Bài văn chứng minh tiếng hát làm con người thêm vui vẻ
Đề: Lời ca tiếng hát làm con người thêm vui vẻ, cuộc sông thêm tươi trẻ. Em hãy chứng minh nhận xét trên. BÀI LÀM Để tồn tại và phát triển, con người trước hết cần có cơm ăn, áo mặc và những nhu cầu vật chất khác, cũng như cây xanh phải cần có màu mỡ của đất, không khí và ...
Đề: Lời ca tiếng hát làm con người thêm vui vẻ, cuộc sông thêm tươi trẻ. Em hãy chứng minh nhận xét trên.
BÀI LÀM
Để tồn tại và phát triển, con người trước hết cần có cơm ăn, áo mặc và những nhu cầu vật chất khác, cũng như cây xanh phải cần có màu mỡ của đất, không khí và ánh sáng của trời. Tuy vậy, là một động vật cao cấp nhất, con người lại cần có một đời sống tinh thần phong phú nữa. Lời ca tiếng hát chính là một trong những sản phẩm tinh thần ấy. ‘Lời ca tiếng hát làm cho con người thêm vui vẻ, cuộc sống thêm tươi đẹp’. Nhận xét ấy hoàn toàn đúng đắn. Giu- li-út Phi-xích, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của nhân dân Tiệp Khắc đã từng nói một câu nổi tiếng: ‘Con người thiếu tiếng hát như cuộc sống thiếu ánh sáng mặt trời’. Câu nói bất hủ ấy toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng của một người cộng sản, khẳng định một chân lí đúng đắn của cuộc sống.
Từ khi con người còn sống một đời sống hoang dã, ăn ở theo từng bầy, sống bằng nghề hái lượm và săn bắt, sau một ngày đi hái lượm, săn bắt về, họ quây quần bên đống lửa ăn thịt nướng, trái cây và cầm tay nhau nhảy múa, hò reo. Tuy chưa thành làn điệu gì, nhưng những tiếng ê a, hú gọi, gào thét ấy đã làm cho cuộc sống của họ thêm gắn bó.
Người nông dân quanh năm vất vả, một nắng hai sương trên đồng ruộng, giữa buốt lạnh tê người hoặc khi ‘mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày’, họ vẫn cất lên tiếng hát để quên đi nỗi nhọc nhằn đắng cay và hi vọng một mùa màng bội thu:
‘Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cây còn trông nhiều bề.
Trông trời trông đất trông mây,
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời im bể lặng mới yên tấm lòng’.
Giữa đêm trường tăm tối của chế độ cũ, mặc dầu lam lũ quanh năm, người nông dân vẫn không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nhưng đằng sau lũy tre xanh, nơi sân đình quen thuộc vẫn văng vẳng tiếng hò tiếng hát, tiếng trống chèo. Lời ca tiếng hát ấy đem đến cho người dân quê niềm vui và hi vọng để quên đi cuộc đời cơ cực. Tiếng hát làm cho con người cảm thông nhau, xích lại gần nhau, gắn bó với nhau, khiến trẻ vui nô đùa, già như trẻ lại, trai gái dệt chung cầu hát tâm tình, ở đâu, lúc nào tiếng hát cũng là phương thuốc nhiệm màu làm ấm thêm hương nồng khói bếp, làm xanh thêm thảm lúa ngoài đồng, làm sáng thêm làn nước dòng sông, long lanh thêm những đôi mắt biếc và tươi thêm miệng mẹ nhai trầu.
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, điệu hò kéo pháo lên Điện Biên, tiếng hát bên công sự đang đào dở, khúc quân hành trên đường Trường Sơn từng làm nức lòng bao chiến sĩ, giúp họ quên đi cảnh mưa dầm, cơm vắt, dốc đá, đường trơn để xông ra tiền tuyến diệt thù trong niềm vui như trẩy hội. Phong trào ‘Tiếng hát át tiếng bom’ sôi nổi đã tạo nên nguồn động viên lớn lao cho đồng bào và chiến sĩ cả nước làm nên bài ca chiến thắng.
Trên các công trường xây dựng, trong các nhà máy ngút trời tỏa khói, giữa ngàn thông xanh, đồi mía nương chè, giữa cánh đồng bao la ngạt ngào hương lúa, các anh các chị công nhân, các cô các bác nông dân luôn cất cao lời ca tiếng hát giữa đất nước mỗi ngày thêm đổi thịt, thay da.
Ngày ngày, tiếng hát học trò âm vang trong lớp học, sân trường tạo thêm hương sắc cho tuổi thơ, cho tuổi trẻ học đường, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Từ câu Kiều vang lên trong ngục tù của anh Lý Tự Trọng hôm nào, đến tiếng hát tự do bay bổng của trẻ thơ hôm nay, tiếng hát không chỉ làm cho con người thêm vui vẻ, cuộc sông thêm tươi trẻ, mà còn là phép nhiệm màu để chúng ta cất cánh bay lên.
Cơm gạo nuôi sống con người. Tiếng hát làm đẹp cho đời. Cuộc sông không thể thiếu cơm gạo, nhưng nếu cuộc đời thiếu tiếng hát thì sẽ buồn tẻ biết bao.
Chúng ta quyết đem sức lực và tâm trí để xây dựng, gìn giữ đất nước, quyết tâm làm cho cuộc sông ngày càng no ấm, đầy đủ hơn. Nhưng chúng ta cũng sẽ không bao giờ để cuộc sống thiếu lời ca, tiếng hát, cũng như không thể thiếu không khí và nắng trời. Áo cơm, nụ cười, tiếng hát chẳng những là mục tiêu sống của mỗi con người mà còn là lẽ sông của chúng ta.