7 - 5 - 1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một thung lũng phía Tây khu Tây Bắc, sát biên giới Việt-Lào, cách Hà Nội hơn 300 kilômét, cách hậu phương của ta hồi kháng chiến chống Pháp (Việt Bắc, khu 4) từ 300 đến 400 kilômét đường bộ. Đế quốc Mỹ-Pháp coi đây là một ngã tư chiến lược quan trọng, một vị trí then chốt che ...
Điện Biên Phủ là một thung lũng phía Tây khu Tây Bắc, sát biên giới Việt-Lào, cách Hà Nội hơn 300 kilômét, cách hậu phương của ta hồi kháng chiến chống Pháp (Việt Bắc, khu 4) từ 300 đến 400 kilômét đường bộ.
Đế quốc Mỹ-Pháp coi đây là một ngã tư chiến lược quan trọng, một vị trí then chốt che chở cho Thượng Lào và có thể trở thành căn cứ không quân, lục quân lợi hại. Tháng 11.1953, địch mở cuộc hành quân Cát-to, ném 6 tiểu đoàn, do tướng Gin chỉ huy, nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Địch ráo riết xây dựng căn cứ quân sự Điện Biên Phủ. Tháng 3.1954, hệ thống cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 49 cứ điểm, chia thành 8 cụm với tổng số quân 17 tiểu đoàn bộ binh, lính dù. Điện Biên Phủ có 2 sân bay riêng. Thu hút tới 80% lực lượng không quân của Pháp ở Đông Dương.
Tướng Mỹ Ô.Đa-ni-en xác nhận đây là một pháo đài bất khả xâm phạm, một Véc-đoong ở châu á. Na va tuyên bố giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào. Còn Đờ Cát-tơ-ri, tư lệnh Điện Biên Phủ, hăng hơn, cho rải truyền đơn thách thức quân ta tấn công Điện Biên Phủ.
Thực ra, ngay trong tháng 12-1953, Bộ Chính trị đã quyết định lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Ta đã bí mật điều chủ lực lên Tây Bắc bao vây Điện Biên Phủ. Mặt khác, ta đã mở các chiến dịch nghi binh, căng địch ra bằng cách tiến đánh Lai Châu (12-1953), Trung Lào (12-1953), Tây Nguyên (1-1954) và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng Nam Bộ. Trung ương Đảng quyết định lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đầu. Chính phủ tổ chức Hội đồng cung cấp mặt trận do phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Đồng chí Trần Đăng Ninh được Tổng Quân ủy giao phụ trách toàn bộ vấn đề đường xá, tiếp tế cho chiến dịch...
Ngày 22.12.1953, Bác Hồ trao lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho quân đội.
Cả nước hướng về Điện Biên Phủ. Dưới làn mưa bom bão đạn của địch, những con đường từ Yên Bái sang, từ Hòa Bình, Thanh Hóa lên được hình thành và ào ạt chuyển đạn dược, gạo muối lên Điện Biên, 26 vạn dân công với trên 3 triệu ngày công, gần hết số ôtô (628 chiếc), hàng ngàn thuyền bè, 2 vạn chiếc xe đạp... đã ra trận mở đường thắng lợi.
Quán triệt tư tưởng đánh chắc thắng nên sau 9 ngày đêm kéo pháo vào, lại phải kéo pháo ra. Những tấm gương hy sinh thân mình chèn pháo như Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Chức... Tháng 3-1954, công tác chuẩn bị cơ bản đã xong: các Đại đoàn chủ lực đã ở các vị trí tập kết. Chưa bao giờ bộ đội ta tập trung một lực lượng to lớn đến thế (gần 4 đại đoàn). Ngày 11.3.1954 Bác Hồ gửi thư cho bộ đội: "...các chú sắp ra trận, nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang..."
Từ 13.3 đến 17.3.1954 ta mở đợt một chiến dịch. Trong 5 ngày đêm đầu tiên ta diệt 2000 tên, hạ 12 máy bay, chiếm các đồi Him Lam (13.3), Độc Lập (15.3) và Bản Kéo (17.3).
Quá uất ức và lo sợ, trước sự thất bại bất ngờ, tên Pi-rốt, tư lệnh pháo binh địch tự tử.
Đợt hai chiến dịch mở từ 30.3 đến 24.4 nhằm tiêu diệt các cứ điểm ở phía Đông. Đây là đợt chiến đấu ác liệt gian khổ nhất. Đồi C1 giành đi giật lại. Bắn tỉa và đánh lấn diễn ra ở các đồi D1, E.. Bộ đội đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh, cắt khu Nam và khu Trung Tâm, tạo nên chiếc thòng lọng xiết chặt cổ địch. Một tên tướng thực dân lúc đó đã thú nhận Điện Biên Phủ đã thành một góc của địa ngục.
Trước thế bí, Pháp tung hết máy bay vận tải cứu Điện Biên Phủ, Mỹ tăng thêm 100 chiếc. Có ngày chúng huy động 250 lần chiếc. Kho dù Đông Phương cạn sạch. Mỹ vội vã lập cầu hàng không từ Nhật, Mỹ sang nhưng 62.000 chiếc dù ném xuống phần lớn rơi vào tay quân ta.
Mỹ còn dọa dùng bom nguyên tử! Nhưng chúng không thay đổi được cục diện chiến tranh.
Bộ đội ta nhanh chóng chiếm các điểm cao còn lại ở phía Đông và tả ngạn sông Nậm Rốn. Đêm 3.5, ta còn cách chỉ huy sở của địch khoảng 300 mét. Quân địch định tổ chức thành 3 cánh quân, xé vây tháo chạy sang Lào. Nhưng chiều 6.5, toàn bộ pháo binh và 1 đại đội hỏa tiễn 6 nòng đã chụp lửa vào trung tâm địch.
Sáng 7.5, đồi A1, cao điểm cuối cùng thất thủ, cầu Mường Thanh đã rơi vào tay quân ta. Địch cố gắng tổ chức phản kích, nhưng đến chiều 7.5 ta đã thực hiện tổng công kích, tiến thẳng vào chỉ huy sở của chúng.
17 giờ 30 ngày 7.5, Đờ Cát-tơ-ri tên tướng tư lệnh và toàn bộ tham mưu địch bị bắt sống. Gần 1 vạn tên nhảy khỏi hầm hố xin hàng...
Thế là sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và mãnh liệt, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ Tịch đã phất cao trên nắp hầm chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là trận tiêu diệt lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ta đã tiêu diệt và bắt sống trên 16.000 tên, trong đo có 1 tướng, 16 quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, 6 vạn chiếc dù...
Điện Biên Phủ là trận hiệp đồng binh chủng lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp, là chiến thắng to lớn nhất của quân và dân ta. Những tấm gương hy sinh như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện... cùng với danh hiệu chiến sĩ Điện Biên, mãi mãi là những biểu hiệu tượng trưng cho tinh thần Việt Nam.
Với Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu nhân dân ta đã phá tan kế hoạch Nava cùng mọi mưu đồ chiến lược điên rồ của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp thành mây khói, góp phần quyết định vào thắng lợi của hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những được coi như một Bạch Đằng, một Đống Đa, một Chi Lăng trong thế kỷ 20 mà còn đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch của chủ nghĩa đế quốc.