội học như nghiên cứu tư liệu, quan sát, điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn; nhóm xử lý thông tin gồm xử lý thông tin định lượng và xử lý thông tin định tính.
Nhóm phương pháp thu thập thông tin:
Phương pháp nghiên cứu tư liệu còn gọi là nghiên cứu thư viện là phương pháp phổ biến hiện nay trong nghiên cứu khoa học và thường được sử dụng nhiều trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Trong nghiên cứu tư liệu, người nghiên cứu cần sử dụng đa dạng các loại hình tư liệu. Bởi tư liệu phản ánh hiện thực khách quan nên đó là những cứ liệu để người nghiên cứu nhận thức đầy đủ về sự vật, hiện tượng và các góc độ liên quan đến đối tượng nghiên cứu giúp người nghiên cứu có thể xây dựng và kiểm tra các giả thuyết trong nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu tư liệu có thể giúp người nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, thành tựu lý thuyết cơ sở lý thuyết liên quan tới đề tài; các chủ trương chính sách liên quan đến nội dung nghiên cứu và giải thích làm rõ các thuật ngữ liên quan tới đề tài. Quá trình nghiên cứu tư liệu cần chú ý việc thu thập thông tin tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, kiểm tra độ chính xác và tin cậy của thông tin và tài liệu, phán đoán về tính tin cậy của các nguồn thông tin thông qua các chỉ số như: độ phổ cập, độ ngẫu nhiên, tác giả, tính cập nhật. khi sử dụng các thông tin thu được từ phương pháp này người nghiên cứu cần chú ý tới tính bảo mật và phải đảm bảo nguyên tắc trích dẫn tài liệu.
Phương pháp quan sát là phương pháp thu thập thông tin bằng cách sử dụng các giác quan trực tiếp hướng tới đối tượng nghiên cứu, nhờ quan sát có thể xác định các thuộc tính, mối quan hệ của các sự vật hiện tượng và được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực nghiên cứu. quan sát là quá trình cần có sự tham gia của tư duy và có kế hoạch, có tổ chức, mang tính định hướng và sang lọc để đạt mục tiêu nghiên cứu. Người nghiên cứu có thể sử dụng nhiều phương pháp quan sát khác nhau để đạt mục tiêu trong quan sát, bên cạnh đó quá trình quan sát cần xác định chính xác quan sát ai, ở đâu, tiêu chí quan sát, phương pháp và phương tiện trong quan sát. Kết quả quan sát cần có sự kiểm tra, đánh giá thông tin bằng cách trao đổi với nhiều người khác nhau về cùng một sự việc.
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp thu thập thông tin bằng cách lập bảng hỏi cho một nhóm đối tượng trong một khu vực nhất định, ở một không gian, thời gian nhất định. Trong điều tra bằng bảng hỏi người nghiên cứu cần chú ý tới phương pháp chọn mẫu, phương pháp thiết kế bảng hỏi và cách xử lý kết quả điều tra. Về phương pháp chọn mẫu cần chú ý tới các loại mẫu, cách tiếp cận mẫu và nguyên tắc trong quá trình chọn mẫu. Đối với lập phiếu (bảng) hỏi cần thiết lập các cẩu hỏi đảm bảo các yếu cầu: thể hiện rõ các khía cạnh nghiên cứu, dễ hiểu, rõ ràng, và sắp xếp các câu hỏi theo trật tự logic và linh hoạt. Quá trình xử lý trên cơ sở thống kê toán học và đưa ra các phán đoán khoa học đối với các tiêu chí đánh giá.
Phương pháp phỏng vấn có thể hiểu là phương pháp quan sát gián tiếp, yêu cầu nguời phỏng vấn phải có kỹ năng giao tiếp, phương tiện giap tiếp, sự hiểu biết về tâm lý con người. quá trình phỏng vấn là quá trình khá phức tạp cần chú ý tính chính xác và tính cập nhật khi soạn khung phỏng vấn, gỡ băng và xử lý kết quả phỏng vấn. quá trình phỏng vẫn không nên đặt các loại câu hỏi nhạy cảm, câu hỏi mang tính đánh giá và các câu hỏi cũng nên được sắp xếp theo trật tự nhằm đảm bảo tính logic của bảng phỏng vấn.
Nhóm phương pháp xử lý thông tin:
Xử lý toán học đối với thông tin định lượng có thể theo bốn phương pháp: con số rời rạc, bảng số liệu, biểu đồ và đồ thị. Người nghiên cứu cần linh hoạt khi sử dụng các phương pháp xử lý định tính. Thêm vào đó cũng cần chú ý tới cách trình bày số liệu, sai số trong quan sát và trích dẫn đúng nguyên tắc nhằm đảm bảo quy định về quyền tác giả.
