28/05/2017, 21:16

Bài văn sáng tạo đạt điểm tuyệt đối của nữ sinh lớp 11

Bài kiểm tra văn của nữ sinh lớp 11 này được thầy giáo đánh giá cao. Thậm chí, thầy đã xóa điểm 9,5 và cho điểm tuyệt đối. Được biết đây là bài kiểm tra văn của một nữ sinh lớp 11 có tên là Nguyễn Danh Phương Thảo. Bài kiểm tra được điểm 10 tuyệt đối khiến nhiều người thấy bất ngờ và không khỏi ...

Bài kiểm tra văn của nữ sinh lớp 11 này được thầy giáo đánh giá cao. Thậm chí, thầy đã xóa điểm 9,5 và cho điểm tuyệt đối. Được biết đây là bài kiểm tra văn của một nữ sinh lớp 11 có tên là Nguyễn Danh Phương Thảo. Bài kiểm tra được điểm 10 tuyệt đối khiến nhiều người thấy bất ngờ và không khỏi ngưỡng mộ tài năng của cô gái. Đọc nội dung bài văn, có thể thấy nữ sinh này đã có những lập luận rất tinh tế và bám sát theo yêu cầu đề ra. Cùng với đó là sự sáng tạo ...

Bài kiểm tra văn của nữ sinh lớp 11 này được thầy giáo đánh giá cao. Thậm chí, thầy đã xóa điểm 9,5 và cho điểm tuyệt đối.

Được biết đây là bài kiểm tra văn của một nữ sinh lớp 11 có tên là Nguyễn Danh Phương Thảo. Bài kiểm tra được điểm 10 tuyệt đối khiến nhiều người thấy bất ngờ và không khỏi ngưỡng mộ tài năng của cô gái.

Đọc nội dung bài văn, có thể thấy nữ sinh này đã có những lập luận rất tinh tế và bám sát theo yêu cầu đề ra. Cùng với đó là sự sáng tạo và những suy luận khá logic.

Bài văn của nữ sinh Thảo đạt điểm tuyệt đối.

Bài kiểm tra văn nhận được sự đánh giá cao của thầy giáo. Ở phần lời phê, thầy giáo dành lời khen cho học trò của mình: "Bài viết có cảm xúc và suy tư,nhất là bám sát yêu cầu đề ra. Đáng khen”. Chính vì vậy, thầy đã quyết định cho bài kiểm tra của nữ sinh Thảo điểm tuyệt đối.

Dưới đây, xin trích đăng phần bài viết ở câu thứ 2 nằm trong bài kiểm tra văn đạt điểm tuyệt đối này

Đề bài: Phân tích để làm rõ ấn tượng về không gian trong hai khổ thơ đầu của “Tràng Giang” ( Huy Cận). Em có suy nghĩ gì về tình triết lý của hai khổ thơ này?

Có lẽ thiên nhiên đẹp và bao la đại ngàn luôn làm khuấy động nỗi lòng và tâm thức con người, nó khuấy sâu thẳm vào lòng người khiến nỗi sầu càng sầu hơn, vì vây việc dùng vẻ đẹp bao la của thiên nhiên để bày tỏ tâm trạng đã được rất nhiều thi sỹ sử dụng trong thơ trung đại.

Nhưng Huy Cận đã tiếp thu phong vị đó vào tác phẩm “Tràng Giang” của mình, phổ thêm những nét mới lạ của thơ hiện đại; qua đó, Huy Cận đã tạo nên cho người đọc những ấn tượng về không gian của tác phẩm, đặc biệt là trong hai khổ thơ đầu.

Ngay từ tên bài thơ “Tràng Giang” và lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng sông dài”, một không gian sông nước bao la đã hiện hữu. “Tràng” tức là dài, “Giang” là sông. Sông dài, trời rộng mở ra một không gian bao la, tươi đẹp, nhưng buồn, nhưng dấy lên trong tâm hồn tác giả một nỗi “bâng khuâng” lạ kỳ.

Khổ thơ đầu tiên, Huy Cận viết:

“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,

Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

Không gian bao la, rộng lớn hiện hữu trước mắt, nhưng cũng bởi vậy mà con người càng cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Giữa bạt ngàn của sông nước, con người nhỏ bé, lặng lẽ, cô đơn. Đứng trước không gian ấy, nỗi lòng Huy Cận cũng dâng trào. Từng đợt sóng xô trên “Tràng Giang” là “điệp điệp” nỗi buồn trong tâm hồn thi sỹ. Sóng của thiên nhiên vỗ nhẹ thì cơn sóng lòng dào dạt ùa về. Và từ đây, một không gian thứ hai xuất hiện đó là không gian của tình cảm, cảm xúc trong nỗi lòng tác giả. Nhìn về phía sông nước bao la, tác giả thấy một con thuyền cứ trôi theo mái nước song song.

