25/05/2017, 00:57

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Văn mẫu lớp 9

Đánh giá bài viết Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa Viết về bà mẹ Việt Nam trong thời kì chống Mĩ, bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm là một ...

Đánh giá bài viết Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa Viết về bà mẹ Việt Nam trong thời kì chống Mĩ, bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ độc đáo và rất hay. Nó đã được phổ nhạc thành ca khúc hát làm rung động hàng triệu trái tim. ...

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh Hóa

Viết về bà mẹ Việt Nam trong thời kì chống Mĩ, bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ độc đáo và rất hay. Nó đã được phổ nhạc thành ca khúc hát làm rung động hàng triệu trái tim.

Bà mẹ được nói đến là bà mẹ người Tà-ôi có một tình thương mênh mông: thương con, thương làng đói, thương bộ đội, thương đất nước. Bài thơ có ba khúc ca được sáng tạo theo âm điệu dân ca, điệu ru con của đồng bào Tà-ôi trên miền núi Trị Thiên. Mở đầu mỗi khúc ca là một điệp khúc ngọt ngào tha thiết:

"Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi !

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ…"

Có lúc như vỗ về yêu thương. Tình mẹ hay tấm lòng nhà thơ:

"Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi…"

Khúc ca thứ nhất là tiếng ru khi mẹ dịu con giã gạo:

"Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời".

Tiếng ru con "nghiêng" theo nhịp chày làm cho giấc ngủ em cu Tai cũng "nghiêng" theo. Con như đang chia sẻ sự vất vả của mẹ. Má em cũng "nóng hổi" vì bao mồ hôi mẹ tuôn rơi. Hàng loạt hình ảnh hoán dụ (mồ hôi, má, vai, lưng, tim) được sử dụng rất "đắt”. Để thể hiện trái tim yêu thương mênh mông của người mẹ nghèo. Lưng mẹ là chiếc nôi để con lớn lên. Tim mẹ dạt dào tình mẫu tử, đã "hát thành lời". Hạt gạo hậu phương là "hạt vàng làng ta": hạt gạo của mẹ nặng tình nặng nghĩa, rất đáng tự hào:

"Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội"

Khúc ca thứ hai là tiếng ru khi mẹ tỉa bắp trên núi Ka-lư. Người mẹ cần cù và đảm đang vừa địu con, vừa làm rẫy. So sánh "lưng núi" với "lưng mẹ" nhằm khẳng định đức tính kiên nhẫn, chịu đựng gian khổ của người mẹ nghèo:

"Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”.

"Mặt trời" trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là một hình ảnh ẩn dụ nói lên tình thương, niềm tự hào của mẹ đối với cu Tai, vì em là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mẹ:

"Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng".

Mẹ nhân hậu, lòng mẹ bao la mang nặng tình nhà nghĩa xóm:

"Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói".

Thời kháng chiến "hạt gạo cắn đôi, hạt muối chia đều" là thế.

Khúc ca thứ ba, nhịp điệu vang lên dồn dập. Đó là lúc “Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối”, dồn đồng bào Tà- ôi vào chỗ chết, mẹ địu con khi đang 'chuyển lán" và "đạp rừng", cả gia đình mẹ cùng ra trận, mang tầm vóc anh hùng;

"Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

Mẹ địu em đi để giành trận cuối

Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn".

Khúc ca thứ ba là khúc ca chiến đấu. "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" là truyền thống anh hùng của người phụ nữ Việt Nam, ở đây, người mẹ địu con ra trận,  tiếp tế, di tải đạn. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

"Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước".

Trong bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm ba lần nói lên giấc mơ đẹp của con thơ:

" – Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần.

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều.

Mai sau con lớn phát mười Ka-lưí.

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người Tự do…"

Đó là giấc mơ tình thương, giấc mơ về ấm no, hạnh phúc, giấc mơ chiến thắng.

Bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” xứng đáng là bài ca lòng mẹ Việt Nam. Mọi đứa con chỉ có thể lớn lên bằng dòng sữa, bằng lời ru, tình thương của mẹ. Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm là tượng đài tráng lệ về bà mẹ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hận, đảm đang". Nó nhắc nhở mỗi chúng ta ghi sâu trong lòng tình cảm kính yêu và biết ơn người mẹ hiền của mỗi chúng ta, tự hào về bà mẹ Việt Nam.

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 2

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ có nhiều những đóng góp đáng kể trong nền văn học Việt Nam, những bài thơ của ông để lại nhiều giá trị sâu sắc và đặc biệt nổi bật đó là bài khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.       

