15/01/2018, 08:45

Bí quyết giúp học sinh giành giải thi Toán qua mạng

Bí quyết giúp học sinh giành giải thi Toán qua mạng Cách thi tốt Violympic Toán đạt điểm cao nhất Cô Nguyễn Thị Thúy Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chất Bình (Ninh Bình) đã chia sẻ bí quyết ...

Bí quyết giúp học sinh giành giải thi Toán qua mạng

Cô Nguyễn Thị Thúy Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chất Bình (Ninh Bình) đã chia sẻ bí quyết cho giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học dễ dàng vượt qua các vòng thi giải Toán qua mạng internet. Mời quý thầy cô và quý phụ huynh cùng tham khảo nhé!

Bộ đề thi Violympic Toán lớp 5 năm học 2016 - 2017

252 bài Toán luyện thi Violympic lớp 3

Cách thi Violympic Toán Tiếng Anh tốt, đạt điểm cao

Ôn thi Violympic Toán trực tuyến

Bài 1 thường là dạng xóa dần các ô có giá trị tăng dần hoặc đồng nhất

Mỗi vòng thi gồm 3 bài toán. Thông thường bài 1 là dạng xóa dần các ô có giá trị tăng dần hoặc đồng nhất với nhau.

Với dạng bài này, giáo viên hướng dẫn cho học sinh quan sát và suy luận để tìm các giá trị tăng dần hoặc đồng nhất với nhau để nhấp chuột vào những ô mà em đã chắc chắn đúng. Đối với các em chưa chắc chắn, hướng dẫn kẻ ô và ghi giá trị tương ứng.

Các ô có giá trị tăng dần thường là các giá trị số tương đối đơn giản ở các vòng thi đầu, các lớp 1, 2 nhưng đối với lớp 3, 4, 5 mức độ khó ngày càng tăng dần yêu cầu các em phải tính thật cẩn thận.

Nếu các ô cho sẵn là giá trị số đối với các lớp 1, 2 thì đơn giản nhưng các lớp 3, 4, 5 hoặc các vòng thi sau là giá trị của một biểu thức thì bắt buộc các em phải tính giá trị biểu thức ghi vào ô tương ứng sau đó mới tìm các giá trị tăng dần hoặc đồng nhất với nhau.

Thông thường các bài toán tìm giá trị đồng nhất với nhau là dạng toán đổi các đơn vị đo độ dài, khối lượng, thời gian, cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên, phân số… có dạng các ô là những phép tính để có kết quả giống nhau.

Giáo viên hướng dẫn các em tính giá trị của từng biểu thức đối với các ô có phép tính rồi đi tìm kết quả trực tiếp để nhấp xóa 2 ô liên tiếp. Trường hợp đổi các đơn vị đo các em rèn tính nhanh nhẹn bằng cách nhìn các chữ số tương ứng để nhấp chuột.

Có những phép tính có ngay kết quả để đối chiếu, nhưng có trường hợp cả hai phép tính mới ra kết quả, nên phải chú ý bởi nhấp sai 3 lần liên tục thì bài thi bị hủy.

Bài 2 có liên quan đến bốn phép tính cơ bản

Bài thứ hai trong mỗi vòng thi thường là đi tìm kim cương hoặc giúp thỏ vượt mê cung, hay giúp ô tô về đích sớm nhất, giúp khỉ treo móc kết quả với các phép tính.

Những bài toán dạng này có liên quan đến bốn phép tính cơ bản của số tự nhiên (lớp 1, 2, 3, 4, 5), phân số ( lớp 4, 5), số thập phân (lớp 5).

Các dạng toán có lời văn, tìm số trung bình cộng, tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó, tìm hai số khi biết tổng và tỷ số của hai số, tìm thành phần chưa biết dựa vào dữ kiện đề bài toán, tìm phân số của một số, tìm tỷ số phần trăm…

Bài toán dạng điền khuyết ở những ô số còn để trống cho học sinh điền trong phép cộng, trừ, hay nhân chia dạng tính có nhớ.

Đối với dạng này yêu cầu các em phải nắm vững kiến thức các thành phần của phép tính và đi tìm số thích hợp để điền vào ô trống còn thiếu và nhớ các trường hợp có nhớ để cân nhắc, tốt nhất cho học sinh tính và thử lại kỹ càng rồi mới điền kết quả vào ô trống sao cho chính xác và hiệu quả.

Bài toán có dạng trắc nghiệm lựa chọn yêu cầu học sinh suy luận nhanh để tìm ra đáp án đúng nhất. Các kết quả gần giống nhau yêu cầu học sinh phải nắm vững cách thực hiện, nếu không dễ bị sai.

