Bộ GD đánh giá tình hình đăng ký dự thi THPTQG và xét tuyển ĐH 2017
Thời gian đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển rút ngắn Việc đăng ký dự thi năm 2017 vẫn được triển khai ở các trường THPT và Trung tâm GDTX như năm 2015 và 2016 nên về cơ bản các đơn vị đăng ký dự thi đã quen với công việc này. Tuy nhiên, trong quy định về thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, ...
Thời gian đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển rút ngắn
Việc đăng ký dự thi năm 2017 vẫn được triển khai ở các trường THPT và Trung tâm GDTX như năm 2015 và 2016 nên về cơ bản các đơn vị đăng ký dự thi đã quen với công việc này. Tuy nhiên, trong quy định về thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 có một số điểm mới nên công tác tổ chức ĐKDT và ĐKXT khó khăn hơn:
Thời gian ĐKDT và ĐKXT năm 2017 ngắn hơn các năm 2016, 2015 là 10 ngày trong khi đó khối lượng công việc tăng lên nhiều lần do năm nay thí sinh ĐKXT cùng với ĐKDT và các điểm ĐKDT ngoài việc nhập và rà soát nhập dữ liệu ĐKDT còn phải nhập và rà soát thông tin ĐKXT của thí sinh.
Với quy định tổ chức thi bài thi tổ hợp và những điều chỉnh trong quy định xét tuyển, thí sinh cần phải nắm vững các quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh để có thể điền chính xác các thông tin vào Phiếu ĐKDT và Phiếu ĐKXT.
Nhiều biện pháp tích cực được triển khai
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của các sở GDĐT, đặc biệt tập trung vào những điểm mới và các vấn đề sai sót thường xảy ra ở các năm trước, đồng thời tập huấn sử dụng phần mềm tổ chức thi THPT quốc gia cho các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của sở.
Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ (thituyensinh.vn) cung cấp đầy đủ các Quy chế, văn bản hướng dẫn và thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh có thể tham khảo và điền thông tin chính xác vào Phiếu ĐKDT và Phiếu ĐKXT.
Để trả lời các vướng mắc của thí sinh, phụ huynh, các sở, trường, Bộ GDĐT đã thiết lập và công khai các số điện thoại, email trực thi - tuyển sinh.
Để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống, Bộ GDĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các giám đốc sở, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm. Kênh thông tin này đã phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo các địa phương tổ chức cho thí sinh ĐKDT và ĐKXT.
Trung tâm truyền thông của Bộ đã phối hợp với các báo, đài kịp để trả lời các băn khoăn thắc mắc của thí sinh.
Nhưng vấn đề được nhiều thí sinh hỏi đã được trả lời trực tiếp trên cổng thông tin của Bộ.
75% thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH
Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 cùng lúc với đăng ký dự thi nên các trường ĐH đã công bố cụ thể đề án tuyển sinh của mình 10 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký. Do thông tin về kỳ thi được cung cấp đầy đủ từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận đăng ký dự thi đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ.
Các sở GDĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối. Trong những ngày gần kết thúc thời gian đăng ký vừa rồi, có lúc lưu lượng nhập dữ liệu tăng cao, nhưng bộ phận công nghệ thông tin đã có phương án máy chủ dự phòng để tăng cường lúc cao điểm.
Trong thời gian đăng ký, hệ thống CNTT hoạt động ổn định, thông suốt. Các sở GDĐT cũng đã phân tán việc nhập dữ liệu về các trường THPT nên không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Nhiều sở GDĐT đã kết thúc nhập dữ liệu lên hệ thống sớm hơn dự kiến. Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Số lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội tăng “đột biến”
Các năm trước, chủ yếu thí sinh chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống toán - lý - hoá (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn - sử - địa (khối C cũ), nên số thí sinh đăng ký dự thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia cao vượt trội so với các môn khoa học xã hội.
Tuy nhiên, với phương án thi năm 2017 có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Với quy định như vậy, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào ĐH, thí sinh cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.
Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc cũng giúp cho thí sinh ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn.
Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn.
Đó chính là những lý do số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH tăng lên nhiều (trong khi thí sinh chọn bài thi KHTN vẫn giữ ổn định như các năm trước).
Trung bình mỗi thí sinh lựa chọn 4-5 nguyện vọng xét tuyển
Việc cho phép thi sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn giúp cho thí sinh chọn được ngành mình yêu thích ở các trường có mức điểm trúng tuyển khác nhau.
Những năm trước, trong đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký vào 2 trường với 4 nguyện vọng. Do đó thí sinh không thể đăng ký cả 4 nguyện vọng này cùng một ngành được. Đối với các trường thì khi cho phép thi sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng nên việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn.
Bộ cũng đã lường trước được việc này nên đã có giải pháp hỗ trợ các trường trong lọc ảo. Bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất.
Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của Bộ. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên.
Để xử lý vấn đề thí sinh ảo hiệu quả, các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX năm ngoái do Trường ĐHBK Hà Nội chủ trì. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những thí sinh trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.
Thực tế cho thấy dù năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 nguyện vọng xét tuyển. Thậm chí có đến 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển duy nhất, 30% thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng.
Điều này cho thấy thí sinh rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi. Đồng thời, thí sinh cũng đã biết phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học để không cần phải điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Qua phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy đa số thí sinh đã có suy nghĩ kỹ càng khi thực hiện đăng ký, đó là đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến. Tổng số nguyện vọng vì thế khoảng 4-5.
Với cách thức đăng ký xét tuyển mà các em đã thực hiện như vậy thì sau khi có kết quả thi sẽ có ít thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, trừ những thí sinh có kết quả thi lệch xa xa với kết quả mà các em dự kiến.
Một bức tranh hoàn toàn khác
Nhiều năm trước cứ mỗi lần đến mùa thi thì dư luận xã hội lại băn khoăn việc có ít thí sinh chọn thi các môn xã hội. Nhiều phòng thi chỉ có một vài thí sinh thi môn sử khiến xã hội lo lắng. Nhưng kết quả đăng ký dự thi năm nay đã cho thấy bức tranh hoàn toàn khác, thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn bài thi khoa học tự nhiên mặc dù khi đăng ký xét tuyển vào đại học khối ngành tự nhiên vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội.
Đây là tín hiệu tích cực vì với việc đăng ký chọn bài thi KHXH, các em phải dành thời gian ôn tập nhiều cho các môn này. Vì thế, việc học cũng toàn diện hơn, không chỉ nghiêng về một vài môn mà các em xác định dùng để xét tuyển ĐH theo các khối xét tuyển truyền thống như trước.
Sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này rõ ràng có tác động không nhỏ của việc đổi mới thi/tuyển sinh nói chung và đổi mới phương thức thi, cấu trúc bài thi nói riêng mà Bộ đang tiến hành.
Bằng việc đổi mới thi đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình.
Theo thethaohangngay