Những khúc hát ru của người mẹ đã là nguồn cảm hứng vô tận để tác giả sáng tác lên những tác phẩm hay và đặc biệt có ý nghĩa, nó mang những khúc hát ru thu hút những làn điệu nhẹ nhàng trong tâm hồn của tác giả, những hình ảnh đó đã tác động mạnh mẽ trong lòng người đọc, những lời ru những em bé ngủ trên lưng những người mẹ khi địu con lên núi, ngủ trên lưng mẹ những em bé này lớn lên từng này, những giấc ngủ ngon đã trở thành một động lực để người mẹ có thể lao động để nuôi dưỡng những người con của mình, mẹ lao động đó là giã gạo, và một nhiệm vụ quan trọng đó là nuôi những chú bộ đội đi chiến đấu, những điều cao cả đó đã được tác giả thể hiện thật sâu sắc, những điều đó mang những đặc trưng riêng và mang những nỗi nhớ riêng biệt, đối với những người mẹ niềm núi này:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,
Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Những khúc hát ru của những người mẹ này đã mang những khoảnh khắc đặc biệt trong tâm trí của những người chiến sĩ cách mạng, những lời hát đó đã khắc khoải sâu sắc trong lòng người, nó mang những dấu ấn riêng và đặc biệt sâu sắc, trong những hình ảnh đó những sự vất vả của những người mẹ đã thể hiện sâu sắc và nó nổi bật trong những trang thơ của tác giả, những nỗi vất vả đó được diễn tả bằng những từ như đổ mồ hôi, nhưng vai gầy nhấp nhô… những lời đó đã thể hiện được những nỗi vất vả của những bà mẹ. Sự tận tụy đó thể hiện những nỗi niềm sâu sắc, nó mang những nỗi nhớ thương và tác giả đã thể hiện những nỗi nhớ thương và tình cảm sâu sắc của tình yêu đối với những người mẹ này, sự biết ơn sâu sắc, những khoảnh khắc đó mang những âm điệu nhẹ nhàng và âm vang:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.

Những việc làm của mẹ đều là muốn chăm cho con lớn khôn, mẹ yêu thương con và yêu thương những chú bộ đội đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc, những nhịp chày dã gạo đã thể hiện mang những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của tác giả, những điều đó đã thể hiện sâu sắc và mang những nhịp điệu riêng và vô cùng ý nghĩa cho tác giả, những nỗi nhớ thương đó thể hiện qua những ngôn ngữ trong tác phẩm này, hình ảnh mang những đặc trưng sâu sắc, những lời ru của người mẹ mong cho người con của mình ngủ ngon và những tâm sự thầm kín mà người mẹ đã thể hiện, mặt trời của bắp đó là mặt trời của nguồn lương thực nuôi sống bộ đội và nuôi con, nhưng mặt trời của mẹ thì nằm trên lưng, đó là tất cả những tình cảm sâu sắc mà người mẹ muốn thể hiện, con là tất cả đối với mẹ, là niềm tin trong sáng là cuộc sống của mẹ:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

Sự mong mỏi của mẹ đó là mong cho con ngoan và khỏe mạnh, những lời tâm sự mà người mẹ đã thể hiện được sâu sắc trong tác phẩm đó là những điều thầm kín và những nỗi niềm sâu rộng mà tác giả đã thể hiện, tình yêu thương của tác giả trong bài này đó là những khoảnh khắc mà tác giả thể hiện qua những trang sách hay mang những giá trị riêng biệt nó biểu hiện tình cảm của mẹ dành cho người con, tình yêu thương đó đã tác động sâu sắc đến tâm hồn của tác giả, những khoảnh khắc đó nhẹ nhàng và tình cảm gắn bó mật thiết và có ý nghĩa vô cùng lớn khi sự yêu thương của mẹ là vô bờ bến. Nhưng mong ước của người mẹ là mong con của mình sau này cũng sẽ trở thành những người có ích cho xã hội như những người chiến sĩ cách mạng, phục vụ cách mạng.

Những vất vả gian lao của những người mẹ vừa phải nuôi con vừa phải lo chiến đấu cách mạng những người mẹ cao cả này đã để lại nhiều cảm xúc đáng kể cho tác giả, những điều đó không chỉ tạo nên những niềm tin sáng chói mà tạo nên những nhịp điệu riêng trong lòng của tác giả những hình dung đó, những hy sinh cao cả mà người mẹ đã dành nó to lớn và có sức mạnh vô cùng mạnh mẽ, những hình dung đó tạo nên những nhịp điệu riêng và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hình dung ra những hình ảnh mang những đặc điểm riêng và vô cùng ý nghĩa cho người đọc, những sự hy sinh đó vang vọng và mang những ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, nhiều những hình ảnh mang những giá trị lớn lao khi người phụ nữ vừa nuôi con vừa cầm chông đánh giặc khi có giặc tới…

Sự hy sinh lớn lao đó đã thể hiện được những yếu tố cao cả trong người mẹ mong muốn của người mẹ con mình sẽ trở thành những người có ích và sẽ lo cho đất nước của mình, những điều đó sẽ có ý nghĩa tạo nên những nhịp điệu nhẹ nhàng mà bác hồ đã dạy dỗ.

