Các nhà cung cấp xe máy ở Việt Nam
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một vấn đề không thể tránh khỏi đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Cho dù doanh nghiệp đó đang tiến hành kinh doanh ở bất kỳ một lĩnh vực nào thì vấn đề cạnh tranh luôn song hành với sự tồn tại và phát triển của ...
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một vấn đề không thể tránh khỏi đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Cho dù doanh nghiệp đó đang tiến hành kinh doanh ở bất kỳ một lĩnh vực nào thì vấn đề cạnh tranh luôn song hành với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Đối với thị trường xe máy Việt Nam cũng vậy. Trong những năm gần đây, trên thị trường xe máy Việt Nam có rất nhiều nhà cung cấp. Họ có những điểm mạnh của riêng mình và đang từng bước khắc họa, khẳng định uy tín của mình trên thị trường xe máy Việt Nam. Tiêu biểu đó là sự ra đời của các công ty liên doanh xe máy. Sản phẩm của các công ty liên doanh này rất đa dạng và phong phú.
Công ty Honda Việt Nam là liên doanh giữa công ty Honda Motor Nhật Bản, công ty Asian Honda Motor Thái Lan và Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, được thành lập theo giấy phép đầu tư số 1521/GP cấp ngày 22 tháng 3 năm 1996. Từ đó đến nay Honda Việt Nam luôn được người tiêu dùng Việt Nam biết đến với uy tín và chất lượng của một tập đoàn sản xuất xe máy lớn nhất trên thế giới… Sản phẩm ban đầu là những chiếc xe Honda Cub 50, Cub 70, Super Cub,… đã thực sự chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam bằng chính chất lượng và sự tiện dụng của những sản phẩm đó. Người tiêu dùng Việt Nam biết tới xe máy chính là do tập đoàn Honda mang lại, thậm chí người ta còn gọi chiếc xe máy là xe Honda. Xe máy của tập đoàn Honda luôn mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam cảm giác an toàn, sự tin tưởng vào chất lượng và độ bền của xe.
Honda Việt Nam cung cấp cho thị trường các sản phẩm chính sau:
- Nhãn hiệu xe Super Dream (nay đã có Super Dream mới)
- Nhãn hiệu xe Future gồm: Future NEO và Future II
- Nhãn hiệu xe Wave gồm: Wave α, Wave ZX, Wave RS
- Nhãn hiệu xe tay ga Spacy, @, SH, Dylan…
Với một đội ngũ công nhân lao động có tay nghề, đội ngũ kỹ sư của Honda Việt Nam được đào tạo tại nước ngoài (tại Honda Thái Lan, Honda Nhật Bản) thật sự là cơ sở để Honda Việt Nam bảo đảm chất lượng của từng sản phẩm sản xuất ra. Sau 10 năm hoạt động, Honda Việt Nam đã đầu tư gần 194 triệu USD cho sản xuất kinh doanh với các sản phẩm được người sử dụng tin dùng như Super Dream, Future, Wave α, Future II và Wave ZX, Wave RS và Future NEO.
Cho đến nay, Honda Việt Nam đã có hơn 2,5 triệu sản phẩm được khách hàng trong nước sử dụng. Bên cạnh đó, Honda Việt Nam còn xuất khẩu hơn 163.000 xe máy cùng với động cơ và phụ tùng xe máy, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 96 triệu USD, trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước xuất khẩu xe máy, phụ tùng. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho hơn 32.000 lao động. Theo Thời báo kinh tế - điện tử, vào ngày 14/03/2006, tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, ông Hiroaki Funami, Tổng giám đốc công ty Honda Việt Nam, cho biết trong 5 năm tới, công ty sẽ đầu tư thêm khoảng 60 triệu USD cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Honda tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, với một bộ máy quản trị chặt chẽ, thống nhất từ tổng giám đốc tới các giám đốc, phòng, ban, phân xưởng, tổ sản xuất, chất lượng xe máy của Honda Việt Nam luôn được kiểm tra sát sao, chặt chẽ trước khi xuất xưởng và bán tới tận tay người tiêu dùng. Sản phẩm của Honda Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9002. Ngay từ khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam, vấn đề môi trường sản xuất đã được quan tâm. Vì vậy Honda Việt Nam đã được cấp chứng chỉ đạt hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Với tầm nhìn chiến lược lâu dài, các nhà quản trị của công ty Honda Việt Nam đã và đang đầu tư vào việc sản xuất một phần động cơ tại Việt Nam, bên cạnh đó Honda Việt Nam còn tiến hành liên doanh với công ty VMEP để sản xuất động cơ đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với việc đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng cao, Honda Việt Nam cũng đồng thời xây dựng một mạng lưới bảo hành, sửa chữa, bảo dưỡng cho tất cả các loại xe mang nhãn hiệu Honda trên cả nước.
