25/05/2017, 00:50

Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Văn mẫu lớp 12

Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Văn mẫu lớp 12 4.8 (96%) 380 votes Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống ...

Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Văn mẫu lớp 12 4.8 (96%) 380 votes Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những năm 1970, 1971,… ông sống và hoạt động tại chiến ...

Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội

Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những năm 1970, 1971,… ông sống và hoạt động tại chiến trường Trị – Thiên; trường ca “Mặt đường khát vọng” được ông sáng tác vào thời gian ấy. Chương V “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”.

“… Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoà thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

“Mặt đường khát vọng” là trường ca độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, ra đời trong chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ, tại chiến trường Trị – Thiên – một điểm nóng – trên chiến trường miền Nam vào năm 1971. Bài thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong bài “Có một thời đại mới trong thi ca”, Trần Mạnh Hảo viết:

“Vào đêm giao thừa  Tết âm lịch 1973 – 1974, dưới rừng Phước Long, chúng tôi xúc động nghe trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm phát trên Đài phát thanh. Những suy nghĩ về đất nước, về dân tộc đã được nhà thơ hiện đại hoá bằng chất suy tư lắng đọng và cảm xúc mãnh liệt”.

“Đất Nước” – là chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng” dài 110 câu thơ (trong “Văn 12” chỉ trích 89 câu). Phần đầu (42 câu) là cảm nhận của nhà thơ trẻ về Đất Nước trong cội nguồn sâu xa văn hóa – lịch sử, và trong sự gắn bó thân thiết với đời sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam. Phần thứ hai, cảm hứng chủ đạo về Đất Nước là sự ngợi ca, khẳng định tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân. Từ đó, nhà thơ nhận diện phát hiện Đất Nước trên bình diện về địa lý, lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tinh thần dân tộc – nền văn hiến Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo của chương V “Đất Nước” là tác giả vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hoá dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục…, cùng với cách diễn đạt bình dị, hiện đại gây ấn tượng vừa gần gũi vừa mới mẻ cho người đọc.

Mười ba câu thơ dưới đây trích trong phần đầu chương “Đất nước” thể hiện cảm nhận: Đất Nước gắn bó thân thiết với mỗi con người Việt nam:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

(…)

Làm nên Đất Nước muôn đời…”.

Trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, hai từ Đất Nước và Nhân Dân đều được viết hoa, trở thành “mĩ tự” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về Đất Nước và Nhân Dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào. Cấu trúc đoạn thơ 13 câu thơ là cấu trúc tổng – phân – hợp mà ta cảm nhận được tính chất chính luận của ngòi bút thơ Nguyễn Khoa Điềm.

1. Hai câu thơ mở đoạn là sự thức nhận chân lý về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử,… Đất Nước gần gũi và gắn bó thân thiết với “anh và em”, với mọi người:

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước”.

Chỉ “một phần” nhỏ bé thôi, nhưng xiết bao gần gũi, gắn bó, yêu thương và tự hào. Từ khái niệm, ý niệm “mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của Đất Nước” được diễn đạt một cách “mềm hóa” qua tiếng nói tâm tình của lứa đôi, của “anh và em”.

Bảy câu thơ tiếp theo mở rộng ý thơ trên từ “hai đứa” đến “mọi người”, từ “hôm nay” đến “ngày mai” và muôn đời mai sau.

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”.

Ở phần trước, nhà thơ cảm nhận: “Đất Nước là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm – Đất Nước là nơi ta hò hẹn – Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Và “khi hai đứa cầm tay” thì một mái ấm, tổ ấm gia đình đã được xây dựng. Gia đình là “một phần” của Đất Nước. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hòa, nồng thắm” với tình yêu quê hương Đất Nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu và đằm về nỗi “nhớ”:

“Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…”.

Từ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi mà biết yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước, mới có thể có tình nghĩa sâu nặng “Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”, mới tìm thấy đất nước quê hương cả trong niềm vui và nỗi đau của anh, của em, của bao lứa đôi khác:

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những lần trốn học bị đòn roi.

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi”.