Bài thơ đã thể hiện được tình cảm sâu sắc của những người cách mạng về những tình cảm dành cho những người mẹ địu con và nuôi con bằng cả tấm lòng của mình, những tình cảm đó đã gắn bó mạnh mẽ và sâu sắc trong tâm hồn của mỗi người.

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 3

Đọc bài thơ có cái tựa đề không mấy êm tai này, cảm giác của chúng ta như người vượt dốc, trèo đèo. Nó gập ghềnh không phẳng lặng êm xuói. Nó gập ghềnh, gấp khúc. Ở cụm từ "trên lưng", ta còn nhận ra một thoáng chốc nhọc nhằn. Bài thơ là một phác thảo chân dung người mẹ trong một hoàn cảnh khác thường. Sự khác thường chính là ở cái khối lượng mà người mẹ mang vác trên vai thật lớn. Là người mẹ, người vợ, người phụ nữ tháo vát đảm đang không chỉ gánh vác "giang sơn nhà chồng" mà còn nhiều hơn thế. Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đem đến cho mẹ cùng với trách nhiệm là biết mấy vinh quang.

Về cấu trúc bài thơ, hình tượng người mẹ – hình tượng trung tâm vừa chạy dọc toàn bài thơ tẽ ngang ra từng cành, nhánh như những cây xà nu, cây kơ-nia vừa vút cao lên để tiếp nhận ánh sáng mặt trời vừa bám chặt vào lòng đất để không một thứ gió to bão lớn nào có thể làm cho nó chao đảo, ngả nghiêng. Vì thế việc chia đoạn là cần thiết, song để phân tích cần đến một cái nhìn tổng thể có tính khái quát nói chung, về bố cục, căn cứ vào nhịp điệu toàn bài mà ngắt ra làm ba khúc, bắt đầu từ những lời ru "Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi – Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ". Từ người mẹ với ba vùng không gian ngày càng rộng mờ : người mẹ giã gạo, người mẹ tỉa bắp, người mẹ hướng tới chiến trường. Ở cả ba đoạn thơ ấy, người mẹ đều gắn với công việc, bằng tình thương, với bao ước mơ. Ba yếu tố hợp thành hình tượng rất khó cắt chia. Nhưng để phân tích, chúng ta không có cách nào khác là bóc tách chúng ra trong sự hội tụ khách quan của nó. Bóc tách không chỉ để cảm nhận kĩ càng mà còn nhìn ra một xu thế của sự phát triển: rộng dần ra, cao dần lên ở hình tượng.

1. Người mẹ của công việc

Công việc hằng ngày của mẹ thực ra cũng chỉ là những công việc bình thường như giã gạo, đi nương, tỉa bắp. Có những giọt mồ hôi, có những lời than thở cũng chẳng mấy ngạc nhiên, bởi công việc nhà nông dù miền ngược hay miền xuôi vẫn muôn đời là vậy. Nhưng so với miền xuôi, công việc ấy còn nhọc nhằn gấp bội, vì có làm gì, lúc nào người mẹ cũng dịu đứa con nhỏ trên lưng. Những câu thơ gắn người mẹ với đứa con trong công việc vì vậy mới nặng trĩu xót thương:

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.

Câu thơ độc đáo giàu sức tạo hình và rất hiện thực. Phát hiện độc đáo này là nhờ vào sự sóng đôi của từ "nghiêng". Nhịp chày giã gạo, thực ra nó không nghiêng, nhưng vì giấc ngủ của cháu bé không được ngay ngắn như đặt trên giường mà cháu bé dựa vào tấm lưng người mẹ lúc lên lúc xuống phải chao đảo, dập dờn nén nghiêng lệch hẳn đi. Cháu bé nhọc nhằn chẳng kém gì người mẹ. Giọt mồ hôi của mẹ không đổ xuống sàn, xuống nương, xuống rẫy ("Mồ hôi mà đổ xuống đồng", "Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" – Ca dao), nó rơi xuống má con "nóng hổi". Mồ hôi ấy là của cả con và mẹ. Người mẹ không muốn đứa con gánh chịu vất vả cực nhọc:

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

Vẫn là người mẹ với công việc, tuy lần này, ở đoạn hai, nó không phải là giã gạo mà là tỉa bắp ("Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi"). Tỉa bắp trên lưng núi, trên nương, sự vất vả của người mẹ, do đó không còn sự so sánh cái tư thế "nghiêng" giữa nhịp chày và giấc ngủ, mà mở ra một tương quan khác. "To" thuộc vẻ lưng núi, "nhỏ" thuộc về lưng mẹ. Lấy cái lớn mà so với cái nhỏ. Khái niệm vể sự gian khổ không còn trừu tượng chung chung, nó đã đo được bằng ý chí con người. Người mẹ dịu con một mình tỉa bắp trên nương đã được hiện lên trong thơ Tố Hữu :

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.

