28/02/2018, 07:31

Ăn thức ăn kém dinh dưỡng khiến gián béo hơn

Gián có kích cỡ cơ thể đủ nhỏ để luồn lách qua các khe hở nhỏ nhất, nhưng cũng giống như con người những con vật tồn tại dai dẳng này có thể bị béo nếu có chế độ ăn không lành mạnh. Nghiên cứu về gián, Patricia Moore thuộc Đại học Exeter đã tìm hiểu gián cái thay đổi tập tính giao phối ...

Gián có kích cỡ cơ thể đủ nhỏ để luồn lách qua các khe hở nhỏ nhất, nhưng cũng giống như con người những con vật tồn tại dai dẳng này có thể bị béo nếu có chế độ ăn không lành mạnh.

Nghiên cứu về gián, Patricia Moore thuộc Đại học Exeter đã tìm hiểu gián cái thay đổi tập tính giao phối tương ứng với chế độ ăn như thế nào, đặc biệt là những thứ chúng ăn khi còn nhỏ.

Moore cho biết: “Chúng ta biết rằng những gì gián ăn khi trưởng thành có tác động tới các quyết định sinh sản của chúng. Nhưng thức ăn chúng ăn khi còn nhỏ hình thành nên các quyết định đó như thế nào? Điều này vẫn chưa được hiểu rõ”.

Để tìm ra câu trả lời, Moore cùng các cộng sự đã thu thập trứng gián cái và chia ra thành hai nhóm. Một nhóm được nuôi bằng chế độ ăn cân bằng, đảm bảo dinh dưỡng, có chứa cá giàu đạm và bột yến mạch có nhiều cacbonhydrat. Trong khi đó nhóm còn lại chỉ được nuôi bằng thức ăn có cá.

Một con gián nhiệt đới. (Ảnh: dreamstime)

Cả hai nhóm đều được cho ăn tùy ý. Theo bà Moore, “sự khác biệt trong chế độ ăn không phải là về số lượng mà là về sự đa dạng”.

Sau lần lột xác đầu tiên, khi những con gián trưởng thành, nhóm nghiên cứu chuyển chế độ ăn. Nhóm gián trước đây được nuôi bằng chế độ ăn đảm bảo chất lượng bây giờ không có bột yến mạch nữa. Nhóm còn lại trước được nuôi bằng thức ăn nghèo nàn bây giờ chuyển sang chế độ ăn giàu dinh dưỡng.

18 ngày sau đó, chế độ ăn được kiểm soát chấm dứt, một vài con gián được tách ra. Số còn lại tiếp tục được nuôi và sinh sản.

Kết quả là: trong khi tuổi thọ của các con gián trong cả hai nhóm tương đương nhau, những con được nuôi bằng chế độ ăn nghèo dinh dưỡng lại béo hơn nhưng mất nhiều thời gian để trưởng thành hơn.

Moore cho rằng những con gián đó đã tích mỡ thừa trong suốt quá trình phát triển phòng khi chế độ ăn của chúng có thể trở nên nghèo nàn hơn.

Gromphadorhina portentosa – gián gió Madagascar. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử tự nhiên, London)

Theo Moore, “đây là một kết quả đáng ngạc nhiên nhưng nó cho thấy sự quan trọng của chế độ ăn cân bằng để có sự phát triển lành mạnh”.

Tác động của chế độ ăn không cân bằng kéo dài suốt cuộc đời của gián, ngay cả đối với những con đã được chuyển sang chế độ ăn chất lượng hơn.

Những con gián cái ăn không đủ dinh dưỡng ít sẵn sàng giao phối với con đực hơn, và khả năng đẻ trứng cũng thấp hơn. Chúng cũng kén chọn hơn và mất nhiều thời gian cân nhắc chọn lựa bạn tình hơn.

Phát hiện này được công bố trên số ra ngày 24 tháng 6 của tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Moore cho biết: “Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng ở thời kỳ đầu có tác động tới cách phản ứng của gián đối với môi trường và về sau không thể khôi phục lại được”.

0