28/02/2018, 16:52

Bí ẩn 500 năm của danh họa Raphael được giải mã ở Vatican

Trong quá trình dọn dẹp Bảo tàng Vatican, các nhà phục chế đã bất ngờ phát hiện hai bức bích họa mà bậc thầy Raphael chưa kịp hoàn thành trước khi qua đời vào năm 1520. Một bí ẩn 500 năm ở Vatican vừa được giải mã. Hai bức họa của bậc thầy Phục hưng Raphael vừa được phát hiện trong quá trình ...

Trong quá trình dọn dẹp Bảo tàng Vatican, các nhà phục chế đã bất ngờ phát hiện hai bức bích họa mà bậc thầy Raphael chưa kịp hoàn thành trước khi qua đời vào năm 1520.

Một bí ẩn 500 năm ở Vatican vừa được giải mã. Hai bức họa của bậc thầy Phục hưng Raphael vừa được phát hiện trong quá trình dọn dẹp và phục chế một căn phòng trong Bảo tàng Vatican.

Các chuyên gia tin rằng đây là những tác phẩm cuối cùng của Raphael trước khi qua đời ở tuổi 37 vào năm 1520.

“Khi biết rằng đây là những nét vẽ cuối cùng của ông ấy, tôi gần như cảm thấy sự hiện diện của bậc thầy”, Fabio Piacentini, trưởng bộ phận phục chế của Vatican, nói với CNN.

Chân dung hai nhân vật nữ, một người đại diện cho Công lý, người kia đại diện cho Tình Bằng hữu, được Raphael khắc họa vào khoảng năm 1519 nhưng ông đã mất trước khi có thể hoàn thành phần còn lại của căn phòng. Sau khi ông qua đời, các họa sĩ khác đã hoàn thiện việc trang trí các phòng nhưng hai bức vẽ của Raphael đã bị bỏ quên.

Manh mối

Năm 1508, Raphael được Giáo hoàng Julius II ủy nhiệm trang trí các phòng trong Điện Tông Tòa, nơi ở chính thức của giáo hoàng. Danh họa đã hoàn thành 3 phòng, giờ được biết đến là “phòng Raphael”, với các bức bích họa nổi tiếng như "Trường học Athens".

Sau đó, ông đã lên kế hoạch trang trí phòng thứ tư, căn phòng lớn nhất dùng để thết tiệc được gọi là Sảnh Constantine. Ông dự định sơn dầu cho căn phòng thay vì dùng kỹ thuật sơn màu fresco truyền thống.

Chân dung nhân vật nữ đại diện cho Công lý trong bức bích họa mới của Raphael
Chân dung nhân vật nữ đại diện cho Công lý trong bức bích họa mới được khám phá của Raphael ở Bảo tàng Vatican. (Ảnh: CNN).

Cuốn sách cổ “Cuộc sống của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất” của Giorgio Vasari năm 1550 cho biết Raphael đã bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật sơn dầu mới để khắc họa chân dung nhân vật.

Manh mối này là chìa khóa cho phát hiện mới đây. Khi các nhà phục chế bắt đầu lau dọn bức tường của Sảnh Constantine trong năm nay, họ nhận thấy chân dung hai nhân vật nữ được sơn dầu trong khi phần còn lại của căn phòng được trang trí bằng cách sử dụng kỹ thuật fresco.

Các bức ảnh chụp bằng tia cực tím và hồng ngoại đã khẳng định sự nghi ngờ của các học giả. Hai bức tranh sơn dầu cho thấy kỹ thuật tiên tiến hơn so với phần còn lại. Dưới con mắt chuyên gia, đây là một trong những lý do khẳng định tác giả là Raphael.

Dấu ấn bậc thầy

Nhà phục chế Vatican Fabio Piacentini nói rằng tác phẩm này thể hiện dấu ấn của Raphael. “Điều này được thể hiện trong cách di chuyển cọ vẽ, ngay cả sự tinh tế trong việc sử dụng đầu cọ để tạo ra những sợi tóc nhỏ”, Piacentini giải thích.

Raphael cũng tạo ra những sắc độ bất thường của màu sắc được dần dần hé lộ trong quá trình làm sạch. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy lớp vẽ phác thảo bên dưới hai nhân vật. Điều này chỉ ra tài năng bậc thầy của Raphael so với các họa sĩ non tay hơn khi không cần vẽ phác thảo.

Người đứng đầu Bảo tàng Vatican Barbara Jatta cho biết việc phục chế hai bức tranh và toàn bộ căn phòng sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2022. “Ngoài , đây là một trong những dự án quan trọng nhất trong những thập kỷ qua được thực hiện tại Bảo tàng Vatican”, bà nói.

Bức bích họa
Bức bích họa của Raphael. (Ảnh: Creative Commons).

Mặc dù có vẻ như không còn kiệt tác nào khác ẩn giấu trên các bức tường của Vatican nhưng các nhà phục chế và học giả của bảo tàng vẫn luôn để mắt tìm kiếm. “Đó là điều tuyệt vời trong mỗi dự án. Chúng tôi vẫn tìm kiếm không ngừng”, Jatta nói.

Việc khôi phục hai bức tranh mới được phát hiện của Raphael và phần còn lại của Sảnh Constantine tại Vatican sẽ được hoàn thành vào năm 2022 với chi phí 2,7 triệu euro (khoảng 3,1 triệu USD).

Giám đốc Bảo tàng Vatican Barbara Jatta cho biết phần lớn chi phí đến nay được Hội Những người bảo trợ Nghệ thuật Vatican chi nhánh New York tài trợ. Những người bảo trợ là nhóm các nhà tài trợ đặc biệt, chủ yếu từ Mỹ, châu Âu và một phần ngày càng tăng từ châu Á, hỗ trợ việc phục chế các tác phẩm nghệ thuật ở Vatican.

“Chúng tôi có một cuốn sách điều ước hàng năm về các dự án quan trọng đang được tiến hành. Chúng tôi chia sẻ ý tưởng với họ”, Barbara Jatta nói.

Các cá nhân có thể trở thành thành viên của hội Người bảo trợ Nghệ thuật Vatican với lệ phí hàng năm là 600 USD. Qua đó, họ có thể đóng góp vào các dự án phục chế đặc biệt trong Sách Ước nguyện của Bảo tàng Vatican, đồng thời góp phần khôi phục và bảo vệ di sản văn hoá của Vatican cũng như thế giới.

0