Câu thơ vừa có cái hiu hắt, cô đơn, vừa có cái gan dạ bền bỉ lạ lùng, cái chất "chân cứng đá mềm" của người dân miền núi. Rồi đến đoạn ba:

Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng

Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối.

Hai câu thơ không có hình ảnh, chỉ "kể" chứ không "tả" như hai đoạn trên giúp chúng ta hiểu thêm một khía cạnh khác ở người mẹ hay lam hay làm: ấy là sự nguy hiểm rình rập. Nhịp điệu hối thúc của câu thơ gợi sự khẩn trương, gấp gáp. Vẫn là với đứa con ấy, người mẹ không chi lo việc mưu sinh mà lo cả mạng sống cho chính mình, cho đứa con dưới bom đạn giặc.

2. Người mẹ tâm tình

Hướng phát triển của mạch thơ đi dần vào chiều sâu hình tượng.Vì sao người mẹ lam lũ, nhọc nhằn ? Vì một nguồn sống khác chứ không chỉ là củ sắn, bắp ngô: "Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội". Dòng máu trong mẹ dầy ắp tình thương, một tình thương nhân hậu, vị tha, vô cùng cao cả : cho đứa con ruột thịt đã đành, cho cả những người không phải là ruột thịt (bộ đội) "Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội". Bộ đội cũng là những đứa con cần được nuôi nấng và thương yêu. Đó là những đứa con, không thuộc về một gia đình cụ thể như đứa con đang dịu trên lưng, mà thuộc về một cái gì lớn hơn nhưng thiêng liêng không kém ấy là những đứa con của núi sông này, của Tổ quốc này mà mẹ gắn bó thương yêu. Mẹ không chỉ thương bộ đội, "mẹ thương làng đói", lại một khía cạnh khác của tình thương. Cái đói đối với những người nghèo thiếu nói chung vốn đã dược nói nhiều trong văn học. Nhưng cái đói của người dân miền núi còn gay gắt hơn nhiều. Đói đến ăn củ nâu, củ sắn thay cơm, phải ăn tro tranh thay muối, cuộc sống ấy cũng cần đến sự cưu mang đùm bọc. Đó là cái nghĩa đồng bào. Tuy nhiên dù thương đồng chí, đồng bào, trong trái tim mẹ không bao giờ có sự phân chia hay đối lập với đứa con ruột thịt. Lúc nào tình thương ấy cũng hoà nhập với tình thương dứa con ruột của mẹ:

Mẹ thương a – kay, mẹ thương bộ đội…

Mẹ thương a – kay, mẹ thương làng đói.

Giai điệu của tình thương phải chăng một phần dành để ru con, một phần dành để ru mình. Nó phong phú dồi dào, có sức bền nhân văn, cội rễ. Trong các cuộc chiến tranh, nhất là trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ vừa qua, tình thương của mẹ tuy vô hình nhưng nó có sức mạnh to lớn đối với những người cầm súng cùng với việc nuôi lớn những đứa con như thế.

3. Người mẹ của ước mơ

Ước mơ của người mẹ do sự hoà nhập của lẽ sống, của tình thương như con suối đổ ra sông, cứ lớn rộng dần ra. Trước hết là ước mơ cho con, vì đứa con là hi vọng, là phần đời sáng tươi của người mẹ sau này :

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

Ở đây có hai khái niệm tương đương khác nhau nhiều về số đo vật lí, nhưng về tâm lí chúng chỉ là một mà thôi. "Mặt trời của bắp" là để nuôi cây, mang lại sự sống cho trăm loài trên trái đất, "mặt trời của mẹ" là đứa con để nuôi hạnh phúc, nuôi hi vọng không cùng ở nơi người mẹ. Nói đến mặt trời là nói đến hai đặc trưng lan toả: sáng và ấm. Đứa con thân yêu của mẹ hội tụ cả hai phẩm chất tuyệt vời, dù mặt trời của mẹ, của riêng mẹ chỉ nho nhỏ, chỉ vừa nằm đủ "trên lưng". Mơ ước cho con thường bao giờ cũng giản dị, giản dị như cuộc đời người mẹ :

