31/03/2021, 15:29

Phân tích truyện "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" bài số 6 - 10 Bài văn phân tích truyện "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy"

“Em hóa đá ở trong truyền thuyết Để bao cô gái như em không phải hóa đá trên đời” -Trần Đăng Khoa- “Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu Trái tim lầm chỗ để lên đầu Nỏ thần vô ý trao tay giặc Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” -Tố Hữu- Những vần thơ trên chính là minh chứng cho sự ...

“Em hóa đá ở trong truyền thuyết

Để bao cô gái như em không phải hóa đá trên đời”

-Trần Đăng Khoa-


“Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ để lên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

-Tố Hữu-


Những vần thơ trên chính là minh chứng cho sự nổi tiếng của truyền thuyết An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy, một truyền thuyết gắn liền với lịch sử dân tộc và có ảnh hưởng sâu rộng trong nền văn hóa của nước nhà, đi vào các tác phẩm thơ ca, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc biết bao nhiêu thế hệ.


An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy không chỉ đơn thuần là một câu chuyện nói về biến cố cuộc đời của ba nhân vật chính, mà ẩn đằng sau nó là những bài học vô cùng sâu sắc về đạo làm vua, làm con, làm vợ, làm chồng và làm con dân của một quốc gia. Đó là những bài học ứng xử trong cuộc sống, sự lựa chọn đúng đắn giữa tình thân, tình yêu, và an nguy của quốc gia mà cho đến tận ngày hôm nay nó vẫn mang trọn ý nghĩa thuở ban đầu. Dẫu rằng kết cục là bi thương nhưng có lẽ đó chính là cái giá phải trả cho sự lựa chọn, ứng xử sai lầm của các nhân vật chính, để lại trong lòng độc giả nhiều suy nghĩ trăn trở.


Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy gắn liền với quần thể di tích tại làng Cổ Loa huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết xuất xứ với tên Truyện Rùa Vàng nằm trong tập Lĩnh Nam chích quái được sưu tầm vào khoảng cuối thế kỷ XV.


Trước hết là nói về nhân vật An Dương Vương là người mở đầu cho cả truyền thuyết với hai giai đoạn cuộc đời, và dường như đâu đó ta cũng cảm nhận được ở hai đoạn đời này An Dương Vương lại hiện lên như hai con người khác nhau. Từ một con người anh minh sáng suốt gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước oai hùng, thì ở đoạn đời thứ hai ông lại trở thành một người chủ quan, mất cảnh giác, khinh địch nên dẫn tới bi kịch nước mất nhà tan, tình thân đứt đoạn. An Dương Vương là người có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước.


Với một số sự kiện tiêu biểu như: Dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh về vùng đồng bằng Cổ Loa, đây được xem là một quyết định sáng suốt, khi đất nước đã trải qua thời giữ nước đầy gian lao, nay đã bước sang giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, chính vì vậy vùng đồng bằng giao thông thuận lợi như Cổ Loa chính là một lựa chọn đúng đắn cho việc dời đô. Sau khi dời đô về đồng bằng thì với đôi mắt nhìn xa trông rộng của một quân vương, An Dương Vương đã rất kỹ lưỡng trong công việc xây thành Cổ Loa một cách kiên cố theo hình xoắn ốc, để kinh đô được bảo vệ bởi nhiều vòng thành, phòng khi có giặc ngoại xâm.


Không chỉ xây dựng thành trì kiên cố mà An Dương Vương còn chuẩn bị đầy đủ vũ khí để đề phòng giặc ngoại xâm, không còn là các loại vũ khí đánh giáp lá cà mà là loại vũ khí đánh xa, tiêu diệt quân địch khi chúng chưa kịp bước đến đến chân thành trì, nhằm các yếu tố nguy cơ. Tiêu biểu cho loại vũ khí này chính là nỏ thần, cũng là đại diện cho các loại nỏ và cung tên với lực sát thương mạnh mẽ, từ xa, điều này đã thể hiện sự thông minh, tài thao lược của một đấng quân vương. Với tất cả sự anh minh, sáng suốt của mình thì kết quả mà An Dương Vương nhận được ấy là chiến thắng vang dội trong cuộc xâm lược của Triệu Đà lần thứ nhất.


