Bất bình đẳng giới khiến con gái học kém toán
Ở những xã hội mà nam nữ được đối xử công bằng, con gái sẽ học toán tốt hơn, đôi khi còn vượt cả con trai. Nhưng ở những nước trọng nam kinh nữ, phái nữ dễ bị đuối môn toán. (Ảnh: ABC News) Trong nhiều thập kỷ nay, các ...
Ở những xã hội mà nam nữ được đối xử công bằng, con gái sẽ học toán tốt hơn, đôi khi còn vượt cả con trai. Nhưng ở những nước trọng nam kinh nữ, phái nữ dễ bị đuối môn toán.
(Ảnh: ABC News) |
Trong nhiều thập kỷ nay, các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi rằng vì sao con trai thường học toán giỏi hơn con gái. Liệu phái nam có khả năng tư duy logic tốt hơn và vì vậy đạt nhiều thành tích khoa học hơn? Hay con gái không được gia đình, xã hội khuyến khích đi theo ngành khoa học?
Nay các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm thấy ít nhất một câu trả lời: sự chênh lệch đó bắt nguồn từ nơi người con gái sống.
"Ở những xã hội có khoảng cách giới thấp thì sự chênh lệch trong trình độ học toán giữa 2 giới cũng thấp", nhà nghiên cứu Paola Sapienza tại Đại học Northwestern, Mỹ, khẳng định.
Trong nghiên cứu, nhóm đã xem xét điểm kiểm tra toán của hơn 276.000 học sinh đến từ 40 quốc gia. Theo đó, con gái trên toàn cầu có điểm toán thấp hơn trung bình 10,5 điểm so với con trai.
Thông thường, có 2 lý do cho sự cách biệt này: sinh học và môi trường sống. Về mặt sinh học, người ta cho rằng con trai có khả năng tư duy bẩm sinh giỏi hơn con gái. Nhưng ý kiến này không được nhiều người chấp thuận. Quan điểm về môi trường thì cho rằng con gái không học giỏi toán là bởi không được xã hội khuyến khích đi theo ngành khoa học tự nhiên.
Sapienza và cộng sự đã đối chiếu kết quả kiểm tra với từng quốc gia và thấy ở một số nước, sự chênh lệch điểm toán không tồn tại. Nhóm tiếp tục tìm hiểu về chỉ số bất bình đẳng giới của các nước, trong đó xác định khả năng tiếp cận với các nguồn chăm sóc sức khỏe và ngành nghề của giới nữ, cũng như vị trí của giới nữ trong các lực lượng lao động và bộ máy chính trị.
Kết quả cho thấy có mối tương quan giữa sự bất bình đẳng giới với sự chênh lệch giới trong điểm toán.
Ở Iceland, nước có chỉ số bình đẳng giới cao nhất, thì con gái cũng vượt điểm toán của con trai tới 14 điểm. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, có sự công bằng giới thấp nhất, thì con gái đạt điểm toán kém nhất, thấp hơn con trai 22,6 điểm.
Mặc dù nghiên cứu mới chỉ tìm hiểu một vài tác động của môi trường đến kết quả học toán của con gái, nhưng các nhà nghiên cứu cũng rút ra kết luận rằng sự bình đẳng giới đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực của giới nữ trong môn toán.