Có lẽ con thuyền ấy trôi rất nhẹ, không có chút mệt mỏi, nhưng vô thức và cô đơn. Con thuyền cứ trôi mãi theo dòng nước song song, hai chữ “song song” như hai đường thằng dài tít tắp, cứ chạy mãi mà không bao giờ gặp, cũng giống như thân phận của con thuyền kia, vô dịnh và bơ vơ, lạc lõng. Nhìn con thuyền mà nỗi sầu của tác giả như dâng cao, không gian rộng lớn của thiên nhiên đã thôi thúc không gian lòng, khiến tác giả cảm thấy nỗi dầu của mình cũng vô định như con thuyền ấy, “sầu trăm ngả”.

Một hình ảnh buồn hiện lên trước mắt tác giả : "Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Không biết cành củi đáng thương ấy là một vật hữu hình có thực, hay nó là một hình ảnh chợt xuất hiện trong nỗi cô đơn của Huy Cận, bởi nó cũng nhỏ bé và lạc lõng như con người.

Giữa dòng đời bao la, giữa sự xô đẩy của từng dòng sóng, nó cứ trôi lạc lõng, lênh đênh. Nỗi sầu trong tác giả càng sầu hơn. Việc sử dụng những hình ảnh thiên nhiên bao la là một nét quen thuộc trong đường thi, nhưng Huy Cận đã nhờ nó mà thầm nói lên nỗi lòng của mình, nhờ không gian thiên nhiên làm nổi lên không gian tình cảm.

Ở khổ thơ thứ hai, vẫn bắt gặp những hình ảnh trải dài theo không gian, nhưng cái nỗi cô đơn trong tâm trạng tác giả càng trải dài hơn nữa:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.

Không gian hiện ra không chỉ được tác giả quan sát bằng thị giác, mà tác giả còn lắng tai nghe và càng sầu hơn – một nỗi sầu về nhân thế, về kiếp người, về cuộc sống thời đó. Đôi mắt tác giả buồn theo và nhìn xung quanh cảnh vật, đôi tai nhạy cảm lẳng nghe những âm thanh thưa thớt, vãn dần ở xa xa. Cồn nhỏ lơ thơ, nhỏ bé, cơn gió thì thổi nhẹ nhưng đìu hiu, như cũng buồn giống tác giả. Huy Cận tinh tế cảm nhận cơn gió ấy, sao mà buồn, sao mà lặng lẽ, cô liêu.

Tiếng làng xa ở nơi đâu thưa thớt vãn buổi chợ chiều, cứ nhỏ dần, nhỏ bé trong cái lớn mạnh của thiên nhiên. Huy Cận đưa mắt nhìn lên bầu trời kia, tâm trạng buồn của Huy Cận cũng phổ vào bầu trời bao la ấy một nỗi buồn sâu thẳm. Bởi vậy khi nắng xuống, trong con mắt Huy Cận, trời không cao mà lại “sâu chót vót”, cũng như không gian sâu thẳm của nỗi buồn.

Sự suy tư của Huy Cận như đi vào bầu trời ấy, khoét sâu đến tận vũ trụ xa thẳm ngoài kia, buồn đến lạ lùng. Nhìn lại khung cảnh thiên nhiên bao la ấy, vẫn trời rộng, sông dài, vẫn bến cô liêu và trong lòng tác giả vẫn ồn ào của một nỗi sầu, một nỗi bâng khuâng cô đơn và vắng vẻ.

Cảnh quan, không gian bao la của thiên nhiên mở rộng ra trước mắt Huy Cận nhưng mọi thứ đều mờ ảo, mang một cái nét rất trơ trọi, bâng khuâng. Tuy mờ ảo nhưng lại mang một triết lý sâu xa. Mọi vật hữu hình hiện ra trong mắt Huy Cận đều buồn, đều cô đơn, cũng như thời thế đất nước bấy giờ, cũng băn khoăn và lạc lõng, trôi nổi vô đình như con thuyền, nguy hiểm và nhỏ bé như cây củi khô lạc giữa dòng sông.

Con người như trôi lạc giữa dòng đời, dòng cuộc sống. Bởi vậy, tuy mọi thứ đều mờ ảo như được phủ một làn khói buồn nhưng đều tô đậm tính triết lý về cuộc sống và con người, cũng như một nỗi buồn của người con thương đất nước – Huy Cận.

Tác phẩm “ Tràng Giang” cho đến tận bây giờ vẫn là một đỉnh cao nghệ thuật mà khó ai có thể vươn tới, bởi sự khéo léo và tinh tế của tác giả trong việc kéo hợp giữa không gian thiên nhiên với không gian tâm tình, quan trọng hơn là vì “Tràng Giang” mang một triết lý sâu xa về cuộc đời, về đất nước. Tuy không thể hiện trực tiếp nhưng Huy Cận đã in bóng vào “Tràng Giang” một tình yêu tổ quốc, cũng sự lặng lẽ buồn trước cuộc sống thời bấy giờ.

Vì vậy, “Tràng Giang” luôn đứng vững và đứng cao trong nền văn học nước nhà, cũng như trong trái tim của người đọc mãi về sau. Một nỗi buồn đã qua đi từ lâu, nhưng dư vị ấy, cảm giác ấy, nỗi buồn ấy cứ đọng mãi với con người sau này mỗi khi đọc “Tràng Giang”, khiến người ta phải suy ngẫm về nhân tình và cuộc đời.”

Nguyễn Danh Phương Thảo

Từ khóa tìm kiếm

Tags:, , ,

0