21/02/2018, 09:31

Phân tích nhân vật Chử Đồng Tử trong văn học cổ tích Việt Nam – Văn hay lớp 10

Phân tích nhân vật Chử Đồng Tử trong văn học cổ tích Việt Nam – Bài làm 1 Một nhân vật trong truyện cổ tích, Chử Đồng Tử đã vượt ra ngoài truyện để đi vào tín ngưỡng, tiềm thức, tâm linh của con người. Bởi vậy, ở nước ta trước đây Chử Đồng Tử đã từng được coi là một trong ...

Phân tích nhân vật Chử Đồng Tử trong văn học cổ tích Việt Nam – Bài làm 1

Một nhân vật trong truyện cổ tích, Chử Đồng Tử đã vượt ra ngoài truyện để đi vào tín ngưỡng, tiềm thức, tâm linh của con người. Bởi vậy, ở nước ta trước đây Chử Đồng Tử đã từng được coi là một trong “Tứ bất tử” (bao gồm: Tản Viên Sơn thần, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).
Cuộc đời của nhân vật này vừa mang tính bi phẫ lẫn hài và hùng ca.

Anh sinh ra trong một gia đình cổ nông ở làng Chử Xá (thuộc Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nơi xuất xứ của nhân vật cũng là nơi mà nhân dân giữ gìn cho nhân vật sống lâu nhât, bền nhất.

Tài sản của gia đình họ Chử là cái khố dùng chung cho cả hai cha con. Khi bố hấp hối có dặn lại: “Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lấy mà dùng”. Lời trối trăng giản dị, mộc mạc sao mà nặng nghĩa, nặng tình đến thế!
Thật là xúc động và bi thảm biết bao!

“Cù Vân chết, Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng, anh lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn cất”. Hành động và việc làm của anh đầy tình nghĩa phụ tử hợp với đạo làm người của nhân dân ta.

Trong văn học nước ta và thế giới thật hiếm có một nhân vật bất hạnh, nghèo khổ cô đơn như anh. Giờ đây, anh phải trần truồng bên bãi sông “lấy nước là áo” “lấy cát thay quần” không cha mẹ, không họ hàng làng xóm thân thích, không ruộng vườn nhà cửa trơ trụi giữa cuộc đời. Sự bi thảm trong cuộc đời anh như một thứ định mệnh không gì cưỡng nổi. Thế rồi, tình huống bất ngờ xảy ra cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh và nàng công chúa Tiên Dung trên bãi Tự Nhiên giữa sông Hồng đã làm đời anh đã đổi. Theo triết lí đạo Phật: “ở hiền gặp lành”, trời đã cho anh tất cả. Tạo hóa đã ban cho con người quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc thì hạnh phúc đã đến với anh: Vợ – vợ đẹp – công chúa kiều diễm con vua, nhà để ở: một tòa lâu đài – một cung điện nguy nga tráng lệ, có lính canh gác, có thể nữ để sai bảo v.v…

Từ chỗ không có gì đến chỗ có tất cả rồi từ chỗ có tất cả đều biến đi như một giấc chiêm bao, kể cả Chử Đồng Tử cũng “bay lên trời” để trở thành một thần nhân bất tử. Sự phát triển hành động và tính cách của nhân vật cũng hết sức đặc biệt: Chử Đồng Tử “lên núi gặp nhà Sư Phật Quang” để “tu tiên học đạo”, học xong “xuống núi về nhà ” truyền phép màu cho Tiên Dung v.v… Cách xây dựng nhân vật trong truyện là sản phẩm của tư duy nghệ thuật kết hợp nhiều thể loại truyện: cổ tích, truyền thuyết, Tiên thoại, Phật thoại, nhân vật Chử Đồng Tử vừa mang tính bi, tính hài, và về cuối là hùng ca: “bay về trời”. “Từ trên trời cưỡi rồng bay xuống Đầm Dạ Trạch” đưa cho Triệu Việt Vương “vuốt rồng” để cắm lên mu “đâu mâu”, hình tượng đó đẹp như hình tượng Thánh Gióng lên núi Sóc Sơn bay lên trời….