Đối với các thông tin định tính, người nghiên cứu áp dụng phương pháp xử lý toán học và cần nhận dạng chính xác bản chất của sự vật và mối liên hệ bản chất giữa các sự kiện, có thể sử dụng hai phương pháp sơ đồ và  mô hình toán trong quá trình xử lý thông tin.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, các phương pháp nghiên cứu rất đa dạng phức tạp, một số phương pháp nghiên cứu có sự liên thông và hội nhập giữa các ngành khoa học. tuy nhiên ở mỗi ngành và lĩnh vực khoa học, luôn tồn tại những phương pháp mang tính đặc thù. các phương pháp đặc thù không phải khác biệt hoàn toàn với các phương pháp chung mà về cơ bản vẫn giữ nguyên tắc  và quy trình như  phương pháp chung song có sự biến đổi cho phù hợp với đối tương, phạm vi và khách thể nghiên cứu.
  1. Ứng dụng các phương pháp nghiên cứu nhu cầu thông tin
Nghiên cứu nhu cầu tin là hoạt động được chú trọng trong các cơ quan thông tin thư viện hiện nay, có thể kể ra nhiều đề tài, bài viết liên quan đến nghiên cứu nhu cầu ở các thư viện như thư viện đại học, thư viện công cộng và các thư viện khác. Mỗi cơ quan thông tin thư viện lại đi sâu tìm hiểu các khía cạnh nhu cầu của người bao hàm cả sự tương đồng và khác biệt. Tuy nhiên có thể nhận thấy việc nghiên cứu nhu cầu tin của người dùng tin thường đi theo một quy trình cụ thể và thường tập trung vào một số khía cạnh sau:
Nội dung nhu cầu: loại thông tin, lượng thông tin: lượng thông tin hiện có và lượng thông tin cần, cách thức và mục đích sử dụng thông tin, mức độ phức tạp của thông tin, thời gian cần và sử dụng, thời hạn, hình thức khai thác, nơi tiếp cận tài liệu, loại hình dịch vụ....
Tập quán sử dụng thông tin: thói quen, hành vi trong tìm kiếm và sử dụng thông tin, thời gian, phương thức, nguồn thông tin thường sử dụng...
Mức độ thỏa mãn nhu cầu tin: khả năng đáp ứng nhu cầu tìn của cơ quan thư viện và mức độ đáp ứng về nguồn lực, sản phẩm dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị....
Khả năng chi trả: được hiểu là khả năng về thời gian, không gian và chi phí người dùng tin có thể bỏ ra cho các hoạt động tìm kiếm và sử dụng thông tin...
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tin như lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, giới tính... tác động của những yếu tố này tới nhu cầu và yêu cầu tin.
          Quy trình nghiên cứu nhu cầu tin bao gồm các bước như:
  • Xác định đối tượng và mục tiêu nghiên cứu
  • Xây dựng các giả thuyết nghiên cứu
  • Thao tác hóa các khái niệm và xây dựng hệ thống chỉ báo
  • Chọn mẫu
  • Thu thập thông tin qua các phương pháp thu thập
  • Xử lý phân tích số liệu và lập báo cáo
  • Biện luận và xây dựng giải pháp phát triển nhu cầu
Nghiên cứu nhu cầu tin của người dùng tin ở các thư viện có chức năng, nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi có sự khác biệt, tuy nhiên đều có chung mục đích phân loại các nhóm người dùng tin phát hiện và kích thích nhu cầu tin tiềm năng của người dùng. Tuy nhiên mỗi nội dung và đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu cần áp dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu khác nhau và cần nắm rõ ưu và nhược điểm của các phương pháp này nhằm nghiên cứu nhu cầu tin chính xác và đạt hiệu quả cao.
