04/06/2017, 23:02

Từ những vần thơ tuổi hoa niên, hồn thơ Tế Hanh đã gắn bó sâu nặng với cuộc sống và con người làng chài ven biển, chôn nhau cắt rốn thân thương của mình.

Hãy phân tích bài thơ" Quê hương" của Tế Hanh để làm sáng tỏ nhận xét ấy: Quê hương mỗi người một ......Sẽ không lớn nổi thành người Trong trái tim của mỗi con người, bao giờ chẳng có hình ảnh một quê hương - nơi mình đã chào đời và lớn lên ! Tình yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng ...

Hãy phân tích bài thơ" Quê hương" của Tế Hanh để làm sáng tỏ nhận xét ấy: Quê hương mỗi người một ......Sẽ không lớn nổi thành người

Trong trái tim của mỗi con người, bao giờ chẳng có hình ảnh một quê hương - nơi mình đã chào đời và lớn lên ! Tình yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng của con người và cũng là nguồn cảm hứng vô tận của văn chương nghệ thuật, ở nhà thơ Tế Hanh, nguồn cảm hứng ấy đã chảy suốt đời thơ và ngay từ những vần thơ đầu tay của tuổi trẻ, hồn thơ Tế Hanh đã gắn bó với cuộc sống con người làng chài ven biển mà bài thơ "Quê hương" là sự mở đầu. Bài thơ được viết năm 1939, lúc nhà thơ là một cậu học sinh trung học mười tám tuổi đi học xa quê.
 
Người đọc bắt đầu biết đến Tế Hanh từ bài "Quê hương" in trong tập "Nghẹn ngào" (1939). Trong 14 tập thơ đã xuất bản của Tế Hanh, kể từ khi ông bước chân vào làng thơ đến nay không tập nào thiếu vắng những bài thơ viết về quê mẹ. Quê hương đã trở thành  một hệ thống hình tượng "ám ảnh" suốt đời thơ Tế Hanh. Thuở hồn nhiên cắp sách tới trường, quê hương trong mắt cậu học trò nghịch ngợm là "những con đường nhỏ chạy lang thang, kéo nỗi buồn không dạo khắp làng" (Lời con đường quê), là con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Nhớ quê hương). Khi đã trưởng thành "cầm súng xa nhà đi kháng chiến", tâm hồn nhà thơ vẫn trở về quấn quýt với con sông quê, mảnh vườn xưa, cái giếng đầu làng. Xa quê, từ năm 15 tuổi, mấy chục năm sau, Tế Hanh vẫn xốn xang khi nghe điệu bài chòi (Điệu quê hương) trên sóng phát thanh.
 
 Có thể nói quê hương là điểm khởi đầu sự nghiệp sáng tác của Tế Hanh, và "Quê hương" là một "mảnh hồn" trong trẻo nhất mà Tế Hanh có được trước Cách mạng tháng Tám. Bằng tấm lòng yêu cuộc sống thiên nhiên và những kỉ niệm nồng nàn nhất của mình, tác giả đã thành công khi nói về quê nhà, một làng chài ven biển miền Trung. Lớn lên giữa cái mùi nồng mặn của những mẻ cá và những tiếng ru vừa bát ngát vừa êm đềm của bốn bề sóng vỗ, Tế Hanh thực sự dành cho quê hương, đất nước những tình cảm sâu nặng đến nghẹn ngào.
 
Gắn bó với quê hương, trước hết nhà thơ dã gắn bó với làng chài ven biển quê mình bằng cả tấm lòng yêu mến thiên nhiên thơ mộng và hùng tráng:
 
"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông".
 
Một lời tự bạch đầy ngọt ngào sâu lắng về quê hương mình. "Vốn" là đã có từ lâu đã làm nghề chài lưới từ lâu. Không yêu quê hương, không ngẩng cao đầu kiêu hãnh về quê hương thì sao Tế Hanh dám nói dứt khoát đến giản dị như thế về quê hương. Câu thơ thứ hai với những chữ "nước", "biển", "sông" gợi ra hình ảnh một miền quê làm nghề chài lưới gắn bó với sông nước, biển khơi. Khi nói về làng mình "cách biển nửa ngày sông" nhà thơ đã dùng phép đo khoảng cách của người dân chài, một cách nói mộc mạc dân dã, bình dị.
 
Sáu câu mở đầu, cảm hứng như đã khơi nguồn, thi sĩ bắt đầu say sưa mô tả cái đẹp của quê hương:
 
"Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá"
 
Dòng thơ cứ nhẹ nhàng tuôn chảy hình ảnh như tự nó thi nhau kéo đến, đẩy câu thơ đi liền một mạch theo dòng cảm xúc dào dạt. Ngọn bút của thi nhân chỉ điểm phớt qua vài nét mà cảnh vật như bừng sáng "trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng".
 
Một ngày lao động của dân chài được bắt đầu bằng buổi bình minh trong sáng, dịu mát, và rực rỡ nắng mai. Trong không gian đầy sức sống ấy, những người dân chài cùng hăm hở lên đường: "Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá". Niềm hăm hở của con người truyền sang cả "chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã." Chiếc thuyền nhẹ lướt ra biển trong tư thế của một con "tuấn mã" khi những "trai tráng" vạm vỡ, khỏe mạnh, dẻo dai khua nhũng nhịp chèo hối hả, mê say. Đẹp một cách kiêu hãnh, phóng khoáng, con thuyền được so sánh với con tuấn mã tung vó chinh phục những dặm đường thiên lí thật độc đáo. Cảnh sớm mai ở làng chài hiện lên đầy vẻ rạng rỡ, huy hoàng:
 
"Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
 Rướn thân trắng bao la thâu góp gió".
 