Từ những nhận định trên có thể thấy rằng An Dương Vương trong giai đoạn thứ nhất của cuộc đời là người tài giỏi, mang tầm vóc của một vị đế vương tài ba, lý tưởng, có tinh thần cảnh giác cao độ và ý chí quyết tâm đánh giặc. Bên cạnh đó sự trợ giúp của thần linh (Rùa Vàng) chính là minh chứng cho tính chất chính nghĩa của các công việc mà An Dương Vương thực hiện bao gồm việc dời đô, xây thành, chuẩn bị vũ khí chống giặc ngoại xâm.


Bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc đời An Dương Vương, cũng tức là khi đất nước vừa chiến thắng lần xâm lược đầu tiên của Triệu Đà, đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định để phát triển, thì ở vị vua này bắt đầu có những biểu hiện của sự mất cảnh giác, buông lỏng tinh thần cuối cùng dẫn tới bi kịch mất nước. Nguyên nhân chính đến từ việc An Dương Vương mất cảnh giác, mơ hồ trước âm mưu của kẻ thù. Khi Triệu Đà cầu hòa với mục đích trì hoãn để tìm hiểu tình hình thì An Dương Vương lại không hề nhận ra mưu sâu kế hiểm của giặc mà dễ dàng nhận lời không hề có sự đề phòng chuẩn bị.


Sai lầm thứ hai cũng là sai lầm đặc biệt nghiêm trọng của nhà vua ấy là chấp nhận cả lời cầu thân của Triệu Đà, gả con gái yêu của mình cho con trai của giặc, chẳng khác nào giao trứng cho ác. Kéo theo sai lầm thứ 2, chính là sai lầm tiếp theo của An Dương Vương khi cho Trọng Thủy sang ở rể theo tục lệ của nước Thục ta, chẳng khác nào đang cõng rắn cắn gà nhà cả, để con trai của kẻ thù làm nội gián ở ngay trong nhà mình mà không mảy may suy nghĩ. Bi kịch mất nước không chỉ nằm ở sự mất cảnh giác mà còn nằm ở sự chủ quan của nhà vua, dễ dàng cho Trọng Thủy về nước thăm cha mà không hề nghi ngờ.


Đặc biệt là đến khi Trọng Thủy trở kéo quân sang âm mưu xâm lược lần thứ hai, giặc đã đến gần sát chân thành rồi nhưng An Dương Vương vẫn bình chân như vại, không hề mảy may chuẩn bị chống giặc, cậy cả vào việc mình đã có nỏ thần lợi hại với sức mạnh vạn năng. Từ những dẫn chứng trên ta có thể thấy rõ một điều rằng An Dương Vương đã đánh mất sự anh minh, sáng suốt đáng quý nhất của mình, sở dĩ có điều đó bởi trước đây bên cạnh nhà vua có sự xuất hiện của Rùa Vàng, vị thần đại diện cho trí tuệ, khi Rùa Vàng rời đi cũng là lúc vị thần trí tuệ ấy rời đi, cho nên An Dương Vương mới trở nên chủ quan, mất cảnh giác đến độ vậy.


Một cách lý giải khác cho sự đi xuống của nhà vua ấy là do tâm lý thông thường của con người, khi chiến thắng người ta thường dễ ngủ quên trong chiến thắng ấy, “mãn nguyện” với những gì mình có và không muốn phải suy nghĩ gì thêm, mong mọi chuyện đều trở nên dễ dàng, giống như kẻ được điểm mười, thì thường nghĩ mình đã giỏi vậy. Cuối cùng sau tất cả những sai lầm của mình An Dương Vương đã phải đối mặt với hàng loạt bi kịch đau đớn, trước hết là bi kịch mất nước, bị kẻ thù - con rể của mình truy đuổi đến cùng đường, vô cùng thảm hại.


