24/02/2018, 19:47

Qua bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hãy nêu cảm nhận về dòng sông Hương từ vùng thượng lưu đến đoạn chảy vào thành phố Huế.

Qua bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hãy nêu cảm nhận về dòng sông Hương từ vùng thượng lưu đến đoạn chảy vào thành phố Huế. I. MỞ BÀI – Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông ...

 Qua bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hãy nêu cảm nhận về dòng sông Hương từ vùng thượng lưu đến đoạn chảy vào thành phố Huế.

I. MỞ BÀI

–   Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học,văn hóa, lịch sử, địa lí… Tất đều được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

–   Ai đã đặt tên cho dòng sông? (tháng 1-1981) là một bài kí xuất sắc, miêu tả dòng sông Hương từ vùng thượng lưu, chảy xuôi về đồng bằng, ngoại vi thành phốrồi vào thành phố Huế và cảm nhận về những phẩm chất của dòng sông qua lịch sử, cuộc đời và thơ ca.

II. THÂN BÀI

Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bên cạnh vẻ đẹp nhìn từ góc độ văn hóa, vẻ đẹp của dòng sông Hương được phát hiện ở cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp trong trí tưởng tượng sáng tạo đầy tài hoa của tác giả. Cũng dưới cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như một cô gái, từng có lúc là một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại (khi ở vùng thượng lưu) nhưng nói chung là một thiếu nữ tài hoa, dịu dàng mà sâu sắc, đa tình và kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình, khéo trang sức mà không lòe loẹt phô phang, giống như những cô dâu Huế ngày xưa… (chảy về đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế, rồi vào kinh thành Huế).

A. SÔNG HƯƠNG Ở VÙNG THƯỢNG LƯU

–   Sông Hương nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối quan hệ đặc biệt này, sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội: khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua ghềnh thác, khi cuộn xoáy như can lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.

–   Với cái nhìn được nhân hóa, sông Hương tựa một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Theo tác giả, nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt dòng sông chảy qua kinh thành mà không chú ý tìm hiểu sông Hương từ nguồn cội, người ta khó mà hiểu hết cái vẻ đẹp trong phần tâm hồn sâu thẳm của dòng sông mà chính nó đã không muốn bộc lộ.

Quả thật, sông Hương vùng thượng lưu toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại, đầy cá tính.

B. SÔNG HƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG VỀ ĐỒNG BẰNG VÀ NGOẠI VI THÀNH PHỐ HUẾ

–   Trước khi trởthành người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô, sông Hương đã trải qua một hành trình đầy gian truân và nhiều thử thách. Trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả, toàn bộ thủy trình của dòng sông tựa như một cuộc tìm kiếm có ý thức người tình nhân đích thực của con người con gái trong câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.

–   Đoạn tả sông Hương chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phốbộc lộ nétlịch lãm và tài hoa trong lối hành văn của tác giả. Người đọc khó cưỡng một sức hấp dẫn toát lên từ hàng loạt động từ diễn tả cái dòng chảy sống động qua những địa danh khác nhau của xứ Huế. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương là cô gái đẹp ngủ ma màng. Nhưng ngay sau khi ra khỏi vùng núi, cũng như nàng tiên được đánh thức, sông Hương bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân trong sự chuyển dòng liên tục, rồi vòng những khúc quanh đột ngột, vẽ một hình cung thật tròn, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, rồi vượt qua, đi giữa âm vang, trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách…

–   Vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, sông Hương có lúc mềm như tâm lụa khi qua Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo. Có khi dòng sông ánh lên những phân quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím lúc qua những dãy dồi núi phía tây nam thành phố. Sông Hương mang vẻ đẹp trầm mặc khi qua bao lăng tẩm dưới những rừng thông u tịch. Cho đến lúc dòng sông bừng sáng, tươi tắn và trẻ trung khi gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngắt tiếng gà…

–   Hai bút pháp “kể” và “tả” được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa trong đoạn vân, làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi phối cảnh kì thú giữa dòng sông với thiên nhiên xứ Huế phong phú mà hài hòa.

Kiến thức về văn hóa, văn học đã in dấu vào những câu văn viết về những lăng tẩm, về vẻ đẹp trầm mặc của sông Hương đoạn ở ngoại vi thành phố Huế qua câu ca dao Bốn bể núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên.

C. SÔNG HƯƠNG ĐOẠN VÀO KINH THÀNH HUẾ

–   Khi chảy vào thành phố Huế, dòng sông trở nên vui tươi hẳn lên và đặc biệt chậm rãi, êm dịu, mềm mại. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh đầy ấn tượng: chiếc cầu trắng in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non… sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ… Những phép tu từ so sánh kết hợp với nhân hóa, ẩn dụ độc đáo; dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu, khúc quanh (trước khi ra biển) như một nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Những chi tiết về phong tục, lễ hội trở thành những hình tượng nghệ thuật miêu tả dòng sông với trăm nghìn ánh hoa đăng hống bềnh (…) qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những uẩn vương của một nỗi lòng.

–   Những kiến thức về âm nhạc cũng được tác giả huy động với những liên tưởng kì thú: điệu chảy lặng lờ của nó (sông Hương) khi ngang qua thành phố (…). Đấy là điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế.

–   Tiếp đó, kí ức về những dòng sông mà tác giả từng đến đã được vận dụng để so sánh, đểlàm rõ nét đặc trưng dòng chảy của sông Hương: sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, và đặc biệt là dòng sông Nê-va với những phiến băng trôi nhanh như chiếc thuyền của những chú chim hải âu…

III. KẾT BÀI

–   Ai đã đặt tên cho dòng sông? thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo và tấm lòng tha thiết đối với cảnh sắc quê hương của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tài hoa, uyên bác.

–   Bên cạnh sức liên tưởng kì thú, kiến thức phong phú về địa lí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và những trải nghiệm bản thân, nhà văn như đã soi bóng tâm hồn với tình yêu say đắm quê hương xứ sở vào đối tượng miêu tả là một dòng sông thân thiết khiến đối tượng trở nên lung linh, huyền ảo, đa dạng như đời long tâm hồn con người. Những đoạn văn trên về dòng sông Hương đã minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ trong phong cách bút kí độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0