(Giang Nam)

Nói về cội nguồn của giòng giống, của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại sự tích “Trăm trứng”: “Đất là nơi Chim về – Nước là nơi Rồng ở – Lạc Long Quân và Âu Cơ – Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng – Những ai đã khuất – Những ai bây giờ…”. Từ huyền thoại thiêng liêng ấy mới có ý thơ này:

“Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn”

Hai chữ “cầm tay” trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay” có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. “Khi hai chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,… Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có hình ảnh “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”, mới có đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hòa, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất Nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, và chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”.

Bốn câu thơ trên đây cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: “Khi hai đứa cầm tay”… “Khi chúng ta cầm tay mọi người”, “Đất Nước hài hoà nồng thắm…”. “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”. Cách diễn đạt uyển chuyển, sinh động ấy có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc: hình thức này thể hiện nội dung ấy, nội dung ấy được diễn đạt bằng hình thức này. Phép đối xứng làm cho thơ liền mạch, hài hòa, gắn bó, thể hiện rõ ý thơ: tình yêu lứa đôi, tổ ấm hạnh phúc, gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là những tình cảm đẹp, làm nên truyền thống “yêu nước, yêu nhà, yêu người” và đó là sức mạnh Việt Nam.

Đất nước “Nguồn thiêng ông cha”, đất nước “Trong anh và em hôm nay”, đất nước trong mai sau. Như một nhắn nhủ, như một kỳ vọng sáng ngời niềm tin:

“Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng”.

Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Sơn Nam… đã tạo nên giọng điệu Nam Bộ hấp dẫn trong thơ ca và truyện của mình. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải,… cũng có một giọng điệu riêng “rất Huế”, dễ thương dịu ngọt. Hai tiếng “mai này” là cách nói của bà con xứ Huế.

Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông “Gánh vác phần người đi trước để lại” xây dựng đất nước ta “Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà “anh và em”, mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực “mai này” gần.

Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

“Em ơi em” – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về Đất Nước: “Đất Nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì “Đất Nước là máu xương của mình” nên Trần Vàng Sao đã viết:

“Nuôi lớn người từ ngày mở đất,

Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật

Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng”.

(“Bài thơ của một người yêu nước mình” 19/12/1967)

Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hóa thân…” thì mới có thể “Làm nên Đất Nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ” như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.

Trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến, đề tài quê hương đất nước được tô đậm bằng nhiều bài thơ kiệt tác, những đoạn thơ hay, những câu thơ tuyệt cú. Cảm hứng về đất nước được diễn tả bằng nhiều tứ thơ độc đáo, mang phong cách sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ. Chất trữ tình thấm đẫm dư ba. Đất nước trong máu lửa mới mang cảm xúc sâu nặng thế. Đây là tiếng nói ở hai đầu đất nước:

“Tôi yêu đất nước này chân thật

Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi

Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi

Và yêu tôi đã biết làm người

Cứ trông đất nước mình thống nhất”

(Trần Vàng Sao)

“Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

(Chế Lan Viên)

Trở lại đoạn thơ trên đây của Nguyễn Khoa Điềm. Tứ thơ rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai Đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.

“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình…” – một tứ thơ rất đẹp! Một tứ thơ lung linh mang vẻ đẹp trí tuệ! Lúc hòa bình phải biết đem “trí lực” để xây dựng Đất Nước, “làm nên Đất Nước muôn đời”, Đất nước “to đẹp hơn đàng hoàng hơn”. Lúc có chiến tranh phải đem xương máu để bảo toàn Sông núi. “Gắn bó, san sẻ, hóa thân” cho Đất Nước, ấy là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng, ấy là tình yêu Đất Nước của “anh và em” hôm nay, của thế hệ Việt Nam “Mai này con ta lớn lên”…

Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 2

Thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã có nhiều tác phẩm xuất sắc. Với phong cách trữ tình chính luận, giàu suy tư, xúc cảm dồn nén nhất là khi viết về đất nước con người Việt Nam, các tác phẩm của ông đều được đánh giá cao. Và "Đất nước" là một ví dụ điển hình. Đoạn trích "Đất nước" là phần đầu của chương V trích Trường ca Mặt đường khát vọng. Trường ca này viết về sự thức tỉnh tuổi trẻ vùng đô thị tạm chiến miền Nam, về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đoạn trích "Đất nước" được sáng tác từ sự cảm nhận về cội nguồn sâu xa của đất nước trên các phương diện: văn hóa, lịch sử, địa lý. Tác giả khẳng định: "Đất nước này là của nhân dân". Từ đó thức tỉnh tuổi trẻ xuống đường chống đế quốc Mỹ. Toàn bộ bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm lần lượt lý giải những câu hỏi: Đất nước có từ bao giờ? Đất nước là gì? Ai đã làm nên đất nước? Xuyên suốt bài thơ, tác giả làm sáng tỏ những câu hỏi trên. Tác giả đã đưa người đọc trở về với cội nguồn của đất nước. Nhà thơ lặng ngắm và quan sát đất nước dung dị đời thường. Đặc biệt tài năng sử dụng tài tình chất liệu văn hóa dân gian được thể hiện rất rõ trong tác phẩm: "cha mẹ thương nhau gừng cay muối mặn", "tóc mẹ thì bới sau đầu", "nơi em đánh rơi chiếc khăn tring nỗi nhớ thầm"….. Chất liệu ca dao dân ca được tác giả sử dụng rất sáng tạo, gợi cảm giác gần gũi với người đọc.

Cách định nghĩa về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng rất độc đáo. Nhà thơ định nghĩa bằng cách triết tự. Đó là trả lời các câu hỏi: đất là gì? Nước là gì? Rồi ghép lại đất nước là gì. Bằng cách giải thích chúng trên chiều dài lịch sử, không gian, thời gian, địa lý… nhà thơ đã cho người đọc thấy được đất nước không phải là cái gì đó xa xôi mà kết tinh hóa thân trong mỗi con người. Từ đó, tác giả nêu ra ý thức trách nhiệm mà mỗi người cần phải có. Đất nước là một phần cơ thể, "là máu xương của mình" vì vậy mà phải biết bảo vệ nó. Bảo vệ đất nước là bảo vệ chính mình. Đó là định nghĩa đất nước.

Lí giải ai đã làm ra đất nước, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục soi ngắm trên các phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa. Ông khẳng định: "Đất nước này là của nhân dân". Và điều đặc biệt ở những câu thơ của ông trong tác phẩm luôn có chất liệu ca dao với những nét đẹp tiêu biểu: say đắm trong tình yêu, quí trọng tình nghĩa hay kiên trì bền bỉ trong đấu tranh. Cái mới của nhà thơ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng chất liệu ca dao. Ông còn sáng tạo hơn đó là chỉ lựa chọn một số ý trong ca dao chứ không trích dẫn nguyên văn toàn bộ. Điểm sáng của tác phẩm này chính là tư tưởng đất nước là của nhân dân. Đất nước là đề tài quen thuộc. Tư tưởng đất nước là của nhân dân đã từng xuất hiện trong quan niệm của thời đại trước. Như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo từng viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Hay Phan Bội Châu: "dân là dân nước, nước là nước dân". Đến những nhà thơ cùng thời, Nguyễn Đình Thi: "Ôi đất nước những người áo vải – Đã đứng lên thành những anh hùng". Nguyễn khoa điềm lại thể hiện tư tưởng ấy ở nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa, địa lý… Ông đã có những cách nói mới, phát hiện mới.

Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm cũng thể hiện nét trữ tình – chính luận của phong cách Nguyễn Khoa Điềm. Phong cách này khiến cho triết lý không khô khan mà đi vào lòng người. Để đạt được điều đó, bài thơ đã được nhất quán về giọng điệu. Một giọng điệu tâm tình tha thiết, lắng sâu như cuộc trò chuyện của chàng trai và cô gái yêu nhau. Hình ảnh được sử dụng trong thơ cũng rất chi tiết, gần gũi và đời thường. Đặc biệt là việc sử dụng chất liệu được rút ra từ kho tàng văn học dân gian. Tất cả những yếu tố này đã khiến cho bài thơ được người đọc đón nhận đông đảo.

