Bài soạn "Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ" số 3
I - Đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ (trang 80 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2) Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi Câu hỏi : a) Các đề bài trên được cấu tạo như thế nào ? b) Các từ trong đề bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ (hoặc có khi đề bài không có lệnh) biểu thị ...
I - Đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ (trang 80 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2)
Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi
Câu hỏi :
a) Các đề bài trên được cấu tạo như thế nào ?
b) Các từ trong đề bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ (hoặc có khi đề bài không có lệnh) biểu thị những yêu cầu gì đối với bài làm ? (Gợi ý: Từ phân tích chỉ định về phương pháp, từ cảm nhận lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết, từ suy nghĩ nhấn mạnh tới nhận định, phân tích của người làm bài. Trường hợp không có lệnh, người viết bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài. Sự khác biệt trên chỉ ở sắc thái, không phải là các “kiểu bài” khác nhau.)
Trả lời :
a) Các đề bài trên có cấu tạo chia làm hai loại :
- Một loại đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho em những suy nghĩ gì,…
- Một loại đề không có những từ ngữ định hướng: đề số 4, đề số 7.
b) Các từ ngữ trong đề bài như phân tích, suy nghĩ, cảm nhận biểu thị những yêu cầu định hướng cách làm bài :
- Phân tích : yêu cầu phải phân tích đoạn thơ, bài thơ, đi sâu vào các phần nhỏ của nó để rút ra những nhận định cần thiết.
- Cảm nhận : lưu ý đến ấn tượng và cảm thụ riêng của người viết về đoạn thơ, bài thơ đó, nhấn mạnh đến yếu tố cảm thụ chủ quan.
- Suy nghĩ : nhằm nhấn mạnh tới những suy nghĩ riêng, những kết luận rút ra trên cơ sở suy luận về những yếu tố nội dung, nghệ thuật và kết luận lô-gic rút ra từ đó.
Trường hợp không có những từ ngữ chỉ định, người viết phải tự xác định việc bày tỏ ý kiến, đánh giá của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài. Ví dụ đề số 4 là hình tượng người chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Đề số 7 là những đặc sắc trong bài thơ “Viếng lăng Bác”. Vấn đề là phân tích hay cảm nhận, phân tích hay suy nghĩ, phân tích hay bình luận là do người viết tự lựa chọn. Cốt làm rõ được hình ảnh người chiến sĩ lái xe hay làm rõ những đặc sắc của bài thơ.
II - Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Câu 1 trang 80 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Các bước làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Câu 2 trang 83 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Cách tổ chức, triển khai luận điểm
Câu hỏi :
a) Trong văn bản nêu trên, đâu là phần Thân bài ? Ở phần này, người viết đã trình bày những nhận xét gì về tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương ? Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, khẳng định bằng cách nào, được liên kết với phần Mở bài và Kết bài ra sao ?
b) Văn bản có tính thuyết phục, sức hấp dẫn không ? Vì sao ? Từ đó có thể rút ra bài học gì qua cách làm bài nghị luận văn học này ?
Trả lời :
a) Trong văn bản trong SGK, phần Thân bài bắt đầu từ “Nhà thơ đã viết Quê hương bằng tất cả tình yêu tha thiết” cho đến “tâm hồn thiết tha, thành thực của Tế Hanh”.
Ở phần này, người viết đã trình bày những nhận xét về tình yêu quê hương nồng nàn, tha thiết của tác giả thể hiện trên các hình ảnh, cảm xúc :
- Trai làng ra khơi đánh cá mạnh mẽ, hào hứng.
- Thuyền đánh cá trở về trong sự chào đón của dân làng.
- Cảm nhận tinh tế về con người, cảnh vật quê hương.
- Những hình ảnh, ngôn từ, âm điệu thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, rung động tinh tế.
Các ý kiến trên được dẫn dắt, khẳng định qua việc chọn, phân tích những câu thơ tiêu biểu, những hình ảnh thơ đặc sắc. Các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài gắn kết với nhau chặt chẽ, tự nhiên. Mở bài giới thiệu ấn tượng chung về bài thơ “Quê hương”. Thân bài triển khai những thành công của bài thơ về tình cảm quê hương. Kết bài khái quát giá trị bồi đắp tình yêu quê hương của bài thơ.
b) Nhìn chung văn bản có tính thuyết phục. Người viết đã tập trung làm rõ tình yêu quê hương tha thiết của Tế Hanh được thể hiện bằng những hình ảnh đẹp, giàu sức gợi của làng chài. Trong khi nêu luận điểm, người viết đã chỉ ra đặc sắc của hình ảnh, nhịp điệu, âm hưởng của những câu thơ dạt dào tình yêu quê hương. Người viết cũng thật sự xúc cảm, rung động với bài thơ, rung động với tình yêu quê hương.
Ghi nhớ:
- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần được bố cục mạch lạc theo các phần :
+ Mở bài : Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nên nhận xét, đánh giá của mình. (Nếu phân tích một đoạn thơ cần nêu rõ vị trí củ đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó).
+ Thân bài : Lần lượt trình bàu những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.
+ Kết bài : Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.
- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần nêu lên được các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết. Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc ... của tác phẩm
III - Luyện tập (trang 84 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2)
Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.
Dàn ý
1. Mở bài :
- Giới thiệu khổ thơ đầu :
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
- Đây là khổ thơ nêu những cảm nhận tinh tế về những dấu hiệu mùa thu đã về.
2. Thân bài :
- Phân tích những cảm nhận tinh tế về những dấu hiệu của mùa thu :
+ Hương ổi chín là hương quả mùa thu.
+ Gió se là gió heo may hanh và se se lạnh - gió của mùa thu.
+ Sương chùng chình qua ngõ là sương mùa thu.
- Phân tích giá trị gợi tả của các từ phả, chùng chình, hình như.
- Những cảm nhận này kết hợp các giác quan: khứu giác, xúc giác, thị giác (mùi hương, cái lạnh se, sự chùng chình).
- Cảm nhận từ gần ra xa, từ bên người ra ngoài ngõ.
3. Kết bài : Nhấn mạnh sự tinh tế trong cảm nhận về dấu hiệu của mùa thu.