23/02/2018, 14:26

Status yêu thương Tết từ tay mẹ

Mùa măng tháng Tám, mẹ chọn những ngọn ngon nhất mang thái nhỏ, luộc chín rồi phơi khô. Mẹ chia thành từng gói nhỏ tính biếu thông gia, ông bà nội ngoại để nhà nào cũng có món canh măng ngày Tết. Thấy người ta dạy nấu món gì ngon, mẹ cũng bảo chờ Tết các con về đông đủ mẹ thử nấu xem sao. ...

 Mùa măng tháng Tám, mẹ chọn những ngọn ngon nhất mang thái nhỏ, luộc chín rồi phơi khô. Mẹ chia thành từng gói nhỏ tính biếu thông gia, ông bà nội ngoại để nhà nào cũng có món canh măng ngày Tết. Thấy người ta dạy nấu món gì ngon, mẹ cũng bảo chờ Tết các con về đông đủ mẹ thử nấu xem sao. 

Mảnh vườn nhỏ trước nhà, mẹ quây lại trồng đủ thứ rau, áng chừng đủ ăn suốt Tết. Chợ quê không phải ngày nào cũng họp, nên chẳng gì bằng có đầy đủ mọi thứ trong vườn. Từ cây ớt chín đỏ tươi, cà tím sai lúc lỉu, đủ thứ rau gia vị xanh non đến mấy luống cải chân mơn mởn chuyên dành ăn lẩu. Lợn sạch mẹ nuôi, cá dưới ao sâu, gà sẵn trong chuồng, mẹ dặn các con chỉ việc trở về, còn cứ yên tâm Tết đã tươm tất cả.

Sau chuyến tàu giáp Tết chen chúc mệt nhoài, cũng may là được trở về nằm trong ngôi nhà mẹ. Cửa nhà sạch sẽ gọn gàng thơm tho mùi Tết, chạm vào đâu cũng thấy yên bình.

Trên hàng rào cúc tần bố mới xén bằng, mẹ mang chăn chiếu ra phơi. Những chiếc áo cả năm toàn mùi bùn đất giờ cũng được xả nước thơm bay phất phơ trước gió. Chiếc áo đồng phục từ hồi học cấp III của tôi, mẹ vẫn giữ làm kỷ niệm cũng như đang reo vui đón tôi về trong một ngày nắng ấm.

Dưới sân mẹ phơi rau dưa cho héo, món này Tết năm nào cũng đắt hàng. Dưa mẹ muối ngon tuyệt, chỉ cần đĩa dưa chua vàng ruộm, vừa giòn, vừa thơm vị gừng cay là đàn ông trong nhà thích thú hơn mọi thứ đồ nhắm. 

  •  Status hay chiều cuối năm! Tết về trên quê hương yêu dấu

Tranh thủ những ngày nắng ít ỏi trước Tết, mẹ phơi thêm mấy mẻ chuối khô. Thứ quà quê từ tấm bé này chưa từng bao giờ vắng mặt trong ngày Tết như là cách mẹ nhớ về thuở cơ hàn. Từng lát chuối dẻo thơm ngon hơn bất cứ thứ quà bánh được gói ghém sang trọng đắt tiền. 

Chẳng gì thú vị bằng một tối mưa xuân, mấy mẹ con nằm trong chăn nhấm nháp chuối khô, kể cho nhau nghe chuyện về những chàng rể hờ, rồi rúc rích cười.

Hình như Tết nào cũng mưa để giữ chân khách đến chơi nhà. Bao nhiêu là chuyện hàn huyên, mẹ mang chè ướp hoa nhài ra pha, mời khách cho thơm môi ấm cổ. Ôi chao thứ mùi thơm dịu dàng thật khiến lòng người thư thái. Chỉ là hương thơm thôi cũng đủ gợi cho tôi hình dung được những buổi chiều mẹ tha thẩn ra vườn chọn hái từng nụ nhài. 

Hình như mẹ có buồn, có nhớ nhung những đứa con xa, nên lẫn trong hương hoa là tiếng thở dài. Nhấp ngụm trà từ bàn tay mẹ hái, mẹ sao, mẹ gói ghém yêu thương phần các con về trong vài ba ngày Tết ngắn ngủi, chợt thấy đắng trên đầu lưỡi.

Suốt ba mươi năm qua mẹ vất vả gánh gồng lo toan mùa Tết; từ lúc anh em tôi thèm manh áo mới cho đến khi đủ đầy chỉ thèm một bát cơm rang dưa chua của mẹ. Thời gian như sương sớm đọng trên tóc mẹ, như nắng nôi sờn lưng áo vải. 

Mẹ giờ gầy hơn xưa, lúc nấu ăn thỉnh thoảng quên cho gia vị, Tết cũng vì hay quên mà sắm thừa nhiều thứ. Rồi những năm về sau, có thể mẹ còn đãng trí hơn, sẽ lẫn tên các con, đau ốm quên uống thuốc. Nhưng tôi tin nhà mẹ sẽ vẫn luôn ấm áp và tràn ngập yêu thương chờ đợi các con về. Giữa mùa xuân của đất trời luôn chứa đựng mùa xuân của lòng người. Và với tôi, mẹ giống như những điều tốt đẹp nhất, tươi xanh nhất mà cuộc đời đã dành dụm cho mình.

