Bình giảng bài thơ Vội Vàng
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy bình giảng bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (Bài văn phân tích của bạn Đào Hồng Hạnh lớp 11A5 trường THPT chuyên Hòa Bình). BÀI LÀM Ai tìm hiểu về thơ Mới 1930-1945 ắt hẳn sẽ ngạc nhiên lắm. Đó là thời kì hội tụ đủ mọi cái tôi độc ...
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy bình giảng bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (Bài văn phân tích của bạn Đào Hồng Hạnh lớp 11A5 trường THPT chuyên Hòa Bình).
BÀI LÀM
Ai tìm hiểu về thơ Mới 1930-1945 ắt hẳn sẽ ngạc nhiên lắm. Đó là thời kì hội tụ đủ mọi cái tôi độc đáo và tài năng. Có Huy Cận “ảo não”, Nguyễn Bính “quê mùa”, Lưu Trọng Lư “mơ màng”, Phạm Huy Thông “hùng tráng”, Nguyễn Nhược Pháp “trong sáng”… Góp mặt trên bản nhạc đặc sắc ấy cũng không thể thiếu cái tên Xuân Diệu – một hồn thơ “thiết tha, rạo rực”. Bài thơ “Vội vàng” là thi phẩm mà tôi yêu thích nhất. Nó chứng tỏ được tài năng, phong cách và tâm hồn của một “Ông Hoàng thơ tình” thực thụ.
Xuân Diệu là ngọn bút thi ca đa sắc thái. Ở thơ Xuân Diệu, thi sĩ thể hiện cái tôi vừa ham hố, vồ vập vừa thao thức cũng vô cùng hăng say tận hưởng. Những triết lý về đời, về mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ rất tiến bộ và nhân văn. Bài thơ “Vội vàng” cùng nhiều tác phẩm khác như “Nguyệt cầm”, “Thơ duyên”, “Đây mùa thu tới”… đã đưa tên tuổi Xuân Diệu lên thành nhà thơ “mới nhất” trong các nhà thơ Mới thời kì văn học 1930-1945. Bài thơ “Vội vàng” cũng là triết lí nhân sinh quan của một tâm hồn khao khát giao cảm với đời và mang đến bức tranh thiên nhiên xuân sắc xuân tình tựa địa đàng tuyệt thế nơi trần gian.
>>>Xem thêm:
- Bình giảng đoạn đầu bài thơ Vội Vàng
- Soạn bài Vội Vàng của Xuân Diệu lớp 11
- Phân tích 13 câu thơ đầu trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu
Bao trùm cảm xúc trong bài thơ chính là khát vọng tận hưởng tận hiến. Khát vọng ấy buộc thi sĩ phải hành động. Một đoạn thơ ngũ ngôn mở đầu tóm gọn nội dung và thông điệp tác phẩm:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Thật là một ước vọng phi lý. Chẳng có ai mà “tắt nắng” hay “buộc gió” được cả. Điều gì đã thôi thúc thi sĩ làm cái chuyện phi lý ấy. Nguyên do chính là “màu đừng nhạt”, “hương đừng bay”. Thế ra, Xuân Diệu đang muốn giữ lại mọi hương sắc và nguồn sống đẹp đẽ, dồi dào nhất của trời đất. Các động từ “tắt”, “buộc” càng thể hiện quyết tâm mãnh liệt đó.
Tiếp theo, thi sĩ dường như cố bày ra một “thiên đường trên mặt đất” để lí giải tại sao lại khát khao được níu giữ hương sắc cuộc đời đến thế:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Chưa bao giờ, chưa ở đâu ta có thể chạm tới không gian tuyệt vời đến thế. Nơi này, tại nơi này đây có một chốn thiên đường, thiên đường của xuân – thanh – sắc – hương – tình. Mọi thứ từ ong bướm, hoa cỏ, cây lá, yến anh… như đang say trong điệu vũ của hương thơm, thanh âm trong trẻo và tình ái ngọt ngào. Tất cả như say đắm. Rồi luồng ánh sáng của thần Vui reo rắc như cộng hưởng cho bức tranh thêm đậm vị. Tất cả hấp dẫn và mời gọi tựa bờ môi đầy đặn, ngọt thơm đang kề gần của một thiếu nữ. Xuân Diệu phô hết mọi giác quan cảm nhận và dùng bút pháp ước lệ để viết lên những vần thơ tuyệt bút.
Cùng với tâm hồn khát khao giao cảm với đời, Xuân Diệu cũng là người hay sợ. Vì quá yêu, quá đắm say với cuộc đời và vì ý thức rõ ràng quan niệm của thời gian, do đó Xuân Diệu mới có tâm lí sống “vội vàng”. Ý thơ chuyển mình đúng như phong cách vẫn thấy trong thơ Xuân Diệu:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Thật là một dấu chấm lặng trong lòng người! Cuộc đời đẹp lắm, nhưng quy luật nghiệt ngã của thời gian chẳng ai tránh khỏi.
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,”
“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
Những câu thơ đầy dự cảm. Trong hạnh phúc đã thấy chia li, trong màu xuân đã có màu mùa hạ, trong sự sống đã có cái chết.
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”
Thời gian có thể vĩnh hằng nhưng tuổi trẻ thì được mấy mươi năm, chớp mắt cuộc đời đã đi quá nửa. Hơn nữa “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, mỗi người cũng chỉ có một cuộc đời. Thời gian đã đi qua sẽ không bao giờ trở lại nữa.
“Chẳng bao giờ. Ôi! Chẳng bao giờ nữa…”
Tiếng than, tiếng gọi dâng trào trong những thán từ “ôi” khiến người sống bình thản nhất cũng phải giật mình. Bước đi của thời gian càng đáng sợ với một kẻ luôn muốn sống và tận hưởng mãi mãi như Xuân Diệu.
Và tất yếu, chẳng còn cách nào khác ngoài việc giục giã sống “vội vàng”.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Chính vườn xuân ta gặp lúc đầu kia lại xuất hiện. Tình cảm con người cũng tiến triển. Thi nhân không còn chỉ ở vai trò của người ngoài cuộc chứng kiến nữa mà đã thực sự bước chân vào để mà “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “chếnh choáng”, “đã đầy”, “non nê” và đỉnh cao dồn lại trong hành động “cắn”. Nếu không phải một cõi lòng yêu đời, ham sống, ham tận hưởng làm sao có được những câu thơ mãnh liệt tới vậy?
Tóm lại, bài thơ “Vội vàng” là sự hội tụ của rất nhiều cái “mới” trong cả nội dung và nghệ thuật. Nghệ thuật bao gồm bút pháp, hình ảnh, ngôn từ, diễn đạt… rất sáng tạo. Nội dung bao gồm các tình cảm mới và quan niệm nhân sinh tiến bộ. Xuân Diệu muốn mang tới bức thông điệp: mỹ cảnh ở ngay trần thế này, hãy tận hưởng và tận hiến khi có thể!
>>>Xem thêm:
- Phân tích bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu
- Cảm nhận 13 câu thơ đầu trong bài thơ Vội Vàng