Bộ xử lý "bình dân" mới IntelCore2Duo: thử nghiệm và đánh giá!
Nền tảng vi kiến trúc mới mà Intel đặt tham vọng trong vài năm tới chính là Core. Năm 2006 này, việc xuất xưởng 2 dòng vi xử lý Conroe (dành cho máy tính để bàn) và Merom (dành cho máy tính xách tay) đang là những công nghệ được giới chuyên gia mong đợi. Xin giới thiệu bài viết đánh giá ...
Nền tảng vi kiến trúc mới mà Intel đặt tham vọng trong vài năm tới chính là Core. Năm 2006 này, việc xuất xưởng 2 dòng vi xử lý Conroe (dành cho máy tính để bàn) và Merom (dành cho máy tính xách tay) đang là những công nghệ được giới chuyên gia mong đợi.
Xin giới thiệu bài viết đánh giá thực tế của chuyên trang công nghệ ExtremeTech về sản phẩm bộ xử lý Intel Core2 Duo, thuộc dòng Conroe, dành cho máy tính để bàn, với phân khúc thị trường "bình dân". Sản phẩm này sẽ chính thức ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 8/2006 tới.
PV Extremetech đã tới Santa Clara, đến một phòng kiểm nghiệm hiện đại của Intel để làm một loạt các thử nghiệm thực tế. Tuy nhiên, Extremetech cũng cho biết, chưa nên coi điều này như là một bài đánh giá thực sự và cần phải chờ đến ngày bộ vi xử lý được chính thức công bố.
Công tác chuẩn bị và các chu trình đánh giá thử nghiệm
Như chúng tôi đã đề cập, những đánh giá thử nghiệm này được thực thi trên các hệ thống được dựng và cài đặt bởi Intel. Chúng tôi được cho phép xem xét tất cả các thiết lập hệ thống, các trình điều khiển thiết bị, BIOS và các ứng dụng – nếu có bất cứ ứng dụng nào lạ đang chạy thì chúng tôi sẽ chẳng mấy khó khăn gì mà không phát hiện ra chúng. Intel đã cài đặt tất cả những ứng dụng phục vụ cho công tác đánh giá thử nghiệm của chúng tôi và tất cả đều sẵn sàng chạy ngay lập tức, và mặc dù chúng tôi không thể sử dụng những ứng dụng của riêng mình nhưng chẳng có gì bí hiểm về những ứng dụng mà Intel đã cài sẵn cho chúng tôi này. Chúng tất cả đều là những ứng dụng phổ biến chứ không phải là các phiên bản đặc biệt được tối ưu hóa cho các bộ vi xử lý của Intel.
Chỉ có một điểm được coi là không may là Intel không có bộ vi xử lý hàng đầu hiện nay của AMD sử dụng socket AM2 để làm đối chứng. Thay vào đó sẽ là một bộ vi xử lý FX-60 được đôn xung từ 2,6GHz lên 2,8GHz. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, hiệu suất hoạt động của một hệ thống như vậy sẽ không có sự khác biệt quá xa so với một bộ vi xử lý FX-62 sử dụng socket AM2 tốc độ thực 2,8GHz. Đại diện của Intel giải thích rằng đó là do bộ vi xử lý FX-62 chưa hoàn toàn được cung cấp rộng rãi trên thị trường khi Intel tiến hành lắp đặt những hệ thống đánh giá thử nghiệm này, cho đến khi bộ vi xử lý này được cung cấp rộng rãi thì Intel cũng không có đủ thời gian để lắp đặt các hệ thống mới để rồi sau đó kiểm tra đi kiểm tra lại một cách toàn diện để đảm bảo rằng chúng được lắp đặt chính xác như các sản phẩm của Intel. Dưới đây là cấu hình của những hệ thống tham gia cuộc đánh giá thử nghiệm này:
Thiết bị thành phần | Hệ thống đánh giá thử nghiệm của Intel | Hệ thống đánh giá thử nghiệm của AMD |
Bộ vi xử lý | Core 2 Duo E6700 với tốc độ mặc định 2,66GHz | Athlon 64 FX-60 hai nhân được đôn xung lên 2.8GHz |
Bảng mạch chủ và chipset | Intel 975X | ASUS A8R32-MVP Crossfire |
Bộ nhớ | 1GB DDR2 667 | 1GB DDR 400 |
Đồ họa | Radeon X1900 Crossfire | Radeon X1900 Crossfire |
Hệ điều hành | Windows XP Pro SP2 | Windows XP Pro SP2 |
Lần trước chúng tôi đã đánh giá thử nghiệm với bộ vi xử lý Core 2 Extreme cao cấp nhất, nhưng lần này chúng tôi sẽ so sánh bộ vi xử lý cao cấp nhất trong dòng sản phẩm phổ thông của Intel với bộ vi xử lý Athlon 64 hai nhân tốc độ 2,8GHz. Bộ vi xử lý này của Intel cũng có bộ nhớ đệm L2 dung lượng 4MB nhưng xung nhịp đồng hồ thấp hơn tốc độ 2,93GHz của bộ vi xử lý Core 2 Extreme. Tất nhiên, giá của nó cũng sẽ thấp hơn. Cả hai hệ thống đều có cấu hình tương tự nhau với card đồ họa Radeon X1900 Crossfire kép sử dụng những trình điều khiển mới nhất.
