14/01/2018, 22:28

Bộ đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2016 - 2017 Đề kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 có đáp án Bộ đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 có thêm tài liệu ôn thi ...

Bộ đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 có thêm tài liệu ôn thi chuẩn bị tốt cho kì thi học kì 2 sắp diễn ra, VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu: . Bộ đề được sưu tầm và chọn lọc từ những đề thi hay của các trường THPT trên toàn quốc, nội dung đề thi bám sát chương trình học, cấu trúc trình bày rõ ràng và khoa học. Thông qua các đề thi các em sẽ nắm vững nội dung kiến thức môn học, rèn luyện kỹ năng giải đề.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh năm học 2016 - 2017 

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Nguyễn Du, TP Hồ Chí Minh năm học 2016 - 2017

ĐỀ SỐ 1

SỞ GD & ĐT BẮC GIANG
TRƯỜNG THPT YÊN DŨNG SỐ 3

(Đề kiểm tra có 01 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn 12
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. (2) Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng. (3) Đó phải chăng là một ý tưởng tốt? (4) Nếu mọi người chấp nhận nó, phải chăng đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm? (5) Không hẳn. (6) Tư duy số đông cho rằng Trái đất là tâm điểm của vũ trụ, nhưng Copernicus nghiên cứu những vì sao, các hành tinh và chứng minh một cách khoa học rằng Trái đất và những hành tinh khác trong thái dương hệ của chúng ta đang quay quanh Mặt trời. (7) Tư duy số đông cho rằng phẫu thuật không cần những dụng cụ y tế sạch, nhưng Joseph Lister đã nghiên cứu tỉ lệ tử vong cao trong các bệnh viện và giới thiệu biện pháp khử trùng, ngay lập tức cứu được bao nhiêu mạng người. (8) Tư duy số đông cho rằng phụ nữ không nên có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên những người như Emmeline Pankhurst và Susan B.Anthony đã đấu tranh và giành được quyền đó. (9) Tư duy số đông đưa Hitler lên nắm quyền lực ở Đức, nhưng đế chế của Hitler đã giết hại hàng triệu người và gần như tàn phá cả châu Âu. (10) Chúng ta luôn cần nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa sự chấp nhận và trí tuệ. (11) Mọi người có thể nói rằng có sự an toàn trong một số trường hợp tư duy số đông, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng.

(Trích Tôi tư duy, tôi thành đạt - John Maxwell)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Đoạn trích trình bày ý theo cách nào trong các cách sau đây? (0,5 điểm)

A. Diễn dịch
B. Quy nạp
C. Móc xích
D. Song hành
E. Tổng - phân - hợp

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn văn từ câu (6) đến câu (9). (1,0 điểm)

Câu 4. Qua đoạn trích trên, anh/chị hiểu thế nào là tư duy số đông? Anh/Chị ứng xử với tư duy số đông như thế nào? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Tư duy số đông có phải là lực cản của sự thành công?

Anh/Chị hãy trả lời câu hỏi trên bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

------ Hết ------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ tên học sinh:...............SBD:.....................

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Câu 2. Cách trình bày ý của đoạn văn trên: E. Tổng - phân - hợp

Câu 3

  • Phép lặp cấu trúc
  • Tác dụng: Nhấn mạnh vấn đề cần bàn luận, giọng điệu hùng biện lôi cuốn hấp dẫn thể hiện nhiệt huyết của người viết; tạo sự liên kết về hình thức giữa các câu..

