4 hội chợ "ác mộng" trong lịch sử nhân loại
Hội chợ người, rút thăm trúng thưởng để có được em bé... là những hội chợ ám ảnh trong lịch sử. Khám phá những hội chợ trở thành cơn ác mộng cho con người Nói tới hội chợ, chúng ta thường sẽ nghĩ tới những gian hàng buôn bán cùng nhiều trò chơi đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng ...
Hội chợ người, rút thăm trúng thưởng để có được em bé... là những hội chợ ám ảnh trong lịch sử.
Khám phá những hội chợ trở thành cơn ác mộng cho con người
Nói tới hội chợ, chúng ta thường sẽ nghĩ tới những gian hàng buôn bán cùng nhiều trò chơi đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng đôi khi có những hội chợ lại trở thành cơn ác mộng ám ảnh con người mãi mãi về sau. Dưới đây là một trong những hội chợ như vậy trong lịch sử.
1. Hội chợ… người
Gần giống hội chợ Alaska-Yukon-Pacific, hội chợ quốc tế về thuộc địa (Exposition Coloniale Internationale) đã được tổ chức tại Paris vào năm 1931 với mục đích “khoa trương” cho toàn thế giới về thành quả cuộc chiến tranh mở rộng thuộc địa của Pháp.
Tại đây có các “vườn thú người” với những lời lẽ quảng cáo rất vô nhân đạo như "Chủng tộc hoang dã tồn tại duy nhất tại các thuộc địa của Pháp. Chủng tộc người siêu kỳ lạ, siêu dị thường siêu tàn bạo. Mức tiến hóa thấp nhất của loài người..." được trưng bày khắp nơi.
Sự phân biệt chủng tộc tới mức man rợ khiến cho các hội chợ kiểu này được các nhà sử học thời bấy giờ gọi là những cơn ác mộng của nhân loại.
Để mua vui và hút tiền từ khách tham quan, người Pháp đưa những người da màu tại thuộc địa tới đây nhốt trong các lồng và cũi cùng với các loài động vật khác như trong sở thú.
Xung quanh là khán giả tới chiêm ngưỡng và bàn tán. Nhiều người còn ném đá và lấy gậy chọc như thể đó là một “loài thú lạ” mới được phát hiện. Nhưng phải đến vài tháng sau đó, tháng 11/1931, hội chợ mới bị dẹp bỏ bởi sự lên án mạnh mẽ của một số ít cư dân trong cộng đồng.
2. Rút thăm trúng thưởng để có được… em bé
Vào năm 1909, hội chợ quốc tế Alaska-Yukon-Pacific đã được tổ chức tại thành phố cảng Seattle, Hoa Kỳ. Có nhiều thứ được trưng bày tại hội chợ nhằm kỷ niệm 10 năm thành lập đoàn người đào vàng Klondike này và trong đó có cả con người.
Theo đó, một nhóm người Eskimo đã được mang tới đây để “trưng bày” như một giống người tối cổ. 50 người Igorot cũng được "tặng" cho một khoảnh đất với vài túp lều cỏ để mua vui trong mấy ngày hội chợ. Còn khách tham quan thì sẽ phải bỏ ra chút tiền để được vào chiêm ngưỡng.
Mỗi người đến tham gia hội chợ sẽ được phát một phiếu để tham gia rút thăm trúng thưởng. Và điều đáng kinh ngạc là phần thưởng cho người chiến thắng là một đứa bé sơ sinh.
Theo thời báo Seattle, em bé một tháng tuổi này có tên Ernest đã bị bố mẹ bỏ rơi và đã trở thành “tài sản” của Trung tâm bảo trợ xã hội Washington.
Tại hội chợ năm đó, một người đã trúng giải thưởng này. Tuy nhiên, không ai biết số phận của đứa bé đó đã trôi về đâu cho đến tận bây giờ.
3. Đốt hội chợ vì trận đấu bò
Thay vì không khí nhộn nhịp vui vẻ thường thấy, hội chợ Louisiana Purchase diễn ra vào năm 1904 tại Bang Missouri, Mỹ lại mang một không gian đau buồn bởi chỉ vừa mới diễn ra được một tuần nhưng mọi thứ đã bị thiêu rụi. Thậm chí đã có án mạng xảy ra tại hội chợ.
Tại hội chợ này, người ta đã tổ chức một trận đấu bò. Tuy rằng việc tổ chức đấu bò trong hội chợ là bất hợp pháp nhưng chủ hội chợ vẫn khá thành công với hàng ngàn vé được bán ra.
Thống đốc bang Missouri - Alexander Monroe Dockery đã phải dùng vũ lực để ngăn trận đấu diễn ra và tuyên bố những ai vi phạm sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ mới diễn ra được một hai trận, do chia chác không đều, trận đấu bò đã nhanh chóng biến thành “xới vật” của các phần tử manh động.
Họ xúi giục đám đông ném đá vào các sỹ quan và châm lửa đốt cháy mọi thứ. Ác mộng vẫn chưa chấm dứt, không lâu sau đó, án mạng xảy ra khi những người quản lý trận đấu bị các dũng sỹ đấu bò sát hại trong một vụ tranh chấp về tiền lương.
4. Hội chợ đẫm máu
Những người dân Mỹ ngày nay vẫn kể về hội chợ Quốc tế Columbian như một câu chuyện kinh dị. Được tổ chức vào ngày 01 tháng 5 năm 1893 tại bang Chicago, đây là hội chợ quốc tế đầu tiên bày bán kẹo cao su, kem lúa mì và các sản phẩm công nghệ mang tính cách mạng như máy rửa bát và bóng đèn huỳnh quang. Nhưng hội chợ cũng để lại nhiều ám ảnh bởi những vụ giết người man rợ khó hiểu.
Tiến sỹ Henry Howard Holmes - có tiền sử bệnh tâm thần được cho là chủ mưu của vụ giết người hàng loạt tại hội chợ.
Ông đã xây một khách sạn 3 tầng ngụy trang một cái bẫy giết người tinh vi. Hàng chục người vào ở khách sạn này đã có số phận thảm khốc khi bị tra tấn đến chết. Không ai biết chuyện này cho tới khi hội chợ kết thúc.
Cùng lúc đó, vào ngày 28 tháng 10 năm 1893, chỉ 2 ngày trước lễ bế mạc, thị trưởng vừa đắc cử của bang Chicago - Carter Harrison đã bị ám sát bởi một người mất trí trong văn phòng. Cả thành phố bị sốc và ban tổ chức hội chợ đã phải cho hủy lễ bế mạc xa hoa thay vào đó là lễ tang của người lãnh đạo thành phố.