Bi kịch thứ hai, ấy là bi kịch với tư cách cá nhân, bi kịch của một người cha trong gia đình, bị con gái đâm sau lưng mà không hề hay biết dù rằng Mị Châu không hề cố ý, rồi phải tự tay chém đầu đứa con gái ruột duy nhất của mình, để trả nợ cho nước, trừng phạt kẻ đã gây ra họa diệt quốc. Có thể nói cùng với nỗi đau mất nước, thì nỗi đau tự tay kết liễu người thân cũng đau đớn chẳng kém gì.


Kết thúc cuối cùng là bất tử hóa nhân vật An Dương Vương, thực tế là mỹ lệ hóa cái chết của ông, bởi do ông là người có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước, dẫu rằng có sai lầm thế nhưng về phần công trạng là không thể nào phủ nhận. Kết cục ấy cũng coi như là bù đắp cho An Dương Vương, tuy nhiên vì là người có tội với đất nước nên không thể được tiếp tục sống trên trần gian, cũng không thể có một cái kết huy hoàng như Thánh Gióng, mà chỉ có thể tiếp tục cuộc đời một cách im lặng theo ngòi bút của các tác giả dân gian.


Với nhân vật Mị Châu, nàng thuộc kiểu nhân vật phức tạp, là tội nhân của bi kịch mất nước nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của bi kịch tình yêu, cuộc đời nàng phải chịu nhiều giằng xé và đau đớn hơn cả. Với tư cách là tội nhân làm mất nước, Mị Châu có hai tội lớn, đầu tiên là sự mất cảnh giác, mà nguyên nhân sâu xa ấy là xuất phát từ cha của nàng, nếu cha nàng không gả nàng cho Trọng Thủy, rồi cho Trọng Thủy ở rể có lẽ sẽ chẳng bao giờ có cớ sự đau thương. Mị Châu là một người con gái yếu đuối, nghe theo sự sắp đặt của cha gả cho Trọng Thủy, dĩ nhiên rằng nàng cũng bị ám thị rằng chồng mình là người có thể tin tưởng, dẫn tới việc mất cảnh giác một cách nghiêm trọng.


Sai lầm này chính là nguyên nhân cho sai lầm tiếp theo của Mị Châu, đó là cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần, được coi tội làm lộ bí mật quốc gia, vốn là cốt lõi của sự sống còn đất nước, dân tộc. Thế nhưng chẳng biết Mị Châu là ngây thơ hay mù quáng tin vào tình yêu để nên nỗi quên mất cả bổn phận của một công dân, đặc biệt là tư cách của một công chúa có trách nhiệm bảo vệ quốc gia, dân tộc mình. Sự mất cảnh giác của Mị Châu còn tiếp tục lên một tầm cao mới khi Trọng Thủy về nước thăm cha có để lại lời dặn dò: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ, ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng lấy gì làm dấu?”.


Nếu như là một người bình thường, chỉ cần có chút tỉnh táo thì đã có thể dễ dàng nhận ra những ẩn ý đằng sau câu nói của Trọng Thủy, thế nhưng chính vì sự tin tưởng tuyệt đối, mất cảnh giác của mình mà Mị Châu còn hồn nhiên đáp lại rằng sẽ lấy áo lông ngỗng rải đường cho Trọng Thủy tìm mình. Nàng cư nhiên nghĩ đến cả tình huống xấu nhất, thế nhưng cũng chỉ chăm chăm nghĩ cách bảo vệ hạnh phúc gia đình, chứ không hề mảy may nghĩ đến chuyện nghi ngờ, cân nhắc lợi ích quốc gia.


Tội thứ hai của Mị Châu ấy là đã không xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa việc nước và việc nhà, trong khi bản thân nàng không chỉ là một người vợ mà trên hết nàng là công chúa của một đất nước. Dẫu rằng không phải gánh trọng trách cầm đao đánh giặc nặng nề giống như cha mình, thế nhưng Mị Châu đã ngồi vị trí cao hơn người khác thì cần thiết phải có ý thức bảo vệ cơ đồ tổ tiên đã để lại cùng với cha mình.