Câu 4

  • Tư duy số đông là cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá của đa số, của đại bộ phận tầng lớp trong xã hội về vấn đề, hiện tượng nào đó.
  • Cách ứng xử với tư duy số đông:
    • Cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và có chính kiến riêng
    • Tránh a dua theo đám đông mà thiếu sáng suốt.
    • Tư duy số đông không phải lúc nào cũng đúng nhưng cũng cần lắng nghe để xác lập cho bản thân một cách nghĩ đúng và một cách làm đúng.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo thể thức của đoạn văn, sử dụng phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tư duy số đông có phải là lực cản của sự thành công?

c. Nội dung nghị luận: thí sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách, dưới dây là một số gợi ý về nội dung:

  • Đồng tình: Nếu quan niệm thành công là sáng tạo, là tạo ra những khác biệt mang tính đột phá thì tư duy số đông nhiều khi lại tạo ra đường mòn, hạn chế tìm tòi trong suy nghĩ và hành động của con người. Khi đó, tư duy số đông sẽ là lực cản của thành công.
  • Phản đối: Cũng có người quan niệm thành công là đạt được mục tiêu đề ra trong cuộc sống. Trên con đường thực hiện mục tiêu, con người cần phải biết lắng nghe và khi đó có cách nhìn nhận, đánh giá của số đông cũng có những tác dụng nhất định: Thể hiện xu hướng, trào lưu phổ biến nào đó; cảnh báo tính khả thi của mục tiêu đặt ra; chỉ ra hướng tiếp cận với công chúng... Khi đó, tư duy số đông không phải là lực cản của sự thành công, ngược lại có ý nghĩa quan trọng với việc mang lại thành công.
  • Vừa đồng tình, vừa phản đối:
    • Tư duy số đông là lực cản nếu con người chưa đủ năng lực tìm tòi cái mới, cái riêng cho suy nghĩ và hành động của mình. Con người sẽ bị lệ thuộc vào cách nghĩ, cách làm của số đông.
    • Tư duy số đông của có thể là lực đẩy, thôi thúc người ta tìm kiếm cách nghĩ, cách làm riêng, nỗ lực tìm tòi, kiến tạo những giá trị mới.

d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với đặc trưng tiếp nhận văn học, diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình.

e. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo các quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu,...

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nhân vật người đàn bà hàng chài

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nhân vật
  • Người đàn bà vô danh, ngoại hình thô kệch, số phận bất hạnh... là hiện thân của cuộc sống nghèo khổ.
  • Tuy quê mùa thất học, sống cam chịu, nhẫn nhục nhưng chị rất sâu sắc thấu hiểu lẽ đời; giàu đức hi sinh, vị tha, bao dung; thương yêu con vô bờ bến và biết chắt chiu hạnh phúc đời thường.
  • Tác giả đã đặt nhân vật vào những tình huống khác nhau, vào nhiều mối quan hệ; bút pháp khắc họa theo lối tương phản, ngôn ngữ sinh động phù hợp với tính cách...
  • Người đàn bà hàng chài mang trong mình vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam tần tảo, nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh..
  • Nhà văn cảm thông, thấu hiểu và trân trọng, ngợi ca những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.

d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với đặc trưng tiếp nhận văn học, diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình; làm bật nét riêng của mỗi đoạn thơ,...

e. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo các quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu,...

ĐỀ SỐ 2

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH THUẬN
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề này có 4 trang)
KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 12
Năm học: 2016 – 2017
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc kỹ ngữ liệu và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3

"Nhưng anh không đánh đổi
nơi mẹ anh cắt rốn cho anh
không đánh đổi
quả dưa nương hiền hậu
lấy trái cây tẩm độc
không đánh đổi
khoai lệ phố
lấy khoai tây đầy dư lượng thuốc rầy

Sau bao năm chiến tranh
cha mẹ anh
về dựng lại ngôi nhà
vách đất tranh tre
anh không đánh đổi nhà cha mẹ mình
lấy những lời hứa hẹn linh tinh

Và anh không đánh đổi
biển của Lạc Long Quân
đất của Âu Cơ
anh không đánh đổi
Việt Nam hình chữ S
lấy bất cứ thứ gì khác
[...]"

(Trích Không đánh đổi, Thanh Thảo, Báo Văn nghệ ngày 04/02/2015)

Câu 1 (1,0 điểm). Ngữ liệu trên thuộc thể loại gì? Phương thức biểu đạt chính?

