6 điều bạn đọc về khủng long khi còn bé mà đến nay đã không còn đúng nữa
Không phải bất cứ loài khủng long nào cũng to lớn. Khi xương khủng long lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 1676, nó đã bị lầm tưởng đến từ một con voi, hoặc có lẽ dễ tưởng tượng hơn là một người khổng lồ. Hơn một thế kỷ sau, các nhà khoa học mới biết rằng không phải vậy, đó là những sinh vật ...
Không phải bất cứ loài khủng long nào cũng to lớn.
Khi xương khủng long lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 1676, nó đã bị lầm tưởng đến từ một con voi, hoặc có lẽ dễ tưởng tượng hơn là một người khổng lồ. Hơn một thế kỷ sau, các nhà khoa học mới biết rằng không phải vậy, đó là những sinh vật giống như thằn lằn, dáng lùn và mập.
Cho đến tận năm 1842, nhà giải phẫu học hàng đầu khi đó là Richard Owen đã ghi nhận những mẫu vật phải đến từ một loài sinh vật hoàn toàn mới. Ông đặt tên cho chúng là khủng long ("Dinosauria" có nghĩa là "những con thằn lằn khủng khiếp").
Kể từ đó, khoảng 700 loài khủng long khác nhau đã được phát hiện. Tốc độ nghiên cứu về khủng long có khi được cập nhật theo từng tháng. Nhận thức của chúng ta về khủng long, vì thế, cũng thay đổi liên tục. Bây giờ, nếu bạn đọc lại một cuốn sách hồi nhỏ viết về khủng long, có lẽ mọi thứ đã trở nên lạ lẫm hơn nhiều.
Hãy cùng xem điều gì từng được viết bên trong đó mà đến giờ đã không còn đúng nữa:
1. Đã là khủng long thì phải to lớn
Bản thân cái tên "khủng long" đã gợi ý mọi người nghĩ đến hình ảnh của một sinh vật khổng lồ. Thực tế, đúng là nhiều loài khủng long có kích cỡ rất lớn. Ví dụ, một con khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) dài khoảng 12 mét và nặng hơn 5 tấn. Nó có kích thước tương đương một con voi. Thậm chí, như vậy vẫn chưa khiến nó trở thành loài động vật ăn thịt lớn nhất từng tồn tại.
Không phải bất cứ loài khủng long nào cũng to lớn.
Những con Argentinosaurus siêu khổng lồ có thể đạt đến 30 mét chiều dài và trọng lượng 80 tấn. Nó lớn hơn bất kể một loài động vật có vú nào đang sống và từng tồn tại trên hành tinh, bao gồm cả những con cá voi lớn nhất.
Khủng long giữ kỷ lục ở hạng mục động vật trên cạn lớn nhất hành tinh. Không có một loài nào từng sống trước chúng và cho đến hiện tại có thể phát triển đến kích thước khổng lồ như vậy.
Tuy nhiên, không phải bất cứ loài khủng long nào cũng to lớn. Protoceratop, những con khủng long có sừng chỉ lớn tương đương một con cừu. Velociraptor, trông giống như những con chim cao lớn chạy trên mặt đất. Nhưng chúng cũng chỉ đứng đến ngang đùi con người.
Những năm gần đây, chúng ta liên tục phát hiện ra nhiều loài khủng long nhỏ mới. Ví dụ: loài Hesperonychus ăn thịt chỉ có kích thước bằng một con mèo. Tianyulong ăn cỏ chỉ tương đương một con thỏ. Những con Parvicursor ăn côn trùng thậm chí chỉ nhỏ bằng một con chim cút. Tất cả chúng vẫn được xếp vào nhóm khủng long.
Hơn nữa, có khi các loài khủng long nhỏ còn đông đảo hơn nhiều so với những loài khổng lồ. Có điều, chúng ta biết nhiều hơn đến những con khủng long bạo chúa bởi xương của chúng to hơn và đã tồn tại lâu hơn những loài khủng long bé nhỏ khác.
2. Khủng long đều có mình vảy
Khủng long bạo chúa cũng có thể sở hữu một cái mình toàn lông chứ không phải vảy.
Lần đầu tiên khủng long được phát hiện, chúng ta tin rằng loài sinh vật này phải có họ hàng với cá sấu và thằn lằn. Nếu vậy, có lẽ chúng cũng có vảy trên da. Và thực sự là điều này đúng với khá nhiều loài bao gồm: khủng long mỏ vịt (Duckbill), khủng long sừng (Horned), khủng long chân thằn lằn (Sauropod) và khủng long bọc giáp (Armoured).
Tuy nhiên, vào những năm 1970, một số nhà cổ sinh vật bắt đầu tự hỏi liệu một số loài khủng long có thể có lông, giống như họ hàng khác của chúng là loài chim. Thời điểm đó, giả thuyết này chỉ được coi là suy đoán vô căn cứ.
Cho đến năm 1997, một con khủng long ăn thịt nhỏ giống Sinosauropteryx được phát hiện, với các bằng chứng cho thấy nó đã được bảo phủ bởi lông chứ không phải vảy. Kể từ đó, lông tiếp tục được phát hiện ở các loài khủng long thân chim ăn thực vật, loài Heterodontosaurus ăn thịt và cả Tyrannosauridae nữa. Ngạc nhiên chưa, khủng long bạo chúa cũng có thể sở hữu một cái mình toàn lông chứ không phải vảy.