Thế nhưng nàng vẫn xử lý theo cảm tính, vẫn chỉ chăm chăm vào tình cảm của mình với Trọng Thủy, ngay cả khi hai nước đã trở mặt thành thù, vẫn rắc áo lông ngỗng để Trọng Thủy đuổi theo tìm giết cha mình. Chính vì sự mê muội, cả tin của mình thế nên Mị Châu đã phải gánh chịu kết cục bi thảm, bị kết tội là giặc, là kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội cha mình và cuối cùng là bị chính tay cha mình chém đầu, chịu cái chết tàn khốc và đau đớn vô cùng.


Bên cạnh tư cách là tội nhân của bi kịch mất nước thì Mị Châu còn hiện lên với tư cách là nạn nhân của bi kịch tình yêu. Ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng, Mị Châu là một cô gái trong sáng, ngây thơ, nàng đã dành hết tất cả tình yêu tha thiết của cuộc đời mình dành tặng cho Trọng Thủy thế nhưng kết cục mà nàng nhận lại chỉ là sự lừa dối, phản bội, lợi dụng từ chồng. Nàng bị rơi vào nghịch cảnh trái ngang ấy là khi trao đi tình yêu một cách chân thành thì lại bị lừa dối, lợi dụng, đến khi được nhận tình yêu thực sự từ Trọng Thủy, thì trong trái tim nàng lại chỉ còn biết bao nhiêu hận thù, đắng cay chồng chất.


Có thể nói rằng cả đời Mị Châu chỉ mong ước một tình yêu vẹn toàn, thế nhưng tất cả chỉ là “hoa trong gương, trăng dưới nước”, thấy được mà không sờ được. Tình yêu đặt nhầm chỗ của nàng đã biến nàng trở thành kẻ phản bội tổ quốc, trở thành tội đồ của cả dân tộc, khiến nàng phải gánh chịu tiếng xấu ngàn đời, khiến nàng phải chịu cái chết đau đớn dưới tay người cha thân yêu. Cái chết của Mị Châu chính là một kết cục hóa thân không trọn vẹn, ứng với lời khấn cầu chứng minh sự trong sạch của nàng, máu biến thành ngọc trai, còn xác thì biến thành ngọc thạch.


Điều đó thể hiện quan điểm và thái độ của dân gian đối với nhân vật, trước hết là sự thấu hiểu thông cảm, xót thương cho số phận của Mị Châu, đồng thời là sự bất tử hóa, mỹ lệ hóa cái chết của Mị Châu. mặt khác cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc của dân gian trước sai lầm và tội lỗi của nhân vật, phải chấp nhận sự hóa thân không trọn vẹn.


Cuối cùng là nhân vật Trọng Thủy cũng là một nhân vật phức tạp hiếm có trong truyện dân gian, y bị mắc kẹt giữa tham vọng quyền lực và tình yêu, chính vì thế Trọng Thủy cũng xuất hiện với hai tư cách ấy là tội nhân và nạn nhân như Mị Châu. Có thể nói rằng Trọng Thủy chính là tội nhân trong bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu mà Mị Châu phải gánh chịu. Là đàn ông “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” thế nhưng Trọng Thủy không có được cái khí khái anh hùng, làm việc quang minh chính đại, mà lại giở trò khuất tất, cầu hôn Mị Châu, lừa dối hai cha con nàng, để lập mưu ăn cắp bí mật quốc gia.


Đáng lên án nhất ấy là hành động lợi dụng tình cảm chân thành của Mị Châu để thực hiện âm mưu của mình, nhẫn tâm chà đạp lên thứ tình yêu cao đẹp ấy một cách không thương tiếc. Dẫn tới việc đẩy người vợ kết tóc, đã có đến mấy năm chung sống mặn nồng vào cảnh nước mất nhà tan, chịu nỗi oan thiên cổ, cùng với sự tuyệt vọng và cái chết đau đớn. Phải nói rằng tham vọng quyền lực đã khiến Trọng Thủy không từ bất kỳ thủ đoạn hèn hạ nào kể cả việc lợi dụng người phụ nữ chân yếu tay mềm, lại hết lòng tin tưởng mình.