Câu 2 (1,0 điểm). Nêu ngắn gọn nội dung mà ngữ liệu tập trung thể hiện.

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định một biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều lần trong ngữ liệu và chỉ ra tác dụng.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1⁄2 trang giấy làm bài) trình bày suy nghĩ của mình về một vấn đề xã hội trong phần ngữ liệu Đọc hiểumà anh, chị thấy tâm đắc.

Câu 2 (5,0 điểm). Phân tích diễn biến tâm lí, hành động của nhân vật Mị từ khi thấy A Phủ bị trói đến khi chạy theo A Phủ trong truyện Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài.

(Theo sách Ngữ văn 12, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016)

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

* Yêu cầu chung

  • Về kỹ năng: Tạo lập được văn bản, có bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lý luận sắc sảo, ít mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
  • Về nội dung:
    • Phần đọc hiểu: Trả lời chính xác từng nội dung ở mỗi câu hỏi.
    • Phần làm văn: Học sinh, học viên làm bài (gọi tắt là TS) có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau tùy vào sự sáng tạo của mình nhưng phải đạt được những kiến thức và kỹ năng cơ bản ở phần yêu cầu cụ thể.

* Yêu cầu cụ thể

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1.

  • Ngữ liệu trên thuộc thể loại thơ. TS có thể trả lời là thơ tự do (0,5 điểm).
  • Phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu là biểu cảm (0,5 điểm).

Câu 2. Nội dung ngữ liệu tập trung thể hiện:

  • Điểm 1,0: Thể hiện thái độ dứt khoát không đánh đổi những gì thân thuộc, quý giá của đời mình (quê hương, nhà cửa của cha mẹ, đất nước) để đổi lấy bất cứ thứ gì khác.
  • Điểm 0,5: Có bám vào nội dung đoạn thơ để nói nhưng diễn đạt còn rối, chưa rõ ý.
  • Điểm 00: Trả lời sai lệch hoàn toàn nội dung đoạn thơ.

Lưu ý: GV linh hoạt ở mốc điểm 0,75 và 0,25 nhằm đảm bảo đánh giá đúng năng lực TS.

Câu 3. Xác định biện pháp nghệ thuật: 0,5 điểm; chỉ ra tác dụng: 0,5 điểm

  • Biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất là: phép điệp (lặp) "không đánh đổi".
  • Tác dụng:
    • Tạo âm hưởng, tiết tấu dồn dập, dứt khoát, rắn rỏi (0,25 điểm);
    • Làm nổi bật tinh thần dân tộc của tác giả hoặc TS có thể trả lời khác đi, nhưng miễn không trượt ra ngoài ý "tinh thần dân tộc" của tác giả là chấp nhận (0,25 điểm).

II. Phần Làm văn

Câu 1 (2,0 điểm)

Đề yêu cầu chỉ viết 1 đoạn văn (khoảng 1⁄2 trang giấy kiểm tra), nên bài làm của TS chỉ cần đạt được một số yêu cầu sau:

1. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn (0,25 điểm)

  • Điểm 0,25: Đoạn văn có thể triển khai một cách linh hoạt theo nhiều cách khác nhau, song phải đảm bảo cấu trúc đoạn, vận dụng tốt thao tác lập luận. Diễn đạt, kết cấu, ý tứ phải rõ ràng, mạch lạc – lô-gích.
  • Điểm 00: Chưa đáp ứng được yêu cầu trên.

2. Biết xác định vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

  • Điểm 0,25: Biết xác định một vấn đề xã hội trong ngữ liệu Đọc hiểu.
  • Điểm 00: Chưa xác định được vấn đề.

3. Nội dung (1,0 điểm). Chỉ yêu cầu TS chọn một vấn đề xã hội trong ngữ liệu mà mình tâm đắc để viết đoạn văn. Ví dụ: vấn đề an toàn thực phẩm, vấn đề di sản của mẹ cha, vấn đề chủ quyền đất nước...Cho nên nội dung đoạn văn cần toát lên:

  • Sự nhận thức chính xác, sâu sắc về vấn đề mình tâm đắc;
  • TS biết liên hệ đến trách nhiệm của bản thân, biết rút ra bài học đúng đắn.

