4 chiến thuật quân sự có 1-0-2 trong lịch sử chỉ thiên tài mới nghĩ ra
Triệu hồi thần mèo đánh giặc, dùng lạc đà hóa lửa hay đóng cọc trên sông... là những chiến thuật quân sự có 1-0-2 trong lịch sử. 4 chiến thuật quân sự có 1-0-2 trong lịch sử Trong lịch sử, bên cạnh cách bày binh với chiến thuật tấn công phòng thủ bài bản - chiến binh với khiên đứng sát ...
Triệu hồi thần mèo đánh giặc, dùng lạc đà hóa lửa hay đóng cọc trên sông... là những chiến thuật quân sự có 1-0-2 trong lịch sử.
4 chiến thuật quân sự có 1-0-2 trong lịch sử
Trong lịch sử, bên cạnh cách bày binh với chiến thuật tấn công phòng thủ bài bản - chiến binh với khiên đứng sát cạnh nhau, những ngọn giáo chĩa thẳng ra phía trước gây tiếng vang lớn vẫn còn tồn tại nhiều chiến thuật đánh kinh điển khác. Đó có thể là sách lược triệu hồn thần mèo để đánh vào tâm lý kẻ địch hay lợi dụng tự nhiên để lừa quân vào bẫy...
Những chiến thuật đánh trận kinh điển có 1-0-2 đó đã được thế giới ghi danh và truyền lại cho đời sau về sự mưu trí của người cầm quân. Họ thực sự là những thiên tài.
1. Triệu hồi thần mèo đánh giặc
Sử dụng các loài động vật làm vũ khí đánh trận vốn không phải là một chiến thuật quá lạ lẫm trong lịch sử thế giới. Thế nhưng, sẽ không có vị tướng nào nghĩ ra được cách "triệu hồi thần mèo" lên giúp đỡ như vua Cambyses II của Ba Tư làm trong cuộc chiến xâm lược Ai Cập cổ đại.
Mèo thì chiến đấu như thế nào nhỉ?
Cambyses II (mất năm 522 TCN) là vua của Đế quốc Achaemenes. Sau khi vua cha là Cyrus Đại đế chinh phạt vùng Cận Đông và Trung Á, Cambyses II tiếp tục bành trướng lãnh thổ của đế quốc vào Ai Cập trong thời hậu nguyên với chiến thắng trước Pharaoh Psamtik III của Ai Cập trong trận Pelusium vào năm 525 TCN.
Và phương pháp được Cambyses II sử dụng chính là "triệu hồi thần mèo". Cambyses II hiểu rằng, mèo là loài động vật có vị thế rất cao trong xã hội Ai Cập thời ấy.
Chúng được tôn sùng đến mức một số gia đình còn ướp xác cho mèo sau khi chết - một nghi thức chỉ dành cho các thành viên hoàng gia hay các quý tộc để bày tỏ niềm tiếc thương.
Nhờ nắm được điều này, vua Cambyses II của Ba Tư đã ra lệnh cho người của mình vẽ hình mèo lên các lá chắn cho quân tiên phong.
Thậm chí ông còn cho buộc hàng trăm chú mèo lên phía trước lá chắn để “dẫn đường”. Chiến thuật này đã phát huy tác dụng. Các cung thủ Ai Cập không thể bắn tên vì sợ bị thánh thần hiển linh trừng phạt, dẫn đến việc quân Ai Cập thất thủ và các Pharaoh bị bắt giữ.
2. Đóng cọc trên sông bẫy thuyền địch
Ngô Quyền (898 - 944) còn được biết đến với tên gọi Ngô Vương - vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Tượng Ngô Quyền tại thành phố Hải Phòng
Trong lịch sử, Ngô Quyền nổi tiếng với chiến thuật đóng cọc trên sông dụ địch tấn công nổi tiếng. Năm 938, ông đem quân ra Đại La tổ chức kháng chiến chống quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng.
Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt ở đây, ông sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp.
Ngày hôm sau khi giao chiến, Ngô Quyền bí mật bố trí các thuyền lớn phục sẵn ở xung quanh bãi cọc và cử một số thuyền nhỏ ra để khiêu chiến.
Đúng như dự tính, quân Nam Hán vô cùng chủ quan đã bị quân ta dụ vào trận địa bãi cọc đang chờ sẵn. Nước triều rút xuống làm lộ ra những chiếc cọc đầu bọc sắt, khiến thuyền lớn của quân Nam Hán không kịp xoay trở và đành ngậm ngùi ngã xuống lòng sông trong tiếng reo hò quân sĩ ta.
Bức tranh vẽ lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938
Kết quả, quân Nam Hán thua chạy, tướng giặc bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. 350 năm sau, mưu lược này của Ngô Quyền một lần nữa được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tái hiện.
