Bạn đọc bày trăm cách chữa viêm xoang, vì sao?
Qua câu hỏi “Có ai từng chiến thắng bệnh viêm xoang?” của T.L.T, bạn đọc khắp nơi đã chia sẻ quá nhiều cách điều trị khác nhau. Th.s BS Nguyễn Trương Khương – BV FV TP.HCM đã đưa thêm một số lưu ý từ trăm cách chữa trị thú vị này. Th.s, BS Nguyễn Trương Khương chẩn đoán ...
Qua câu hỏi “Có ai từng chiến thắng bệnh viêm xoang?” của T.L.T, bạn đọc khắp nơi đã chia sẻ quá nhiều cách điều trị khác nhau. Th.s BS Nguyễn Trương Khương – BV FV TP.HCM đã đưa thêm một số lưu ý từ trăm cách chữa trị thú vị này.
Th.s, BS Nguyễn Trương Khương chẩn đoán viêm xoang mũi qua hình ảnh – Ảnh tư liệu TT
Cách điều trị của bạn đọc thật đa dạng, người thì chỉ cần rửa mũi bằng nước muối hoặc tập thể dục; người kia thì dùng những bài thuốc dân gian; người khác lại cho rằng phải phẫu thuật. Thật sự, đâu là cách điều trị chính xác nhất và khi nào cần điều trị với phương pháp nào vẫn là mối lo lắng của rất nhiều bệnh nhân.
Hắt xì liên tục, chảy mũi có phải viêm xoang?
Viêm mũi xoang là một bệnh lý phức tạp, nhiều thể loại khác nhau, tuy nhiên trong dân gian hầu như chỉ sử dụng một tên gọi duy nhất là “viêm xoang” để chỉ cho các bệnh liên quan đến mũi xoang. Từ đó hiểu lầm về cách điều trị.
Chị Ngô Thị Bích H, quận 10, kể với chúng tôi tại phòng khám: “Tôi bị viêm xoang lâu lắm rồi, ngày nào cũng hắc xì sổ mũi, tự đi nhà thuốc mua kháng sinh và một mớ thuốc gì không biết uống vài hôm thì đỡ sau đó bị lại ngay, mỗi đợt bị thêm ngứa mũi, ngứa mắt rất khó chịu”
Vì sao mỗi người mỗi cách điều trị khác nhau? Bệnh lý viêm mũi xoang do nhiều yếu tố nguyên nhân tạo thành, từng bệnh nhân khác nhau có các yếu tố nguyên nhân khác nhau, điều này giải thích tại sao người này thích hợp với phương pháp điều trị này còn người kia thì hợp với một phương pháp điều trị khác. |
Sau khi thăm khám đầy đủ chúng tôi phát hiện chị bị bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Các triệu chứng hắt xì, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi ngứa mắt là bốn triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi xoang dị ứng, nguyên nhân cụ thể của chị là dị ứng với lông thú nuôi trong nhà.
Từ đó chị không nuôi thú nuôi trong nhà nữa, vệ sinh lại nhà cửa, sử dụng thuốc steroid xịt mũi, triệu chứng dường như thuyên giảm hoàn toàn, chị không phải đến nhà thuốc mua kháng sinh và “một mớ thuốc gì không biết” để uống nữa.
Định nghĩa về viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang được định nghĩa là tình trạng viêm của niêm mạc xoang và hố mũi. Các triệu chứng của viêm mũi xoang bao gồm hai hoặc nhiều triệu chứng trong đó phải có ít nhất một trong hai triệu chứng là nghẹt mũi hoặc chảy mũi.
Ngoài ra các triệu chứng khác có thể là nặng mặt, đau các vùng xoang và giảm hoặc mất mùi. Khi nội soi sẽ thấy mủ chảy ra từ khe mũi xoang, các khe mũi xoang bị phù nề và có thể có pô líp trong các khe mũi. Khi chụp phim cắt lớp mũi xoang (phim CT) sẽ có hình ảnh phù nề niêm mạc các lỗ thông xoang hoặc xoang.
Để điều trị hiệu quả, dựa vào thời gian người ta chia ra viêm mũi xoang thành các loại như sau:
Viêm mũi xoang cấp, bệnh diễn tiến dưới 12 tuần;
Viêm mũi xoang mạn, bệnh diễn tiến hơn 12 tuần;
Các yếu tố nguyên nhân này bao gồm:
Vi khuẩn: Bội nhiễm vi khuẩn sau khi nhiễm siêu vi (vi rút) là yếu tố nguyên nhân chính trong viêm mũi xoang cấp; Các vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenzae, và Moraxella Catarrhalis, ngoài ra còn có vi khuẩn kỵ khí và Staphylococcus aureus với tỷ lệ ít hơn.
Tổn thương tế bào lông chuyển: Khi bị nhiễm siêu vi, các tế bào lông chuyển sẽ bị mất đi, số lượng mất đi nhiều nhất sau một tuần và hồi phục trở lại sau 3 tuần. Trong gian đoạn này, chức năng vận chuyển chất nhầy của niêm mạc mũi xoang hoạt động kém hiệu quả.
