04/06/2017, 23:01

Cảm nhận bài thơ Quê Hương của Tế Hanh

"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới,.:", "Quê hương tôi có con sông xanh biếc - "Nước gương trong soi tóc những hàng tre.,." những vần thơ tha thiết đối với đất mẹ quê cha là nét đẹp nhất trong hồn thơ Tế Hanh hơn 60 năm qua. Bài thơ "Quê hương" được Tế Hanh viết năm 1939, ...

"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới,.:", "Quê hương tôi có con sông xanh biếc - "Nước gương trong soi tóc những hàng tre.,." những vần thơ tha thiết đối với đất mẹ quê cha là nét đẹp nhất trong hồn thơ Tế Hanh hơn 60 năm qua.

Bài thơ "Quê hương" được Tế Hanh viết năm 1939, khi nhà thơ vừa tròn 18 tuổi, đang học trung học tại Huế. Nỗi nhớ làng chài, nhớ quê hương thân yêu ở Bình Dương, Quảng Ngãi đã tỏa rộng và thấm sâu vào bài thơ. Bài thơ man mác nỗi nhớ thương vơi đầy.
 
1, Hai câu thơ đầu nói về "làng tôi". Thân mật, tự hào, yêu thương... được thể hiện hai tiếng "làng tôi" ấy:
 
"Làng tôi vốn lầm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"
 
Quê hương là một làng chài, bốn bề sông nước "bao một làng nghèo thuộc vùng duyên hải miền Trung "cách biển nửa ngày. Con sông mà nhà thơ nhắc tới là sông Trà Bồng chảy qua huyện Bình Sơn, phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Giọng điệu tâm tình, một cách nói chân quê dân dã vừa cụ thể vừa trừu tượng nghe "dịu ngọt".
 
2. Sáu câu thơ tiếp theo là sự hồi tưởng lại một nét đẹp của quê hương. Cảnh làng chài ra khơi đánh cá. Kỉ niệm về quê hương như được lọc qua ánh sáng tâm hồn. Một bình minh đẹp ra khơi có "gió nhẹ", có ánh mai "hồng". Có những chàng trai cường tráng, khỏe mạnh "bơi thuyền đi đánh cá". Cảnh đẹp sáng trong, giọng thơ nhẹ nhàng thể hiện khung cảnh và niềm vui của làng chài trong buổi xa khơi.
 
"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá".

Một loạt hình ảnh ẩn dụ so sánh mới mẻ nói về con thuyền, mái chèo và cánh buồm.. Tuấn mã là ngựa tơ, đẹp, phi nhanh. Ví chiếc thuyền "nhẹ hăng như con tuấn mã”, tác giả đã tạo nên một hình ảnh khỏe, trẻ trung diễn tả khí thế hăng hái, phấn khởi lên đường. Chữ "hăng" dùng rất hay, rất đích đáng. Nó liên kết với các từ ngữ: "dân trai tráng" và "tuấn mã " hợp thành tính hệ thống, một vẻ đẹp của văn chương. Có người lầm tưởng chữ "băng" rồi bình giảng "băng băng lướt sóng"! Mái chèo như lưỡi kiếm khổng lồ chém xuống nước, "phăng" xuống nước một cách mạnh mẽ, đưa con thuyền "vượt trường giang". Sau hình ảnh chiếc thuyền , mái chèo là hình ảnh "cánh buồm trương to như mảnh hồn làng". "Trương" có nghĩa là căng lên để đón gió ra khơi. So sánh cánh buồm to như mảnh hồn làng là hay, đặc sắc. Cánh buồm to biểu tượng cho hình bóng và sức sống quê hương. Nó tượng trưng cho sức mạnh, lao động sáng tạo, ước mơ về ấm no hạnh phúc của quê nhà. Nó còn tiêu biểu cho chí khí và khát vọng đi chinh phục biển của đoàn trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Câu thơ "Rướn thân trắng bao la thâu góp gió" là một câu thơ đậm đà ý vị mang cảm hứng lao động và cảm hứng vũ trụ. Cánh buồm được nhân hóa. Ba chữ "rướn thân trắng" gợi tả một cuộc đời trải qua nhiều mưa nắng, gắng sức quyết tâm lên đường; Đây là khổ thơ xuất sắc tả cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá,  tự hào sức sống của làng chài thân thương:
 
"Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
 Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
 Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
 Rướn thân trắng bao la thâu góp gió".
 
3. Đứa con xa quê có bao giờ quên được cảnh bà con làng chài đón đoàn thuyền đánh cá từ biển khơi trở về. Các từ ngữ: "ồn ào", "tấp nập" diễn tả niềm vui mừng "đón ghe về". Niềm vui sướng tràn ngập lòng người, là của "khắp dân làng". Cảnh " đón ghe về" thực sự là ngày hội lao động của bà con ngư dân:
 
"Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
 Khắp dân làng tấp nập đón ghe về"
 
Cá "tươi ngon", "thân bạc trắng" đầy khoang thuyền. Được mùa cá, vui sướng trong niềm vui ấm no, hạnh phúc, bà con làng chài khẽ thốt lên lời cảm tạ đất trời đã cho biển lặng sóng êm, cho "cá đầy ghe". Sự cầu mong và niềm tin thánh thiện "nhờ ơn trời" ấy đã biểu lộ những tấm lòng mộc mạc, hồn hậu của những con người suốt đời gắn bó với biển vui sướng, hoạn nạn cùng với biển. Tế Hanh đã thấu tình quê hương khi ông viết:
 
"Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng".
 
