15 việc còn khó hơn cả đỗ Đại học Harvard
Là một trường Đại hoc uy tín hàng đầu thế giới, Harvard luôn là điểm đến ước mơ của hàng tỷ sinh viên trên khắp địa cầu. Dĩ nhiên, để được khoác lên mình tấm áo đại học Harvard không hề đơn giản, nếu không muốn nói là cực kỳ khó. Tỷ lệ chấp thuận hồ sơ của trường đại học danh tiếng nhất hành tinh ...
Là một trường Đại hoc uy tín hàng đầu thế giới, Harvard luôn là điểm đến ước mơ của hàng tỷ sinh viên trên khắp địa cầu. Dĩ nhiên, để được khoác lên mình tấm áo đại học Harvard không hề đơn giản, nếu không muốn nói là cực kỳ khó. Tỷ lệ chấp thuận hồ sơ của trường đại học danh tiếng nhất hành tinh chỉ là 5.9%. Cũng từ trường này đã cho ra đời hàng loạt các nhân vật nổi tiếng thế giới như CEO Facebook Mark Zuckerberg, tổng thống Mỹ Barack Obama, cố tổng thống John F Kennedy và tỷ phú Bill Gates.
Những công việc còn khó hơn vào học tại Harvard
Tuy nhiên, đừng quá nghĩ rằng Harvard đã là to. Còn khối thứ trên đời này thậm chí còn khó có thể đạt được hơn cả một vé vào Harvard, mặc dù thoạt nghe chúng đều rất tầm thường.
1. Một công việc ở Walmart
Chuỗi thương hiệu trung tâm mua sắm nổi tiếng Walmart lần đầu tiên đến với thủ đô Washington vào cuối năm 2013. Khi chỉ mới chân ướt chân ráo tới mảnh đất chính trị này, Walmart đã ngay lập tức nhận được 23.000 đơn đăng ký, thế nhưng số người được chọn chỉ là 600 mà thôi. Tỷ lệ chấp thuận hồ sơ của Walmart là 2.6%, chưa bằng một nửa so với Harvard.
Trong khi các sinh viên Harvard khi cầm tấm bằng trong tay có thể mặc nhiên đòi hỏi mức lương lên đến 6 con số thì một nhân viên của Walmart chỉ được trả khoảng 11.83USD/h (khoảng 270 nghìn VND), tương đương 25.000USD/năm. Lương đã thấp, tỷ lệ chọi còn cao, có ai nói vào Harvard là khó nhất thế giới nữa không?
2. Nhân viên quỹ đầu tư tại Phố Wall
Để có một chân tại khu tài chính sầm uất Phố Wall không phải là một việc đơn giản, nhất là khi bạn muốn làm một nhân viên quỹ đầu tư. Ông Ken Griffin, nhà sáng lập quỹ đầu tư thanh khoản cho biết, trong số 10.000 ứng viên nộp hồ sơ, ông chỉ chấp nhận 300 người vào làm trong quỹ này. Tỷ lệ chấp thuận rơi vào khoảng 3%, chỉ nhỉnh hơn Walmart một chút.
3. Xuất hiện trên Top 50 các bài viết trên Newsfeed bạn bè
Để có một Newsfeed cho bạn quẹt quẹt lướt lướt mỗi sáng, Facebook đã phải chắt lọc từ hơn 1.500 bài đăng tổng hợp từ những người trong danh sách bạn bè của bạn. Mạng xã hội đình đám này sử dụng thuật toán dựa trên độ liên quan của các bài đăng, độ phổ biến và độ tương tác với người dùng để gợi ý cho bạn bài nào nên ở chỗ nào.
Vì vậy, để được xuất hiện trên Top 50 bài đăng chia sẻ trên Newsfeed, bạn buộc phải nằm trong số 3.3% những bài đăng được Facebook chọn lọc từ một mớ toàn chữ với ảnh khắp nơi trên mạng xã hội này.
4. Đạt được Giấc mơ Mỹ
Khái niệm Giấc mơ Mỹ có lẽ sẽ quen thuộc hơn với dân viết lách và mê phim ảnh. Đại loại là một niềm tin bất diệt của tất cả người dân về một nước Mỹ tự do, nơi có thật nhiều cơ hội để đổi đời, từ một kẻ lang thang có thể có cơ hội thành nhân vật nổi tiếng.
Thế nhưng theo điều tra từ các chuyên gia thuộc Đại học Harvard và Đại học Berkeley, việc đạt được "Giấc mơ Mỹ" là rất khó có thể trở thành hiện thực. Những chuyên gia này đã nghiên cứu số lượng người xuất thân từ tầng lấp nghèo đói và sau đó trở thành người giàu trên khắp nước Mỹ, kết quả cho thấy chẳng khả quan lắm. Tại các bang Atlanta, Georgia, Charlotte, Bắc Carolina, Jacksonville, Florida, Colombus, Ohio, Dayton, Milwaukee, Wicosin và Indiana cơ hội đổi đời chỉ là 5%, trong khi đó ở San Jose, California, con số đó là 12.9%.
5. Một chân trong Goldman Sachs
Ngân hàng nổi tiếng Goldman Sachs trong năm 2013 đã tiếp nhận 43.000 hồ sơ cho 1.900 vị trí phân tích số liệu, tạo ra tỷ lệ 4.4%. Cũng dễ hiểu khi có quá nhiều người nộp hồ sơ để làm chuyên viên phân tích số liệu, bởi một khi đã thành công đạt được vị trí này, người ta sẽ nắm chắc khoản lương 70.000 USD/năm (khoảng 1.6 tỷ VNĐ).