Dị ứng: Khi bị dị ứng, niêm mạc mũi xoang phù nề, đặc biệt tại các lỗ thông xoang, làm cho sự thông khí của xoang kém, niêm dịch ứ đọng, do vậy dễ dẫn đến nhiễm trùng. Các tác nhân dị ứng thường gặp bao gồm: phân của con mạt bụi nhà (gây dị ứng quanh năm), lông thú nuôi, nấm mốc, dán, phấn hoa (gây dị ứng theo mùa) và thức ăn.
Tình trạng suy giảm miễn dịch: Người ta nhận thấy các globuline miễn dịch giảm khoảng từ 5-20% trong những trường hợp viêm mũi xoang khó điều trị và các trường hợp viêm mũi xoang mạn tính.
Gen di truyền: mặc dù viêm mũi xoang có tính chất gia đình, nhưng bất thường về gen hiện nay chưa tìm ra. Trừ hai trường hợp đặc biệt là bệnh xơ nang và hội chứng Kartagener (bệnh rất hiếm).
Thai kỳ và thay đổi nội tiết: khi có thai, sự ảnh hưởng của các hóc môn thai kỳ lên niêm mạc mũi và mạch máu mũi làm nghẹt mũi, ước tính có khoảng 25% phụ nữ có thai bị nghẹt mũi, tình trạng này dễ đưa đến viêm mũi xoang. Tình trạng suy giáp cũng ảnh hưởng đến viêm mũi xoang mạn tính.
Bất thường giải phẫu học của mũi xoang: các trường hợp vẹo vách ngăn, bóng khí cuốn mũi gây ra chèn ép, phì đại cuốn mũi dưới là các tình trạng làm cho sự dẫn lưu của mũi xoang kém do vậy viêm mũi xoang dễ xảy ra và khó điều trị dứt điểm. Những bất thường về răng, gây viêm xoang do răng cũng là một trong nhưng nguyên nhân viêm xoang hàm một bên mạn tính.
Môi trường: thuốc lá, khói bụi, hoá chất, những thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu là yếu tố nguyên nhân đối với các trường hợp viêm mũi xoang.
Nhiễm vi nấm: Một trong những nguyên nhân của viêm mũi xoang mạn tính là nhiễm vi nấm. Lý do nhiễm vi nấm có thể do dị ứng, tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.
Trào ngược: Trào ngược dạ dày họng thanh quản cũng là một yếu tố làm viêm họng, viêm vòm mũi họng và ảnh hưởng đến chức năng dẫn lưu của xoang dễ dưa đến viêm xoang.
Lo lắng và trầm cảm: nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa viêm mũi xoang cấp và lo lắng, trầm cảm về mặt lâm sàng tuy cơ chế vẫn chưa rõ ràng.
Phẫu thuật: Phẫu thuật không đúng làm tổn thương đường dẫn lưu tự nhiên của mũi xoang cũng góp phần làm cho viêm mũi xoang kéo dài và khó điều trị.
Kháng thuốc: do sự sử dụng kháng sinh không đúng, một số trường hợp viêm xoang bị nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc, do vậy bệnh kéo dài và khó điều trị.
Cứ 10 người bị cảm có một người viêm mũi xoang cấp
Khi bị nhiễm siêu vi đường hô hấp trên với các triệu chứng nhảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau họng, nóng sốt, đau nhức mình mẩy, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, giữ ấm, nhỏ thông mũi bằng nước muối sinh lý ấm, ăn uống nhẹ nhàng dễ tiêu, ngủ thật sâu bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày.
Tuy nhiên có thể do môi trường ô nhiễm, cơ thể người bệnh không đủ sức đề kháng do phải làm việc nhiều, stress, thiếu ngủ thì có khoảng 10% bệnh nhân bị nhiễm siêu vi sẽ chuyển sang viêm mũi xoang cấp với diễn tiến như: sau 5 ngày bệnh trở nên nặng hơn, hoặc sau 10 ngày mà bệnh vẫn không giảm với các triệu chứng và dấu hiệu như: bệnh nhân bị sốt cao hơn; dịch mũi trở nên đặc và có màu xanh; đau nhức các vùng xoang như vùng dưới hai bên gò má (vùng của xoang hàm), vùng trán (xoang trán), giữa hai cung mày hoặc trong hai ổ mắt (xoang sàng), vùng giữa và sau đầu (xoang bướm hoặc xoang sàng sau).
Chỉ cần tập thể dục và rửa mũi bệnh sẽ khỏi?
Khi được chẩn đoán viêm mũi xoang cấp, cách tốt nhất là phải điều trị với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn phòng ngừa các biến chứng nhiễm trùng ổ mắt, viêm màng não, áp xe não; kháng viêm, để chống phù nề niêm mạc, chống bít tắc lỗ thông xoang, tạo điều kiện cho sự dẫn lưu của xoang hồi phục; rửa mũi loại bỏ dịch tiết nhiễm trùng, làm sạch và thông thoáng mũi xoang, giúp niêm mạc mũi xoang mau hồi phục.
Cách lựa chọn kháng sinh, kháng viêm phải được bác sĩ thăm khám trực tiếp rồi quyết định. Thời gian điều trị có thể kéo dài 1-2 tuần hoặc đôi khi phải kéo dài đến 4 tuần.
