24/04/2018, 07:43

Bài 19: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược (Từ năm 1858 đến trước năm 1873)

Những hành động nào chứng tỏ thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược Việt Nam? Trả lời: Người phương Tây, đầu tiên là các lái buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đã biết đến Việt Nam từ thế kỉ XVI. Đến thế kỉ XVII, người Anh đã định chiếm đảo Côn Lôn của Việt Nam, nhưng không thành. Trong ...

Những hành động nào chứng tỏ thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược Việt Nam?

Trả lời:

Người phương Tây, đầu tiên là các lái buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đã biết đến Việt Nam từ thế kỉ XVI. Đến thế kỉ XVII, người Anh đã định chiếm đảo Côn Lôn của Việt Nam, nhưng không thành.

Trong cuộc chạy đua thôn tính phương Đông, tư bản Pháp đã lợi dụng việc truyền đạo Thiên Chúa để chuẩn bị tiến hành cuộc xâm lược. Thế kỉ XVII, các giáo sĩ Pháp đã tới Việt Nam truyền đạo; một số giáo sĩ kết hợp truyền giáo với việc dò xét tình hình, vẽ bản đồ, chuẩn bị cho cuộc xâm nhập của tư bản Pháp.

Cuối thé kỉ XVIII, khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực nước ngoài để khôi phục lại quyền lực. Giám mục Bá Đa Lộc (Pi-nhô-đờ Bê-hen) đã năm cơ hội đó, tạo điều kiện cho tư bản Pháp can thiệp vào Việt Nam.

Nhờ sự mô giới của Bá Đa Lộc, Hiệp ước Vécxai (1787) được kí kết. Pháp hứa sẽ đem quân sang giúp Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn; còn Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp cảng Hội An, đảo Côn Lôn và được độc quyền buôn bán ở Việt Nam. Nhưng vì nhiều lí do, bản Hiệp ước này đã không thực hiện được.

Đến giữa thế kỉ XIX, nước Pháp phát triển nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa, càng ráo riết tìm cách đánh chiếm Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với Anh ở khu vực châu Á.

Năm 1857, Na-pô-lê-ông III lập ra Hội đồng Nam Kì để bàn cách can thiệp vào nước ta; tiếp đó cho sứ thần tới Huế đòi được “tự do buôn bán và truyền đạo”. Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp tăng viện cho hạm đội Pháp ở Thái Bình Dương để cùng Anh-Mĩ xâm lược Trung Quốc và ra lệnh cho Phó Đô đốc Ri-gôn đơ Giơ-nui-y chỉ huy hạm đội Pháp đánh Việt Nam ngay sau khi chiếm được Quảng Châu (Trung Quốc).


Nêu tình hình Việt Nam giữa thế kỉ XIX, trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

Trả lời:

Vào giữa thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chế độ phong kiến Việt Nam đang có những biểu hiện khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng.

Nông nghiệp sa sút. Nhiều cuộc khẩn hoang được tổ chức khá quy mô, nhưng cuối cùng đất đai khai khẩn được lại rơi vào tay địa chủ, cường hào. Hiện tượng dân lưu tán trở nên phổ biến. Đê điều không được chăm sóc. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra liên miên.

Công thương nghiệp bị đình đốn; xu hướng độc quyền công thương của Nhà nước đã hạn chế sự phát triển của sản xuất và thương mại. Chính sách “bế quan tỏa cảng” của nhà Nguyễn khuyến khích cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Quân sự lạc hậu, chính sách đối ngoại có những sai lầm, nhất là việc “cấm đạo”, đuổi giáo sĩ phương Tây, đã gây ra những mâu thuẫn , làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.

Nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã nổ ra như: khởi nghĩa Phan Bá Vành ở Nam Định, Thái Bình (1821), của Lê Duy Lương ở Ninh Bình (1833), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Cao Bằng (1833-1835)…


Tại sao thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm mục tiêu tấn công đầu tiên?