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần 

Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Đó là một chàng trai khoẻ mạnh, giỏi giang, biết đỡ đần việc nhà giúp mẹ. "Hạt gạo trắng ngần" là hạt gạo của ước mơ. Gạo là để nuôi sống con người, là sự nối tiếp cái việc của mẹ từ xưa, cái ngày "Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội". Hàm ý của câu thơ còn một nghĩa : con hãy đi tiếp con đường của mẹ nếu chiến tranh "kéo dài năm năm, mười năm hay còn lâu hơn nữa". Trở lại cái ước mơ giản dị "mai sau con lớn" trên kia, không phải ngẫu nhiên mà ý thơ lặp lại không dưới hai lần, gần như cả lời và ý. Hai câu thơ ở đoạn hai "Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều…". Vẫn là cái ý nghĩ giản dị "Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần" ở đoạn thứ nhất. Vẫn nhịp 4 /4 ấy, nhịp hai như tiếng chày giã gạo ngày xưa. Trong sáng và lành mạnh biết bao cái ước mơ nhỏ nhoi của những người một nắng hai sương đi gieo hạt mùa màng cần cái ấm cái no, nó tha thiết và khát khao như cơm ăn nước uống. Thế mà kẻ thù đang cướp đi cái ước mơ đơn giản ấy ("Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối"). Nhà tan khi nước mất đó là một thảm hoạ khôn lường. Một khi kẻ thù đã cướp đi cuộc sống và quyền được sống của con người, vậy thì chỉ còn một cách như thế hệ trước của cu Tai, anh chị của cu Tai phải làm, và đến lượt mẹ, và cả cu Tai nữa :

Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

Mẹ địu em đi để giành trận cuối 

Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường 

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn

"Từ … em đến", "Từ … em vào" : ấy là một con đường không thể nào khác. Đó là nhân danh chân lí độc lập, tự do mà chúng ta cầm súng. Trong giấc mơ chiến đấu lâu dài, có ước mong một ngày thắng lợi. Ngày chiến thắng và cũng là thống nhất non sông chính là ngày "được thấy Bác Hồ". Hình ảnh Hồ Chí Minh đặt trong bối cảnh những huyền thoại dân gian giống như Phật, tiên trong cổ tích. Bởi nó rực rỡ, như có một thứ hào quang từ đó toả ra. Nó chân thật và cảm động. Tính hiện đại của bài thơ, sự chất phác trong cách cảm nghĩ rất riêng của người miền núi đã gặp nhau trong hình ảnh Hồ Chí Minh như một viên ngọc, vừa mới mẻ vừa quen thuộc. Bài thơ vì vậy, về hình thức thì khép lại nhưng ý thơ, tình thơ lại cứ mở ra hướng về cái ngày mẹ cu Tai đã và đang đánh đổi bằng tất cả mồ hôi và máu của mình.

Bài thơ hiện thực, tâm tình và giàu ước mơ thể hiện dưới dạng tình thương, là con suối của tình thương chính là vì thế.

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 4

Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, có nhiều bài viết về chủ đề quê hương, đất nước. Lòng yêu nước thể hiện ở mỗi bài mỗi khác, tùy theo cảm hứng của tác giả, song mỗi bài là một nốt nhạc trong bản giao hưởng ngợi ca Tổ quốc và nhân dân anh hùng.

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong chiến khu tây Thừa Thiên gian khổ và ác liệt thời chống Mĩ. Trong những ngày mưa bom bão đạn ấy, bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ đã ra đời.

Bài thơ kể về người mẹ dân tộc Tà-ôi vừa địu con trôn lưng vừa giã gạo để nuôi bộ đội; tỉa bắp trên nương góp phần sản xuất lương thực cho kháng chiến và mơ ước sau này sẽ được thấy Bác Hồ, ước mong con mình khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Qua đó, tác giả ca ngợi tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu nước sâu nặng của bà mẹ Tà-ôi.

Bài thơ có 3 khúc hát ru, mỗi khúc đều mở đầu bằng câu:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Kết thúc là lời ru của mẹ được lặp lại ở mỗi đoạn:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi.

Mẹ thương a-kay, mẹ thương…

 Con mơ cho mẹ…

Mai sau con lớn…

Trong mỗi khúc hát ru đều có hình ảnh người mẹ với công việc vất vả cùng tình cảm, ước vọng đối với đứa con và quê hương đất nước.

Mở đầu bài thơ là tiếng ru thân thương, vỗ về của nhà thơ, đưa em bé vào giấc ngủ say nồng:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Trong lời ru đứa con chứa chan niềm thương mến sâu xa đối với người mẹ. Hai câu thơ sau miêu tả người mẹ trong công việc giã gạo nuôi quân:

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ dội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Nếu câu thơ trên tả thực thì câu thơ dưới thể hiện tình cảm gắn    bó sâu nặng giữa mẹ và con. Tác giả vừa miêu tá công việc giã gạo nặng nhọc của người mẹ, vừa miêu tả giấc ngủ chập chờn, giấc ngủ nghiêng của cu Tai trên lưng mẹ. Dường như chú bé cũng thấy được nỗi vất vả và ý nghĩa đẹp đó trong việc làm của mẹ nên hơi thở em hoà cùng hơi thở mẹ và em cố ngủ ngoan cho mẹ yên lòng.