6. Trở thành nhân viên Mật vụ
Được trở thành người kề vai sát cánh, bảo vệ tổng thống Mỹ là một vinh dự vô cùng to lớn. Một nhân viên mật vụ sẽ có nhiệm vụ ở bên Tổng thống và gia đình Tổng thống 24/7 không rời. Chính vì lý do ấy, cục Mật vụ Mỹ chỉ tiếp nhận dưới 1% số hồ sơ trong tổng số 15.600 hồ sơ ứng viên được gửi về cơ quan này.
7. Tham gia vào hội trại các nhà khoa học dữ liệu Data Incubator
Data Incubator là một hội trại 6 tuần dành cho những người tại New York muốn trở thành Nhà khoa học dữ liệu. Trong số 1000 ứng viên, ban tổ chức chỉ chọn ra đúng 80 người xuất sắc nhất để tham gia khóa huấn luyện với những khoa học gia hàng đầu nước Mỹ này. Tỷ lệ chọn tại đây là 5.8%.
8. Vào học trung học tại một số "trường điểm" tại New York
Ở New York có một số trường trung học thậm chí còn tuyển học sinh khắt khe hơn cả Đại học Harvard. Năm 2014, 16.675 bộ hồ sơ đã được nộp vào trường Trung học Brooklyn Latin, thế nhưng chỉ có 3% trong số đó được vào học ở ngôi trường này. Bên cạnh đó, trường Trung học khoa học Queens trực thuộc Đại học York hay trường High School of America Studies tại Bronx có tỷ lệ chấp thuận hồ sơ chỉ là 1%.
9. Làm việc tại McDonald's
Người Mỹ thường xuyên giễu cợt McDonald's là nơi dành cho những kẻ học hành lất phất chẳng có tương lai, thế nhưng để có một công việc tại "bãi phế thải nhân lực" này lại chẳng hề đơn giản. Con số thực chất cũng lớn hơn đầu vào Harvard rất nhiều, tuy nhiên không thể phủ nhận là nó cũng khá là khó nhằn. Theo thống kê, khoảng 1 triệu người đã nộp đơn vào làm việc tại McDonald's nhưng số người được tuyển chỉ khoảng 6.2%, thấp hơn cả tỷ lệ chọn 7% vào Harvard trong năm 2011.
10. Làm việc ở Apple Store
Trong khoảng 10.000 ứng viên nộp hồ sơ vào làm tại các cửa hàng bán lẻ của Apple, "quả táo cắn dở" chỉ phát đồng phục cho khoảng 200 người, tương đương với 2% số hồ sơ.
11. Thẻ xanh tại Mỹ
Người ta từng ví hệ thống phê chuẩn tư cách thường trú tại Mỹ dành cho người nước ngoài như một màn chơi xổ số vậy. Mỗi năm có khoảng 15 triệu người nộp hồ sơ thủ tục làm Thẻ xanh nhưng chỉ có 50.000 người thành công.
Nếu bạn không có quốc tịch Úc, New Zealand hay các đảo quốc thuộc vùng Đại Tây Dương, có lẽ hành trình của bạn sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ 2% số người nộp hồ sơ được cấp phép lưu trú dài hạn tại Mỹ mỗi năm.
12. Vào học ở Học viện quản lý Ấn Độ
Tỷ lệ chấp thuận hồ sơ ở Harvard là 5.9%, thế nhưng tỷ lệ chấp thuận ở Học viện này chỉ là 1% mà thôi. Dân Ấn Độ vốn đã đông, ai cũng muốn con em được vào học trong ngôi trường nổi tiếng này mà số lượng sinh viên tiếp nhận chỉ có hạn, vì vậy chắc chắn tỷ lệ cũng sẽ thấp hơn Harvard rất nhiều.
13. Làm tiếp viên hàng không của hãng Delta
Hãng bay của Mỹ cũng có tỷ lệ chấp thuận hồ sơ chỉ là 1%. Trong năm 2010, Delta đã nhận được 100.000 hồ sơ ứng tuyển vào 1.000 vị trí trong hãng. Trong khi đó con số này trong năm 2013 là 44.000 hồ sơ cho 400 vị trí.
14. Khởi nghiệp thành công
Start-up đang là xu hướng được giới trẻ thế giới quan tâm đặc biệt và được coi là "bệ phóng thành công" của người trẻ. Y Combinator là một "trường dạy start-up" tại Mỹ. Các học viên theo học tại đây khi tốt nghiệp sẽ đường trường trích một khoản trong quỹ trị giá 700 triệu USD để thực hiện dự án khởi nghiệp. Cũng vì vậy, Y Combinator chỉ chấp thuận 3-5% số lượng hồ sơ được gửi tới ngôi trường này.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Bussiness Insider, tỷ lệ một dự án Start-up thành công chỉ là 0.4% mà thôi. Chúc những người trẻ liều lĩnh may mắn và luôn tin tưởng vào bản thân, nhé!
15. Làm việc tại Google
Sau khi rời khỏi Microsoft vào năm 2009, Don Dodge đã lựa chọn Google là nơi dừng chân tiếp theo với vị trí phát triển sản phẩm. Trong 1 năm làm việc tại Google, Don đã công bố những bí ẩn trong công cuộc tuyển dụng của hãng tìm kiếm nổi tiếng thế giới. Theo anh này, Google nhận về khoảng 1 triệu hồ sơ ứng tuyển mỗi năm, thế nhưng chỉ 4-5000 người là được nhận, tương đương với 0.4%.