Các đặc điểm của kinh tế tư bản chủ nghĩa
"Chủ nghĩa tư bản" hay các định nghĩa, lý thuyết liên quan đến "chủ nghĩa tư bản" (CNTB) có thể được hiểu là một hệ thống các quan điểm, các định nghĩa được những người cộng sản, những chính khách theo phe cộng sản đưa ra để xác định một chế độ xã hội trong ...
"Chủ nghĩa tư bản" hay các định nghĩa, lý thuyết liên quan đến "chủ nghĩa tư bản" (CNTB) có thể được hiểu là một hệ thống các quan điểm, các định nghĩa được những người cộng sản, những chính khách theo phe cộng sản đưa ra để xác định một chế độ xã hội trong đó có sự sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất gắn với nền công nghiệp có năng suất lao động cao làm bộc lộ bản chất "bóc lột" lao động làm thuê của các "nhà tư bản". Ở các nước mà những người cộng sản gọi là theo chế độ chính trị "tư bản chủ nghĩa" (đối lập với xã hội chủ nghĩa) thì không có định nghĩa rõ ràng thế nào là CNTB trong các văn kiện pháp luật hay các văn kiện mang tầm cỡ quốc gia. Về mặt chính trị, ở những "quốc gia tư bản" quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt không hề bị nghi ngờ, họ không đưa ra khái niệm thế nào là CNTB mà chỉ định nghĩa các chế độ chính trị như thế nào thì được gọi là một nhà nước quân chủ lập hiến, quân chủ hợp hiến, nhà nước dân chủ, quân phiệt, chế độ độc tài, chế độ cộng hòa.v.v..Ở các quốc gia này những người cộng sản có thể bị coi là một thành phần cực đoan, một loại tội phạm chính trị (làm chính trị một cách không hợp pháp) chuyên kích động quần chúng gây rối, cướp bóc và làm loạn. Có thể nói rằng hình thái kinh tế xã hội mà những người cộng sản gọi là "CNTB" tồn tại dựa trên quan hệ cho vay lãi và cho thuê, điều này hoàn toàn đối lập với quy luật bảo toàn và chuyển hóa của thế giới vật chất (một trong ba "chân vạc" trong hệ thống lý luận của những người cộng sản): vật chất không thể tự sinh ra vật chất, tiền không thể đẻ ra tiền. Các đề mục, định nghĩa và cách phân loại dưới đây dựa trên cơ sở lý luận của những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa Mác-Lê.
* Thành phần kinh tế tư nhân: Trong giai đoạn phát triển đầu tiên tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản thành phần kinh tế tư nhân chiếm toàn bộ nền kinh tế. Sau này cùng với mô hình kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước với sự can thiệp điều phối của nhà nước vào quá trình kinh tế thì tỷ trọng của thành phần tư nhân có giảm xuống nhưng đối với một nền kinh tế tư bản đặc trưng nó luôn chiếm tỷ trọng là thành phần lớn nhất trong nền kinh tế. Thành phần kinh tế tư nhân đóng vai trò năng động, lực đẩy quyết định tính hiệu quả của nền kinh tế tư bản, còn thành phần kinh tế nhà nước chủ yếu để giải quyết các vấn đề xã hội đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng lao động tránh gây xáo trộn lớn trong xã hội và để kinh doanh trong các ngành cần thiết nhưng khó sinh lời. Theo thời gian giữa hai thành phần này thỉnh thoảng lại có sự hiệu chỉnh bằng các quá trình tư nhân hoá hoặc quốc hữu hoá doanh nghiệp thông qua việc bán và mua các cổ phần của doanh nghiệp.
* Nền sản xuất lớn và động lực lợi nhuận: Khác với nền sản xuất phong kiến là nền sản xuất lấy ruộng đất làm phương tiện sản xuất cơ bản và sở hữu ruộng đất là đặc quyền của vua, quý tộc và lãnh chúa, ngành kinh tế chính là nông nghiệp và thương mại. Kinh tế tư bản chủ nghĩa bác bỏ đặc quyền về ruộng đất hoặc bất cứ độc quyền của tầng lớp quý tộc, thượng lưu nào. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là tự do kinh doanh lấy công nghệ, máy móc, và chất xám làm phương tiện sản xuất chính và là nền kinh tế định hướng sang công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Sự định hướng này hoàn toàn do yếu tố lợi nhuận và thị trường điều phối. Do phương tiện sản xuất là công nghệ, tri thức nên nền sản xuất tư bản chủ nghĩa để có lợi nhuận tối đa luôn có xu hướng hướng đến "nền sản xuất lớn" với sự tái đầu tư mở rộng và gắn liền với cách mạng khoa học-công nghệ. Việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh là lợi ích sống còn của các chủ sở hữu doanh nghiệp trong cạnh tranh giành lợi nhuận.
* Mua bán sức lao động (thị trường lao động): đây là đặc điểm rất nổi bật của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế phong kiến và các nền kinh tế cấp thấp lực lượng nhân công (nông dân, nông nô) bị phụ thuộc vào chủ đất (địa chủ, lãnh chúa) và quý tộc về mặt pháp lý, họ bị gắn chặt vào ruộng đất và ý chí của chủ đất và quý tộc. Còn nhân công (người lao động) trong kinh tế tư bản chủ nghĩa về mặt pháp lý là hoàn toàn bình đẳng với chủ sở hữu doanh nghiệp (người thuê lao động). Giữa người thuê lao động và người lao động ràng buộc kinh tế với nhau bằng hợp đồng lao động: người lao động và chủ doanh nghiệp mua bán sức lao động theo các yếu tố của thị trường. Công nhân có thể thanh lý hợp đồng lao động với người thuê lao động này và sang làm việc cho người thuê lao động khác và nếu muốn cùng với có khả năng hoặc may mắn thì cũng có thể trở thành chủ doanh nghiệp.
Cả xã hội là một thị trường lao động lớn và thường thì cung ứng lao động nhiều hơn yêu cầu lao động do vậy trong xã hội tư bản chủ nghĩa thường tồn tại nạn thất nghiệp và nguy cơ của nạn thất nghiệp đóng vai trò kích thích người lao động nâng cao kỹ năng và kỷ luật lao động trong cuộc chạy đua bảo vệ chỗ làm việc.
* Kinh tế thị trường và cạnh tranh: Vì nền kinh tế được điều hành bởi cá nhân và các doanh nghiệp tư nhân định hướng đến quyền lợi cá nhân nên kinh doanh trong kinh tế tư bản chủ nghĩa về cơ bản là tự định hướng, tự điều hành, tự phát theo quy luật của thị trường tự do và quy luật cạnh tranh hay đó là nền kinh tế thị trường.