Nếu ai đà từng chứng kiến cảnh giã gạo bằng chày trong cối gỗ của đồng bào miền núi thì mới thấy hết sự vất vả khi biến hạt thóc thành hạt gạo trắng ngần. Nhà thơ đã chọn lựa những động tác tiêu biểu để miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc và thế hiện tình mẹ con chân chất, sâu nặng của người mẹ miền núi. Cảnh tượng mộc mạc ấy đâ làm xúc động lòng người:

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Khi mẹ giã gạo, cu Tai vần ngủ trên lưng. Trong giấc ngủ, em vẫn cảm nhận được mồ hôi của mẹ rơi trên má em nóng hổi, cảm nhận được sự vất vả và tình yêu con thiết tha của mẹ.

Tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật so sánh: đôi vai mẹ gầy làm gối cho con, lưng    mẹ đung đưa làm nôi ru con ngủ và nhịp tim của mẹ hát thành lời yêu thương tha thiết. Trong giấc ngủ, lúc nào Cu Tai cũng được ấp ủ tròng hơi thở và tình thương của mẹ, được nghe mẹ hát ru. Khổ thơ đã thể hiện được tình mẫu tử thắm thiết, thiêng liêng cùng công việc vất vả của người mẹ giã gạo để nuôi con, nuôi bộ đội Giải phóng.

Nếu khổ thơ đầu là lời ru của nhà thơ thì khổ thơ thứ hai là tiếng nói tâm tình của người mẹ:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

Câu thơ như lời ru êm ái chất chứa yêu thương. Tình cảm mẹ con vốn đã đẹp nay càng đẹp hơn bởi nó gắn liền với tình cảm lớn lao là tình thương bộ đội, tình yêu nước. Mẹ mong trong giấc ngủ, Cu Tai sẽ mơ giấc mơ của mẹ là có nhiều gạo thật ngon để nuôi bộ đội và Cu Tai sẽ lớn lẽn thật nhanh để giúp mẹ giã gạo nuôi quân:

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Từ ước mơ có hạt gạo trắng ngần đến ước mơ mai sau con lớn vung chày lún sân đều chứa đựng niềm hi vọng cháy bỏng của người mẹ về đứa con sau này sẽ trở thành một thanh niên cường tráng, có ích cho nước, cho dân.

Hình ảnh người mẹ trong cảnh tỉa bắp trên nương thật đẹp và cảm động:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-Lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

Vẫn là lời vỗ về của trái tim chan chứa thương yêu của nhà thơ, mong em bé ngủ ngon để mẹ yên tâm làm việc, nhưng ở khổ thơ này, cảm xúc da diết hơn thể hiện qua hình ảnh tương phản độc đáo: Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ. Núi thì lớn, nương bắp thì rộng mà sức mẹ có hạn. Mẹ cắm cúi, lom khom tỉa bắp, trên lưng mẹ con vẫn ngủ say. Câu thơ đã khắc sâu nổi vất vả khó nhọc của người mẹ vùng cao trong lao động sản xuất thời chông Mĩ.

Đối với những bà mẹ sớm hôm tần tảo nuôi con, dường như họ  không biết mệt mỏi bởi đứa con là niềm hi vọng, là nguồn an ủi, động viên, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho mẹ:

Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.

Câu thơ lấp lánh nét đẹp cuộc đời và tình mẹ con. Biện pháp ẩn dụ trong những câu thơ này có nhiều ý nghĩa. Bắp trên nương tươi tốt nhờ ánh nắng mặt trời. Cu Tai cũng giống như mặt trời tỏa nắng sưởi ấm trái tim mẹ để mẹ sống tốt hơn, đẹp hơn cho đời. Em là mặt trời bé bỏng, thân yêu của mẹ.

Lời ở khúc hát ru này vẫn là tiếng nói tâm tình của người mẹ nhưng đã chứa đựng ước mơ lớn hơn :

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói

Con mơ cho mẹ hát bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…

Càng thương con, người mẹ lại càng thương bà con dân bản. Mẹ ước mơ về một ngày mai no ấm hạnh phúc, về sự trưởng thành và sức mạnh kì diệu của đứa con thân yêu.

Nêu ở hai đoạn thờ trước, tác giả miêu tả cảnh mẹ địu con trên lưng giã gạo nuôi bộ đội, địu con lên nương tỉa bắp thì ở đoạn thơ này là cảnh mẹ địu coh cùng đi đánh giặc:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ

 Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng

Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối

 Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

 Mẹ địu em đi để giành trận cuối

Sự lặp lại hai câu thơ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi, Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ đã tạo nên âm điệu ngân nga, thấm dần vào người đọc một cảm xúc thân thương. Con cùng mẹ băng suối, vượt ngàn, đạp rừng xông tới. Cả nhà, cả làng, cả nước cùng đánh giặc.