Tóm lại, "Đất nước" là một tác phẩm hay viết về chủ đề quê hương đất nước con người Việt Nam. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt văn chương nghệ thuật mà còn chứa đựng tư tưởng đúng đắn, có tác động lớn đến khả năng vận động mọi người xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược mà ngay từ đầu đã là mục đích sáng tác bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 3

Đối với mỗi chúng ta, khi nhắc về đất nước, ta thường đồng nhất khái niệm ấy với những điều thiêng liêng, to lớn, xa xôi, trừu tượng. Nhưng khi đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trích trong trường ca Mặt đường khát vọng nhận ra rằng đất nước không trừu tượng, xa xôi như thế, đất nước gần gũi bình dị, thân thương ,ân tình và mỗi người đều tìm thấy đất nước trong chính mình. Nó không chỉ là mảnh đất đã ấp ủ, chắt chiu nuôi ta lớn mà hơn thế, đất nước đã trở thành một phần hoà chảy cùng dòng máu nóng trong cơ thể, thành những nhịp đập trong trái tim ta và từ đó trong mỗi chúng ta đều có một phần Đất nước. Điều giản dị mà thiêng liêng này được Nguyễn Khoa Điềm viết:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước

Trong lửa đạn chiến tranh, trong sự anh dũng hi sinh của đồng bào mình, sự tàn bạo của quân thù, con người tra sẽ cảm nhận rõ hơn và sâu sắc hơn về đất nước, về truyền thống cha ông… Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong một hoàn cảnh như thế để rồi từ đó ngân lên những câu thơ thật xúc động, những lời thơ thật yêu thương về Đất mẹ Việt Nam.

Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi,
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”
…mẹ thường hay kể………
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”.

Chỉ có một chương trong trường ca, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một sức cảm nhận khá tinh tế và toàn diện về hai chữ “Đất nước” thiêng liêng. Để rồi khi đọc xong tôi đã có cho mình một định nghĩa thật cụ thể về Đất nước. Đất nước ư? Có gì xa lạ đâu. Hãy nhìn vào lịch sử, vào cuộc sống quanh bạn và nhìn vào cả tâm hồn của bạn nữa. Đất nước chính là nơi đó. Đất nước là phong tục tập quán, là bản sắc văn hoá, là truyền thống muôn đời của cha ông. Đất nước là mảnh đất dưới chân ta, là ngọn núi, con sông… của mình dưới trời Và đặc biệt, Đất nước luôn ở bên ta, ở trong ta trong mỗi nấc thang cuộc đời đấy thôi.

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước

Khi ta cất tiếng khóc chào đời, mẹ cha ta đã giành cho ta tình yêu thương vô hạn, Đất nước đã giành cho ta những cái “ngày xửa ngày xưa” qua giọng kể của bà, những lời ru “ầu ơ” ngọt ngào bên cánh võng.

Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngảy xưa”…mẹ thường hay kể”

Ca dao, dân ca, những câu chuyện cổ tích, ở đó có tâm hồn cha ông, có điệu hồn dân tộc mà mỗi bé thơ khi cất tiếng khóc chào đời đều được lắng nghe và bay lên cùng ước mơ cổ tích trong ngần. Những câu chuyện cổ, những lời ru ấy là tiếng vọng về của cha ông ta, đã ấp ủ, vỗ về ta trong giấc ngủ say nồng của tuổi thơ và hơn thế còn tạo cho la một niềm tin. Niềm tin ấy có thể sẽ theo ta suốt cuộc đời – niềm tin về hạnh phúc con người:

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Của bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dầu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm Hoàng hậu

Ta dần lớn lên, chập chững những bước đi đầu tiên trên mặt đất và bập bẹ hai tiếng “ mẹ, cha” ngọng ngịu. Tiếng nói đầu tiên là tiếng “mẹ” yêu thương, tiếng nói đầu liên của ta cũng là tiếng nói của đất nước của cha ông ta có tự bao đời:

Họ truvền giọng điệu cho con tập nói

Tiếng nói ấy chính là “Hồn thiêng sông núi” (Huy Cận), là “Tấm lụa hứng vong hồn cha ông ta” (Hoài Thanh). Ngay từ tiếng nói đầu tiên ấy, ta đã trở thành con người đất Việt, “hồn thiêng sông núi” đã bắt đầu hình thành mạch ngầm trong huyết quản của ta.

Đất nước cũng lớn lên cùng những nhận thức về cuộc sống xung quanh chúng ta, cũng những hiểu biết về những giá trị văn hoá của cha ông để lại bởi vì đất nước có gì xa lạ đâu. Nó là những câu ca dao, dân ca, những câu chuyện những phong tục tập quán đẹp đẽ, lâu đời… Hiểu biết, trân trọng những gì cha ông để lại chính là ta hiểu về đất nước và đất nước nằm trong ta tự bao giờ. Chính vì thế, Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát thật chính xác.