Đối với phương pháp thu thập thông tin bằng phương pháp nghiên cứu tư liệu, người nghiên cứu có thể thu thập thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau như : sổ đọc, mượn, sổ theo dõi độc giả, phiếu yêu cầu, các loại số sách nghiệp vụ trong thư viện như: sổ đăng ký tổng quát, sổ đăng ký cá biệt, modul quản lý bạn đọc, các báo cáo thống kê của thư viện.... trong đó cần chú ý việc lập các tiêu chí thống kê có khả năng bao quát thông tin cũng như chuyên sâu, lập bảng thống kê số liệu theo form thống nhất và viết đánh giá chính xác, phù hợp. Khi thực hiện phương pháp nghiên cứu tư liệu, người nghiên cứu cần tận dụng và phát huy các nguồn tư liệu cấp 1 và thứ cấp đồng thời đánh giá chất lượng các nguồn tin. Nhưng có thể nhận thấy phương pháp này có thể xác định các nhu cầu tin nếu được theo dõi thường xuyên nhưng sẽ khó thấy được nhu cầu tiềm năng của người dùng tin. Thêm vào đó các thông tin thu được từ phương pháp này rất đa dạng, từ nhiều nguồn tư liệu nên người nghiên cứu có thể so sánh và đưa ra ý kiến khoa học được kiểm chứng chính xác nhất. Những thông tin thu được từ phương pháp này thường là những thông tin trực tiếp, phong phú nhưng sẽ khó đảm bảo tính thời sự.
Đối với phương pháp quan sát, người nghiên cứu có thể quan sát các hoạt động, hành động của người dùng tin như quan sát quy trình tìm kiếm, quan sát quy trình sử dụng các dịch vụ hoặc quan sát quá trình hoạt động của cán bộ thư viện trong tiếp nhận yêu cầu, tìm và phổ biến thông tin, tổ chức các dịch vụ. Quá trình quan sát cần giảm thiểu tính chủ quan trong quá trình quan sát. Quan sát là phương pháp thu được thông tin khá toàn diện, sinh động, chính xác và mang tính cập nhật cao nhưng lại tốn công sức và thời gian của người nghiên cứu và có thể không nhận được kết quả chính xác nếu người nghiên cứu thiếu các kỹ năng quan sát. Quá trình quan sát khá chậm và thụ động và thường bị chi phối bởi các yếu tố cảm tính chủ quan của người quan sát.
Đối với phương pháp điều tra bằng phiếu và phỏng vấn cần chú ý cách thức lập bảng hỏi. Các loại câu hỏi có thể áp dụng gồm: câu hỏi đóng, mở, kết hợp. Với các vấn đề có các chỉ báo định lượng nên sử dụng loại câu hỏi đóng (câu hỏi kèm phương án trả lời); ngược lại các vấn đề cần chỉ báo định tính có thể sử dụng loại câu hỏi mở hoặc câu hỏi kết hợp. Các câu hỏi phải thiết kế rõ ràng, cụ thể, phù hợp với trình độ của người dùng tin, làm rõ các giả thuyết và bám sát mục tiêu nghiên cứu. người nghiên cứu cũng cần xây dựng câu hỏi có thể hạn chế được những nhược điểm của hai phương pháp này như: do lượng thông tin thu được quá rộng và phong phú, đa dạng về nội dung, cần xác định hệ thang đo phù hợp, khoảng và phương sai cũng cần được xác định chính xác trong quá trình thống kê số liệu. Các mẫu phát phiếu hỏi cũng cần đảm bảo nguyên tắc chọn mẫu như không trùng lặp, tính ngẫu nhiên, tính chính xác, tính thuận tiện, tính đại diện... Phiếu hỏi cũng cần thiết kế để giảm thiểu tính một chiều của thông tin thu được. Có thể nhận thấy đây là một phương pháp nghiên cứu điều tra nhu cầu tin hết sức phổ biến tròn các cơ quan thông tin thư viện do rất dễ tổ chức và thu hồi thông tin, lượng thông tin phổ rộng và rất đa dạng nhưng độ chính xác của các thông tin không cao do khó kiểm soát được quá trình điền phiếu của người dùng tin. Các câu hỏi trong điều tra bằng bảng hỏi cần khác với các câu hỏi trong phỏng vấn. Người nghiên cứu có thể nhận được những thông tin phức tạp như các quan điểm, chính kiến, sở thích và tái hiện được những sự kiện đã qua trong quá trình phỏng vấn.
 
Việc ứng dụng các phương pháp nghiên cứu trong nghiên cứu nhu cầu tin của người dùng tin hiện nay có khá đa dạng và được các nhà khoa học thường xuyên cập nhật cho phù hợp với xu thế phát triển của ngành. Tuy nhiên cho dù áp dụng phương pháp nào trong nghiên cứu nhu cầu tin của người dùng tin, người nghiên cứu vẫn cần chú ý tới mục đích nghiên cứu, đặc điểm của các nhóm người dùng tin và những yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu tin./.
 
--
Tác giả: Phạm Thị Phương Liên (Khoa Thư viện – Thông tin)
--
 
 
0