Còn với mẹ tôi, Tết của mẹ tính từ đống chăn màn ngồn ngộn được mẹ đem cả ra giặt giũ cho sạch hết bụi trần vào những ngày cuối năm. 

  •  Những status nhắn nhủ yêu thương “Con gái à, Tết đừng về. Hãy ở lại nhà chồng đón Tết nghe con!”

Tết của mẹ về từ những phút mẹ ngồi ngẩn người ra đếm đong từng thức ăn cho ba ngày Tết, để chuẩn bị một khoản chi vừa đủ, còn chút nới tay cho con trẻ gọi là. Và, Tết của mẹ tôi về từ nồi thịt nấu mắm đường mà năm nào mẹ cũng là người “khai trương” cho cả xóm….

Thịt nấu mắm đường là đặc sản của xóm tôi - khu dân cư vốn là khu tập thể cầu đường. Từ ngày thị xã chuyển mình lên thành phố, lệ nấu bánh chưng, bánh thuẫn ngày Tết rủ nhau đi hết. Tiếng nói cười của các mẹ, các chị trong những buổi cùng làm cũng đi xa. Lũ trẻ nít cũng biếng lười “dọn mình” trước Tết.

Không chung nhau những khuôn bánh thuẫn thơm vàng, các mẹ lại rủ nhau ra chợ chọn thịt về nấu mắm đường. Nhà ít 1, 2 ký. Nhà nhiều mua cả chục. Tết của mẹ nghe chừng tất bật mà sao thật giản đơn. Dọn dẹp cửa nhà, chuẩn bị thu chi và nấu thịt với mắm đường…

Mẹ sẵn sàng từ những hôm trời còn đang rét. 19, 20 xuân còn ở đâu ngoài ngõ, mẹ đã khệ nệ những ký thịt tươi ngon cùng nước mắm, đường, ngũ vị, hạt tiêu… bày ra khắp bếp. Mẹ xẻ thịt. Con gái rửa sạch.

Con trai giã tỏi hành. Cháu ngoại líu ríu chạy quanh. Ba nhâm nhi ngụm trà, nhiu nhiu mắt nhìn bàn hương án, tưởng sẵn trong đầu những sắp bày trước ngày đưa ông Táo về trời. Thịt xẻ khổ, mẹ ướp hành tỏi, ngũ vị, mì chính thơm lựng nhà.

Rồi đỏ bếp, rồi mùi mắm đường không lẫn vào đâu được quyện với mùi thịt ướp cứ lừng lững, lừng lững, lan trải lên tận nóc nhà, loanh quanh nơi bậu cửa mẹ hay ngồi nhổ tóc sâu, xồng xộc vào tận mũi những thân yêu của mẹ. Quyện trong đó có cả mùi mồ hôi ngai ngái, cả nụ cười và ánh mắt rạng ngời….

Thịt nấu xong mẹ cho vào thẩu nhựa to. Nhà mình đông người, lại hay có khách, mẹ làm đến 4, 5 thẩu đầy tú hụ, đủ dành phần đến ra giêng. Thịt có vị mặn dịu của mắm, vị ngọt của thịt tươi quyện với đường trong vắt.

Thịt nấu mắm đường, mẹ xắt lát sắp dĩa cúng ông bà, mẹ giành phần quấn bánh tráng thay cơm suốt ba ngày Tết. Con gái con trai không vắng bữa cơm Tết nào có lẽ trước nhất vì món thịt nấu mắm đường của mẹ. Mẹ còn bày tròn trong những đĩa con con cho ba nhắp rượu Tết cùng bè bạn.

Bạn của ba đến nhà, chỉ một món thịt nấu mắm đường nhắm rượu. Ai cũng đỏ mặt với hơi men trong cái “thúc” khó cưỡng của món mồi mẹ sắp. Bạn của ba đến nhà, rượu mềm môi, thơ mềm lòng và mồi ngon mềm ruột.

Bạn ba về với công thức làm thịt nấu mắm đường ghi trong cuốn sổ tay be bé, như một món quà Tết mẹ gửi đến các “bà xã” ở nhà. Thấy chan chứa niềm vui chồng vợ ở tuổi ngoại tuần. Thấy trong mắt ba rạng rỡ điều gì rất khó gọi thành tên…

Lời kết: Xuân hãy còn lang thang ngoài phố nhưng trong nhà tôi đã thấy Tết ríu ran. Không như Tết của người quê, đêm 30 quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa, Tết của tôi được tính bằng tiếng cười con trẻ xúng xính trong những bộ quần áo mới khoe nhau những phong bao lì xì đỏ; tính từ cái se se của tiết trời chuyển dần từ những cái rét mướt sang những ngày hưng hửng nắng và lất phất mưa; tính từ cái vắng hiu của phố phường trong những ngày mồng một, một hai Tết.

0