Nếu nhân vật Chử Đồng Tử tiêu biểu cho khát vọng của con người đi tìm cuộc sống phồn vinh về vật chất, hạnh phúc về tinh thần thì nhân vật Tiên Dung tiêu biểu cho khát vọng của người phụ nữ đi tìm tự do hôn nhân để tự chủ trong việc xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân mình. Đó là hai nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Tiên Dung.

Tiên Dung xuất thân trong hoàng tộc nhưng không màng vinh hoa phú quý. Nàng không nghe theo ý vua cha, không chịu đi lấy chồng, thích đi du ngoạn để ngắm cảnh đẹp của non sông đất nước. Đến khi gặp gỡ bất ngờ với Đồng Tử trên bãi cát sông Hồng trong “màn tắm” thì nàng đã ứng xử theo tiếng nói của lương tri và lương tâm. Ta hãy nghe tiếng nói trái tim yêu thương của nàng: “Tôi đã nguyện không lấy chồng, nay duyên trời run rủi, lại gặp chàng ở chốn này, mới biết không cưỡng được với trời” và “Thiếp và chàng là tự trời xe duyên việc gì mà từ chối” Thật là táo bạo, rất độc đáo, đầy hấp dẫn vì từ chân thành nên rất tự nhiên mà tự nhiên nên nó rất đẹp.

Vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến, Tiên Dung đến với tình yêu tự" do để hôn nhân tự do và tự do xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho chính bản thân mình. Cuộc tình duyên kì thú giữa hai con người rất trần tục, rất nhân bản, nó đạt tới sự hoàn hảo của tính chân – thiện – mĩ.

Tiên Dung đã quyết nghĩa phu thê với Chử Đồng Tử cho đến bách niên giai lão mặc dù chưa tấu trình với vua cha và phụ vương chưa cho phép. Nàng đã từ giã cuộc sống vương giả để tự nguyện ở lại cùng chàng, cùng dân làng làm ăn sinh sông. Chi tiết này lại càng tô đậm cho tính cách của nhân vật: tự do yêu thương – tự do hôn nhân – tự chủ trong cuộc sông. Đó là khát vọng lớn nhất của con người mưu cầu hạnh phúc.

Tính cách và hành động của Tiên Dung lại phát triển sang bước mới: Nếu trước đây nàng chỉ thích du ngoạn để thưởng thức cảnh đẹp của non sông đất nước, không đi lấy chồng thì nay xây dựng hôn nhân, ở lại quê hương chồng mà không về kinh đô để làm ăn sinh sống – trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Đồng ý để Đồng Tử lên núi “tu tiên học đạo” với Sư Phật Quang cho đến khi đắc đạo “học phép thuật” do Đồng Tử truyền cho. Nàng đã bị chàng cảm hóa theo chiều hướng thoát tục: “bỏ làng xóm đi tìm nơi hoang vắng” rồi cùng Đồng Tử “bay về trời” để trở thành những nhân vật bất tử trong văn học Việt Nam.

Đọc truyện cổ tích thần kì Chử Đồng Tử, chúng ta cảm thụ đến những vẻ đẹp truyền thống tiêu biểu cho tâm hồn, tính cách của người dân Đại Việt trước đây. Ngày nay  khi đất nước đang mở “nền thái bình muôn thuở” thì ước mơ người dân không có gì cao hơn là có cuộc sống phồn vinh về vật chất, hạnh phúc về tinh thần. Bởi vậy, Chử Đồng Tử là thần tượng trong thế giới tâm linh của người dân Việt Nam – một trong “tứ bất tử” của dân tộc.

Phân tích nhân vật Chử Đồng Tử trong văn học cổ tích Việt Nam – Bài làm 2

Bên cạnh những tác phẩm hay độc đáo của các nhà văn nhà thơ của thời đại mang tiếng tăm vang dội thì những tác phẩm mà nhân dân sáng tạo ra được coi là có tầm ảnh hưởng lớn và luôn sống mãi trong lòng nhân dân. Trong số những tác phẩm đó thì truyện Chử Đồng Tử là một câu chuyện dân gian mà nhân dân đã sáng tác ra. Đây là một câu chuyện cổ tích thầm kì tiêu biểu. Sự li kì hấp dẫn ở đây chính là cuộc hôn nhân giữa anh chàng mồ côi và công chúa xinh đẹp Tiên Dung.