Nhịp thơ sôi nổi, thôi thúc như một hành khúc lên đường. Câu kết vẽ lên hình ảnh thật xúc động:

Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

Lời thơ khẳng định ý chí chiến đấu mãnh liệt của bà mẹ Tà-ôi nói riêng và đồng bào miền tây Thừa Thiên Huế nói chung. Lúc này, mẹ và em cùng lên đường vào Trường Sơn đánh giặc, nơi có biêt bao khó khăn vất vả, nơi cái chết và sự sống chỉ cách nhau gang tấc.

Kết thúc bài thơ vẫn là lời ru và ước nguyện của mẹ:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người Tự do…

Điệp khúc: Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi, Mẹ thương a-kay…, Con mơ cho mẹ…, Mai sau con lớn… đã thể hiện khát vọng cháy bỏng trong lòng người mẹ. Mẹ mong ước cho con những điều thật thiết thực và cũng thật lớn lao, kì diệu:

Mai sau con lớn vung chày lún sân…,

Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi

Mai sau con lớn làm người Tự do…

Khi giã gạo, mẹ mong con mơ cho mẹ hại gạo trắng ngần. Khi tỉa bắp trên nương, mẹ mong con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều. Khi chiến đấu, mẹ mong con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ trong ngày đất nước sạch bóng quận thù, Bắc-Nam thông nhất. Chính tình thương, đức hi sinh, lòng vị tha và nhân hậu cao cả của những người mẹ nghèo yêu nước ấy đã góp phần làm nên chiến thắng hôm nay.

Bài thơ ra đời năm 1971, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chông Mĩ cứu nước nhưng đến nay nó vẫn còn giừ nguyên giá trị. Khúc hát ru đã được phổ nhạc, trở thành bài ca được nhiều người ưa thích. Tình yêu thương con của bà mẹ nghèo miền núi gắn liền với tình thương bộ đội, tình yêu làng bản, lòng kính yêu Bác Hồ và tình yêu đất nước.

Khúc hát ru những em bé lởn trên lưng mẹ được đánh giá là một trong những bài thơ hay của thơ ca giai đoạn chống Mĩ cứu nước. Giờ đây, đọc lại bài thơ, người ta vẫn rưng rưng xúc động bởi tình cảm mộc mạc, chân thành cao đẹp của những người mẹ trong cuộc kháng- chiến chống Mĩ gian khổ và oanh liệt của dân tộc ta. Tự hào thay, người mẹ Việt Nam!

Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Tổ quốc ta, nhân dân ta đã xây dựng biết bao tượng đài để ghi nhớ công ơn và ngợi ca những người mẹ Việt Nam anh hùng, Với Khúc hát ru những em bé lớn trẽn lưng mẹ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã xây dựng thành công một tượng đài bằng ngôn ngữ về những người mẹ miền núi vô danh. 

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 5

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ, chiến sĩ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Trong những ngày gian khổ và ác liệt ấy, bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ra đời. Bài thơ làm nổi bật hình ảnh người mẹ Tà-ôi – người mẹ yêu con, yêu nước, nuôi dưỡng trong con tình yêu làng quê, đất nước và ý chí giải phóng quê hương.

Mở đầu bài thơ là lời ru hời như để vỗ về đứa bé vào giấc ngủ say nồng:

Em cu Tai ngủ trên lưng me ơi
Em ngủ chơ ngoan đừng rời lưng mẹ.

Hai câu thơ này được lặp lại nhiều lần ở đầu mỗi khúc ru, giúp cho bài thơ nhẹ nhàng và sâu lắng. Đây là lời của tác giả nói với đứa bé nhưng chứa đựng tình yêu thương của người mẹ. Người mẹ yêu con và yêu thương các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc nên mẹ vừa địu con vừa giã gạo: Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng.

Hai câu thơ vừa diễn tả được sự cực nhọc trong công việc giã gạo của mẹ lại vừa diễn tả giấc ngủ không mấy thoải mái của em cu Tai. Những giọt mồ hôi vất vả của mẹ rơi xuống đã làm em như cũng cảm nhận được sự nặng nhọc cửa mẹ; em đã ngủ ngon cho mẹ yên lòng làm việc. Quả thật việc giã gạo là rất khó khăn, vất vả để biến hạt thóc thành hạt gạo trắng ngần để phục vụ kháng chiến:

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nồi và tim hát thành lời.

