28/05/2017, 00:27

Bình giảng đoạn thơ “Mùa thu nay khác rồi …” trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ trong "Đất nước” của Nguyễn Đình Thi: "Mùa thu nay khác rồi Những buổi ngày xưa vọng nói về" Đất nước là chủ đề quan trọng nhất trong thơ Nguyễn Đình Thi. Ông viết về đất nước với niềm cảm hứng mãnh liệt, tha thiết: say đắm trước vẻ dẹp của đất trời ...

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ trong "Đất nước” của Nguyễn Đình Thi: "Mùa thu nay khác rồi Những buổi ngày xưa vọng nói về" Đất nước là chủ đề quan trọng nhất trong thơ Nguyễn Đình Thi. Ông viết về đất nước với niềm cảm hứng mãnh liệt, tha thiết: say đắm trước vẻ dẹp của đất trời quê hương có "Cánh cò bay lả dập dờn, mây mù che đỉnh Trường sơn sớm chiều"; đau xé lòng khi phải chứng kiến cảnh "dây thép gai dâm nát ...

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ trong "Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
"Mùa thu nay khác rồi
Những buổi ngày xưa vọng nói về"   

Đất nước là chủ đề quan trọng nhất trong thơ Nguyễn Đình Thi. Ông viết về đất nước với niềm cảm hứng mãnh liệt, tha thiết: say đắm trước vẻ dẹp của đất trời quê hương có "Cánh cò bay lả dập dờn, mây mù che đỉnh Trường sơn sớm chiều"; đau xé lòng khi phải chứng kiến cảnh "dây thép gai dâm nát trời chiều"; tự hào kiêu hãnh khi nước Việt Nam, "rũ bùn đứng dậy sáng lòa"… Vì thế thơ về đất nước của Nguyễn Đình Thi thường giàu tính sử thi, giàu cảm xúc, có nhiều bài, nhiều đoạn sâu sắc. "Đất nước" là một bài như thế.

Bài thơ khởi nguồn từ 1948 và hoàn thành năm 1955, nghĩa là đã trải dọc gần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Nhưng đây không phải là thơ tự sự, mà là thơ cảm xúc, trữ tình. Vì thế mạch cảm xúc phát triển theo tiếng nói bên trong của con người. Bài thơ là sự liên kết các mảng tâm trạng trong một chủ đề chung hướng về đất nước.

Đoạn thơ trích nằm trong phần một của bài thơ, tiếp ngay sau những hoài niệm về mùa thu đẹp và buồn của Hà Nội xưa, một nỗi buồn man mác bâng khuâng trải dài theo các dãy phố "xao xác hơi may"; hay đọng lại trên những bậc "thềm nắng lá rơi đầy”.

Nhưng rồi ngay sau đó, tác giả dường như chợt bừng tỉnh, để quay trở lại điểm như ban đầu là một buổi "sáng mát trong" thoang thoảng "hương cốm mới" giữa chiến khu Việt Bắc. Và từ đó mạch xúc cảm của tác giả lại chuyển từ mùa thu của thiên nhiễn về với mùa thu của đất nước để cất lên một tiếng reo vui:
Mùa thu nay khác rồi.

"Mùa thu nay" là mùa thu năm 1948, một thời điểm đáng ghi nhớ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau thắng lợi của chiến dịch Thu đông Việt Bắc 1947, căn cứ kháng chiến được củng cô vững chắc, khí thế của quân và dân ta đang đi lên, niềm tin cũng theo đó mà dâng đầy, con người có thể "đứng vui nghe" kiêu hãnh giữa đất trời cao rộng với một niềm tin vui hồ hởi, phấn chấn, khỏe khoắn. Và tất cả những gi nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy cũng đều cộng hưởng niềm vui ấy: trời như cao xanh hơn, nắng như trong trẻo vàng; tươi hơn, không khí như nhẹ hơn, dịu hơn, cây cỏ như sinh động hơn… Cả trời dường như đã được "thay áo mới". Trong cái thanh, cái nhẹ, cái cao ấy thì các am thanh dường như cũng vang ngân hơn "trong biếc nói cười thiết tha".