Hiệu suất hoạt động chung – PCMark05
Chương trình thử nghiệm PCMark05 gồm một bộ tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp, mỗi chuẩn đánh giá được thiết kế để kiểm tra một hệ thống phụ độc lập như bộ nhớ, bộ vi xử lý và ổ cứng. Thử nghiệm này sẽ tự động phát hiện bộ vi xử lý mà bạn đang dùng và tải những thư viện động được tối ưu hóa cho bộ vi xử lý khi thử nghiệm ở từng chức năng. Một bộ vi xử lý Athlon 64 có thể tinh chỉnh bảng mã hóa để chạy tốt nhất trên kiến trúc của mình trong khi một bộ vi xử lý Pentium 4 chạy cùng một thử nghiệm có thể chạy nhiều bảng mã hóa khác nhau được tối ưu hóa cho bộ vi xử lý đó. Rất nhiều các thử nghiệm đủ nhỏ để vừa với dung lượng bộ nhớ đệm L2 của các bộ vi xử lý mới, vì vậy những thử nghiệm đó nếu chạy với tốc độ xung nhịp cao hơn sẽ có kết quả tốt hơn. Đó là một cái nhìn lý tưởng về hiệu suất hoạt động. Trong thế giới thực, các tối ưu hóa ứng dụng có thể sẽ rất khác nhau.
PCMark05 không có bất cứ tính năng tối ưu hóa nào cụ thể cho nền tảng vi kiến trúc Core vì nền tảng này vẫn chưa công bố khi PCMark05 được phát triển. Mặc dù vậy, điểm đánh giá lại rất ấn tượng. Bộ vi xử lý Core 2 Duo E6700 có tốc độ thấp hơn nhưng lại có điểm PCMark tổng thể và hiệu suất hoạt động của bộ vi xử lý tốt hơn bộ vi xử lý FX-60 đã được đôn xung. Chúng tôi không quá tin vào các điểm của bộ nhớ do hệ thống thử nghiệm của Intel sử dụng bộ nhớ DDR2 trong khi hệ thống thử nghiệm của AMD lại sử dụng bộ nhớ DDR. Hiện tại, các bộ vi xử lý của AMD đã hỗ trợ hoàn toàn bộ nhớ DDR2.
Mã hóa đa phương tiện và POV-Ray
Phiên bản 3.7 của công cụ chồng hình mã nguồn mở POV-Ray hỗ trợ khả năng xử lý đa luồng và các lệnh SSE. Chúng tôi kích hoạt lựa chọn “all CPUs” (Tất cả các bộ vi xử lý) trong chương trình POV-Ray với phiên bản beta mới nhất (phiên bản 13) và ghi lại kết quả về Pixels Per Second (PPS-số lượng pixel trên mỗi giây).
Hiệu suất hoạt động được cải thiện 44% với bộ vi xử lý Core 2 Duo so với một hệ thống gần giống hệ thống FX-62 đắt hơn (nếu như AMD không giảm giá quá nhiều).
Thử nghiệm ứng dụng mã hóa DivX 6.2 với công cụ DivX Converter đi kèm bộ sản phẩm DivX, xử lý một đoạn phim dài 24 giây, chuẩn 1080p và với Profile là Home Theater về cảnh lũ trẻ đang ăn hoa quả. Thử nghiệm ứng dụng Windows Media Encoder lại hơi khác. Xử lý một đoạn phim dài 2 phút về cảnh mọi người đang lướt sóng trên bờ biển với độ phân giải chuẩn là 720x480, được chuyển đổi với công cụ Windows Media Encoder 9 thành 320x240, 282Kbps. Bảng mã audio là Window Media Audio 9.1 và video là WMA9 Advanced Profile.
Bộ vi xử lý Core 2 Duo tiếp tục thể hiện hiệu suất hoạt động hàng đầu đầy ấn tượng. Bộ vi xử lý Core 2 Duo tốc độ 2,66GHz chạy ứng dụng thử nghiệm mã hóa DivX nhanh hơn 22% và ứng dụng WMV9 thì nhanh hơn 17%. Đây là những con số cực kỳ ấn tượng khi so sánh những bộ vi xử lý hơi khác nhau. Chúng tôi thực sự rất muốn so sánh bộ vi xử lý Core 2 Duo với bộ vi xử lý FX-62 thật sự, nhưng chúng tôi vẫn tin là sẽ không có sự khác biệt quá lớn nào xảy ra.
