03/06/2017, 19:38

Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương (Bài 3)

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam có biết bao nhà thơ, nhà văn tài năng xuất sắc. Thế nhưng, chúng ta hiếm thấy trong hàng ngũ ấy thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ. Vì vậy, Hồ Xuân Hương thật sự là một hiện tượng đặc biệt. Bà đặc biệt bởi cuộc đời đầy sóng gió và lời thơ, đề tài thơ ấn tượng. ...

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam có biết bao nhà thơ, nhà văn tài năng xuất sắc. Thế nhưng, chúng ta hiếm thấy trong hàng ngũ ấy thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ. Vì vậy, Hồ Xuân Hương thật sự là một hiện tượng đặc biệt. Bà đặc biệt bởi cuộc đời đầy sóng gió và lời thơ, đề tài thơ ấn tượng.

Là một người phụ nữ tài sắc, thế nhưng Hồ Xuân Hương lại éo le, trắc trở trên con đường tình duyên. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến các sáng tác của bà, và dường như, nỗi niềm mà bà phải chịu chính là tư liệu để bà tạo nên các tác phẩm. Sự độc đáo trong tác phẩm của Hồ Xuân Hương chính là người phụ nữ viết về người phụ nữ, đề tài trào phúng nhưng lại đậm chất trữ tình, đậm chất văn học dân gian. Tất cả những điều đó càng được minh chứng qua bài thơ Nôm_Đường luật Tự tình(2)_bài thơ nằm trong chuỗi ba bài thơ Tự tình của bà:
 
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!"
 
Thời gian bao giờ cũng được thể hiện trong sự nghịch đối với cuộc sống của con người, đặc biệt là tuổi trẻ và tình yêu. Với Hồ Xuân Hương, nhà thơ đầy nữ tính thì yếu tố về thời gian càng sâu sắc hơn. Vì thế, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi Hồ Xuân Hương mở đầu bài thơ của mình bằng thời gian:
 
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn"
 
"Đêm khuya" là khoảng thời gian con người đối diện với bản thân mình. Từ lúc ánh bình minh xuất hiện đến lúc nó héo tàn thí con người luôn luôn bận rộn với công việc, hiếm có thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy, "đêm khuya" chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để mỗi người ngồi suy ngẫm lại chính bản thân mình. "Đêm khuya" sẽ rất ấm áp, vui vẻ khi có người cùng trò chuyện, ở bên. Nhưng đối với Hồ Xuân Hương, "đêm khuya" chính là một nỗi sợ hãi, một điều không mong muốn khi bà phải một mình gặm nhấm nỗi buồn và sự cô đơn. Dường như, từ "đêm khuya" không chỉ gói gọn về ý nghĩa thời gian mà nó còn chứa đựng cả không gian. Một không gian yên ắng và tĩnh mịch. Và trong không gian ấy, "văng vẳng trống canh dồn". Âm thanh của tiếng trống được Hồ Xuân Hương miêu tả bằng từ "văng vẳng" khiến cho ta thấy đó không chỉ đơn thuần là sự cảm nhận âm thanh bằng thính giác mà đó còn là sự cảm nhận về sự trôi đi của thời gian_Thời gian vô thủy, vô chung nhưng thời gian còn chứa đựng sự phá hủy. Nếu trong Tự tình(1), âm thanh của tiếng gà gáy đã gợi sự não lòng:
 
"Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom"
 
thì trong Tự tình(2), cái nhịp điệu gấp gáp, liên hồi của tiếng trống qua từ "dồn" vừa là sự cảm nhận, vừa là  sự thể hiện bước đi và sự rối bời của tâm trạng. Thủ pháp lấy động tả tĩnh đã được Hồ Xuân Hương vận dụng một cách khéo léo tài tình để diễn tả sự cô độc, lẻ loi của bản thân_điều mà chúng ta thường thấy ở các tác phẩm trung đại, như Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm:
 
"Gà eo óc gáy sương năm trống"
 
Nếu trong câu 1, sự tài tình của Hồ Xuân Hương thể hiện ở việc sử dụng từ ngữ thì câu 2 lại chứng minh tính sáng tạo của bà trong cách ngắt nhịp:
 
"Trơ cái hồng nhan với nước non"
 