4. Sự sáng tạo (0,25 điểm)

  • Điểm 0,25: Có cách viết sáng tạo, có ý hay, có chính kiến riêng.
  • Điểm 00: Chưa đáp ứng được yêu cầu trên.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm)

  • Điểm 0,25: Ít mắc lỗi chính tả, biết cách dùng từ, ít sai ngữ pháp.
  • Điểm 00: Còn mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp thông thường.

Lưu ý: GV cân nhắc cho điểm "sáng tạo" cho linh hoạt. Tránh cho điểm chung chung và cũng tránh yêu cầu quá cao về sự sáng tạo trong viết đoạn văn.

Câu 2 (5,0 điểm)

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. Có dấu hiệu bố cục 3 phần nhưng cách trình bày chưa thật rõ ràng.
  • Điểm 00: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Phân tích được diễn biến tâm lí và hành động của Mị từ khi thấy A Phủ bị trói đến khi chạy theo A Phủ.
  • Điểm 0,25: Không đi sâu vào trọng tâm, phân tích chung chung về nhân vật.
  • Điểm 00: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

3. Triển khai thành các luận điểm (3,0 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp. Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ. Sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải thao tác chính là thao tác phân tích). Biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng sát hợp. Nội dung cơ bản phải đảm bảo các ý sau:

a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm– hoàn cảnh sáng tác (0,5 điểm).

b. Trình bày sơ lược về nhân vật về nhân vật Mị (0,25 điểm)

c. Phân tích diễn biến tâm lí, hành động (1,75 điểm)

c.1. Khi thấy A Phủ bị trói, mắt trừng trừng, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay: chứng tỏ Mị khô cạn cảm xúc (0,25 điểm).

c.2. Khi thấy nước mắt A Phủ, Mị xúc động mãnh liệt và nhận thức được nhiều điều sâu sắc: nhớ cảnh ngộ đời mình, đồng cảm, thương người, căm thù sự độc ác của bọn cường quyền... (0,75 điểm).

c.3. Mị đã cắt dây trói, giải phóng cho A Phủ và tự giải phóng cho chính mình: Mị có khát vọng được sống – được tự do hết sức mãnh liệt, có một sức sống tiềm tàng, có một "sức bật" (khả năng đấu tranh, phản kháng) hết sức kì diệu (0,75 điểm).

d. Đánh giá, khái quát (0,5 điểm)

  • Miêu tả tâm lí và hành động nhân vật chân thực, tinh tế; lời kể xúc động, mượt mà (0,25 điểm).
  • Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo (0,25 điểm)

4. Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Bài viết thể hiện được cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá vấn đề có chính kiến riêng một cách hợp lý và biết liên hệ so sánh để làm nổi bật yêu cầu của đề.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được nửa yêu cầu trên.
  • Điểm 00: Chưa đáp ứng được các yêu cầu.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Ít mắc lỗi chính tả, biết cách dùng từ, ít sai ngữ pháp.
  • Điểm 0,25: Còn mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp thông thường.
  • Điểm 00: Mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt còn rối, đôi câu tối nghĩa.

Lưu ý chung:

  • Phần Đọc hiểu: Chỉ yêu cầu dừng lại ở mức độ tư duy nhận biết, thông hiểu nhằm tạo điều kiện cho TS có năng lực học tập trung bình hoặc trung bình yếu có thể làm bài. Nên Gv không được yêu cầu cao hơn.
  • Phần làm văn: Gv phải chú ý đến những bài diễn đạt trôi chảy, văn có hình ảnh, có cảm xúc, tỏ ra có năng khiếu, xem mối tương quan giữa các nội dung trình bày, nếu nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu ở từng mốc điểm so với đáp án, GV cần xem xét để cho con điểm hợp lý.

Tài liệu vẫn còn, mời bạn tải về

0