15/01/2018, 23:18

Bài phát biểu ôn lại truyền thống ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Bài phát biểu ôn lại truyền thống ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 Bài diễn văn ngày 20 tháng 10 Bài phát biểu kỉ niệm ngày 20/10 Bài phát biểu ôn lại truyền thống trong ngày 20/10 được VnDoc.com sưu tầm và ...

Bài phát biểu ôn lại truyền thống ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Bài phát biểu kỉ niệm ngày 20/10

Bài phát biểu ôn lại truyền thống trong ngày 20/10 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải là bài diễn văn hay, ý nghĩa kỉ niệm thành lập Hội lên hiệp Phụ nữ Việt Nam (ngày Phụ nữ Việt Nam).

Kính thưa quý vị đại biểu khách quý!

Cùng toàn thể các cán bộ giáo viên công nhân viên trong nhà trường!

Hôm nay ngày 20 tháng 10 năm ..., kỷ niệm … năm ngày thành lập Hội lên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thay mặt tập thể GV nhà trường xin gửi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nữ nhà trường lời chúc sức khỏe hạnh phúc và thành đạt.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy phụ nữ giữ một vai trọng yếu và hiển nhiên trong lịch sử dân tộc. Họ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, họ là những người gìn giữ giống nòi và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Trong dịp kỷ niệm ngày 20/10 năm nay chúng ta hãy cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam bằng những tấm gương tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử để rồi mỗi chúng ta dù ở cương vị nào cũng trân trọng và tự hào, phấn đấu vươn lên xứng đáng với truyền thống vẻ vang ấy.

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bà Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch, ...

Trong cuộc sống họ là những chiến sĩ, nghệ sĩ bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ không những là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà văn nhà thơ, mà chính họ đã khảng định tài năng, trí tuệ của mình trên văn đàn không kém gì các đấng mày râu. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ: Bà Điềm Bích đời nhà Trần, Bà Nguyễn Thị Lộ đời nhà Lê đã từng được nhà Vua phong là Lễ nghi học sỹ, Bà Ngô Chi Lan thời vua Lê Thánh Tông... đã chạm khắc vào lịch sử tấm gương chói lọi về lòng yêu nước thương dân. Những Hoàng Hậu, Công Chúa vì nghĩa nước quên mình như: Thái Hậu Dương Vân Nga thế kỷ IX, Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần thế kỷ XV, Công chúa Lê Ngọc Hân thế kỷ XVIII. Về văn học nghệ thuật: Nữ sĩ tài hoa xứ kinh Bắc Đoàn Thị Điểm để lại cho đời Chinh Phụ Ngâm, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thi sĩ Xuân Quỳnh tài hoa bạc mệnh đó để lại cho đời những tác phẩm bất tử. Con gái của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Ánh vào đầu thế kỷ XX được đánh giá là người phụ nữ điển hình tài sắc vẹn toàn, với cương vị là Nữ Tổng biên tập báo đầu tiên của Việt Nam, Bà đã thức tỉnh phụ nữ Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước, sự bình đẳng của PN qua tờ báo “Nữ Giới chung” – tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam (01/02/1918).

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam là hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến mà chính họ là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm.....Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng; dung dị, mộc mạc tảo tần; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; họ đã từng mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu của họ không bao giờ trở về; Họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người mẹ Việt Nam anh hùng!

Trong bối cảnh xã hội ngày nay có nhiều cơ hội tốt đẹp, không ít phụ nữ Việt Nam đã phấn đấu vươn lên, vượt khó, trau dồi, rèn luyện cho mình những hành trang mới sánh bước cùng cộng đồng khu vực và thế giới. Phụ nữ chúng ta đang ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, mạnh dạn trong kinh tế thị trường. Có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam ngày càng được trưởng thành về mọi mặt. Nhận thức về bình đẳng giới được nâng lên, phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn (Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á). Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện ngày càng đầy đủ hơn; đời sống vật chất, tinh thần và sức khoẻ của đại bộ phận phụ nữ được cải thiện. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Phụ nữ Việt Nam là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, giàu bản lĩnh. Cụ thể là trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ – Giáo dục: tỷ lệ nữ học sinh sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi cấp Quốc gia, Quốc tế ngày càng tăng. Đội ngũ nữ trí thức tăng nhanh, có nhiều công trình khoa học có giá trị, tính ứng dụng cao mang lại hiệu quả kinh tế lớn.( Nữ Giáo sư 3,5%, P.GS 5,9%; tiến sỹ 12,6%; tiến sỹ KH 5,1%; 19 nữ Anh hùng lao động; 250 nữ CSTĐ toàn quốc, nhiều giải thưởng , NSND, NSƯT...

