05/10/2018, 23:23

Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu Bài làm Voltaire đã từng nói rằng:”Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Sống giữa dòng thơ mới hiện đại, trù ...

Phân tích bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu

Bài làm

Voltaire đã từng nói rằng:”Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Sống giữa dòng thơ mới hiện đại, trù phú. Với trái tim nhạy cảm, sâu sắc,khao khát giao cảm với đời-đó là một đặc điểm đậm chất Xuân Diệu. Ở “cái lớp sâu dưới đáy hồn nhân thế”(Xuân Diệu),người nghệ sĩ ảo não cất lên tiếng nói của mình trước sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ và tình yêu. Nếu như trong những bài thơ tình, Xuân Diệu luôn đắm chìm trong sự lãng mạn của tình yêu. Thì trong Vội vàng nhà thơ lại mơ màng trong tuổi trẻ cùng bao nuối tiếc với một tâm hồn yêu đời, yêu người đến cuồng nhiệt. Ngay tựa đề bài thơ, ta đã thấy có cái gì đó “vội vàng”, xao xuyến, vấn vương cuộc sống, ham muốn thời gian và tuổi trẻ của nhà thơ Xuân Diệu

Đến với thơ mới là đến với một thế giới muôn vàn cảm xúc, muôn hình vạn trạng. Xuân Diệu-nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. “Hồn thơ Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”(Hoài Thanh).  Bài thơ “vội vàng” là một tiếng nói của người đang say trong những cung bậc cảm xúc với tình yêu và  bao ước muốn mãnh liệt. Trong những câu thơ đầu, tác giả đã thể hiện tình cảm và sự lo lắng về thời gian cứ trôi đi vội vã:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

     Có lẽ, ai đã từng một lần bước vào ngưỡng cửa văn chương của Xuân Diệu đều trót yêu cái nhìn đa cảm của nhà thơ được mệnh danh là”ông hoàng thơ tình” với “hồn thơ luôn rộng mở, chẳng bao giờ để lòng mình khép kín-một hồn thơ tha thiết, rạo rực, băn khoăn”. Ông là một cây bút có sức sáng tạo, sức viết dồi dào, phong phú. Với tình yêu trần thế tha thiết, với sức bền của cách nhìn nhận, với những cảm xúc dâng trào chảy trong tim. Thi nhân như muốn níu giữ những gì mong manh nhất của hương sắc cuộc đời. Muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt, muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi. Những ước muốn không tưởng ấy đươc bộc lộ một cách chân thành, sâu sắc. Phải chăng, nó đang được bắt nguồn từ một tình yêu tha thiết, mãnh liệt đối với cuộc sống và con người. Trong cái nhìn đa cảm của người nghệ sĩ, sự thấm thoát trôi nhanh của thời gian có lẽ là một điều tiếc nuối trong cuộc đời. Tuổi trẻ đang hững hờ qua đi như vô hình, lặng lẽ. Thế nên, nhà thơ như muốn níu giữ trọn vẹn thời gian, muốn nó nhịp nhàng và qua đi chậm rãi để con người còn kịp ngắm nhìn và cảm nhận thế thời đầy sức sống. Còn những điều chưa kịp làm, chưa kịp nghĩ nhưng thời gian vô tình mang theo tuổi trẻ qua mau khiến nhà thơ choáng váng, muốn níu giữ thanh xuân một cách nguyên vẹn. Nhưng dường như nhà thơ cũng hiểu rằng, nắng rồi cũng sẽ tắt, hoa rồi cũng sẽ úa tàn, con người cũng vậy, tựa như một giấc mơ khi tỉnh dậy thì đã ở tuổi xế chiều, có lẽ vì thế mà ông muốn níu giữ tất cả sự sống và thời gian để nó đừng vội vàng như thế!

Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Vội vàng

Khác với nhiều thi nhân cùng thời, Xuân Diệu không cần phải tìm cách thoát li hiện thực mà trái lại, ông tìm thấy cho mình cả một thiên đường ngay trong cuộc sống này. Không xa lạ mà quá đỗi thân quen, không vô hình mà ngay trong tầm mắt:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Tạo hóa sinh ra sự vật đều phải tuân theo quy luật của tạo hóa, con người cũng vậy. Nhưng đối với Xuân Diệu, ông muốn cưỡng lại sự sắp xếp ấy để mưu cầu một lối sống riêng mình. Hình ảnh thiên nhiên với sự sống quen thuộc hiện ra qua cái nhìn cùng sự cảm nhận độc đáo của nhà thơ. Khi cuộc sống đang đua sắc, một cõi trần mơ mộng đang dào dạt sự sống. Này đây hoa… này đây lá… sự ngây ngất, ồ ạt của hồn thơ được biểu hiện trong nhịp thơ tuôn chảy, say đắm. Điệp từ này đây mang đến cảm giác mới trong thơ, dòng thơ tràn đầy nhựa sống và sắc xuân tươi mới với tâm hồn tuổi trả đang mảy may đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái. Qua những hình ảnh đọc đáo, ngôn ngữ thơ phong phú, mới lạ, mạch thơ như trở nên uyển chuyển, có hồn, có sức sống. Điểm thêm đó là màu sắc của sự tươi trẻ như đồng nội xanh rì, sự nhẹ nhàng của cành tơ phơ phất. Hay sự bay bổng của ong bướm…tuần tháng mật, của hoa lá trong bức tranh thiên nhiên huyền ảo.  Không chỉ cảnh sắc, âm thanh cũng sống động rắt réo của yến anh… khúc tình si. Xuân Diệu đã phát hiện ra những vẻ đẹp sắc sảo của thiên nhiên, đồng thời thổi vào đó một tâm hồn phóng khoáng, một tình yêu rạo rực, tan chảy ,say đắm. Bằng những từ ngữ mượt mà, êm ái. Nhà thơ đã miêu tả thiên nhiên thân chân thực, gần gũi, mang thi vị của cuộc sống bình dị,lạ thường. Qua lăng kính của tình yêu, qua cặp mắt của tuổi trẻ. Dường như cảnh vật đều nhuốm màu tình tứ, tràn ngập sức xuân. Này đây ánh sáng… thần vui gõ cửa…  Đó là cái nhìn lấy con người làm chuẩn mực,  quy chiếu thiên nhiên về vẻ đẹp của giai nhân. Nhà thơ như cảm nhận được sức sống mùa xuân đang phồn thịnh khiến cảm giác bất chợt thăng hoa. Cảm xúc đang nhẹ nhàng,  uyển chuyển với những vần thơ của thực tế. Với những hình ảnh thơ độc đáo, táo bạo, mãnh liệt: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái đẹp của con người đã trở thành chuẩn mực cho cái đẹp của thiên nhiên-một phát hiện trong quan niệm mĩ học của Xuân Diệu.  Và ngay trong lúc đang giao hòa cảm xúc: tôi sung sướng thì cảm giác tiếc nuối thời gian vẫn song hành tồn tại: nhưng vội vàng một nửa. Cảm xúc thay đổi theo thời gian, trong sự vui mừng thì ở tâm hồn ấy vẫn luôn đọng lại những sự vấn vương, đáng tiếc.

Mùa xuân với những ngôn từ ngọt ngào đã trở thành một bức tranh có sức gợi với sức sống mãnh liệt, sôi nổi. Nhưng nó cũng tồn tại một nỗi buồn và sự lo lắng, nuối tiếc:

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Thời gian vẫn qua đi và bốn mùa luôn luân chuyển, người ta thường lấy sinh mệnh vũ trụ làm thước đo thời gian. Đó là quy luật mà tạo hóa đã định sẵn. Nhưng đối với Xuân Diệu, thời gian đa qua đi sẽ không bao giờ trở lại. Vì thế ông dùng tuổi trẻ để đo lường sự sống và thời gian của mình. Phải chăng, đó cũng là một nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi của một kiếp người? Xuân Diệu cho rằng: xuân đương tới thì đương qua. Xuân còn non thì chắc chắn sẽ già. Thời gian như một dòng chảy cuốn trôi đi tuổi trẻ của mỗi người. Thực ra, thời gian vẫn thế nhưng quan niệm và cảm nhận của mỗi người lại khác nhau. Qua bài thơ, tác giả đã thể hiện cái nhìn biện chứng về vũ trụ và thời gian thật sâu sắc. Ông cảm nhận đó là một sự mất mát lớn, mất mát ngay chính ở sinh mệnh của mình: xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Mùa xuân, tuổi trẻ không tồn tại mãi,nó ngắn ngủi vô cùng. Thời gian mất nghĩa là tuổi trẻ cũng mất. Mùa xuân của nhân gian không giống mùa xuân của tuổi trẻ, có lẽ vì thế mà có lần nhà thơ đã từng bộc bạch:

Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần

Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất

Bao cảm xúc như đang tuôn trào trong tâm hồn tác giả. Xuân Diệu đã có những cảm nhận vô cùng tinh tế và chính xác, thấm thía lòng người:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

Đối với Xuân Diệu, cảm thức về thời gian là vô cùng nhạy bén. Mỗi phút giây trong cuộc đời là vô cùng trân quý, có lẽ vì thế mà ông luôn chạy đua với thời gian để bắt kịp với sự sống muôn màu của thời thế và không phải bỏ lỡ một khoảnh khắc nào của cuộc sống: “mau lên chứ, vội vàng lên với chứ!”. Trong cái nhìn nhận về thực tiễn, nhà thơ cũng rất linh động để có những cảm nhận thật độc đáo. Qua những hình ảnh sự vật trong thơ, cơn gió xinh…phải bay đi, chim rộn ràng…đứt tiếng reo... phải chẳng sợ độ phai tàn sắp sửa? Xuân Diệu đã thể hiện cảm nhận tinh tế về bước đi của thời gian là sự mất mát to lớn. Mất tình yêu, mất tuổi trẻ mất những thứ đẹp đẽ và đáng quý nhất của đời người. Không gian, thời gian, cảnh vật đều sẽ mất, tất cả mọi thứ sẽ phai tàn, héo úa, chia phôi, tiễn biệt… Đó là nghịch lý nhưng cũng là quy luật tất yếu. Cảm nhận sâu sắc và có sự đau đớn về sự một đi không trở lại của tuổi thanh xuân khiến thi nhân nhìn đâu cũng thấy mùi li biệt. Hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống đã được tác giả cảm nhận qua lăng kính của thời gian, mỗi sự vật của vũ trụ đang từng giây,từng phút ngậm ngùi tiễn biệt một phần của cuộc đời mình trong sự tiếc thương sâu sắc.

