4 loại ấu trùng mê hoặc thực khách Việt
Đuông dừa Các loại sâu trưởng thành đẻ trứng vào cây dừa, trứng nở sẽ thành con đuông. Những con đuông này ngày đêm ăn hết cây dừa và làm chết cây. Một cây dừa có thể có cả hàng trăm con đuông. Với người trồng dừa, đây là "kẻ phá hoại giấu" mặt nguy hiểm ...
Đuông dừa
Các loại sâu trưởng thành đẻ trứng vào cây dừa, trứng nở sẽ thành con đuông. Những con đuông này ngày đêm ăn hết cây dừa và làm chết cây. Một cây dừa có thể có cả hàng trăm con đuông.
Với người trồng dừa, đây là "kẻ phá hoại giấu" mặt nguy hiểm nhất, song với thực khách, đuông dừa là một đặc sản đầy thách thức.
Cách thưởng thức đuông ngon nhất là sau khi chặt thân dừa, cho đuông vào chén nước mắm đã xắt ớt sẵn. Sau khi đuông uống no nước mắm thì lấy đũa, gắp chặt đầu con đuông và đưa phần đuôi vào miệng. Khi cắn vào thân, đuông sẽ xịt ra một loại nước trắng đục có vị béo béo ngọt ngọt, lại có vị của nước dừa.
Ngoài món đuông tắm nước mắm ăn sống, đuông còn có thể làm nhiều món khác như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm. Thông thường các món chín dành cho những thực khách mới làm quen với loại côn trùng đặc biệt này hay những người “nhát vía”.
Nhộng ong
Là ấu trùng của ong, nhộng ong mê hoặc thực khách với vị ngọt, béo, bổ dưỡng.
Cách lấy nhộng ong ra khỏi tảng khá cầu kỳ. Người ta chế nước sôi vào thau rồi thả nguyên tảng ong vào. Phần sáp gặp nước nóng tan chảy ra sền sệt. Dùng một tấm lưới, đổ nước sôi lẫn sáp để lọc nhộng. Sau khi nước sáp chảy qua khe lưới, còn lại trên mặt lưới toàn là nhộng.
Nhộng ong có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như chiên, xào, trộn với bưởi, đậu phộng ăn kèm bánh tráng… Nguyên liệu vốn hảo hạng nên những món ăn chế biến từ nhộng ong không yêu cầu đầu bếp có tay nghề cao hay gây khó khăn trong việc điều chỉnh, phối hợp gia vị.
Tuy nhiên, món ong non trông hấp dẫn này không phải ai cũng có thể ăn được. Một số người không hợp có thể bị dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa da nhẹ.
Nhộng ve sầu
Bắt nhộng ve khá đơn giản với một đèn pin và một lon sữa bò nhỏ, cứ canh trời gần sáng, khi nhộng bắt đầu bò từ đất lên cây thì bắt. Đơn giản như thế nhưng nếu không nhanh tay hay không cẩn thận, bạn sẽ dễ bị thương do gai cào hay nhộng hóa thành ve non.
Nhộng ve đem về rửa sạch, để cho ráo nước. Bắc chảo, phi thơm hành tỏi thơm rồi đổ nhộng vào, nêm một ít nước mắm, tiêu bột. Sau hàng loạt tiếng kêu xèo xèo, âm thanh nổ lốp bốp là đã có một chảo nhộng ve chiên thơm lừng, có vị ngọt bùi, béo đậm, ăn mãi không chán. Ngoài chiên, nhộng ve có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như nhúng bột chiên, nấu cháo, xào hành hay kho mặn ăn cùng với cơm.
Nhộng tằm
Nếu đuông dừa, nhộng ong và nhộng ve sầu được biết như một đặc sản mang tính vùng miền thì nhộng tằm có từ sau khi kỹ thuật dệt tơ ra đời và trở thành món ăn phổ biến khắp các vùng, miền của nước ta.
Nhộng tằm có khá nhiều dưỡng chất và thuộc món mà ai ăn được thì sẽ thích mê, còn ai không quen, hay những ai nghĩ đến nguồn gốc chuẩn của nó (họ sâu) thì chẳng dám ăn.