Ta tưởng như ca dao, dân ca đã thấm sâu vào hồn thơ Tế Hanh:
 
"Ơn trời mưa nắng thì phải
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu"
 
."Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi"
 
4. Đoạn thứ tư bại thơ noi về bến quê bằng hai nét vẽ trẻ khỏe và bình yên. Những chàng trai làng chài có "làn da ngăm rám nắng" khỏe mạnh, can trường được tôi luyện trong gió sóng đại dương, trong mưa nắng dãi dầu. Họ mang theo hương vị biển. Hai chữ "nồng thở" rất thần tình làm nổi bật nhịp sống lao động hăng say, dũng cảm của những dân chài mang tình yêu biển. Hình tượng thơ mang vẻ đẹp lãng mạn:
 
"Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm".
 
Nét vẽ thứ hai là con thuyền. Sau một chuyến ra khơi vất vả trở về, nó mỏi mệt nằm im trên bến. Con thuyền là một biểu tượng đẹp của làng chài, của những cuộc đời trải qua bao phong sương, thử thách, bao dạn dày sóng gió:
 
"Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ"
 
 Con thuyền được nhân hóa với nhiều yêu thương. Vần thơ giàu cảm xúc, mang tính triết lý về lao động trong thanh bình. Chữ nghe (nghe chất muối) thể hiện sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế và thi vị. Bến quê trở thành một mảnh tâm hồn của đứa con li hương.
 
5. Đoạn cuối nhiều bồi hồi thương nhớ, thương nhớ hình bóng quê hương. Điệp ngữ nhớ làm cho giọng thơ thiết tha, bồi hồi, sâu lắng. Xa quê nên tưởng nhớ khôn nguôi. Nhớ màu nước xanh của sông, biển làng chài. Nhớ cá bạc, nhớ chiếc buồm vôi...
 
Thấp thoáng trong hoài niệm là hình ảnh con thuyền rẽ sóng ra khơi đánh cá. Xa quê nên mới thấy nhớ hương vị biển, hương vị làng chài thương yêu "cái mùi nồng mặn quá". Tình cảm thấm vào chữ, màu sắc, vần thơ. Tiếng thơ cũng là tiếng lòng trang trải của hồn quê vơi đầy thương nhớ. Cảm xúc đằm thắm mênh mang:
 
"Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
 Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
 Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá".
 
6. Bài thơ "Quê hương" có một câu thơ đề từ rất gợi cảm:
 
"Chim bay dọc biển đem tin cá"
 
Đó là câu thơ của phụ thân nhà thơ. Nhớ quê hương, nhớ người cha thân yêu dào dạt trong hồn thơ Tế Hanh. Sau này, 1963, khi sống trên miền Bắc, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, trong bài thơ "Nghe tin cha mất" ông xót xa hồi tưởng:
 
"Cuộc khởi nghĩa Cần Vương thất bại
Đắng cay cha trở lại quê nhà"
(...) Vịnh quê hương vài vận thơ ca:
Chim bay dọc biển đem tin cá
Nhà ở kề sân, sát mái nhà"
 
Có cảm nhận được câu thơ đề từ ấy ta mới nắm bắt được tình thương nhớ quê hương của Tế Hanh qua bài thơ kiệt tác này.
 
Bài thơ "Quê hương" đã đi suốt một hành trình trên 60 năm. Nó gắn liền với tâm hồn trong sáng, với tuổi hoa niên của Tế Hanh. Thể thơ 8 tiếng, giọng thơ đằm thắm dào dạt, gợi cảm. Nhũng câu thơ nói về dòng sông, con thuyền, cánh buồm, khoang cá, chàng trai đánh cá, bến quê... và nỗi nhớ của đứa con xa quê... rất hay, đậm đà biểu lộ một hồn thơ đẹp. Nghệ thuật phối sắc, sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa và tuyển đổi cảm giác khá thành công, tạo nên những vần thơ trữ tình chứa chan thi vị.
 
Trong nền thơ ca Việt Nam hiện dại, tác phẩm này của Tế Hanh được coi là bài thơ đầu tiên, bài thơ có "hồn vía" nhất viết về quê hương. Nó đã khơi dòng, để sau này có nhiều bài thơ tuyệt bút nối tiếp xuất hiện như "Bên kia sông Đuống" (Hoàng Cầm), "Quê hương" (Giang Nam), "Nhớ con sông quê hương" (Tế Hanh), "Quê hương" (Đỗ Trung Quân),„. Người đọc tìm thấy hình bóng tuổi thơ đồng hiện với quê hương. Quê hương của một người đã trở thành của muôn người và muôn đời là thế!

0