Mùa xuân qua đi rồi sẽ trở lại, nhưng tuổi trẻ qua đi sẽ chẳng bao giờ quay về. Đây chính là điều tàn nhẫn nhất mà nhà thơ không muốn phải đối mặt. Nỗi lo sợ về thời gian trôi đi sẽ cuốn theo tuổi trẻ, thế nên nhà thơ mới vội vàng, gấp gáp và luôn khao khát với một cuộc sống đầy nhiệt huyết, say mê:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Bất lực trước quy luật nghiêm ngặt của thời gian, cũng không thể níu giữ một giây phút nào nên tác giả mới vội vàng, giục giã mọi người hãy tận hưởng những điều tốt đẹp trên thế gian này khi đang còn trẻ, đang có đủ sức sống và tinh thần để trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất trên thế gian này. Đó có lẽ là một cuộc sống tự do, phóng khoáng: sự sống…mơn mởn;mây đưa…gió lượn; cánh bướm… tình yêu; mùi thơm;ánh sáng … Nhà thơ vội vàng, cuống quýt trước cuộc sống, trước ngưỡng cửa của thời gian. Ông không muốn thời gian qua đi một cách vô nghĩa. Nó là một thứ đáng quý của con người, vì thế, ông tiếc nuối khi thời gian trôi qua quá nhanh cuốn theo cả sức sống và thanh xuân của mình. Tình cảm cuống nhiệt và say đắm lại một lần nữa trỗi dậy ở cuối tác phẩm: ta muốn…ta muốn. Ngoài ra còn bằng những động từ, tính từ mạnh: riết,say,thâu,chếnh choáng,đã đầy,no nê. Và cuối cùng là đỉnh điểm, được đẩy lên đến cao trào ở câu cuối bài:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Đó là cảm xúc lên đến tột điểm, mãnh liệt. Nhà thơ muốn “cắn” vào cái gọi là mùa xuân kia để thỏa mãn nỗi lòng mình. Qua đó, cách bộc lộ cảm xúc cũng đã trở nên cứng cáp, độc đáo, mới mẻ, sức sống trở nên sôi nổi,tràn đầy. Niềm khao khát về tuổi trẻ như đang rạo rực trong tâm hồn người thanh niên đang mang trong lòng bao nỗi niềm và mong ước về sự tươi đẹp của tuổi xuân hồng.

Trong cuộc sống đang chạy nhanh như tên bắn này, phải vội vàng nắm bắt những khoảnh khắc hạnh phúc, tận hưởng từng phút giây cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Phải vội vàng nắm bắt những cơ hội đừng để nó tuột mất, hãy nuôi dưỡng cho mình những khát vọng và niềm tin. Phải vội vàng lên, tận dụng mọi giác quan để cảm nhận và hiểu đời khi còn đang đủ sức sống và nhiệt huyết. Vfa ý của nhà thơ khẳng địnhvội vàng là để tăng chất lượng cuộc sống chứ không phải là sống gấp gáp. Xuân Diệu đã thể hiện một triết lý sống mới, sống hết mình vì tuổi trẻ, vì cuộc sống còn nhiều điều bí ẩn. Thế giới này đẹp và ý nghĩa nhất khi có tuổi trẻ và tình yêu luôn song song tồn tại. Điều quý giá nhất của con người là thời gian và tuổi trẻ, còn điều hạnh phúc nhất chính là tình yêu. Vì thế, hãy luôn sống hết mình, mãnh liệt vì tuổi trẻ, quý trọng thời gian và con người, đó là điều nhà thơ đã làm.

Thời gian vẫn tuần hoàn, sự sống luôn luân chuyển. Nhưng còn những gì thuộc về con người, đã qua đi thì vĩnh viễn qua đi. Bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu đã cho ta những cảm nhận mới vẻ về cuộc đời và những chiêm nghiệm sâu sắc về tuổi trẻ và tình yêu. Bằng giọng điệu đằm thắm, mạch thơ nhịp nhàng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Nét riêng của nhà thơ Xuân Diệu đã được thể hiện rõ ràng trong tác phẩm và truyền được trọn vẹn cái say đắm trong tình cảm và tâm hồn của tác giả. Với những âm điệu mượt mà, sâu lắng. Bài thơ đã thành công trong việc đi đến trái tim người đọc bằng con đường ngắn nhất bởi những vần thơ mang nặng tâm tư người thi sĩ thời hiện đại.

Bùi Phương Thảo

0