Chính vì thế xe máy của tập đoàn Honda Việt Nam luôn mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam cảm giác an toàn, sự tin tưởng vào chất lượng và độ bền của xe. Sau 10 năm đi vào hoạt động kinh doanh, công ty Honda Việt Nam đã từng bước trưởng thành và đứng vững trên thị trường xe máy Việt Nam .
Công ty Yamaha Motor Việt Nam là doanh nghiệp liên doanh giữa công ty Yamaha Motor Nhật Bản (46% vốn pháp định), Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (30% vốn pháp định) và công ty công nghiệp Hong Leong Industries Berhad Malaysia (24% vốn pháp định), trong đó vồn pháp định là 24.250.000 USD. Công ty được thành lập ngày 01 tháng 4 năm 1999, giấy phép đầu tư số 2029/GP. Văn phòng chính và nhà máy tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hiện nay công ty có khoảng gần 1100 công nhân.
Hơn ai hết, tuy là kẻ đến sau nhưng Yamaha đã chiếm được vị trí tương đối vững chắc trong thị trường xe máy Việt Nam. Sản phẩm của hãng được nhiều người ưa thích - đặc biệt là giới trẻ. Yamaha tung ra thị trường với nhiều loại xe từ xe số, xe phanh đĩa, xe ga với kiểu dáng màu sắc rất trẻ trung và đa dạng. Các kiểu xe ga của Yamaha như Mio Amore, Mio Maximo, Mio Classical đều có thiết kể nhỏ gọn, sang trọng, giá cả vừa phải, dao động từ 16 – 18 triệu đồng, nó rất phù hợp với phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là đối với các bạn nữ. Với những chiếc xe ga này các bạn gái vừa có thể thể hiện cá tính, sự năng động của mình nhưng lại vừa mang đến nét dịu dàng, nhẹ nhàng, quyến rũ vốn có của nữ giới. Vì thế ngay từ khi ra đời nó đã được sự ủng hộ đông đảo của khá nhiều nữ giới. Bên cạnh xe ga dành cho nữ giới, Yamaha cũng khá thành công cho việc thiết kế xe ga dành cho nam giới – đó chính là Nouvo. Xe được thiết kế với phần đầu và thân xe thể hiện sự mạnh mẽ của nam giới, nhẹ nhàng lướt ga nhưng vẫn thể hiện sự dũng mãnh của mình. Ngoài ra thì Yamaha cũng cung cấp trên thị trường các xe thuộc dòng xe số như Jupiter V, Jupiter MX, Sirius V,…. Các loại xe này hiện đang rất được ưa chuộng trên thị trường - đặc biệt là giới trẻ.
Theo số liệu của Đoàn công tác liên ngành khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp xe máy có vốn đầu tư nước ngoài đăng trên báo Đầu tư ta thấy: Công ty Yamaha Motor Việt Nam đã tiêu thụ được khoảng hơn 20.000 xe. Đây là một con số cũng không phải là nhỏ đối với một doanh nghiệp mới gia nhập vào sau.
Mặc dù không dù không thể cạnh tranh với Honda (Honda Việt Nam) về chất lượng nhưng các hãng sản xuất xe máy khác lại có lợi thế hơn Honda Việt Nam về chủng loại. Chủng loại của các hãng này rất phong phú và đa dạng, rất hợp thời trang. Yamaha Motor Việt Nam còn có chiến lược quảng cáo, tiếp thị rộng rãi, có hình thức “mua trả góp” với lãi suất hợp lý nhằm thu hút khách hàng. Những sản phẩm của các hãng này thường được giới trẻ ưa chuộng bởi sự thời trang về màu sắc cũng như kiểu dáng của nó. Tập đoàn Yamaha Nhật Bản đã thành lập một trung tâm tại Băng Cốc (Thái Lan) với chức năng nghiên cứu phát triển các loại xe máy để bán trên thị trường Châu Á và Việt Nam (động thái này xuất phát từ thực tế, trên thị trường Châu Á đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt không chỉ về chất lượng giá cả mà cả về kiểu dáng của xe)
Như vậy, sau một thời gian hoạt động Yamaha Motor Việt Nam đã tìm thấy thế mạnh của mình và đang từng bước khẳng định sức mạnh đó trên thị trường xe máy Việt Nam.