Trong phong trào lao động sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo có nhiều chị đã thể hiện năng lực quản lý, bản lĩnh vượt khó trở thành người quản lý giỏi, chủ doanh nghiệp thành đạt, được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý, được xã hội tôn vinh là những Bông hồng vàng... Trên thế giới và Việt Nam hiện nay ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nữ xuất sắc. Trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế họ được đánh giá là những người tài năng, trí tuệ, khéo léo và giàu đức hy sinh. Họ là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao giỏi, chuyên gia kinh tế xuất sắc, họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, điển hình như bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, bà Phạm Chi Lan, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Tòng Thị Phóng …

Trong xã hội phong kiến trước đây vai trò của nam giới được coi trọng và đề cao bao nhiêu thì người phụ nữ bị coi rẻ và chịu thiệt thòi bấy nhiêu (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô)... Những định kiến khắc nghiệt và nặng nề ấy đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến phụ nữ và sự phát triển phụ nữ. Công cuộc đổi mới đất nước hơn hai mươi năm qua khẳng định: Đảng và Nhà nước tạo nhiều cơ hội để phụ nữ được bình đẳng, tiến bộ và phát triển. Ở Việt Nam phụ nữ chiếm 50,5% dân số, 50,6% lực lượng lao động xã hội. Nhận thức được vai trò to lớn của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ đạt được sự tiến bộ và bình đẳng trong gia đình và xã hội. Nhiều hoạt động đang thu hút được sự ủng hộ của xã hội và sự tham gia nhiệt tình của mọi tầng lớp phụ nữ, như: những cuộc hội thảo, hội thi, triển lãm, hoạt động tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt là vấn đề "Bình đẳng giới" trở thành mục tiêu của sự phát triển xã hội; Bình đẳng giới: " vừa có vai trò kiến tạo vừa trở thành vấn đề trung tâm của sự phát triển, là yếu tố nâng cao khả năng tăng trưởng của mỗi quốc gia, xóa đói, giảm nghèo và quản lý Nhà nước có hiệu quả". Nhằm thực hiện Cương lĩnh vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu 1995 Chính Phủ Việt nam đã chính thức công bố Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ; Bộ Chính trị ban hành NQ số 04-NQ/TW: Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Năm 2006 Luật bình đẳng giới đã được thông qua; Bộ Chính trị ban hành NQ số: 11-NQ/TW (27/4/2007) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Đặc biệt là NQ Đại hội X của Đảng đã khảng định: "Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người thầy đầy tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hiểm lao động, bảo hiểm ytế, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, chế độ đối với nữ lao động. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực gia đình".

Thưa các đồng chí và các bạn!

Người xưa đã từng nói rằng: "Một thầy thuốc dốt có thể giết chết một vài sinh mệnh; Ông thầy địa lý dốt có thể làm cạn kiệt sự phát triển của một vài dòng họ; Một ông Vua non kém có thể làm cho đất nước sa sút; Nhưng một lối sống không đúng sẽ tổn hại đến muôn đời sau". Mà lối sống đó được nuôi dưỡng trưởng thành trước hết từ gia đình; Bởi gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt, có hoạt động khỏe mạnh thì xã hội mới phồn thịnh. Gia đình là tổ ẩm, là cái nôi phát triển của mỗi con người, nhưng chỉ thực sự là tổ ấm khi có nền nếp gia phong theo chuẩn mực đạo đức, phải đảm bảo no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mà Tổng chỉ huy không ai khác chính là người Nội tướng – người Mẹ trong gia đình. Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người, cha mẹ là tấm gương và hơn thế nữa là những người chạm khắc vào tâm hồn con trẻ những nét bút chuẩn mực đạo đức đầu tiên để trẻ hình thành nhân cách, một lối sống đẹp. Bởi thế, Giáo dục được một người đàn ông chỉ giáo dục được một con người nhưng giáo dục được một người phụ nữ là giáo dục được cả một gia đình. Nhà thơ An Nguyên đã viết:" Dẫu có đi vòng quả đất tròn, người trông con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ? Cái vòng tay từ tấm bé, cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên. Mẹ là người cho con cái tên riêng, trước cả khi con bật lên tiếng Mẹ...” hay như nữ sỹ Xuân Quỳnh: “Dẫu là Nguyên thủ quốc gia hay là những Anh hùng, là Bác học hay là Ai đi nữa..., vẫn là con của một người phụ nữ: Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên...".

