03/06/2017, 18:00

Cảm nhận đoạn thơ trong Đàn ghi ta của Lorca: Không ai chôn cất tiếng đàn - tiếng đàn như cỏ mọc hoang - giọt nước mắt vầng trăng - long lanh trong đáy giếng…

“Đàn ghi ta của Lorca” là bài thơ xuất thần của Thanh Thảo in trong tập thơ “Khối vuông Rubic” (1985). Bảo là xuất thần vì trong cái “tỉnh khô, tỉnh rụi, tỉnh như sáo” đậm đà hơi thở cuộc sống đương đại, nhà thơ đã viết những vần thơ thuần khiết những xúc cảm về G. Lorca, một nghệ sĩ – chiến sĩ đấu ...

“Đàn ghi ta của Lorca” là bài thơ xuất thần của Thanh Thảo in trong tập thơ “Khối vuông Rubic” (1985). Bảo là xuất thần vì trong cái “tỉnh khô, tỉnh rụi, tỉnh như sáo” đậm đà hơi thở cuộc sống đương đại, nhà thơ đã viết những vần thơ thuần khiết những xúc cảm về G. Lorca, một nghệ sĩ – chiến sĩ đấu tranh cho tự do của đất nước Tây Ban Nha những năm tháng chống chế độ độc tài phát xít những năm ba mươi của thế kỉ XX.

 
 
Dòng thơ siêu thực như tái hiện lại hơn 40 năm sau ở đất nước Việt Nam, mang âm điệu của một bản đàn bi tráng, dường như có sự đồng điệu giữa hồn thơ xứ sở đấu bò tót với hồn thơ xứ sở chăn trâu cắt cỏ trên đồng. Trên dòng cảm xúc ấy, những âm điệu này có vẻ lắng đọng nhất:
 
Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng…
 
Chuyện xưa tích cũ kể rằng: Du Bá Nha đàn chỉ có người tiều phu Chung Tử Kì thấu hiểu nỗi niềm “cao sơn lưu thủy”, nên khi Tử Kì mất thì Bá Nha khóc mà đập đàn không gảy cho ai nghe nữa. Có chút liên hệ nào chăng khi Thanh Thảo cảm được nỗi lòng “Ghi ta khóc” của G. Lorca mà nối khúc tri âm để chọn tiêu đề cho bài thơ của mình là “Đàn ghi ta của Lorca”? Và cũng khác với chuyện xưa, khi tiếng đàn sở hữu của G. Lorca vẫn trường tồn cùng thời gian như một thông điệp của tình yêu, tự do, vẻ đẹp cuộc sống – bất chấp cái chết, vượt lên bạo tàn để một nhà thơ Việt Nam vẫn nghe được những âm giai ” li – la li – la li – la” bất tận, để viết tiếp những vần thơ ca ngợi tưởng tiếc một tài hoa – nghệ sĩ chiến sĩ G. Lorca. Tiếng đàn như một biểu tượng sự sống, tâm hồn của G. Lorca, lan tỏa giữa một không gian tự do tuyệt đối, thức tỉnh lương tri và làm lòng người mê đắm!
 
Không ai chôn cất tiếng đàn
 
Đến câu thơ này ta mới nhận ra cảm xúc trực tiếp của Thanh Thảo, lắng trong những suy ngẫm sau một chuỗi độc tấu bản đàn của G. Lorca. Bản đàn ngừng sau khoảnh khắc “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy” để tạo ra một khoảng trống, một khúc lặng. Đội hành quyết của chế độ độc tài phát xít Tây Ban Nha đã hèn hạ thủ tiêu G. Lorca , hòng có thể vùi chôn tinh thần tranh đấu, ý chí tự do, trái tim nghệ sĩ của chàng. Nhưng như một bí mật nhiệm màu, tiếng đàn “ròng ròng máu chảy” đã phục sinh, mãnh liệt hơn, hoang dại hơn.
 