Hiệu suất hoạt động của game
Chuẩn đánh giá 3D mới nhất của FutureMark, 3DMark06 là chương trình kiểm tra tổng hợp chúng tôi sử dụng để đánh giá hiệu suất hoạt động của video card. Đó là chương trình kiểm tra duy nhất mà chúng tôi sử dụng không phải là một game thực sự. Mặc dù chương trình này không thể hiện chính xác 100% khối lượng tải của các game (hiện tại cũng như tương lai) nhưng vẫn tạo ra một khối lượng tải tương xứng về chất lượng đồ họa trong game cho video card, vì vậy chương trình này rất phù hợp để chúng tôi làm thử nghiệm. Phiên bản mới này còn tập trung vào các bộ vi xử lý nhiều hơn hẳn so với phiên bản 3DMark05.
Intel chỉ nhỉnh hơn một chút trong thử nghiệm này – với lại, đây chủ yếu là chương trình đánh giá đồ họa. Điều đáng nói ở đây là bộ vi xử lý mới Core 2 Duo mang lại hiệu suất hoạt động cao hơn 9% trong thử nghiệm bộ vi xử lý, mặc dù tốc độ xung nhịp đồng hồ thấp hơn 5%.
Hãy nhớ lại 1 hay 2 năm đầu tiên của bộ vi xử lý Pentium 4 và Athlon 64, khi nào thì bạn thấy các bộ vi xử lý AMD tốt nhất tạo ra hiệu suất hoạt động nhanh hơn 20-30% trong gần như tất cả các game mà bạn đang chơi?
Các bảng này rõ ràng cho ta thấy sự khác biệt. Chúng tôi đã chạy các game ở độ phân giải 1024x768 và tắt các tính năng AA và AF để giúp các hệ thống không bị giới hạn bởi hiệu suất hoạt động chồng hình của GPU (bộ vi xử lý đồ họa), nhưng chúng tôi tối đa hóa tất cả các lựa chọn đồ họa khác (độ phân giải bề mặt, các hiệu ứng đặc biệt...) nhằm đảm bảo rằng kênh truyền hệ thống luôn được tối đa hóa càng cao càng tốt.
Sự khác biệt về hiệu suất hoạt động trong các game là rất quan trọng, chúng tôi đã phải chạy một vài lần hầu hết các game chỉ để đảm bảo rằng các kết quả đó là chính xác. Sau đó, chúng tôi lại phải kiểm tra các phiên bản game để đảm bảo tất cả đều đã được cài đặt những cập nhật mới nhất. Chúng tôi đang nói về con số 15% tới 30% và thậm chí là 54% trong trường hợp của game Half-Life 2: The Lost Coast. Sự khác biệt về hiệu suất hoạt động trong trường hợp này là quá cao vì thế chúng tôi đã phải chạy kiểm tra tới 4 lần trên mỗi hệ thống kiểm tra và đều phải kiểm tra lại các thiết lập hệ thống cho mỗi lần chạy.
Hào hứng với Core
Chúng tôi rất hào hứng với nền tảng vi kiến trúc Core. Những con số hiệu suất hoạt động ở trên là cực kỳ tiềm năng. Nên nhớ rằng hệ thống của AMD mà chúng tôi kiểm tra có hiệu suất hoạt động gần như tương đương với hệ thống cao cấp nhất của AMD hiện nay là FX-62 trong khi bộ vi xử lý Core 2 Duo không phải là bộ vi xử lý cao cấp nhất của Intel. Thay vào đó, hệ thống này chỉ là bộ vi xử lý cao cấp thứ nhì của Intel, đứng sau hệ thống Core 2 Extreme. Thế mà bộ vi xử lý này vẫn tạo ra một hiệu suất hoạt động cao hơn so với hệ thống của AMD.
Tất nhiên, những con số này vẫn còn là quá sớm. Mặc dù chúng tôi tự tin rằng những hệ thống mà chúng tôi kiểm tra thử nghiệm không phải là những hệ thống mà Intel lắp ráp một cách đặc biệt để có được những kết quả vượt trội như trên nhưng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng chứng nhận 100% cho sản phẩm này cho tới khi chúng tôi có cơ hội kiểm tra những hệ thống này trong những phòng thí nghiệm của riêng mình và trên những hệ thống do chính chúng tôi lắp đặt.
Một điều rất đáng nói nữa là hệ thống của Intel mà chúng tôi kiểm tra vận hành yên tĩnh hơn rất nhiều so với hệ thống FX-60 của AMD đã được đôn xung. Chúng tôi không phải ở trong một môi trường lý tưởng để có thể đánh giá chính xác nhất về độ ồn thực tế nhưng vẫn có thể nhìn thấy ngay điều này vì bộ vi xử lý Intel có mức tiêu thụ điện năng là 65W trong khi các bộ vi xử lý của AMD là 110W. Những kết quả kiểm tra sớm này cho thấy khả năng Intel nâng cao hiệu suất hoạt động đồng thời hạ thấp mức tiêu thụ điện năng trong các sản phẩm của mình đang ngày càng được hiện thực hóa. Cũng như mọi khi, chúng tôi sẽ có nhiều đánh giá khách quan hơn khi chúng tôi có những hệ thống của riêng mình để thử nghiệm.