Trong thực tế có rất nhiều gia đình cha mẹ không nhất thiết là bác sỹ, kỹ sư, là cán bộ lãnh đạo hay là những doanh nhân giàu có song con cái của họ lại rất ngoan ngoãn, thương yêu cha mẹ, học giỏi và thành đạt đã trở thành những công dân tốt của xã hội. Chắc hẳn trong chúng ta đã và sẽ đặt câu hỏi tại sao họ lại có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy? Một trong những câu trả lời mà điều chắc chắn chúng ta đều biết và khẳng định, đó là: Họ đã thành công trong việc gìn giữ chuẩn mực đạo đức gia đình văn hóa Việt Nam – một gia đình hạnh phúc. Bởi tất cả những thành công, những vinh quang của mỗi người đều được xuất phát, khơi dậy và nuôi dưỡng từ gia đình. . Những tấm gương ấy không phải ở đâu cao xa mà đang ở ngay cạnh chúng ta, nó hiện hữu hàng ngày. Đó chính là những người phụ nữ vừa lao động sản xuất giỏi vừa biết chăm lo gìn giữ hạnh phúc gia đình. Họ là những người phụ nữ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, họ là trụ cột; Nội tướng giỏi của những gia đình văn hóa, hạnh phúc!

Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ công dân, người cán bộ nữ còn phải làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người con trong gia đình, có trách nhiệm cao trong việc gìn giữ giá trị truyền thống văn hoá dân tộc. Trong điều kiện đời sống còn gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều tác động của mặt trái cơ chế thị trường, chị em đã thể hiện tình thương, trách nhiệm, lòng nhân hậu, đức hy sinh, sự hiểu biết, ứng xử tế nhị khéo léo các mối quan hệ gia đình, dòng họ, trọn đạo hiếu thảo dâu con, là điểm tựa vững chắc cho chồng con thành công trong sự nghiệp, nuôi dạy con trưởng thành. Họ là những người phụ nữ có đủ Tứ Đức: Công – Dung – Ngôn – Hạnh, người ta nói " Phúc đức tại mẫu, nhân hiền tại mẫu" quả không sai.

Kính thưa quý vị đại biểu, các đồng chí và các bạn!

Tôi rất tâm đắc với câu: "Hạnh phúc là khi ta có một công việc để làm, một điều để ước mơ, một người để yêu thương".

Như người ta vẫn nói “ Phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, điều này quả không sai. Chúng ta có được thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình là nhờ có đức hy sinh, lòng vị tha của các bà các mẹ. Vì vậy tôi xin trân trọng kính chúc tất cả các đồng chí và gia đình luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc tất cả chị em phụ nữ ngày 20/10 tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công./.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

NGƯỜI ĐÀN BÀ THỨ HAI

Phan Thị Vĩnh Hà

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh ấy yêu mẹ, mẹ ơi!

Mẹ đã sinh ra anh ấy ở trên đời
Hình bóng mẹ lắng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu đến vậy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai

Mẹ đừng buồn những hoàng hôn, những sớm mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Con chỉ là một cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh

Con chỉ là một cơn mưa mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu trọn đời âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành riêng cho mẹ mà thôi

Anh ấy có thể đi bên con suốt cả cuộc đời
Nhưng có thể chia tay con ngay ngày mai có thể
Vì anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dẫu thế nào con cũng chỉ thứ hai.

GỬI MẸ

Lưu Quang Vũ

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa

Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha
Ước con được sống suốt đời bên mẹ
Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể
Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai
Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi
Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc

Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan việc Đảng việc nhà
Đánh Pháp năm xưa đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả mẹ quản gì sương nắng

Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi
Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ giận quân thù quá đỗi

Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ

Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc trông gai
Bằng đôi chân của mẹ mẹ ơi.

MẸ CỦA ANH

Xuân Quỳnh

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa

Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

0