03/06/2017, 23:12

Suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân (Bài 2)

Kim Lân là nhà văn đước mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng là nhà văn một lòng đi về với đất với người, với đất với cái thuần hậu nguyên thuỷ của đời sống nông thôn”. Đúng vậy đọc các tác phẩm của ông ta thấy được cái hồn quê đậm đà trong người trong cảnh mà tác phẩm Làng là một minh chứng cho ...

Kim Lân là nhà văn đước mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng là nhà văn một lòng đi về với đất với người, với đất với cái thuần hậu nguyên thuỷ của đời sống nông thôn”. Đúng vậy đọc các tác phẩm của ông ta thấy được cái hồn quê đậm đà trong người trong cảnh mà tác phẩm Làng là một minh chứng cho điều đó. Tác phẩm miêu tả về diễn biến tâm trạng đau đớn của ông Hai một nguời nông dân bình dị khi nghe tin làng mình theo giặc và niềm vui sướng đến tột cùng khi tin làng theo giặc được cải ...

Đặc điểm nổi bật ở ông Hai là niềm thương nhớ làng thật sâu sắc mãnh liệt. Buộc phải đi tản cư xa làng lòng dạ ông như lửa đốt cứ thấp thỏm không yên. Ông lão cứ nằm vắt tay lên trán mà lo “cái chòi gác đặt ở đâu”?, “Những đường hầm bí mật giờ này đã đào xong chưa? ”, hơn cả lo trồng những gốc sắn để cho gia đình chông đói sang năm. Người thì ở nơi tản cư mà lòng dạ ông thì lại để ở ngôi làng Chợ Dầu hướng về nó với nỗi niềm tha thiết “Chao ôi! Ông lão nhớ cái làng, nhớ cái làng quá.” Ngày nào ông cũng đi lên phòng thông tin để nghe ngóng về tình hình chiến sự đang xảy ra. Thật tội nghiệp vì không biết đọc nên ông cứ “đứng vờ vờ xem tranh ảnh chờ người khác đọc rồi nghe lỏm” “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá” khi nghe tin quân ta thắng lớn. Thật hiếm có một tình yêu làng, nhớ làng nào lại tha thiết như ông Hai.
 
Tình yêu làng đó được đặt vào tình huống thử thách dữ dội. Đó là lúc ông Hai nhận được tin dữ làng mình theo giặc. Ta hãy cùng quan sát gương mặt của ông lúc đó: “Cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được... giọng lạc hẳn đi”. Có lẽ đối với ông lúc này trời đất như đang quay cuồng sụp đổ. “Ông cúi gằm mặt mà đi”xót xa đau đớn tủi nhục. Ngôi làng mà ông tự hào, yêu mến như đứa con của mình đã phản bội lại lòng tin và sự mong mỏi của ông. Ông lão nắm chặt hai bàn tay mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Không chỉ riêng ông Hai mà cả bà Hai và những đứa nhỏ cũng đều “cúi mặt xuống bất thần”, “không ai dám cất tiếng nói cả đến nhìn nhau họ cũng không dám nhìn nữa” không khí nặng nề như có đám tang. Bà chủ nhà thì doạ sẽ đuổi không cho ở nữa. Gia đình ông ở trong thế cùng không biết đi đâu để làm ăn sinh sông đến đâu cũng nghe những lời xì xầm bàn tán “Việt gian” “cam nhông”... thế nhưng về làng thì nhất quyết không về bởi về làng là theo giặc là“ làm nô lệ cho thằng Tây” là phản bội kháng chiến. Như vậy tình yêu làng của ông Hai nói riêng và của những người nông dân sau Cách mạng Tháng Tám nói chung đã được đặt lên tầm cao mới yêu làng gắn với tình yêu kháng chiến, tình yêu Cách mạng ủng hộ và đi theo cụ Hồ. Ông tin rằng “anh em đồng chí sẽ biết cho bố con ông, cụ Hồ ở trên đầu trên cổ sẽ soi xét cho bố con ông”. Hình ảnh ông Hai ôm đứa con nhỏ mà nước mắt “chảy ròng ròng trên má” sẽ còn đọng lại trong tâm trí người đọc rất lâu về tấm lòng của người dân đi theo kháng chiến của một thời kì lịch sử hào hùng oanh liệt.
 
Càng đau khổ khi tin làng theo giặc bao nhiêu thì ông Hai càng sung sướng hạnh phúc khi tin làng theo giặc được cải chính bấy nhiêu:“Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên mồm bỏm bẻm nhai trầu, cái cặp mắt hung hung đỏ hấp háy”, giọng nói hào sảng phấn khởi, ông còn mua quà cho các con để chúng nó cùng được chia sẻ niềm vui. Ông tất tả đi từ nhà này sang nhà khác để cải chính về việc làng ông không theo giặc “toàn sai sự mục đích cả”. Chưa có người nào nói về ngôi nhà của mình bị cháy lại hứng khởi như ông Hai bởi lẽ từ ngôi nhà cháy rụi của ông danh dự của làng Chợ Dầu đã được hồi sinh. Ông Hai đã đặt danh dự của làng, lên trên tài sản vật chất cá nhân của bản thân và gia đình. Đó là tấm lòng yêu nước tuyệt vời của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.
 
Bằng việc tạo tình huống truyện đặc sắc và cách miêu tả tâm lí nhân vật chi tiết cụ thể, Kim Lân đã xây dựng thành công nhân vật ống Hai rất chân thực sinh động, gần gũi với đời sống hàng ngày. Ta có cảm tưởng ông Hai như từ trang đời bước thẳng vào trang sách thân quen gần gũi đến lạ.
 
Qua nhân vật ông Hai ta thấy được tình yêu làng, yêu quê hương của những người nông dân sau Cách mạng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tình yêu ấy gắn liền với tình yêu kháng chiến, yêu Cách mạng gắn với trách nhiệm của người nông dân. Đọc truyện ngắn Làng ta càng hiểu thêm vẻ đẹp của cha ông ta trong quá khứ để ta sống tốt hơn cho hiện tại, hun đúc niềm tin vào sức mạnh của quần chúng.

0