Không ai chôn cất tiếng đàn…
 
Có chút xót xa nghẹn lại, nhưng đó cũng là tái khẳng định không kẻ nào có thể chôn được tiếng đàn kì diệu, một khi máu của chủ nhân tiếng đàn kia thấm vào lòng đất, như truyền một năng lượng mới, để bật lên từ lòng thẳm sâu ấy những mầm sống mới - tiếng đàn như cỏ mọc hoang. Câu thơ Thanh Thảo như một sáng tạo độc đáo khi nhận ra đặc tính sinh học của âm thanh. Lối so sánh tạo nên một kết hợp âm thanh – hình ảnh thiên nhiên một cách bất ngờ, tạo liên tưởng về sự sống mãnh liệt như cỏ, hồn nhiên hoang dại như cỏ. Cỏ vốn dĩ là một biểu tượng nghệ thuật ưa thích của Thanh Thảo, đến nổi ông đã lựa chọn Thanh Thảo – cỏ xanh làm bút danh thay cho tên thật của mình. Cỏ trở thành một ám ảnh nghệ thuật thường có mặt trong những bài thơ của Thanh Thảo, và lần này nữa cỏ lại thành cái được so sánh với “tiếng đàn”. Nghĩa là tiếng đàn không chết, tinh thần G. Lorca không mất đi, mà đã làm một cuộc hóa thân vĩ đại vào thiên nhiên.
 
Không những thế, “tiếng đàn – cỏ mọc hoang” kia còn được thẩm thấu cả những giọt nước mắt tưởng tiếc của bao người để sinh sôi lan tỏa khắp nơi, ngân vang và lắng đọng:
 
Giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
 
Đã có khá nhiều lời bình tán khác nhau về kĩ thuật điêu luyện trong việc kết hợp từ tạo nhiều liên tưởng trùng điệp trong câu thơ “giọt nước mắt vầng trăng” của Thanh Thảo. Chinh tác giả cũng thừa nhận nó đẹp, và với ông câu thơ đẹp dường như không cần cắt nghĩa. Vì cách hiểu nào đưa ra ít nhiều cũng phá hỏng tính đa nghĩa, biểu tượng của tứ thơ giàu tính thẩm mĩ này. Cách diễn đạt “lạ hóa” khi lấy giọt nước mắt của con người kết hợp với vầng trăng của vũ trụ. Dẫu không cắt nghĩa nhưng ta có thể cảm được nỗi đau với những chiều kích khác nhau: có độ rộng bát ngát của bầu trời, độ sáng huyền ảo của vầng trăng, độ trong khi ánh sáng phản chiếu tạo thành sắc “long lanh”, độ sâu thẳm thẳm của đáy giếng – sâu thẳm như tâm hồn người dân Tây Ban Nha cảm nhận về mất mát quá lớn lao khi nhà thơ – nhạc sĩ – chiến sĩ – đứa con thân yêu của dân tộc Tây Ban Nha đã không hiện diện để chứng kiến phút thăng hoa của tiếng đàn cỏ hoang tấu lên khắp nơi, lay động tâm tư bao thế hệ. Có người viện dẫn lời G. Lorca được nêu trong đề từ bài thơ của Thanh Thảo: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” để gán ghép vào ý thơ về tầm ảnh hưởng của những cách tân nghệ thuật của G. Lorca với văn nghệ đương thời và hậu thế rồi quả quyết một cách đầy tự tin rắng: không ai sau G.Lorca có thể vượt qua được chàng nghệ sĩ tài hoa này. E rằng cách hiểu ấy không làm tôn vinh thêm G. Lorca mà chỉ làm rối rắm thêm và dẫn đến dễ hiểu sai tinh thần G. Lorca qua câu thơ Thanh Thảo.
 
Bởi G. Lorca đã thật sự sống trong lòng nhà thơ Việt Nam Thanh Thảo, như đã sống trọn trong tình cảm tiếc thương, cảm phục và tự hào của bao người dân Tây Ban Nha yêu chuộng tự do, công lý, yêu nghệ thuật thích cái đẹp. Bởi, giọt nước mắt vầng trăng soi rọi những phần thẳm sâu như đáy giếng như mang đến nguồn sáng mới thanh lọc tâm hồn. Nỗi đau mất mát là có thật, nhưng để thổi bùng lên một sức sống mới, một rung động lương tri dân tộc. Tiếng đàn đưa sự sống G. Lorca, tinh thần G. Lorca vào cõi bất tử.

0