Trước những tội lỗi, trước sự tàn nhẫn của bản thân Trọng Thủy đã phải chịu kết cục tự kết liễu đời mình, hình ảnh nước giếng nơi Trọng Thủy tự tử nếu lấy làm nước rửa ngọc trai, thì ngọc trở nên sáng đẹp hơn, ấy chính là biểu trưng cho cái chết đền tội của Trọng Thủy đã góp phần minh oan cho Mị Châu. Hoặc cũng có lẽ là một ẩn ý nói về việc Mị Châu đã phần nào nguôi ngoai mối hận dưới cửu tuyền, hoặc tượng trưng cho tình yêu đầy ngang trái của họ cuối cùng cũng thoát khỏi những thứ như lợi ích quốc gia, bổn phận nghĩa vụ của một công chúa, hoàng tử,...


Bên cạnh tư cách là một tội nhân thì Trọng Thủy cũng là một nạn nhân của bi kịch tình yêu, khi bị mắc kẹt giữa tham vọng quyền lực và tình yêu. Trọng Thủy không chỉ là con trai của Triệu Đà, mà còn là một bề tôi trung thành, là một hoàng tử có nghĩa vụ duy trì sự hưng thịnh của đất nước, làm trong sứ mệnh được giao mà ở đây lại là sứ mệnh gián điệp. Y yêu Mị Châu là có thật bởi tình nghĩa vợ chồng chung sống bao lâu đâu phải dễ dàng từ bỏ, đặc biệt đứng trước tình cảm chân thành, tha thiết của Mị Châu thì Trọng Thủy lại càng mềm lòng. Thế nhưng việc đại sự thì vẫn phải hoàn thành mà bản thân y cũng không muốn từ bỏ tình yêu của mình, chính vì vậy mới có lời dặn dò nếu như Nam - Bắc phân li.


Trọng Thủy vẫn hy vọng về một mái ấm với Mị Châu, thế nhưng rất tiếc tình yêu của hai người chẳng bao giờ có thể vượt qua được lợi ích của quốc gia, kết cục chỉ có thể là thù hận, là bi kịch. Sau khi kết thúc sứ mệnh của mình, trong mắt Trọng Thủy có lẽ chỉ còn tình yêu, cái chết của Mị Châu đã làm y đau đớn khôn xiết, thế nên cái chết chính là để tạ lỗi với nàng, đồng thời có lẽ cũng là một con đường mà Trọng Thủy nghĩ ra để sum họp với Mị Châu ở dưới cửu tuyền chăng?


Chung quy lại cả Mị Châu và Trọng Thủy đều đáng trách mà cũng đáng thương, sự trẻ trung đã khiến họ có nhiều mong ước về tình yêu, thế nhưng lợi ích quốc gia dân tộc vốn là bổn phận của mỗi con người, ngay từ đầu đã định rằng họ là người của hai chiến tuyến khác biệt, chỉ tại cái duyên ngang trái thế nên cuộc đời họ mới rơi vào bi kịch chồng chéo và phức tạp đến tử biệt sinh ly.


An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy là một truyền thuyết có ý nghĩa sâu sắc khi đề cập đến các cách ứng xử trong mối quan hệ giữa công dân với Tổ quốc, mối quan hệ cha con, vợ chồng, quân thần,... Từ đó đưa ra những bài học đáng giá dành cho hậu thế về cách xử lý giữa tình cảm cá nhân và lợi ích dân tộc, con người ta cần phải lý trí khi đứng trước an nguy của Tổ quốc, phải đặt cái lợi ích chung của đất nước lên trên tình cảm cá nhân, bằng không nếu cứ sống theo cảm tính thì chính là đại hận thiên thu.


Thêm vào đó truyền thuyết còn răn dạy con người chớ ngủ quên trên chiến thắng, dù là trong việc trị quốc, bình thiên hạ hay trong đời sống thường ngày, bởi đó chính là vực sâu vạn trượng, bước nhầm một bước thì không có ngày mai.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0