02/06/2018, 20:21

7 đặc sản vùng miền 'vừa ghê vừa thòm thèm'

Các món ăn từ nội tạng chưa sơ chế làm sạch, các món ăn chế biến từ "của quý" của động vật hay các loài vật có hình thù kinh dị đều khiến không ít người ăn lần đầu "khóc thét". Thắng cố Thắng cố là đặc sản của vùng Tây Bắc, là món ăn truyền thống của người H'Mông. Món ăn ...

Các món ăn từ nội tạng chưa sơ chế làm sạch, các món ăn chế biến từ "của quý" của động vật hay các loài vật có hình thù kinh dị đều khiến không ít người ăn lần đầu "khóc thét".

Thắng cố

Thắng cố là đặc sản của vùng Tây Bắc, là món ăn truyền thống của người H'Mông. Món ăn được làm từ thịt và nội tạng ngựa, xào lăn theo kiểu "mỡ nó rán nó" không thêm mỡ ngoài. Khi miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và ninh. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, được cho vào sau cùng và đun nhừ.

Đặc biệt, các thành phần chế biến không cần phải sơ chế, bao gồm cả các bộ phận như ruột, lòng... Hình thức “hổ lốn” và và mùi hương đặc trưng của món ăn này có thể khiến người không quen “chạy mất dép”.

Nậm pịa

Ảnh: Traveltimes
Ảnh: Traveltimes

Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non con bò hay phân non. Món ăn truyền thống có từ lâu đời và rất được bà con dân tộc Thái yêu thích này chỉ có từ Mộc Châu đến Sơn La.

Nguyên liệu để tạo ra nậm pịa bao gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân non ngựa, bò hoặc dê. Khi ăn thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà... Nậm pịa là mồi nhậu thứ thiệt cho phái mày râu ở bản cao trong các phiên chợ vùng cao phía Bắc ngày lạnh.

Chuột

Thịt chuột là thức ăn được ưa chuộng tại nhiều địa phương ở Việt Nam, đặc biệt là miền Tây. Tuy nhiên, người dân chỉ chọn chế biến loại chuột đồng. Thức ăn chính của chúng là mầm cỏ non, khoai, sắn, lúa… nên thịt thơm như thịt gà nhưng mềm và dai hơn. Ngoài món nướng, chuột đồng còn mê hoặc thực khách với hàng chục cách chế biến khác nhau như luộc ép lá chanh, áp chảo, rang muối, xào lăn, xào sả ớt, nướng muối ớt, nấu giả cầy, xào dưa, rang muối, nướng chao, khía nước dừa...

Dù vậy, những con chuột nấu nguyên con như thế này chắc chắn sẽ khiến khối người chết khiếp.

Rắn

Có hình thù gớm ghiếc và là nỗi kinh sợ của nhiều người nhưng rắn lại là một loại nguyên liệu chế biến món ăn phố biến ở Việt Nam; trong đó nổi tiếng nhất ở xứ miệt vườn miền Tây và làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội). Các món ăn từ rắn có tính nóng, dùng đúng cách có thể chữa trị nhiều loại bệnh và rất tốt cho sức khỏe. Các món ăn từ rắn món nào cũng thơm ngon, phổ biến nhất là lẩu rắn, rắn nấu cháo, xào xả ớt, nướng trui, hầm xả, gỏi…

Rươi

Rươi là một đặc sản rất quý hiếm, chỉ có theo mùa và chỉ có ở miền Bắc. Rươi là động vật thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ, mỗi năm chỉ xuất hiện ngắn ngủi có vài ngày, thời gian được dân gian đúc kết chính xác là “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”. Có nghĩa là rươi chỉ nổi nhiều, tập trung nhất vào ngày 20/9 và 5/10 âm lịch mỗi năm.

Những bà nội trợ "yếu tim" chắc sẽ sởn da gà khi nhìn một rổ rươi "lúc nhúc" khi còn sống. Dù vậy, khi chế biến xong thành chả rươi hay trứng đúc rươi thì món ăn trở nên tuyệt hảo vô cùng. Nếu có dịp ra Bắc vào đúng mùa rươi, đừng quên thử món ăn này.

Những năm gần đây rươi vừa vớt xong thường được cấp đông chuyển đi các tỉnh thành khác trong cả nước để bán với giá rất đắt đỏ.

Pín

Ngẩu pín (có nghĩa là dương vật trâu hoặc bò) vốn là một món ăn được khá nhiều nam giới ưa chuộng vì nó vừa ngon lại vừa bổ vì gắn với việc bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực nam giới, cải thiện chức năng, trị yếu sinh lý, liệt dương... theo cách nhận thức thông thường là ăn gì bổ nấy.

Ngẩu pín được chế biến như thịt xiên, ướp ngũ vị và mật ong, kẹp vào vỉ hoặc xiên vào que rồi nướng trên than hoa đến chín vàng. Món ăn này có vị ngon ngọt, sần sật, dai dai và mùi thơm của mật ong. Ngẩu pín nướng thường được chấm tương ớt, ăn cùng các loại rau thơm như mùi tàu, húng chó, lá mơ, rau diếp cá, húng bạc hà... Ngoài ra, pín còn được nấu súp, nấu lẩu.

Thằn lằn, kỳ nhông

Ảnh: Monngonviet
Ảnh: Monngonviet

Thằn lằn và kỳ nhông thuộc cùng một họ, là món ăn quen thuộc ở Bình Thuận (ở đây gọi là dông) và miền quê Nam Bộ (nơi người ta gọi là rắn mối). Thịt con vật này ăn rất thơm, và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Người ta thường chế biến kỳ nhông thành các món như gỏi kỳ nhông lá me, nấu canh chua lá me, nướng muối hoặc hầm thuốc bắc. Còn ở Nam Bộ, thằn lằn nướng nguyên con là món ăn rất quen thuộc. Tuy nhiên, rất nhiều người miền Bắc không nghĩ rằng chúng có thể trở thành một món ăn bởi vẻ ngoài kinh dị.

Theo Ngoisao.net

0