Công ty công nghiệp San Yang thuộc tập đoàn Chinfon được thành lập năm 1954 tại Đài Loan, khởi đầu bằng việc sản xuất đinamô cho xe đạp. Năm 1962, San Yang bắt đầu sản xuất xe máy và năm 1969 là ô tô. Trong 50 năm qua, San Yang đã sản xuất và tiêu thụ hơn 6.000.000 xe máy, luôn là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và tiêu thụ xe máy ở Đài Loan.
Năm 1992, San Yang đầu tư sản xuất kinh doanh xe gắn máy tại Việt Nam với tên đầy đủ là: “Công ty hữu hạn chế tạo hàng công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam” viết tắt là VMEP. VMEP có hai nhà máy được xây dựng tại hai tỉnh Hà Tây (miền Bắc) và Đồng Nai (miền Nam) với tổng số vốn đầu tư 1.160.000.000 đô la Mỹ, có công suất đạt 540.000 xe/năm. Đây là dự án sản xuất xe máy đầu tiên ở Việt Nam và cũng là dự án lớn nhất ở Việt Nam thuộc loại này.
Từ năm 1996, công ty San Yang Motor Taiwan thuộc Tập đoàn Chinfon đã quyết định đột phá bằng chiến dịch toàn cầu với thương hiệu SYM. Hiện nay sản phẩm của SYM đã có mặt tại rất nhiều nước trên thế giới.
Năm 2002 công ty mẹ San Yang đã tăng cường đầu tư để triển khai dự án sản xuất và lắp ráp động cơ 15.000.000 USD. VMEP là công ty đầu tiên đưa thiết bị sản xuất động cơ vào Việt Nam, các phân xưởng đầu tiên đã đi vào hoạt động: sản xuất xy lanh, cốt cam, phụ tùng ô tô và khuôn mẫu chính xác. Đến nay VMEP là doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hoá cao nhất trong các doanh nghiệp sản xuất xe máy tại Việt Nam với mức độ nội địa hoá đạt hơn 90% cho một số loại xe.
Về nhân sự, VMEP có gần 2000 cán bộ nhân viên chính thức, toàn bộ nhân viên kỹ thuật được đào tạo chuyên môn để bảo đảm cung cấp chế độ hậu mãi tốt.
Sản phẩm mang thương hiệu SYM có hai dòng chính: xe Cub (xe số bình thường) và xe Scooter (xe tay ga)
Dòng xe Cub có các nhãn hiệu xe sau:
- Nhãn hiệu xe Angel
- Nhãn hiệu xe Magic
- Nhãn hiệu xe Star
- Nhãn hiệu xe Amigo
- Nhãn hiệu xe Bonus
- Nhãn hiệu xe Husky
Dòng xe Scooter bao gồm:
- Nhãn hiệu xe Attila
- Nhãn hiệu xe Excel
- Nhãn hiệu xe HD
- Nhãn hiệu xe GTS
Doanh số bán của SYM miền Bắc trong một vài năm gần đây:
- Năm 2000 bán được 46.866 xe
- Năm 2002 bán được 75.871 xe
- Năm 2002 bán được 142.849 xe
- Năm 2003 bán được 150.523 xe
- Năm 2004 bán được 139.134 xe
- Năm 2005 bán được 52.433 xe
Với chất lượng và uy tín cũng như sự tìm tòi, cải tiến không ngừng với những sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cao, SYM ở Việt Nam đã và đang trở thành một trong những nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và tin tưởng.
Suzuki là một hãng xe lớn của Nhật Bản. Công ty Việt Nam Suzuki thành lập vào ngày 21 tháng 4 năm 1995 với lượng vốn pháp định là 11.700.000 USD (trong đó cổ phần của công ty Suzuki Motor chiếm 35%, công ty Nissho Iwai chiếm 35% và công ty Vikyno chiếm 30%), tổng số vốn đầu tư là 34.200.000 USD.
Năm 1996 công ty Việt Nam Suzuki đi vào hoạt động. Tháng 9/1996: Việt Nam Suzuki đã sản xuất xe GN 125, loại xe Suzuki đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 10/1996: công ty đã cho ra đời Viva CD, mẫu xe Viva đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, xây dựng nên một hình ảnh thời trang cho xe máy.
Ngoài việc cải tiến những sản phẩm hiện có, Việt Nam Suzuki còn đưa ra thị trường các kiểu xe mới như Shogun R125 (giá 23,5 VND/xe), Viva 110 thường và phanh đĩa, Smash 110 (giá: 15,7 VND/xe)… Ngoài ra hãng còn sản xuất một số loại xe khác, tuy nhiên các loại xe này không được ưa chuộng lắm trên thị trường ASEAN , bao gồm:
- Xe thể thao (Super Sport): nổi bật với kiểu xe GSX hay Hayabusa đều hỗ trợ tối đa khả năng tăng tốc, ngoặt góc hoặc phanh - thắng trong một kiểu dáng oai vệ thể hiện phong cách mạnh mẽ của người lái.
