03/06/2017, 18:00

Suy nghĩ về câu nói của Macxim Gorki "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương" (Bài 5)

“Tình thương” là một phẩm chất, một đức tính quý báu của con người. Từ ngàn xưa, nhân loại đã lấy “tình thương” làm cơ sở để xây dựng cộng đồng. “Tình thương” gắn kết mọi người lại thành xã hội, nhỏ là làng xã, lớn là đất nước. “Tình thương là sức mạnh, là cội nguồn, là mục đích sống của con người. ...

“Tình thương” là một phẩm chất, một đức tính quý báu của con người. Từ ngàn xưa, nhân loại đã lấy “tình thương” làm cơ sở để xây dựng cộng đồng. “Tình thương” gắn kết mọi người lại thành xã hội, nhỏ là làng xã, lớn là đất nước. “Tình thương là sức mạnh, là cội nguồn, là mục đích sống của con người. Nếu không có “tình thương”, con người sẽ sống ra sao ?. Để lí giải điều đó, một nhà văn Nga đã nói : “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”.

Cái lạnh của Bắc cực là giá rét của đất trời. Ở đó thiên nhiên không được ưu đãi nên khí hậu thất khắc nghiệt, khó có thể tồn tại với điều kiện sống như thế.Nhưng cái lạnh từ trong câu nói trên không dừng lại ở hàm nghĩa nông cạn . Đọc kĩ câu danh ngôn ta sẽ hiểu nhà văn đang muốn gửi đến chúng ta suy nghĩ mới về khái niệm lạnh. Đó chính là sự lạnh lẽo khi con người ta thiếu vắng tình thương, thiếu vắng sự cảm thông chia sẽ gữa con người với con người. Cái lạnh đó cũng chính là sự quạnh vắng trong tim khi chúng ta bị cô lập. Liệu con người có thể sống vui và có ích khi gặp tình cảnh như thế ? Chúng ta sẽ không thể sống trong một gia đình mà tất cả mọi thành viên đều quan hệ với nhau theo kiểu xã giao, cha mẹ ghẻ lạnh, anh em không hòa thuận. Tất cả chúng ta đều biết rằng gia đình là cái nôi nuôi dưỡng thể chất lẫn tâm hồn ta, vun vén để ta trở thành một người tốt. Vì thế gia đình mang một sức ảnh hưởng hết sức to lớn đối với hành vi và suy nghĩ của mọi thành viên. Chúng ta hãy thử suy ngẫm, nếu trong hòan cảnh đó, chúng ta sẽ thế nào ? Điều đó còn tùy thuộc ở mỗi con người. Nhưng chắc một điều rằng, con người trong gia cảnh ấy sẽ thật trĩu nặng, buồn phiền. Bởi lẽ khi gặp chuyện phiền muộn đâu ai cùng họ san sẻ, sớt chia, khi sung sướng đâu ai cũng họ vui hưởng. Và cũng từ đó, những con người ấy sẽ đi theo quỹ đạo chung. Họ sẽ khép chặt lòng mình và nghĩ rằng tất cả, tất cả mọi người không ai quan tâm đến họ, họ đã bị ghẻ lạnh và cô lập. Lòng họ sẽ lạnh căm vì bởi lẽ không ai sưởi ấm cho con tim họ. 
 
Trong cuộc sống, khá dễ dàng để tìm được những hình ảnh khác của cái lạnh. Đó là sự ghẻ lạnh của cả xã hội đối với con người. Ta lấy một ví dụ điển hình. Một bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh thế kỉ HIV, đã bị gia đình và cả xã hội khinh bỉ ghẻ lạnh. Bước ra đường, họ bị những cặp mắt kì thị, soi mói nhìn vào. Những tiếng xì xầm to nhỏ ! Các bạn nên hiểu rằng đôi lúc họ không tự làm nhưng hành động để gây bệnh. Tức là họ không tự chuốc lấy bệnh. Nhưng vì thiếu may mắn họ vẫn mắc phải theo ba con đường mà tất cả chúng ta đều biết. vậy thì chúng ta nghĩ mình nên thương, cảm thông cho họ hay ghẻ lạnh kì thị họ. Họ đã trải qua biết bao cú sốc tinh thần mà bệnh tật mang lại vậy mà ta lại đối xử khinh bạc với họ. Đó giống như là con dao đâm thêm vào trái tim đã rướm máu. Thật tàn nhẫn ! Đã thế theo một lẽ thường họ sẽ không sống vui vẻ được nữa, sẽ khép chặt bản thân mình và hơn thế nữa nhiều người sẽ tìm đến cái chết. Đó là hệ quả đau lòng nhất về sự cô lập của con người đối với con người. 
 
Một dẫn chứng hùng hồn nhất đó là : "Đói rét và bệnh tật lúc này không có nghĩa lý gì hết, hắn không sợ mà hắn sợ nhất là cô độc " - Chí Phèo-Nam Cao. Những cảm giác da thịt hay do tác động của môi trường bên ngoài con người ta đều chống chiu được còn cảm giác trong lòng thì nó hằn sâu và đã đi suốt cuộc đời lúc nào nó cũng có thể lên tới tột đỉnh, cái lạnh ở đây nó không chỉ lan toả vào đất trời mà là nó thấm đượm cả một cuộc sống, một con người vĩnh hằng . Băng bắc cực có thể chống lại bằng nhiệt độ cao, nhưng sự cô đơn, bơ vơ tột đỉnh khi không có một tình thương thì nó đã "phong hàn " cả một trái tim , một vũ trụ . Hơn nữa nó còn phản chiếu và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống , những cảnh đời tương đồng , và kể cả không tương đồng .
 
Người sống trong cảnh gia đình lạnh nhạt, kẻ cô đơn, người bị nhiễm HIV đã là những cuộc đời đang thiếu rất nhiều tình thương. Trái tim của họ đang lạnh băng. Chúng ta hãy dành tình yêu hay chí ít là sự cảm thông nhiều nhất ở mức có thể để sưởi ấm, thắp sáng trái tim đang thoi thóp của họ.Và đó cũng chính là chính do vì sao tôi phải khẳng định rằng câu danh ngôn của M. thật đúng.
 
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường thì sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt giàu nghèo là đương nhiên không thể phủ nhận. Nhưng những người giàu có cần thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khổ. Những người khỏe mạnh, thông mình cần nâng đỡ cưu mang những người yếu ớt, cơ nhỡ với tinh thần : “Lá lành đùm lá rách” ; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” ; “Những điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Cả xã hội cần mở rộng tấm lòng nhân ái, góp sức hỗ trợ, đùm bọc bà con bị thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, sẵn lòng giúp đỡ những người không may bị bệnh hiểm nghèo…
 
Câu nói của nhà văn Nga ở một chừng mực nhất định nào đó có thể coi là phương châm sống đúng đắn. Thông điệp mà nhà văn gửi gắm đến mọi người là xin đừng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Hãy chung tay xây dựng một mái ấm tràn đầy “tình thương” giai cấp, dân tộc và nhân loại. Sự chia sẻ và liên kết, sự nồng ấm của “tình thương” sẽ làm cho băng giá của thói ích kỉ tan chảy ; mỗi trái tim sẽ rạo rực tình yêu và sức sống.

0