Các biện pháp sơ cứu trẻ bị hóc dị vật ngay tại nhà
Như các bạn đã biết, trẻ nhỏ rất nghịch ngợm và hiếu động, không ai có thể đảm bảo được việc giám sát trẻ 100% thời gian trong ngày, chính vì vậy có những tai nạn thương tâm đã xảy ra khi trẻ bị hóc, nghẹn các dị vật như hạt hoa quả (nhãn, chôm chôm, lạc,..) các vật dụng, đồ dùng có kích thước nhỏ ...
Như các bạn đã biết, trẻ nhỏ rất nghịch ngợm và hiếu động, không ai có thể đảm bảo được việc giám sát trẻ 100% thời gian trong ngày, chính vì vậy có những tai nạn thương tâm đã xảy ra khi trẻ bị hóc, nghẹn các dị vật như hạt hoa quả (nhãn, chôm chôm, lạc,..) các vật dụng, đồ dùng có kích thước nhỏ (nắp chai, chìa khóa, …) hay chỉ đơn giản như sặc sữa, sặc cháo, sặc canh… Những trường hợp trẻ em bị hóc, nghẹn dị vật nếu biết cách sơ cứu ngay lập tức có thể giúp trẻ thoát khỏi nguy hiểm đến tính mạng và ngược lại, chỉ cần vài phút trôi qua trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái khó thở, ho sặc sựa, tím tái do dị vật chặn đường thở dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Hãy cùng tìm hiểu những cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật ngay sau đây để trang bị kiến thức cho mình, phòng tránh những tai nạn không may xảy ra.
– Xem thêm: Cách cấp cứu khẩn cấp người bị tai biến mạch máu não tại nhà.
Nguyên nhân gây ra hóc dị vật ở trẻ nhỏ
Trong phần lớn các trường hợp tai nạn xảy ra do hóc, nghẹn dị vật thì đa số xuất phát từ những trường hợp trẻ đang ăn hoặc chơi. Nguyên nhân ở đây là do trẻ còn nhỏ, cơ thể chưa hoàn thiện để có những phản xạ đóng nắp thanh quản khi nuốt dẫn tới thức ăn, dị vật bị lạc xuống và lấp mất đường thở của trẻ.
Những biểu hiện khi trẻ bị hóc dị vật
Những dấu hiệu cơ bản, bất thường và dễ nhận biết nhất khi trẻ bị hóc dị vật chính là khi trẻ đang bú, đang ăn, thậm chí đang chơi đùa trẻ đột nhiên có những biểu hiện khác thường sau: Khó thở, đột ngột ho dữ dội, giãy giụa, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc hay ú ớ.
Trong những trường hợp nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của bé. Trường hợp nặng nhất, bé có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong ngay lúc đó. Đối với trường hợp bị hóc – sặc nhẹ hơn thì trẻ có thể trở lại bình thường nhưng theo các chuyên gia y tế thì sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản, tái phát nhiều lần. Bệnh sẽ dai dẳng, đôi khi phải soi khí phế quản vài lần để hút mủ và bột còn sót lại.
Trong những trường hợp tai nạn không may xảy ra thì việc sơ cứu trẻ hóc dị vật là vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nhưng nếu không biết cách thì chỉ sau 5-6 phút, bé có thể sẽ bị ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong do dị vật chèn đường thở.
Những cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật tại nhà mà bạn cần biết
I. Nguyên tắc khi sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
1. Nhanh chóng và đúng cách vì nếu để chậm sẽ khiến bé ngừng thở, dẫn đến suy hô hấp.
2. Không dùng tay móc họng trẻ vì có thể khiến dị vật trôi sâu vào họng bé càng nguy hiểm đến tính mạng của bé hơn.
II. Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật tại nhà
1. Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì ngay lập tức dùng biện pháp ép ngực.
2. Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
3. Phương pháp Heimlich
Nguyên tắc của cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật theo phương pháp Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích nhằm tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp giúp đẩy dị vật ra ngoài.
Vì thế, cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo… Heimlich có hiệu quả từ cú vỗ hoặc cú ép hoành đầu tiên, càng về sau hiệu quả càng giảm dần.
Các bước thực hiện:
+ Bước 1: Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.
+ Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.
+ Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.
Một số chú ý trong cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
– Sau các biện pháp sơ cứu trẻ nếu dị vật không thoát được ra ngoài thì cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Ngay cả khi dị vật hóc đã được ép ra thì vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.
– Đặc biệt lưu ý cha mẹ tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật. Hành động này có thể sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, khiến trẻ trở nên nguy kịch hơn.
– Nếu trẻ vô tình nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé vì cách làm này có thể khiến dị vật càng mắc sâu hơn.
Những biện pháp phòng ngừa hóc dị vật ở trẻ nhỏ
Phần lớn các trường hợp hóc dị vật ở trẻ nhỏ đều phát sinh trong công đoạn trẻ nhỏ ăn, uống. Song song với các cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật tại nhà thì bạn cũng cần phòng ngừa những tai nạn hóc dị vật không mong muốn có thể xảy ra. Các bậc cha mẹ nên chú ý những điểm sau:
– Thận trọng khi chế biến, lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn. Đối với những loại thực phẩm dễ có nguy cơ khiến trẻ bị hóc thì tuyệt đối không để trẻ tự ý ăn mà cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
– Một số thực phẩm mà trẻ dễ bị hóc bao gồm: Nho, nho khô, nhãn; Các loại hạt (hạt điều, lạc rang, quả óc chó, hạt dẻ, hạt dưa, hạt hướng dương…); Các loại thực phẩm như xúc xích, kẹo cứng, bỏng ngô, cá, lươn… Vì vậy cần đặc biệt chú ý khi cho trẻ ăn những loại thức ăn này.
– Nên cắt đồ ăn thật nhỏ trước khi cho con ăn, điều này hạn chế sự nguy hiểm đối với trẻ.
– Tuyệt đối không được cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm xuống trong khi ăn
– Cha mẹ cần chú ý không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì rất dễ bị sặc.
– Để tránh trường hợp con bị hóc dị vật, cha mẹ nên dạy bé có thói quen tập trung cao độ khi ăn, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn, và luôn để ý tới bé. Tuyệt đối không để bé tự ý bốc đồ ăn khi chưa có sự đồng ý, giám sát của cha mẹ.
Trên đây là một số những kiến thức cơ bản về cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật ngay tại nhà, cũng như những biện pháp phòng ngừa mà mọi người nên chú ý. Đừng để những điều đáng tiếc có thể xảy ra khi mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát điều đó.