Thơ Nôm_Đường luật thường được ngắt nhịp 3/4 nhưng Hồ Xuân Hương lại phá luật, cho câu thơ của mình ngắt nhịp 1/3/3. Đó không chỉ thể hiện tính sáng tạo mà còn cho thấy sự táo bạo, hiện đại trong cách làm thơ của Hồ Xuân Hương. Cùng với sự độc đáo trong cách ngắt nhịp là biện pháp đảo ngữ đặt từ "trơ" ra đầu câu. Chỉ một từ thôi nhưng chứa đựng trong ấy là một bản lĩnh phi thường nhưng cũng là một nỗi đau tột cùng. "Trơ" là trơ lì, trơ trọi, là tủi hổ, bẽ bàng. Nhưng "trơ" với Hồ Xuân Hương còn là sự thách thức. Điều này hoàn toàn giống với cái "trơ" của bà Huyện Thanh Quan trong bài " Thăng Long thành hoài cổ":
 
"Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt"
 
Hồ Xuân Hương đặt từ "trơ" ra đầu câu khiến mọi người không khỏi thắc mắc:" cái gì trơ"? câu trả lời chính là " cái hồng nhan". "Hồng nhan" là cách nói của thi nhân, văn sĩ về người phụ nữ. Từ "hồng nhan" thường được đi kèm với "kiếp". Nhưng ở đây, một lần nữa Hồ Xuân Hương lại cho ta thấy sự độc đáo trong thơ văn của bà: đồ vật hóa kiếp hồng nhan bằng từ "cái"' "Cái hồng nhan" không chỉ gợi lên sự rẻ rúng, mỉa mai mà còn là sự bẽ bàng, chua chát của kiếp hồng nhan. Điều này chúng ta rất thường thấy trong thơ văn Việt Nam, điển hình là kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du:
 
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
 
Dường như cảm thấy chưa đủ, Hồ Xuân Hương còn sử dụng thủ pháp đối lập "cái hồng nhan" với "nước non" để làm tăng sự cô độc, bé nhỏ của nhân vật trữ tình. Cả câu thơ đã khái quát rõ ràng hình tượng của một người phụ nữ cô đơn, tủi sầu về đường tình duyên bạc bẽo, éo le.
 
Tâm trạng não nùng, phẫn uất của người phụ nữ trong kiếp lẻ mọn tiếp tục được Hồ Xuân Hương diễn tả qua hai câu thơ thực:
 
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"
 
Nghệ thuật đối thang _nghịch ý được thể hiện rõ qua "say tỉnh"_"khuyết tròn". Cả hai câu thơ là sự bế tắc của nhân vật trữ tình, hay nói khác hơn chính là Hồ Xuân Hương. bà tìm đến rượu những mong để giải sầu quên tủi  nhưng trớ trêu thay càng uống càng tỉnh. "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh" gợi lên cái vòng luẩn quẩn, như là sự cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của tạo hóa. Hương rượu và hương tình đi qua chỉ để lại vị đắng chát, khổ đau, càng làm Hồ Xuân Hương nhận ra sự chua chát, bẽ bàng trong thân phận lẻ mọn của chính bản thân. Giống với hình ảnh càng uống càng tỉnh là hình ảnh trăng lên cao, bóng xế nhưng vẫn khuyết. Hồ Xuân Hương cũng vậy., tuổi xuân đã qua đi nhưng hạnh phúc chưa tròn đầy. Hình ảnh" Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" là hình tượng chứa hai lần bi kịch: trăng sắp tàn( bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó cũng là một sự tương đồng với cuộc đời bạc mệnh của nhân vật trữ tình. Câu thơ tả ngoại cảnh nhưng chứa đựng nội tâm của tác giả, tạo nên sự thống nhất giữa trăng và người,
 
Dường như đồng cảm với số phận bạc bẽo của người phụ nữ trong kiếp lẻ mọn, thiên nhiên trong hai câu thơ 5,6 cũng như mang theo nỗi niềm phẫn uất của con người:
 
"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn"
 
"Rêu" là một sinh vật nhỏ bé, hèn mọn nhưng cũng không chịu khuất phục, mềm yếu; nó phải "xiên ngang mặt đất". Đá vốn rắn chắc nhưng giờ cũng nhọn hơn để " đâm toạc chân mây".
 