3. Khủng long không màu xanh lá thì cũng màu nâu xám
Những con khủng long có thể đã từng đẹp hơn nhiều, thậm chí còn có màu sắc sặc sỡ.
Những hình ảnh khắc họa đầu tiên về khủng long được xây dựng lên, thể hiện chúng là những sinh vật lo lớn với 3 gam màu: xanh lá cây, xám và nâu. Thực tế chỉ ra rằng có thể thời đại trung sinh không đến nỗi buồn tẻ đến vậy. Những con khủng long có thể đã từng đẹp hơn nhiều, thậm chí còn có màu sắc sặc sỡ.
Các nghiên cứu về vảy, da và lông khủng long đã tìm thấy dấu vết của sắc tố melanin, thứ có mặt trong vảy thằn lằn, lông các loài chim và cả tóc của chúng ta. Phân tích chỉ ra rằng khủng long đã từng xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau, trong đó bao gồm đen, trắng, đỏ. Một vài loài thậm chí sở hữu những bộ lông có ánh kim.
Bên cạnh đó, nhiều loài khủng long có thân mình với các đốm và sọc, trắng ở dưới bụng và đen trên lưng mình. Một số loài khủng long có họa tiết ngụy trang để lẩn tránh những kẻ sẳn mồi hoặc chờ đợi con mồi của chúng. Số khác có thể có gam màu tươi sáng để thu hút bạn tình, giống như đuôi một con công chẳng hạn.
4. Khủng long là những bậc phụ huynh vô trách nhiệm
Giống như những loài họ hàng gần của chúng ngày nay, chim và cá sấu, khủng long bảo vệ trứng và con nhỏ.
Ngày nay, hầu hết các loài bò sát chỉ đẻ trứng xuống cát rồi bỏ đi, mặc con cái của chúng phải tự lo cho chính bản thân mình. Hình thức sinh sản này có tính chất rủi ro cao. Chẳng vậy mà một con rùa biển phải đẻ đến hàng ngàn quả trứng trong cuộc đời, may ra mới có vài đứa con nối dõi.
Khủng long đã từng bị đánh giá là những bậc cha mẹ vô trách nhiệm như vậy, đẻ con ra và bỏ chúng lại. Nhưng ngày nay, chúng ta biết đã trách lầm khủng long. Giống như những loài họ hàng gần của chúng ngày nay, chim và cá sấu, khủng long bảo vệ trứng và con nhỏ.
Tại sa mạc Gobi, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của một ổ trứng và trên đó có một con khủng long. Họ giả định rằng con khủng long này đã chết khi tấn công ổ trứng. Vì vậy, chúng được đặt tên là Oviraptor, với ý nghĩa là "kẻ trộm trứng".
Tuy nhiên về sau, ngày càng nhiều các mô hình Oviraptor được tìm thấy, một con khủng long phía trên một ổ trứng. Hóa ra, đó chính là trứng của những con khủng long này. Oviraptor đang ấp trứng trước khi chết chứ không phải đến trộm chúng.
5. Sự tuyệt chủng của khủng long
Nguyên nhân này thuộc về một thứ gì đó gọi là định mệnh, hơn là một cái chết dần chết mòn được xác định trước.
Từ lâu, sự tuyệt chủng của khủng long được đổ lỗi cho chính chúng, bởi không thể thích nghi với những biến động của môi trường Trái Đất. Nhưng thực tế rằng, loài sinh vật này đã thống trị hành tinh và phát triển da dạng trong suốt 100 triệu năm. Hóa thạch của chúng được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ Bắc và Nam Mỹ, Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và thậm chí cả Nam Cực.
Dù cho có một sự suy giảm nào đó, các hóa thạch cho thấy khủng long vẫn thống trị Trái Đất cho đến thời điểm 66 triệu năm về trước. Và rồi, một tiểu hành tinh bất ngờ va chạm với Trái Đất, ở một địa điểm thuộc Mexico ngày nay. Bụi sinh ra từ cú va chạm đã tung lên khắp khí quyển và đẩy hành tinh rơi vào bóng tối.
Khủng long bắt đầu biến mất từ đó. Nhưng nguyên nhân này thuộc về một thứ gì đó gọi là định mệnh, hơn là một cái chết dần chết mòn được xác định trước. Đó là một tai nạn vũ trụ. Nếu quỹ đạo tiểu hành tinh kia lệch đi một chút, có lẽ chỉ là một phần nhỏ của một độ, có lẽ khủng long vẫn thống trị hành tinh này. Chúng ta cũng đã không ở đây để nói về quá khứ của chúng.
6. Tất cả khủng long đều đã tuyệt chủng
Những loài khủng long nhỏ có lông vũ đã sống sót và tiến hóa thành những loài chim ngày nay.
Như đã nói, một tiểu hành tinh đã khiến khủng long không thể thống trị Trái Đất. Những con khủng long bạo chúa, Triceratop thì đã tuyệt chủng hoàn toàn. Nhưng có lẽ một số ít đã sống sót.
Chúng là những loài khủng long nhỏ có lông vũ. Sống sót qua cuộc đại tuyệt chủng, những con khủng long này đã tiến hóa thành một trong số 10 ngàn loài chim có mặt hiện tại, trên hành tinh của chúng ta.