Trả lời:

Vì Đà Nẵng có hải cảng dễ đổ bộ bằng đường biển và nếu chiếm được Đà Nẵng thì dễ phòng ngự hơn vì đèo Hải Vân ngăn chận quân triều đình phản công . Và cũng trực tiếp uy hiếp triều đình Huế. Quân triều đình quá nhu nhược mặc dù đã dự báo được sự xâm lăng của người Pháp , không có kế sách , không có chiến lược, không đoàn kết , triều đình nhu nhược đầu hàng.


Em có nhận xét gì về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vào năm 1858?

Trả lời:

+ Triều đình tổ chức kháng chiến chống Pháp ngay từ đầu song đường lối kháng chiến nặng nề về phòng thủ, thiếu chủ động tấn công, ảo tưởng đối với thực dân Pháp, bạc nhược trước những đòi hỏi của thực dân Pháp. 
+ Nhân dân chủ động đứng lên kháng chiến với tinh thần cương quyết dũng cảm. Khi triều đình đầu hàng, nhân dân tiếp tục kháng chiến mạnh hơn trước, bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. 


Âm mưu của thực dân Pháp khi tấn công Gia Định là gì?

Trả lời:

Thấy không thể chiếm được Đà Nẵng, Pháp quyết định đưa quân vào Gia Định.

Gia Định và Nam Kì là vựa lúa của Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng. Hệ thống giao thông đường thủy ở đây rất thuận lợi. Từ Gia Định có thể sang Cam-pu-chia một cách dễ dàng. Chiếm được Nam Kì, quân Pháp sẽ cắt đứt con đường tiếp tế lương thực của triều đình nhà Nguyễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm chủ lưu vực sông Mê Công của Pháp.


Hiệp ước Nhâm Tuất giữa Pháp và triều đình Huế (5-6-1862) được kí kết trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến ở Trung Quốc với Điều ước Bắc Kinh (25-10-1860), quân Pháp liền kéo về Gia Định, tiếp tục mở rộng việc đánh chiếm nước ta.

Ngày 23-2-1861, quân Pháp mở cuộc tấn công vào Đại đồn Chí Hòa. Quân ta kháng cự quyết liệt, cuối cùng trước hỏa lực mạnh của địch, Đại đồn Chí Hòa đã rơi vào tay giặc. Thừa thắng, quân Pháp chiếm luôn Định Tường (12-4-1861), Biên Hòa (18-12-1861), Vĩnh Long (23-3-1862).

Khi giặc Pháp từ Gia Định đánh lan ra, cuộc kháng chiến của nhân dân ta càng phát triển mạnh hơn. Các toán nghĩa quân của Trương Định, Trần Thiện Chính, Lê Huy…chiến đấu rất anh dũng, lập nhiều chiến công. Ngày 10-12-1861, đội quân của Nguyễn Trung Trực đã đánh chìm tàu chiến Ét-pê-răng (Hi vọng) của địch trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn chảy qua thôn Nhật Tảo), làm nức lòng quân dân ta.

Giữa lúc phong trào kháng chiến của nhân dân đang ngày một dâng cao, khiến quân giặc vô cùng bối rối thì triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862).


Nêu nội dung cơ bản của Hiệp ước Nhâm Tuất.

Trả lời:

Hiệp ước có 12 điều khoản, trong đó có những khoản chính như: triều đình nhượng hẳn cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn; bồi thường 20 triệu quan (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc); triều đình phải mở 3 cửa biển : Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho thương nhân Pháp và Tây Ban Nha vào tự do buôn bán; thành Vĩnh Long sẽ được trả lại cho triều đình Huế khi nào triều đình chấm dứt được các hoạt động chống Pháp ở ba tỉnh miền Đông.


Em có suy nghĩ gì về hành động của Trương Định sau Hiệp ước 1862?