Nên với phần này, khi ôn tập, giáo viên yêu cầu học sinh phải biết suy xét để tìm ra đáp án đúng nhất. Đối với những học sinh chưa nhanh nhẹn, hướng dẫn cách thực hiện để các em ra được đáp số chính xác.

Để giải các bài toán khó trên mạng và để bồi dưỡng cho học sinh, giáo viên phải là người trực tiếp tham gia giải toán. Giáo viên lấy đề ra trước, phỏng đoán tình hình học sinh của mình, nếu các em không có khả năng giải dạng bài nào, có thể tập trung các em lại và hướng dẫn dạng toán đó để các em tự giải.

Những bài toán giúp thỏ vượt mê cung hay giúp ô tô về đích phần đa số là dạng toán nâng cao, yêu cầu các em phải có suy luận. Nếu không được giáo viên hướng dẫn dạng toán này, không bao giờ học sinh làm được bởi trong chương trình học không có.

Bài 3 là dạng bài tổng hợp

Bài thứ ba trong mỗi vòng thi là dạng bài tổng hợp các kiến thức dạng số, toán đố, toán tính, giá trị của biểu thức và các dạng tính nhẩm nhanh kết quả. Thường có 10 câu hỏi trong bài làm vòng 3.

Giáo viên hướng dẫn học sinh xem toàn bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Các bài toán thường đưa về dạng nhẩm nhanh kết quả tính đối với lớp 4 thường hay nhẩm nhân 1 số với 1 tổng, 1 số với 1 hiệu ở dạng số tự nhiên để học sinh đưa về nhân 1 số tự nhiên với 10, 100, 1000… Còn lớp 5 thì lại nhân dạng 1 số thập phân với 10, 100, 100 hay nhân với 1, 0,1; 0,01; 0,001….

Các dạng toán tìm hai số khi biết tổng và tỷ số của hai số đó, đề thi thường cho ẩn tỷ số, muốn tính được phải đổi tỷ số từ số thập phân ra phân số hoặc ngược lại. Phần này giáo viên cần hướng dẫn học sinh nghiên của kỹ dạng đề và ngụ ý của đề toán và tìm ra ẩn số một cách nhanh nhất.

Chương trình bồi dưỡng: Cần được soạn thảo hợp lý, khoa học, sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Thúy Sơn cho rằng, vai trò của người thầy là hết sức quan trọng. Nếu học sinh có kiến thức cơ bản tốt, tố chất thông minh nhưng không đươc bồi dưỡng nâng cao tốt cũng không có hiệu quả.

Giáo viên phải lựa chọn đúng đối tượng học sinh bồi dưỡng, phải soạn thảo chương trình bồi dưỡng một cách hợp lý, khoa học, sáng tạo.

Cô Nguyễn Thị Thúy Sơn chia sẻ: Hiện nay, chương trình bồi dưỡng không có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng bài như chương trình sách giáo khoa hiện hành. Vì thế việc soạn thảo chương trình bồi dưỡng là việc làm khá khó khăn và phức tạp đối với giáo viên trực tiếp phụ trách.

Điều cần thiết là giáo viên cần nắm vững nội dung chương trình học và tôi chỉ đạo giáo viên ôn cho học sinh có hệ thống kiến thức đi từ đơn giản đến phức tạp, từ cơ bản đến nâng cao.

Để học sinh vững vàng về kiến thức, tôi yêu cầu giáo viên mở rộng nhiều dạng bài tập ở các tiết ôn trái buổi, mỗi dạng bài cần làm nhiều lần, đưa ra nhiều cách giải, thay đổi cách đặt câu hỏi trong bài để đa dạng thêm cách giải, cách suy luận.

Đồng thời, luôn luôn củng cố và nhắc lại, vì tâm lý học sinh tiểu học là dễ nhớ nhưng chóng quên cho nên càng nhắc nhiều càng khắc sâu được kiến thức cho học sinh.

Giáo viên cần phải đầu tư nhiều thời gian, tham khảo thêm nhiều tài liệu, lập nick vào thi như học sinh để thấy được những vướng mắc có thể xảy ra đối với học sinh.

Từ đó, giáo viên có định hướng đúng đắn, đúc rút và cô đọng nội dung ôn tập để truyền thụ cho học sinh một cách dễ hiểu nhất, các em nhớ lâu, vận dụng sâu kiến thức nhất, từ đó đạt hiệu quả cao ở mỗi vòng thi.

0