- Xe chạy đường trường (Street): đáng chú ý có kiểu xe V-Strom thể hiện sự tự do thật sự và một tinh thần can đảm khi vượt những con đường dài hay ngoằn nghèo nhưng với một cảm giác thoải mái và phấn khích.
- Xe tay ga (Scooter): nổi trội trong dòng xe này có kiểu xe Burgman. Đây là sự kết hợp tuyệt vời trong thiết kế giữa ý tưởng về xe tay ga và xe máy kích thước lớn nhằm gia tăng tính thực tiễn đồng thời tạo được sự thoải mái tối đa cho người sử dụng. Đến nay, Burgman được xem như một chuẩn mực trong dòng xe tay ga.
- Xe Off-road: trong dòng xe này Suzuki có DR-Z. Kiểu xe này được trang bị động cơ mạnh mẽ và bền bỉ, thích hợp hoạt động trên nhiều loại địa hình. Xe DR-Z được thiết kế thích hợp cho cả người lớn lẫn thanh niên.
- Xe vượt chướng ngại vật (Motocross): RM, loại xe đua được thiết kế giúp giữ thăng bằng tốt khi vượt chướng ngại vật. RM đã lập nên chiến thắng cùng với các tay đua vô địch trên các đương đua trên khắp thế giới.
- Xe vượt mọi địa hình (ATVs): một số kiểu xe do suzuki sản xuấtbao gồm Vinson, Ozark, Eiger, QuadSport. Tất cả được thiết kế với những tính năng nổi trội nhằn mang lại sự thoải mái thực sự, cho phép người sử dụng đi đến bất cứ nơi đâu trong mọi điều kiện.
Sản lượng mỗi năm của Việt Nam Suzuki là 4.000 chiếc ô tô, 60.000 chiếc xe máy. Sản lượng xe máy của Việt Nam Suzuki từ năm 1996 đến năm 2002 như sau:
- Năm 1996: 2.040 chiếc (4 tháng hoạt động)
- Năm 1997: 12.253 chiếc
- Năm 1998: 25.015 chiếc
- Năm 1999: 21.775 chiếc
- Năm 2000: 23.964 chiếc
- Năm 2001: 28.241 chiếc
- Năm 2002: 42.797 chiếc
Với khẩu hiệu xe máy Suzuki “Ride the winds of change”, Suzuki chấp nhận thách thức trong việc cải tiến công nghệ nhằm đem lại những sản phẩm xe máy tinh tế đem lại cảm xúc hoàn toàn mới cho người sử dụng, họ đã “thổi luồng gió mới cho cuộc sống” và đã được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận. Suzuki với hệ thống đại lý có mặt rộng khắp cả nước (trong đó có hơn 16 đại lý và trung tâm bảo hành tại Hà Nội) nhằm phục vụ khách hàng một cách chu đáo và thuận tiện. Hệ thống này là sự kết hợp hiệu quả của các cửa hàng Suzuki 3S đảm nhiệm tất cả các dịch vụ liên quan, đó là bán hàng (sales), dịch vụ hậu mãi (after sales services) và cung cấp phụ tùng Suzuki chính hiệu (Spare parts). Tất cả, từ cấu trúc tổng thể cho đến từng chi tiết, vật dụng nhỏ, kết hợp tạo nên một hình ảnh nhất quán, hài hoà, đầy sáng tạo cho tất cả các cửa hàng Suzuki trên toàn quốc. Các chiến dịch hậu mãi với tên gọi “Suzuki chăm sóc khách hàng” được tổ chức hàng năm hỗ trợ những dịch vụ hậu mãi cộng thêm thể hiện sự quan tâm khách hàng ngay cả sau khi đã bán. Dịch vụ cũng như các điều lệ bảo hành của Suzuki được hướng dẫn cho khách hàng ngay sau khi bán.