Trả lời:

-  Trương Định: Tham gia vào cuộc khởi nghĩa với tinh thần dũng cảm cùng với lòng yêu nước mãnh liệt, không chịu nhìn đất nước rơi vào tay kẻ thù. Các hành động: phối hợp đánh địch với Nguyễn Tri Phương--> tinh thần, ý thức tự nguyện cao khi tham gia khởi nghĩa. 

-  Chống lệnh triều đình, quyết tâm ở lại kháng chiến. Phất cao cờ "Bình Tây Đại nguyên soái"---> Tìm mọi cách củng cố niềm tin của dân chúng, khiến bọn cướp nước phải run sợ! 
-  Trương Định chống trả quyết liệt thì bị trúng đạn, rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết--->Lòng yêu nước và trung thành, thậm chí còn căm thù giặc cao độ, không lay chuyển, không thay đổi, không chịu nhục. 


Ba tỉnh miền Tây Nam Kì đã rơi vào tay Pháp như thế nào?

Trả lời:

Sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì, thực dân Pháp bắt tay vào việc tổ chức bộ máy cai trị và chuẩn bị mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Năm 1863, thực dân Pháp dùng vũ lực áp đặt nền bảo hộ lên đất Cam-pu-chia. Sau đó, chúng vu cáo triều đình Huế vi phạm các điều đã cam kết trong Hiệp ước 1862, yêu cầu triều đình giao nốt cho chúng quyền kiểm soát cả ba tỉnh miền Tây Nam. Trước yêu cầu này, triều đình vô cùng lung túng.

Lợi dụng sự bạc nhược của triều đình Huế, ngày 20-6-1867, quân Pháp kéo đến trước thành Vĩnh Long, ép Phan Thanh Giản (lúc đó đang giữ chức Kinh lược sứ của triều đình) phải nộp thành không điều kiện. Chúng còn khuyên ông viết thư cho quan quân hai tỉnh An Giang và Hà Tiên hạ vũ khí nộp thành. Trong vòng 5 ngày (từ 20 đến 24-6-1867), thực dân Pháp đã chiếm gọn ba tỉnh miền Tây Nam Kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) mà không tốn một viên đạn.


Nêu những đặc điểm của cuộc kháng chiến chống Pháp ở ba tỉnh miền Tây Nam Kì sau năm 1867.

Trả lời:

Sau khi ba tỉnh miền Tây Nam Kì rơi vào tay Pháp, phong trào kháng chiến trong nhân dân vẫn tiếp tục dâng cao. Một số văn thân, sĩ phu yêu nước bất hợp tác với giặc, tìm cách vượt biển ra vùng Bình Thuận (Nam Trung Kì) nhằm âm mưu cuộc kháng chiến lâu dài. Một số khác ở lại bám đất, bám dân, tiếp tục tiến hành cuộc vũ trang chống Pháp.

Con trai Trương Định là Trương Quyền đưa một bộ phận nghĩa binh lên Tây Ninh lập căn cứ mới. Ông còn liên lạc với Pu-côm-bô (người Cam-pu-chia) để tổ chức chống Pháp.

Năm 1867, tại vùng dọc theo sông Cửu Long có căn cứ Ba Tri (Bến Tre) do hai anh em Phan Tôn, Phan Liêm (con của Phan Thanh Giản) lãnh đạo. Nguyễn Trung Trực lập căn cứ ở Hòn Chông (Rạch Giá). Khi bị giặc bắt đem đi hành hình, ông đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Nguyễn Hữu Huân bị đi đày ngoài hải đảo, khi được tha về lại tiếp tục chống Pháp ở Tân An, Mĩ Tho đến năm 1875.

Những toán quân của Thân Văn Nhíp ở Mĩ Tho; an hem Đỗ Thừa Long, Đỗ Thừa Tự ở Tân An; Phạm Tòng ở Ba Tri; Lê Công Thành, Phan Văn Đạt, Phạm Văn Đạt, Âu Dương Lân ở Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ hoạt động mạnh mẽ.