Tuy nhiên, bên cạnh việc điều trị tích cực bằng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bệnh nhân tự mình cần phải xem xét các yếu tố nguyên nhân khác không kém phần quan trọng như tránh lạnh, máy lạnh nên để nhiệt độ vừa mát (khoảng 27-28 độ); tránh môi trường khói bụi ô nhiễm, vệ sinh phòng ngủ, vệ sinh phòng làm việc; tăng cường miễn dịch của cơ thể bằng cách ngủ đủ giờ (7-8 tiếng mỗi ngày), uống nhiều nước, bổ sung vitamine, tập thể dục, ăn uống đúng bữa và đầy đủ dinh dưỡng.
Viêm mũi xoang cấp nếu không điều trị đúng sẽ trở thành viêm mũi xoang mạn
Viêm mũi xoang cấp nếu không điều trị đúng sẽ đưa đến viêm mũi xoang mạn tính. Bệnh nhân có các triệu chứng viêm xoang kéo dài trên 3 tháng, âm ỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đáng kể.
Có những đợt cấp với các triệu chứng nặng hơn, sau khi điều trị sẽ hồi phục hẳn hoặc hồi phục một phần rồi sau đó lại tiếp diễn như vậy. Lâu dần, một số trường hợp viêm mũi xoang mạn sẽ trở nên có pô líp mũi, do phản ứng viêm mạn tính lâu ngày làm thoái hoá niêm mạc mũi xoang, niêm mạc trở nên phì đại, chứa nhiều nước và các tế bào viêm, khi đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Để thành công trong điều trị viêm mũi xoang mạn, cần rà soát kỹ các yếu tố nguyên nhân ở từng bệnh nhân. Cách điều trị căn bản để làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống là xịt steroid mũi, rữa mũi bằng nước muối sinh lý. Điều trị kháng sinh chỉ nên sử dụng trong những đợt cấp có nhiễm trùng.
Khi nào cần phẫu thuật?
Phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang được thực hiện trong các tình huống viêm mũi xoang mạn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa; viêm mũi xoang mạn tính có pô líp quá to; hoặc viêm mũi xoang có biến chứng như viêm ổ mắt, chèn dây thần kinh thị giác; hoặc viêm mũi xoang do bất thường cấu trúc, sâu răng, và đặc biệt là viêm mũi xoang do nấm.
Trước đây, khi chưa có máy nội soi, phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang là phẫu thuật nạo xoang gây rất nhiều biến chứng và không giải quyết triệt để bệnh.
Ngày nay, phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang được thực hiện dưới nội soi, ít chảy máu, ít đau, cho phép phẫu thuật chính xác mục tiêu cần phẫu thuật, các bất thường về giải phẫu được chỉnh sửa, pô líp được cắt bỏ, các lỗ thông xoang được mở rộng, bên trong xoang được hút rửa và sự dẫn lưu sinh lý của mũi xoang được thiết lập lại, từ đó triệu chứng của bệnh được cải thiện.
Theo nhiều nghiên cứu, đối với các trường hợp viêm mũi xoang mạn tính có chỉ định phẫu thuật, sau khi điều trị bằng phẫu thuật nội soi mũi xoang, khoảng 80-90% bệnh nhân đều hài lòng vì chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt.
Có nên điều trị bằng các loại thảo dược trong dân gian?
Hiện nay, theo tổng kết của nhiều công trình nghiên cứu, người ta vẫn chưa tìm đủ dữ liệu để công nhận vai trò của thảo dược trong điều trị viêm mũi xoang.
Trên thực tế vẫn có bệnh nhân hết bệnh khi điều trị bằng thảo dược vì thật ra thành phần của các loại thảo dược không ngoài các chất kháng sinh, kháng viêm, thông mũi và kháng dị ứng. Các chất này nhắm vào cơ chế trực tiếp gây viêm mũi xoang. Có thể áp dụng được trong những trường hợp nhẹ hoặc không có biến chứng.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người điều trị không hiệu quả với thảo dược, do bệnh lý viêm mũi xoang là bệnh lý có rất nhiều yếu tố nguyên nhân, cách điều trị lý tưởng phải là cách điều trị toàn diện đúng với các yếu tố nguyên nhân cho từng bệnh nhân. Không thể có một cách điều trị áp dụng thành công cho tất cả các trường hợp viêm xoang.
Và càng không có cách điều trị chấm dứt vĩnh viễn bệnh viêm xoang, vì lý do nếu tiếp xúc trở lại với nguyên nhân của bệnh, người bệnh sẽ mắc bệnh trở lại.
Hiện nay vẫn còn nhiều khúc mắc trong sinh lý bệnh và nguyên nhân của viêm mũi xoang mà y khoa hiện đại vẫn chưa nghiên cứu một cách rõ ràng.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh xa các tác nhân gây bệnh, tập thể dục, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi, làm việc giờ giấc là những yếu tố căn bản để có một bộ máy miễn dịch khoẻ mạnh bảo vệ tốt cho cơ thể nói chung và mũi xoang nói riêng.