5 loại vũ khí giết hàng triệu người trong Thế chiến I
Trong Thế chiến I, nhiều loại vũ khí hiện đại, có tính sát thương cao đã được sáng chế nhằm mục đích cuối cùng: khuất phục đối thủ. Sau đây là 5 thứ vũ khí "thần chết" đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong cuộc chiến. Súng máy Maxim MG 08 Trong Thế chiến I, lính Đức với súng ...
Trong Thế chiến I, nhiều loại vũ khí hiện đại, có tính sát thương cao đã được sáng chế nhằm mục đích cuối cùng: khuất phục đối thủ. Sau đây là 5 thứ vũ khí "thần chết" đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong cuộc chiến.
Súng máy Maxim MG 08
Trong Thế chiến I, lính Đức với súng máy Maxin MG 08 là nỗi ám ảnh với binh lính phe Hiệp Ước. Đây là mẫu súng máy tiêu chuẩn của quân đội Đức, được thiết kế dựa trên 1 nguyên mẫu năm 1894 của Hiram Maxim. Phiên bản thời kỳ đầu Thế chiến 1 của MG 08 nặng tới 45 kg (gồm súng, hộp đạn và các phụ kiện khác). Tuy không thể di chuyển cơ động, súng có khả năng bắn 500 viên/phút – đủ khả năng tiêu diệt bất cứ toán bộ binh nào.
Xe tăng Mark V
Xe tăng Mark V có trọng lượng 29 tấn, là loại xe tăng nặng nhất mà Anh sử dụng trong Thế chiến I. Xe có lớp giáp dày gần 1,3 cm – đủ để chống đạn – và 1 khẩu pháo 57 mm (hoặc 1 súng máy Vickers). Với thiết kế thân đặc biệt và hỏa lực mạnh, Mark V dễ dàng xuyên thủng các lớp rào kẽm gai và phá hủy các ổ súng máy, lô cốt. Dù khá mạnh mẽ, những chiếc Mark V đời đầu rất nóng, ầm ĩ và thường xuyên gặp sự cố - 1 nhược điểm chí mạng khiến xe tăng dễ bị pháo binh Đức “làm thịt” trên các địa hình trống trải.
Tuy nhiên, Mark V cũng đã khắc chế được súng máy vốn là bá chủ chiến trường trước khi các phương tiện bọc giáp xuất hiện, góp phần giảm thiểu thương vong cho các binh sĩ trên chiến trường.
Máy tiêm kích 3 tầng cánh Fokker
Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi mà các máy bay chiến đấu vẫn còn dùng động cơ cánh quạt thô sơ với vũ khí chính là súng máy, Fokker của Đức đã chứng tỏ mình là “ông vua bầu trời” nếu được sử dụng đúng cách. Dù có tốc độ chậm hơn các máy bay của phe Hiệp ước như Máy bay 3 tầng cánh Sopwith hay Spad VIII, Fokker vẫn có thể thỏa sức tung hoành nhờ sự cơ động linh hoạt và khả năng tăng độ cao nhanh. Nhiều phi công Fokker đã đạt danh hiệu ACE (bắn hạ trên 5 máy bay trở lên), trong đó xuất sắc nhất là “Nam tước Đỏ” Manfred von Richthofen với thành tích 80 máy bay.
Tàu ngầm Type 93 U-boat
Dù thua cuộc, thế nhưng Đức vẫn có thể tự hào về tàu ngầm U-boat – 1 biểu tượng quân sự, đánh dấu sự thay đổi trong chiến tranh hàng hải hiện đại. Trong đó, phiên bản nguy hiểm nhất là Type 93 với thành tích đánh chìm 411,000 tấn hàng của phe Hiệp Ước. Mặc dù có tốc độ không hề nhanh (16,6 km/h khi lặn và 31,5 km/h khi nổi) và thời gian hoạt động ngắn (những phiên bản đời đầu chỉ có thể lặn 1 giờ trước khi hết pin), Type 93, vốn được trang bị 1 súng máy 88 mm hoặc 105 mm trên boong tàu và 6 ống phóng ngư lôi, vẫn là 1 nỗi kinh hoàng cho các tàu vận tải.
Đại bác Big Bertha và Paris Gun
Đại bác Big Bertha.
Big Bertha là một khẩu đại bác khổng lồ của Đức với cỡ nòng khoảng 40cm, lớn hơn so với hầu hết các khẩu pháo trên các chiến hạm vào thời điểm đó. Với khả năng bắn một quả đạn pháo gần 1 tấn ở cự ly khoảng 12km, Big Bertha đã phá hủy các công sự của Bỉ vào năm 1914, cho phép quân đội Đức tiến quân qua Bỉ và gần như chiếm được Paris của Pháp.
Ngược lại, đại bác Paris Gun lại dài và hẹp, bắn đạn nặng khoảng 90kg với tầm bắn khoảng 130km. Điều này cho phép quân Đức tiến hành oanh tạc tầm xa nhằm vào Paris của Pháp.
Đại bác Paris Gun.
Giống như nhiều loại vũ khí khác, những khẩu pháo này rất đắt đỏ và dễ hỏng (Paris Gun chỉ có thể bắn được 20 viên đạn thì nòng đã bị mòn). Nhưng khả năng phá hủy công sự, hầm hào hoặc oanh tạc một thành phố từ một khoảng cách xa hơn 100km đã làm nên tiếng tăm của những loại vũ khí trên.