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước

Phần “Đất nước” trong ta không ngừng lớn lên từ sự quan sát và cảm hiểu thiên nhiên, lịch sử, truyền thống đất nước, từ sự rung động đẹp đẽ trước một tác phẩm văn học dân tộc. Phải nói rằng, ngay từ khi ta sinh ra văn học đã giúp ra rất nhiều trong việc hình thành nuôi dưỡng phần đất nước trong tâm hồn chúng ta. Khi còn nằm trong nôi, đó là những câu ca dao, cổ tích… Lớn lên một chút là những tác phẩm văn học được học và tiếp xúc trên ghế nhà trường và trong cuộc sống. Khi tôi được làm quen với “phần đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm – chương “Đất nước” – tôi cảm thấy mình lớn hơn nhiều trong nhận thức về núi sông, con người quê tôi, trong nhận thức về bản thân mình, về tiếng nói của dân tộc tôi. Nguyễn Khoa Điềm đã giúp tôi làm phong phú, đa dạng phần đất nước trong tôi nhờ tác phẩm của ông.

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước

Câu thơ thật nhẹ nhàng mà thấm thìa. Với chương V – “Đất nước” Nguyễn Khoa Điềm cho ta gặp gỡ “phần Đất nước” trong ông, cho ta liếp xúc, hiểu thêm về một đất nước kiên cường, bất khuất mà cũng nhân ái chan hoà; thấm thía, hơn một chân lí “Đất nước này là đất nước Nhân dân”. Có thể, trước đây ta đã từng biết đến hình núi Vọng Phu cô đơn mà thuỷ chung; đến đất tổ Hùng Vương nhiều truyền thống, đến hòn Trống Mái bất diệt với trời xanh… nhưng liệu đã một lần ta tự hỏi những công trình đó là do đâu mà có, liệu đã có một lần nào ta nhìn cảnh đẹp mà nghĩ đến người làm nên nó, Nguyễn Khoa Điềm đã giúp bù đắp khoảng trống ấy.

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
…Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến cho la một cái nhìn theo chiều sâu dân tộc. Không dừng lại ở cảnh thiên nhiên thuần tuý, ông còn nghĩ đến những con người làm nên nó – những con người bình thường, vô danh. Có thể tôi đã đến Hạ Long nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến được “những con cóc, con gà quê hương đã góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Tôi đã thấm thìa một bài học về cách nhìn sự vật ở chiều sầu của nó. Tác giả đã giúp tôi hiểu sâu sắc về những nơi tôi đã đến, biết thêm những nơi tôi chưa đến. Tôi chưa một lần được đến với Quang nam – đến với Bút non Nghiên nhưng trong tôi đã có hình ảnh về những ngọn núi đẹp – gắn với truyền thuyết về những người học trò nghèo. Tôi biết thêm về dòng sông cửu Long xanh thẳm – bóng hình của những con rồng lộng lẫy; biết thêm về Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm nơi Nam Bộ xa xôi. Trong tôi hình thành một ước mong sẽ có một ngày được đến những nơi đó ngắm nhìn cảnh đẹp và thấm thía hơn công lao của nhân dân muôn đời.

Nguyễn Khoa Điềm đã nêu bật lên được một chân lí “đất nước của nhân dân”. Giản dị vậy thôi nhưng nó hàm chứa trong đó một tư tưởng lớn:

Và ở đâu trên khắp ruỗng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Không chỉ có Vịnh Hạ Long, có núi Vọng Phu, có đền Hùng… mà ở đáu trên đát nước Việt Nam này cũng in dấu bàn tay lao động của con người, cũng ghi lại tập tục, những ước mơ về cuộc sống của ông cha… Để có được cuộc hôm nay là bốn nghìn năm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc của biết bao thế hệ, bao con người. Nhân dân ta đã tạo nên Đất nước, gìn giữ mảnh đất bằng máu xương của mình, mang lại linh hồn cho nó bằng đời sống phong phú của. Nhờ có con người như thế mới có được Việt Nam hôm nay:

Con gái, con trai bàng tuổi chúng ta
Cần cù, làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Khi hoà bình, bằng bàn tay lao động, họ mang lại màu xanh bất tận cho đất ; thân yêu. Nhìn lại bất cứ thời kì nào, ta cũng thấy hình ảnh họ “cần cù, làm và anh dũng chiến đấu. Bài thơ đã buộc tôi phải quay lại nhìn vào lịch sử ở một góc độ khác để rồi từ đó trong tôi có một sự biết ơn và kính yêu vô hạn với những con người như thế. Tôi chưa có một cái tên cụ thể của họ, tôi chỉ biết gọi họ bằng hai tiếng “Nhân Dân” bình dị như chính cuộc đời họ vậy.