Trong lần xâm lược Đại Việt thứ ba của quân Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đã lợi dụng thủy triều để đóng cọc trên sông Bạch Đằng, tiêu diệt nhiều chiến thuyền lớn của giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy.
Chiến thắng này góp phần vào thắng lợi của Đại Việt trước đế chế Mông Cổ hung hãn và hùng mạnh nhất thời bấy giờ, đồng thời cũng đưa tên tuổi của Trần Quốc Tuấn vào hàng ngũ những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử.
3. Bẫy băng trên hồ Chudskoe
Trận hồ Chudskoe (hay còn được gọi Trận đánh trên băng giá), là một trong hai trận đánh vẻ vang nhất của Vương công Aleksandr Yaroslavich Nevsky xứ Novgorod (1220 – 1263).
Hình ảnh Aleksandr Nevsky được tái hiện trong một bộ phim cùng tên được sản xuất năm 1983
Ông là Đại Công tước xứ Novgorod, một vị tướng nổi tiếng trong lịch sử nước Nga với những chiến công hiển hách chống lại sự xâm lược của người Thụy Điển và Giáo binh đoàn Hiệp sĩ Teuton của người Đức.
Ngày 5/4/1242, các hiệp sĩ Teuton đã đem quân đánh vào nước Nga trong một cuộc Thập tự chinh phương Bắc. Nevsky với tài trí của mình đã chọn hồ Chudskoe trong tình trạng bị đóng băng làm nơi giao chiến.
Lớp băng trên mặt hồ không thể chịu được trọng lượng lớn của binh đoàn thập tự chinh
Nevsky đã dụ cho các hiệp sĩ Teuton đuổi theo quân đội của mình khi băng qua mặt hồ đóng băng. Lớp băng trên mặt hồ tuy rất dày, nhưng cũng không thể chịu nổi sức nặng của binh đoàn thiết giáp Thập tự.
Kết quả là băng vỡ khiến cho đa số chiến binh Thập tự rơi xuống dưới hồ, tạo ra cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Lúc bấy giờ, quân du kích của Nevsky mới ào ra, tấn công dữ dội vào những hiệp sĩ đang vùng vẫy trong nước hồ giá lạnh và truy kích người chạy trốn trong rừng.
Chiến thắng lừng lẫy của trận chiến này đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Nga, đưa Vương công Nevsky trở thành một vị anh hùng dân tộc, bảo vệ nước Nga chống lại ngoại xâm.
Nhờ công tích hào hùng này, Công tước Nevsky được Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương phong làm Thánh.
4. Những chú lạc đà “bốc lửa” của Thiếp Mộc Nhi
Lạc đà là một trong những chiến hữu tuyệt vời nhất của binh sĩ Mông Cổ trong nhiều mặt trận khắc nghiệt. Chúng sở hữu tốc độ tốt và đặc biệt có một sức chịu đựng tuyệt vời khi giao chiến trên sa mạc.
Tuy nhiên, đôi khi những chú lạc đà cũng phải chịu nhiều hy sinh để giúp chủ nhân và chính bản thân mình thoát khỏi hiểm nguy, bảo toàn tính mạng. Điển hình là trường hợp của Thiếp Mộc Nhi - một vị hoàng đế “khét tiếng” khu vực Tây Á sống cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.
Chân dung Thiếp Mộc Nhi
Thiếp Mộc Nhi (1336 – 1405) là một vị hoàng đế có xuất thân Mông Cổ vào thế kỷ XIV, người đã chinh phạt phần lớn Tây và Trung Á và sáng lập Đế quốc Timurid ở Trung Á.
Trong cuộc chiến với quân đội Ấn Độ năm 1398 tại Dehli, Thiếp Mộc Nhi bị bao vây bởi hơn 120 chiến tượng vô cùng hung hãn.
Dù hoảng sợ nhưng ông vẫn bình tĩnh ra lệnh cho người của mình chất hết đồ đạc của mình lên lạc đà trước khi rút quân. Ngay sau đó, Thiếp Mộc Nhi cùng toàn bộ quân đội của mình bắt đầu đốt cháy yên lạc đà, hướng chúng chạy về phía quân địch.
Đoàn chiến tượng của quân Ấn Độ tuy ban đầu chiếm lợi thế nhưng sau đó đã thất bại hoàn toàn
Việc làm đó đã khiến bầy voi của quân Ấn Độ nổi điên vì sợ hãi, quay lại giẫm đạp lên binh lính và phá hỏng đội hình. Quyết định táo bạo này đã giúp Thiếp Mộc Nhi cùng đồng đội của mình thoát khỏi đợt tấn công mà ban đầu tưởng như không có lối thoát.