Cánh buồm là vật hữu hình và gần gũi, đã được so sánh với "mảnh hồn làng". Đối với Tế Hanh, cánh buồm mỏng manh như mảnh "hồn làng" nhưng nó mở rộng "bao la" đó là tâm hồn rộng mở của quê hương. Thi sĩ dùng ba chữ "mảnh hồn làng" để gợi ra linh hồn của làng chài. Cánh buồm mang theo bao hi vọng và lo toan của người dân chài trong cuộc mưu sinh trên sông nước. Tế Hanh nhìn thấy trong cánh buồm có cả niềm tự hào, kiêu hãnh và sức mạnh của người dân chài trong công cuộc chinh phục biển khơi. Cánh buồm trắng như rướn lên, thâu góp gió trời để bay vào cùng bao la, bát ngát của không gian. Những hình ảnh thơ đầy lãng mạn, bay bổng, vừa diễn tả khí thế lao động mạnh mẽ và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân chài, vừa thể hiện niềm yêu mến thiết tha và niềm tự hào của thi sĩ về cuộc sống, về con người quê hương. Với trái tim mẫn cảm của một nhà thơ, Tế Hanh đã thấy ở cánh buồm tâm hồn lộng gió của quê hương mình.
 
Không chỉ có vậy, tình cảm gắn bó quê hương của nhà thơ còn là niềm trân trọng, yêu mến con người lao động tràn trề sức lực, rất đáng mến.
 
"Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về"
 
Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về được tả thực đến từng chi tiết, từ hình ảnh đến âm thanh, màu sắc. Nhà thơ sung sướng biết bao được nhìn thấy cảnh " Khắp dân làng tấp nập đón ghe về". Trong bao nhiêu âm thanh "ồn ào trên bến đỗ", nhà thơ nâng niu ghi lại một câu nói mộc mạc của người dân chài: "Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe". Đó là lời cảm tạ chân thành cất lên rất hồn nhiên, chất phác của người lao động. Nghề chài lưới dãi dầu giữa biển khơi, có ai biết bao nhiêu bất trắc, nguy hiểm về bão tố sẽ xảy ra? Vì thế người dân chài không phải không tin vào chính mình, nhưng họ vẫn trông cậy vào thiên nhiên. Người đọc bỗng cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng lên và lan toả trong dòng thơ.
 
"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng"
 
Nhà thơ say mê ngắm nhìn và ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của những chàng trai làng chài.
 
"Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm"
 
Đó là vẻ đẹp khoẻ khoắn, vừa rất thực vừa rất lãng mạn. Làn da ngăm rám nắng là một nét vẽ rất thực, ta được nước da của chàng trai quanh năm quanh năm vật lộn với sóng nước biển khơi đầy nắng gió. Hình ảnh đẹp như tượng đồng đen như nồng ấm sự sống bởi Cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Nhà thơ đã thi vị hoá một hiện tượng bình thường trong đời thực: nước biển mặn ngấm vào da thịt người dân chài tạo thành mùi vị riêng trên cơ thể họ để gợi hình ảnh vô cùng lãng mạn. Chàng trai đánh cá sau chuyến ra khơi lúc trở về còn mang theo hương vị nồng nàn của biển bao la. Và con thuyền được hình dung như một cơ thể sống cũng mỏi mệt nằm im trên bến, lặng lẽ cảm nhận vị mặn mòi của biển ngấm vào xương tuỷ.
 
"Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ"
 
Trong câu thơ nhân hoá con thuyền, Tế Hanh đã phối hợp tài tình hai hiện tượng: nước biển mặn ngấm sâu vào vỏ gỗ của con thuyền ngấm nước lâu ngày, tiếng tí tách rạn nứt của lòng thuyền ngấm mặn khi phơi mình trên cát. Chất muối mặn mòi thấm dần trong thớ vỏ chiếc thuyền hay đã ngấm vào làn da, thớ thịt, vào tâm hồn nhà thơ với bao bâng khuâng, kỳ diệu? Tế Hanh thật tài tình và tinh tế khi sống trong lòng sự vật, nghe thấu cảm giác, tiếng lòng của những vật vô tri, không phải là một người con của làng chài thiết tha gắn bó với quê hương thì không thể viết được những câu thơ có sức nặng như thế.
 
Phần cuối là nỗi nhớ quê hương:
 
"Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi.."

Nỗi nhớ thiết tha trong xa cách bật ra thành bài thơ giản dị, tự nhiên như một lời nói tự đáy lòng: "Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá". Cậu học trò xa quê nhớ về làng quê mình là nhớ màu "xanh" của nước, màu "bạc" của cá, màu trắng của "chiếc buồm " nhớ hình ảnh "những con thuyền rẽ sóng ra khơi", nhung nhớ nhất là cái nồng mặn đặc trưng của quê hương. Với Tế Hanh, cái ấy chính la hương vị đầy quyến rũ của quê hương, là chất thơ bình dị và khỏe khoắn toát lên từ bức tranh thiên nhiên tươi sáng, thơ mộng và hùng tráng của làng chài thân thuộc.
 
Tưởng nhớ quê hương trong xa cách đã thành một dòng cảm xúc chạy dài chạy dọc trong đời thơ Tế Hanh..Cái làng chài nghèo ở một cù lao trên sông Trà Bồng bao vây, cách biển nửa ngày sông đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ ông, đã trở thành một điểm hướng về để ông viết nên những vần thơ thiết tha dịu ngọt. Quê hương là thành công khởi đầu rực rỡ. Bài thơ mang âm hưởng khỏe khoắn, toát lên tình cảm đậm đà, trong sáng của chàng thi sĩ Tế Hanh ở độ hoa niên. Và nó là một điểm sáng về thể thơ 8 chữ giàu nhạc điệu trong nền "Thơ mới" trước Cách mạng.

0