Câu chuyện bắt đầu với hai cha con nghèo khó. Hai cha con nhưng nhà chỉ có một cái khố, hai người thay nhau mặc. Khi người cha chết đã dặn con hãy mai táng cha trần còn cái khổ để lại mà dùng. Chi tiết ấy gợi cho ta thật nhiều suy nghĩ. Đầu tiên là cái nghèo khó cùng cực khiến hai cha con phải chung nhau một cái khổ. Đây cũng chính là cuộc sống khổ cực của người dân lao động lúc bấy giờ;Điều thứ hai đó chính là tình cảm thương yêu của người cha dành cho con của mình. Theo quan niệm của dân gian thì khi chết thì người chết phải được mặc quần áo rồi mới mai táng. Vậy mà nghĩ cho con ông không màng suy nghĩ đến mình. Điều thứ ba đó chính là tình cảm cao đẹp của Chử Đồng Tử dành cho cha của mình, Tình cảm ấy thiêng kiêng ngời sáng đáng được trân trọng khi ta thấy hành ảnh Chử Đồng Tử không nghe lời cha dặn. Nghĩa tử là nghĩa tận, Chử Đồng Tử đã không nỡ để cha mình trần về nơi chín suối. Việc Chử Đồng Tử không nghe lời cha, nếu xét theo quan niệm chữ Hiếu của Nho giáo Trung Quốc không những không được coi là hiếu thuận mà ngược lại, còn bị cho là bất hiếu. Thế nhưng, sự thực là không ai không xúc động trước nghĩa cử của chàng, cũng không ai chê trách mà tất cả đều đồng lòng ngợi ca hành động hiếu nghĩa đó. Trong trường hợp này, người Việt đã có quan niệm rất thực tế về chữ Hiếu. Chử Đồng tử hiện lên là một người có tấm lòng yêu thương hiếu thào. Đó cũng chính là một phẩm chất cao đẹp của chàng.

Đối ngược với Chử Đồng Tử, Tiên Dung hiện lên là một công chúa xinh đẹp là con vua. Cô được lớn lên trong cung điện xa hoa giàu có gấm lụa xa hoa. Song nàng lại hiện lên là một người yêu thiên nhiên muốn hòa nhập cùng thiên nhiên và đặc biệt cô không muốn lấy chồng. Cô thích du ngoạn ngắm cảnh bằng thuyền, Khi thấy bãi sông rộng có nhiều bụi lớn nên cô lấy làm rất thích thú nên đã sai người cho thuyền rẽ vào đó rồi sai cung nữ vén rèm cho cô tắm và đã vô tình gặp được Chử Đồng Tử. Hai người kết duyên cùng nhau như một lễ tự nhiên. Sau khi kết duyên cùng công chúa do cần cù chịu thương chịu khó làm ăn, lại được Thần Tiên giúp đỡ, nên đã có thế lực ngang ngửa với vua cha, thậm chí, còn mạnh hơn cả vua cha, vì  anh có phép tiên phi phàm. Nhưng vua cha vì thiển cận, hẹp hòi và cố chấp, nên đã sai quân tướng đến đánh đuổi. Chử Đồng Tử quyết định không giao chiến mà chủ động “nhổ” toàn bộ cơ nghiệp bay về trời. Bởi một lẽ đơn giản: Anh là phận tôi con, mặc dù là con rể không được vua cha thừa nhận. Anh quyết định tránh giao chiến với vua cha, chính là để thực hiện vẹn toàn chữ hiếu. Đúng hơn là toàn bộ hành động của anh, cho thấy trước sau anh vẫn là một người con chí hiếu. Truyện “Chử Đồng Tử” kết thúc với việc Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay về trời cũng là dụng ý của tác giả dân gian nhằm tránh sự xung đột trong quan hệ vua-tôi, cha-con giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung với vua cha khi mà nhà vua cử binh tiến đánh để Trung và Hiếu được vẹn toàn. Truyện cổ tích, nhất là cổ tích thần kỳ phản ánh thời ki “ngây thơ”trong lịch sử xã hội loài người nhưng những gì được thể hiện trong “Chử Đồng Tử ” lại cho thấy quan niệm và cách xử lý tình huống không hề ngây thơ của người Việt.