Không chỉ dựng xây đất nước, Nhân Dân chính là người gìn giữ, bảo vệ và làm trong sáng hơn truyền thống, điệu hồn dân tộc.

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyển di dân

Đã biết bao thế hệ đi qua, chúng ta có Việt Nam hôm nay. Nhưng thế hệ nay phải làm gì để đất nước ta đến được “những tháng ngày mơ mộng”

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời…

Đoạn trích đã mang đến cho tôi những nhận thức và tinh cảm mới mẻ về Đất nước. Không chỉ có thế, đoạn trích còn chỉ rõ cho tôi và bạn – thế hệ hôm nay – phải làm gì cho đất nước, non sông. Mảnh đất này đã thấm biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của thế hệ đã qua, mảnh đất này là sự hoá thân của bao người con gái, con trai. Điều có ý nghĩa duy nhất mà chúng ta có thể làm được để thể hiện lòng biết ơn với thế hệ đã qua là phải học tập để dựng xây, gìn giữ, bảo vệ những thành quả muôn đời của cha ông ta, để những đứa trẻ khi sinh ra nếu có được cái hạnh phúc lớn lao, có được “niềm tin rất thật” về “hạnh phúc có trên đời”, để cho mỗi người Việt Nam có “một phần Đất Nước” cho riêng mình thật phong phú, đa dạng mà cũng thật giản dị, gần gũi.

Chương V – “Đất Nước” được bao bọc bởi không khí của văn hoá dân gian Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rất linh hoạt và sáng tạo “phần Đất Nước” về ngôn ngữ dân tộc của mình. Đó không chỉ là cách sử dụng là thủ pháp nghệ thuật mà qua đó nó tập trung thể hiện tư tưởng chủ đạo, linh hồn của đoạn trích “Đất Nước của Nhân Dân”. Đọc đoạn trích, tôi thấy vốn liếng về văn hoá dân gian của mình thật quá ít ỏi và tài năng của Nguyễn Khoa Điềm trong việc sử dụng có sáng tạo ngôn ngữ dân tộc thật tài tình. Có khi ông trích nguyên văn một câu ca dao:

Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cú ngư ông móng nước biển khơi
Nhưng có khi chỉ bằng rất ít từ ông đã gợi tả lên một truyền thuyết:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Ấu Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Hay:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước…

Là người Việt Nam, ai chẳng hiểu về truyền thuyết Rồng Tiên bất hủ câu chuyện của một đôi vợ chồng yêu nhau mà đầy bất hạnh đớn đau, để cho đất nước một dáng hình Vọng Phu khắc khoải đợi chờ.

Bằng một câu thơ, Nguyễn Khoa Điềm vừa gợi được một câu ca dao, vừa được bài học qua cầu ca dao đó:

Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Đọc đoạn trích, ta càng hiểu hơn vẻ giàu đẹp và tinh tế của tiếng Việt thể diễn tả được nhiều biến thái của tầm trạng con người.

Đoạn trích là những câu thơ có phần tự do nhưng vẫn đi vào lòng người thấm thía ngay cả ở những lời tưởng khô cứng nhất.

Em ơi em, đất nước là máu xươngcủa mình
Phải biết gắn bó và san sẻ.

Đọc những dòng thơ của Nguyễn Khoa Điềm ta hiểu hơn, yêu hơn, thương hơn đất nước của mình. Yêu hơn quá khứ, hiện tại và hy vọng nhiều ở tương lai. Ta lớn lên, tự tin vững bước trên đường đời để xây dựng đất nước hiện tại và tương lai xứng với tầm vóc của lịch sử của quá khứ. Ta thấy tự hào, thân thương và thiêng liêng hơn khi biết trong mình có một phần đất nước.

Từ khóa tìm kiếm

  • bình giảng bài mặt đường khát vọng của Nuê

Bài viết liên quan

0