Hồ Xuân Hương đã sử dụng biện pháp đảo ngữ để làm nổi bật tâm trạng của thiên nhiên mà cũng là sự phẫn uất của con người. Các động từ mạnh "xiên, đâm" kết hợp với các bỗ ngữ "ngang. toạc" thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của Hồ Xuân Hương. Cùng với đó là sự tương phản giữa cái hữu hạn và cái vô hạn:" rêu từng đám, đá mấy hòn" với "mặt đất, bầu trời". Bốn hình ảnh, vừa tương phản, đối lập vừa có sự tương xứng một cách diệu kì. Điều đó càng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về một hiện tượng thiên nhiên kì lạ: rêu, đá là những sinh vật nhỏ bé, vô tri vô giác nhưng cũng muốn trỗi dậy, chống lại cả đất trời. cách miêu tả đầy tính sáng tạo về thiên nhiên của Hồ Xuân Hương: bao giờ cũng chuyển động, căng đầy sức sống ngay cả trong những tình huống bi thảm nhất đã giúp bà gửi gắm khát vọng mãnh liệt, bứt phá khỏi số phận cam chịu trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Cả hai câu thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn của bà về sự mạnh mẽ, táo bạo trong ngôn từ và sắc nét trong hình ảnh, mang đậm phong cách nghệ thuật của bà chúa thơ Nôm.
 
Như đã nói, vấn đề thời gian rất được Hồ Xuân Hương chú trọng. Bà mở đầu bài thơ của mình bằng thời gian thì bà cũng sẽ kết thúc nó bằng thời gian:
 
"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con"
 
Kết thúc bài thơ, Hồ Xuân Hương đã nói lên tâm trạng chán chường, buồn tủi của chính bản thân bà. "Ngán" là chán ngán, ngán ngẫm. Cùng với từ" ngán" là sự lặp lại của từ" xuân, lại". "Xuân" là mùa xuân nhưng cũng chính là tuổi trẻ. Sự trở lại của mùa xuân cũng chính là sự ra đi của tuổi trẻ. Xuân của đất trời, mỗi năm mỗi quay lại, xinh tươi rực rỡ nhưng tuổi xuân của người phụ nữ ra đi thì không trở lại. Xuân đến, tuổi xuân càng héo hon, tàn tạ theo thời gian. Từ "lại" thứ nhất có nghĩa là thêm một lần nữa, là tần số lặp lại, từ "lại"  thứ hai chính là sự trở lại. hai từ giống nhau về âm nhưng khác nhau về nghĩa, về cấp độ nghĩa. Tuy khác nhau nhưng khi Hồ Xuân Hương kết hợp chúng lại thì đó chính là một sự lựa chọn hòan hảo. " Xuân đi xuân lại lại" chính al2 cái vòng luẩn quẩn của tạo hóa. Với tất cả những từ ngữ đó, câu thơ thể hiện sự chua chát, ngán ngẫm, kéo dài lê thê cùng năm tháng. Để rồi, sau tất cả, bà buôn một câu cảm thán:
 
"Mảnh tình san sẻ tí con con"
 
Hồ Xuân Hương đã sử dụng nghệ thuật tăng tiến ở câu thơ cuối này. Đây không phải là khối tình như trong thơ văn hay nói:
 
"Khối tình cọ mãi với non sông"
 
mà là mảnh tình, tức là hết sức nhỏ bé. cái mảnh tình bé nhỏ ấy lại phải chia năm xẻ bảy, san sẻ với người khác để rồi chỉ còn lại tí con con. Từ thuần Việt "tí con con" thật sự đã được Hồ Xuân Hương sử dụng vô cùng hợp lí, càng làm tăng sự nhỏ bé, đúng với ý muốn của bà. Các từ ngữ ấy đã làm bật lên tiếng khóc nghẹn ngào trước duyên phận bẽ bàng, ,một mảnh tình bé nhỏ dường như càng vỡ vụn khi trong câu thơ có sự kết hợp của các từ ngữ ấy. Đó là tâm trạng của kẻ làm lẽ nhưng cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa khi hạnh phúc đối với họ luôn là điều gì đó không đầy đủ. Khi hai câu thơ kết hợp lại, đó thật sự là tiếng than thở của người phụ nữ phải chịu kiếp lẻ mọn trong xã hội năm thê bảy thiếp, vừa là sự ngao ngán, bất lực trước sự bất công trong xã hội đa thê.
 
Qua đó, chúng ta có thể thấy được Hồ Xuân Hương rõ ràng rất xứng đáng với danh hiện Bà chúa thơ Nôm. bà tài tình, khéo léo ở rất nhiều mặt: từ cách sử dụng từ ngữ đến nghệ thuật xây dựng hình tượng. " Tự tình" 2 thật sự đã tác động tới mọi cung bậc cảm xúc, khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm cho thân phận hồng nhan bẽ bàng trong kiếp lẻ mọn. Bài thơ vừa mang giá trị hiện thực vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc. Quả thật, " Tự tình" 2 chính là một bài thơ Nôm_Đường luật ấn tượng có tính biểu cảm cao, xứng đáng được lưu truyền mãi mãi.

0