31/03/2021, 14:16

Bài văn phân tích hình tượng những chiếc xe không kính số 1

Phạm Tiến Duật là gương mặt tiêu biểu cho thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ. Ông thường viết về người lính và những thanh niên xung phong, với giọng điệu thơ sôi nổi, trẻ trung, tinh nghịch. Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969 đã vẽ lên chân dung ...

Phạm Tiến Duật là gương mặt tiêu biểu cho thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ. Ông thường viết về người lính và những thanh niên xung phong, với giọng điệu thơ sôi nổi, trẻ trung, tinh nghịch. Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969 đã vẽ lên chân dung những người lính sôi nổi, lạc quan, mà cũng vô cùng anh hùng, dũng cảm.


Lối đặt nhan đề bài thơ hết sức độc đáo. Tác giả lấy từ Bài thơ để đặt nhan đề cho một bài thơ. Tưởng là thừa mà kì thực không phải như vậy, với cách đặt nhan đề đó, trước hết Phạm Tiến Duật đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc. Không chỉ vậy, ông cũng muốn nhấn mạnh, bài thơ của mình không chỉ nói về hiện thực chiến tranh khốc liệt mà còn muốn nói về chất thơ trong hiện thực đó.


Chất thơ trong tâm hồn trẻ trung, ngang tàng của người lính lái xe. Nhan đề đã khắc họa, đề cao vẻ đẹp của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Hình ảnh gây ấn tượng nhất với bạn đọc là hình ảnh những chiếc xe không kính, ngay với câu thơ đầu tiên, Phạm Tiến Duật đã thật hóm hỉnh khi giới thiệu về chúng:


Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.


Câu thơ đầu sử dụng một loạt từ phủ định từ không có, không phải để rồi sau đó giải thích do bom giật, bom rung nên kính đã vỡ hết. Giọng thơ thật hóm hỉnh mà cũng thật ngang tàng. Chiếc xe ấy không chỉ vỡ kính mà còn không có đèn, không có mui, thùng xe xước. Hình dáng chiếc xe thật méo mó đã phản ánh sự khốc liệt của chiến trường, phá hủy toàn bộ những chiếc xe đi trên cung đường Trường Sơn.


Đồng thời cũng cho thấy nhưng gian khổ mà người lính phải gắng mình vượt qua. Không chỉ vậy, ta còn nhận được sự gan góc, kiên cường của người lính lái xe. Nhưng cũng chính nhờ chiếc xe không kính đó, mà người lính có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên, phát hiện vẻ đẹp của đất trời, làm cho tình đồng chí, đồng đội trở nên gắn bó và khăng khít hơn.


Trên tuyến đường Trường Sơn hết sức gập ghềnh chứa đầy hiểm nguy, ta không chỉ thấy nổi bật hình ảnh những chiếc xe không kính, mà nổi bật và đẹp đẽ hơn cả là chân dung những người lính lái xe. Trước hết họ hiện lên trong tư thế ung dung, hiện ngang: Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng. Chữ ung dung được đảo lên đầu câu, nhấn mạnh vào tư thế chủ động, bình tĩnh, tự tin của người lính. Điệp từ nhìn, cùng thủ pháp liệt kê với lối miêu tả hiện thực trần trụi, không né tránh, đã khắc họa những gian khổ mà họ phải đương đầu. Tuy nhiên, họ không hề né tránh mà kiên cường, anh dũng đối mặt với những gian nan, thử thách ấy.


Họ còn mang trong mình tinh thần lạc quan, sôi nổi, tinh thần trẻ trung, hóm hỉnh. Hiện thực vô cùng gian khổ: bụi, mưa Trường Sơn dưới con mắt họ không còn là những thử thách, khó khăn mà nó trở thành cơ hội để họ giao hòa với thiên nhiên. Giọng điệu hóm hỉnh, đầy vui đùa: ừ thì có, không có, chưa cần đã làm mờ đi cái khắc nghiệt của chiến tranh, cái nhìn trở nên lạc quan, tươi vui hơn.


Trải qua nhiều gian khó, đối với họ tình cảm đồng đội thật thiêng liêng, trân quý. Tình cảm ấy, không thể hiện bằng lời nói ngọt ngào mà chỉ đơn thuần là cái bắt tay vội vã khi gặp nhau giữa đường. Cái bắt tay ấy giúp họ chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, tiếp cho họ thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu trên những chặng đường phía trước. Lời động viên thầm lặng mà nồng ấm, có sức mạnh to lớn, không gì có thể thay thế được. Sự gắn bó của họ không chỉ dừng lại ở tình cảm đồng chí, đồng đội, ở tình cảm bạn bè mà đã được nâng lên một thứ tình cảm khác thiêng liêng, quý báu hơn đó là tình cảm gia đình: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy.


Giữa những khói bom lửa đạn của chiến tranh, họ vẫn dành cho nhau chút thời gian ngắn ngủi để cùng nhau ăn bữa cơm. Dù bữa cơm trắng có phần đạm bạc nhưng lại ấm áp tình người. Bữa cơm ấy đã xóa nhòa khoảng cách, khiến những con người xa lạ trở thành những người anh em ruột thịt. Bữa cơm đã tiếp thêm cho họ sức mạnh tinh thần để lại đi lại đi trời xanh thêm. Điệp từ lại đi được lặp lại hai lần cho thấy những đoàn xe nhịp nhàng nối đuôi nhau ra trận trong không khí khẩn trương. Hình ảnh ẩn dụ trời xanh thêm cho chúng ta thấy tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui phơi phới của những chiến sĩ. Đồng thời màu xanh đó cũng tượng trưng cho tương lai hi vọng vào ngày mai tất thắng của dân tộc.


Khổ thơ cuối cùng, một lần nữa khắc họa, khẳng định ý chí chiến đấu vì miền Nam, vì độc lập của tổ quốc. Ba câu thơ đầu, Phạm Tiến Duật đề cập đến những cái không của những chiếc xe: không có kính, không có đèn, thùng xe xước. Nhưng chính cái không ấy để đến câu thơ cuối cùng ông làm nổi bật lên cái có: Chỉ cần trong xe có một trái tim.



Trái tim nồng ấm, nhiệt thành đã trở thành nhãn tự, làm bừng sáng cả bài thơ. Chỉ cần trong những chiếc xe đó có trái tim của những người chiến sĩ thì mọi khó khăn, gian khổ đều có thể vượt qua để đi đến chiến thắng cuối cùng. Hình ảnh người lính lái xe là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kì chống Mỹ cứu nước.


Tác giả sử dụng thể thơ tự do đậm chất văn xuôi khiến câu chuyện về người lính được thuật lại thật tự nhiên, hóm hỉnh. Hình ảnh thơ chân thực. Ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ tự nhiên, như lời ăn tiếng nói hàng ngày nên dễ đi vào lòng người. Giọng điệu: vừa ngang tàng, khỏe khoắn vừa hài hước, dí dỏm.


Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã xây dựng vô cùng xuất sắc chân dung những người lính với biết bao phẩm chất tốt đẹp, đáng tự hào, ngợi ca. Trái tim nồng cháy của họ còn tỏa rạng đến muôn thế hệ sau. Họ chính là tấm gương để chúng ta, thế hệ trẻ học tập và noi theo để xây dựng đất nước.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
0