Sự nhân nhượng ấy giúp anh cùng một lúc tránh được cả hai tội: bất hiếu và bất trung! Bởi thế, “nhổ” toàn bộ cơ nghiệp, bay về trời là một giải pháp tối ưu, phù hợp với mong muốn của dân gian. Chi tiết này góp phần tô điểm và hơn thế, khẳng định phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Chử Đồng Tử.

Qua nhân vật Chử Đồng Tử ta thấy nhân dân ta muốn thể hiện khát vọng ấm no và hạnh phúc của nhân dân ta. Như được nói đến lúc đầu đây là một nhân vật được dựng lên rất nghèo khó và bấn cùng. Nhân dân cố ý muốn dựng nên chi tiết này là do muốn có sự đối lập rõ rệt giữa người giàu và ke nghèo đó chính là cực điểm của sự đối lập. Người lao động cần cù chịu thương chịu khó, lại là người con chí hiếu như Chử Đồng Tử, ắt phải được lấy con vua cành vàng lá ngọc làm vợ. Đó là một phần thưởng xứng đáng! Họ sống hòa thuận, hạnh phúc. Hơn thế nữa, Chử đồng Tử lại còn được Tiên truyền cho phép lạ, cho cả điện ngọc nguy nga, lầu son gác tía, địa vị cao sang. Đó chẳng phải là ước mơ đẹp đẽ, chân chính của người bình dân sao?Chi tiết này, nằm trong một truyền thống của văn học dân gian, của truyện cổ tích, như truyện Tấm Cám chẳng hạn. ý nghĩa triết học và ý nghĩa nhân văn của chi tiết này thật sâu sắc. Không nên lấy quan điểm của ngày nay để phê phán chi tiết Chử Đồng Tử trở nên giầu sang phú quý là thế này thế khác. Cũng ví như không nên lấy chi tiết Tấm giết Cám trong truyện Tấm Cám để chê bai là tàn bạo v. v…Lấy quan điểm hiện đại để phê phán truyện cổ tích, là một việc làm ngây thơ, không thấu tình đạt lý!

Chúng ta nhận thấy được rằng khía cạnh chủ đề xuyên suốt trong câu truyện đó chính là chủ đề phụ tử tử hiếu. Đó được coi la khía cạnh chủ chốt để những sự kiện khác lấy nó là cái nhìn là trọng điểm để thể hiện. Ta cũng nhận thấy rằng truyện Chử ĐồngTử cuối cùng vẫn là một câu chuyện cổ tích mà chuyện cổ tích là những ước mơ khát vọng cua nhân dân được giữ gắm vào nó thể hiện ước mơ của nhân dân ta đó chính là được sống một cuộc sống đủ ăn đủ mặc và có cuộc sống có hạnh phúc. Đồng thời qua đó ta cũng nhận thấy thái độ trân trọng của nhân dân ta đối với những người lương thiện thì chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh đó tác phẩm còn đề cao tình cha con tình phụ tử sâu đậm.

Quan niệm về chữ Hiếu trong dân gian qua câu chuyện về chàng trai họ Chử có màu sắc phong phú và giá trị thực tiễn phù hợp với đời sống tâm lý xã hội cộng đồng dù vẫn giữ cái hạt nhân cốt lõi của quan niệm về chữ Hiếu. Tác phẩm cũng đề cao quan niệm chữ Nho đang được nhân dân tin tưởng thời bấy giờ.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • giá trị nhân đạo trong truyện cổ tích chử đồng tử
0