Nhịp thơ đi là nhịp đập gấp gáp của con tim đang xúc động, năm chữ sáu chữ xen kẽ nhau. Nhạc thơ nhiều nốt bổng – những thanh sắc có âm cao liên tiếp, "phấp phới", "áo mới", "trong biếc"… "Một thứ nhịp điệu cua hình ảnh tình ý, nói chung là của tâm hồn" (Nguyễn Đình Thi), mà tâm hồn nhà thơ thì như đan xen hòa nhập vào niềm vui của cuộc đời, của đất nước đổi thay.

Trời xanh đây là của chúng ta ,

Núi rừng đây là của chúng ta.

Cùng một cảm hứng như thế, ngày xưa Lý Thường Kiệt từng lên tiếng khẳng định chủ quyền của "Nam quốc sơn hà", Nguyễn Trãi từng hào hứng tuyên bố địa giới của nước Đại Việt "Núi sông bờ cõi đã chia", và đương thời Tố Hữu cũng viết:

Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia đồi nọ sông này của ta,
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

Đó là tư thế của con người chiến thắng đã làm chủ non sông gấm vóc (khi thất bại, ông Nguyễn Khuyến đã phải than "Cúi trông bể đất, ngửa lên thẹn trời”). Khát vọng ngàn đời của dân tộc giờ đây đang là hiện thực. "Trời xanh" và "núi rừng" được kết hợp với một từ đây – xác định một cách cụ thể rõ ràng được nhắc lại hai lần – và cũng hai lần vang ngân điệp khúc "của chúng ta". Tự hào biết mấy! Có cảm giác như nhà thơ đang muôn ôm ghì cả đất trời để cảm nhận cho hết nỗi hạnh phúc được làm chủ đất trời tự do của mình. Mà đất nước lại đẹp và giàu đến nhường nào:

Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Khổ thơ dày đặc những âm vang ngân nga và bay bổng, vẫn những diệp từ, vẫn những hình ảnh thân quen của đất mẹ theo nhau xuất hiện như không bao giờ hết, thêm vào đó lại là những tính từ và danh từ gợi tả "thơm mát”, "bát ngát", "đỏ nặng phù sa". Nó nhân lên gấp bội niềm tự hào và cũng nhân lên gấp bội tình yêu sâu nặng thiết tha của con người làm chủ đối với cái tài sản vô giá này.

Rồi từ những cái hữu hình cụ thể ấy, cảm hứng suy tưởng của tác giả lại vươn tới cái vô hình, cái hồn của đất nước vọng về từ trong thẳm sâu lịch sử, mạch cảm hứng lại một lần nữa trỏ về quá khứ xa xăm:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.

 

dat nuoc cua nguyen dinh thi

Không phải là quá khứ đau khổ buồn mà là quá khứ đầy tự hào của một dân tộc bất khuất, quá khứ được nhắc đến trong một bối cảnh thiêng liêng trang trọng, một tiếng nói vọng về từ lòng đất giữa đêm sâu, ấy là tiếng nói của lịch sử, của cha ông; tiếng nói ấy được đón nhận tận trong thẳm sâu của tâm hồn con người hôm nay. Nó trầm lắng thiết tha, nó không hướng tới cái bên ngoài nữa mà hướng thẳng vào nội tâm, vào những suy tư sâu lắng của nhà thơ. Và đây cũng lại là một nét quen thuộc nữa của phong cách thơ Nguyễn Đình Thi: kết hợp cảm xúc với chính luận.

 
Bài thơ còn nhiều câu hay, nhưng theo ý tôi, đây là đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất và sâu lắng nhất. Nó đúng là "tiếng nói chuyện của tâm hồn với chính nó" như tác giả đã nói.
 
Theo: Thái Bảo
0