Chính nhờ sự nỗ lực không ngừng nên thị trường tiêu thụ của Việt Nam Suzuki ngày càng được mở rộng trên thị trường xe máy Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam đã dần chấp nhận và ủng hộ các sản phẩm của công ty.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay giá bán xe máy của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngòai vẫn cao hơn rất nhiều so với giá của các loại xe được sản xuất tại các nước ASEAN, Đài Loan… Đặc biệt trong điều kiện mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp thì giá bán xe máy hiện nay của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được các chuyên gia đánh giá là: “Cao bất hợp lý”. Theo số liệu báo Đầu tư, cơ quan của Bộ kế hoạch và đầu tư ra ngày 13/02/2001 ta thấy: đầu tháng 2/2001, tập đoàn công nghiệp Lifan (Trung Quốc) đã chính thức đưa vào thị trường Việt Nam những loại xe máy mới: xe LF 110 – 9A với động cơ 110cc Best Style – LF 1p53FMH (982), hệ thống đánh lửa DL – CDI (khởi động điện tử một chiều), đánh lửa nhanh, ổn định, dễ khởi động, bánh cam biến tốc lắp thêm vòng bi, chuyển đổi nhẹ, linh hoạt,… đã cho thấy những ông chủ các tập đoàn sản xuất xe máy Trung Quốc đã khai thác triệt để thị trường Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu về xe máy tại Việt Nam là rất cao, trong những năm gần đây, những ông chủ tập đoàn sản xuất xe máy lớn tại Trung Quốc như: tập đoàn Lifan, Zongshen, Hongda, Fushi,… bằng “chiến thuật” theo mẫu của các động cơ có sẵn trên thị trường đã sản xuất hàng loạt sản phẩm xe máy với giá bán thấp kỷ lục để xuất sang thị trường Đông Nam Á, Châu Phi... trong đó có Việt Nam. Ý đồ này đã thực sự rất thành công trên thị trường Việt Nam vì một phần lớn người dân lao động Việt Nam có nhu cầu mua xe máy song lại có thu nhập thấp, hoặc những người có nhu cầu đổi xe máy mới song lại không có đủ tiền,…
Với sự xuất hiện của các sản phẩm xe máy Trung Quốc, thị trường xe máy Việt Nam đã thực sự sôi động lên rất nhiều. Những sản phẩm xe máy Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam hàng loạt với giá bán rất thấp, tuỳ thuộc vào từng chủng loại, động cơ mà giá bán chỉ dao động từ 7-10 triệu đồng. Người Việt Nam đã có thể thoả mãn nhu cầu của mình với những sản phẩm đa dạng, phong phú mà giá bán chỉ bằng 1/3 đến 1/2 giá bán của một số hãng sản xuất nổi tiếng như: Honda, Suzuki, Yamaha…
Gián tiếp đưa sản phẩm xe máy Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đó là những doanh nghiệp lắp ráp dây chuyền dạng IKD. Doanh nghiệp lắp ráp trên thị trường Việt Nam tồn tại lên tới hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ của Việt Nam cũng có mà liên doanh với nước ngoài cũng có. Qua đó ta thấy sản lượng xe máy Trung Quốc đưa vào thị trường Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Hoạt động của các doanh nghiệp này chủ yếu là nhập linh kiện, chi tiêt, phụ tùng của các hãng sản xuất tại Trung Quốc rồi đem về lắp ráp, hoàn thiện để tung ra thị trường. Giá đầu vào của một bộ linh kiện dao động từ 300-350 USD/bộ linh kiện, trong đó giá bán dao động khoảng từ 8-10 triệu đồng đã thu hút rất nhiều các doanh nghiệp lắp ráp này đi vào hoạt động. Tình hình cạnh tranh trên thị trường xe máy Việt Nam diễn ra khá gay gắt và quyết liệt. Các hãng xe nổi tiếng phải cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với xe máy Trung Quốc. Không những “nhái lại” kiểu dáng mà những người sản xuất xe máy Trung Quốc còn nhái lại “nhãn hiệu” hoặc nếu có khác thì chỉ khác ở một số bộ phận, chi tiết mà rất khó có thể nhận ra. Những người không sành về xe máy sẽ rất khó phân biệt đâu là xe chính hãng, đâu là xe Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh cũng diễn ra gay gắt đối với các doanh nghiệp lắp ráp - sản xuất xe máy có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Họ cạnh tranh bằng chính ưu thế của mình
Từ những phân tích trên chúng ta có thể thấy được thị trường các nhà cung cấp xe máy tại Việt Nam đang diễn ra rât sôi động, các hãng cạnh tranh rất gay gắt. Vì thế để có thể đứng vững và phát triển thị phần trên thị trường Việt Nam, các hãng không những phải phát huy tốt những cơ hội, những thế mạnh của bản thân mình mà còn phải biết đối phó lại những chiến lược cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh. Chỉ có như vậy mới đem lại sự thành công cho các hãng trên thị trường xe máy Việt Nam.