Trong những điều kiện khó khăn hơn nhiều so với thời kì thực dân Pháp mới xâm chiếm Nam Kì, phong trào kháng chiến ở ba tỉnh miền Tây vẫn diễn ra sôi nổi, bền bỉ. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng ngày một chênh lệch không có lợi cho ta, vũ khí thì thô sơ, cuối cùng phong trào đều bị đàn áp và thất bại.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kì nói chung, của nhân dân ba tỉnh miền Tây nói riêng, là những biểu hiện cụ thể, sinh động lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta.


Quan sát lược đồ (hình 52), xác định địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định và tường thuật ngắn gọn diễn biến cuộc khởi nghĩa này.

Trả lời:

-    Nghĩa quân Trương Định hoạt động từ rất sớm. Khi Đại đồn Chí Hoà thất thủ, ông đưa quân về hoạt động ở Gò Công (huyện Tân Hoà, Gia Định).

-    Sau Hiệp ước năm 1862, triều đình yêu cầu bãi binh nhung ông đã chống lệnh triều đình, cùng nhân dân kháng chiến chống Pháp.

-    Nghĩa quân Trương Định đã mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng Gia Định,  lan rộng ra cả hai bên nhánh sông Vàm cỏ, từ Biển Đông lên tới vùng biên giới Cam-pu-chia.

-    Ngày 28-3-1863, Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ trung tâm ở Tân Hoà. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, sau đó rút lui để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ mới ở Phước Hoà.

-   Ngày 20-8-1864, thực dân Pháp lại mở cuộc tập kích bất ngờ vào căn cứ Tân Phước. Nghĩa quân chống trả quyết liệt. Trương Định hi sinh. Nghĩa quân của Trương Định một số rút về vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục hoạt động, số còn lại gia nhập vào các toán nghĩa quân khác.


Thông qua bài học, hãy nhận xét về tinh thần chống Pháp của vua quan triều đình nhà Nguyễn.

Trả lời:

Tinh thần chống Pháp của vua quan triều đình nhà Nguyễn:

-    Năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, triều đình nhà Nguyên đã tích cực tổ chức quân đội và nhân dân chống Pháp, giành được thắng lợi bước đầu ở mặi trận Đà Nẵng.

-    Năm 1859, khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, quan quân triều Nguyễn ở đây nhanh chóng tan rã, để mất thành vào tay thực dân Pháp.

-    Đầu năm 1860, khi thực dân Pháp gặp khó khăn vì phải phân tán lực lượng, triều đình nhà Nguyễn đã không chủ động tiến công địch mà chỉ lo "thủ hiểm", dồn sức xây dựng Đại đồn Chí Hoà để ngăn chăn quân Pháp tiến công, bỏ lỡ thời cơ đánh Pháp.

-    Năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì, triều đình không kiên quyết lãnh đạo nhân dân chống Pháp, ngược lại đã kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kì và yêu cầu nhân dân bãi binh, không được đánh Pháp vì ảo tưởng có thể thương thuyết với Pháp lấy lại các vùng đất đã mất.

-    Năm 1867, khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kì, triều đình không có hành động chống cự, ngược lại đã giao nộp thành nhanh chóng.

Nhận xét:

-    Ban đầu, triều Nguyễn đã có ý thức cùng nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhưng lại bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh thắng giặc và thi hành đường lối kháng chiến sai lầm (chỉ lo thủ hiểm).

-    Về sau, trước ưu thế về sức mạnh quân sự của kẻ thù, triều đình nhà Nguyễn không kiên quyết cùng nhân dân chống ngoại xâm, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, tỏ ra bạc nhược, yếu kém để thực dân Pháp lấn tới. Cuối cùng, vì quyền lợi ích kỉ của dòng họ đã bán rẻ quyền lợi dân tộc.

Zaidap.com

 

0