Mẹ vừa địu con yừa phải giã gạo nhưng mẹ vẫn cố tạo ra sự thoải mái cho con có được giấc ngủ say. Hình ảnh “vai gầy” làm gối của mẹ còn gợi xúc động trong lòng người đọc. Nỗi vất vả, nhọc nhằn được hiện ra trong khúc hát ru. Tác giả đã khai thác thành công nghệ thuật so sánh: đôi vai gầy của mẹ làm gối đưa con ngủ, lưng mẹ làm nôi và nhịp tim của mẹ hát thành lời thắm thiết, Lời mẹ ru con thắm thiết như tiếng nói tâm tình của người mẹ:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội.

Lời ru của mẹ chất chứa tình yêu thương đối với đứa con. Mẹ mong con sẽ có nhữtig giấc mơ đẹp là có hạt thóc trắng ngần để nuôi bộ đội đánh giặc.

Và mẹ mong con lớn nhanh để “vung chày lún sân”. Trong ước mơ của mẹ chứa đựng niềm hi vọng con mình lớn lên sẽ trở thành một thanh niên khỏe mạnh để giúp ích cho nước, cho dân, Tình mẹ con ở đây ngày càng đẹp hơn bởi nó gắn với tình yêu quê hương, đất nước.

Nhà thơ ru cho em bé ngủ ngoan để mẹ yên tâm làm việc:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Hình ảnh người mẹ tỉa bắp trên núi Ka-lưi thật cảm động trong lòng người đọc, Núi rừng rộng lớn nhưng sức mạnh có hạn. Lời ru của mẹ đã mô tả được công việc khó khăn, vất vả mà mẹ phải gánh vác. Vì thế đứa con là niềm an ủi, niềm hi vọng của người mẹ.

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Biện pháp ẩn dụ mang nhiều ý nghĩa. Cây bắp sống được là nhờ có ánh sáng của mặt trời còn mẹ vượt qua được tất cả sự cực nhọc cũng là nhờ có con. Hằng ngày mẹ đều địu em cu Tai trên lưng, hơi ấm của mẹ truyền cho em và mẹ cảm nhận được em lớn lên từng ngày trên lưng mình. Địu con lên núi, lời ru của mẹ chứa biết bao tâm sự:

Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi.

Ước mơ của mẹ dần lớn hơn. Càng thương con thì mẹ càng “thương làng đói”. Tình thương con mở rộng ra tình thương dân làng. Vì thế mẹ mong trong giấc mơ của con “hạt bắp lên đều”. Mẹ mong cho các anh bộ đội có đủ cơm ăn, mong cho dân làng có lương thực để sống và mong cho con của mẹ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Từ việc mong cho con mình khỏe mạnh, giờ đây mẹ mong cho con trở thành người lao động giỏi, làm ra lương thực để nuôi làng.

Nếu như ở hai đoạn thơ trước, nhà thơ miêu tả cảnh mẹ địu con lên núi tỉa bắp thì ở đoạn thơ này nhà thơ tả cảnh mẹ cùng con đi đánh giặc:

Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ dịu em đi đề giành trận cuối.

Động từ “đi” được sử dụng đến hai lần, gợi được tư thế chủ động khi đối mặt với bọn địch, quyết tâm đánh giặc để giữ đất nước. Mẹ cùng em cu Tai trực tiếp tham gia trận đánh cùng với anh trai, chị gái. Mẹ làm việc gian nan ấy là vì con, vì làng xóm và vì dân tộc. Dẫu công việc có khó khăn đến đâu thì mẹ cũng sẵn sàng vượt qua tất cả. Hai chữ “trận cuối” thể hiện cả một niềm tin chiến thắng. Người mẹ giờ đây khoác lên vai mình một nhiệm vụ mới, một tầm vóc mới. Thật xúc động trước cảnh em cu Tai:

Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

Em cu Tai vẫn còn nằm trên lưng mẹ mà như đã khôn lớn để cùng mẹ lên đường vào Trường Sơn đánh giặc, nơi có biết bao vất vả và cái chết đang rình rập. Người mẹ Tà-ôi đã được, nâng lên thành người mẹ Tổ quốc. Mẹ đã dùng chính tấm lưng gầy của mình để nuôi dưỡng những anh hùng cho cuộc kháng chiến. Mẹ ru con và mong cho con hanh phúc:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do.

Bên cạnh tình thương con, mẹ còn thương bộ đội, thương làng đổi, thương đất nước. Tình cảm và ước mơ của mẹ ngày càng rộng lớn hơn.

Mẹ mong cho con được gặp Bác Hồ, mong đất nước được tự do. Bởi Bác Hồ luôn là nguồn động viên, là biểu tượng sáng chói của cách mạng. Lời ru kết lại là hình tượng em cu Tai sẽ trở thành người tự do của một đất nước hòa bình.

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ đã khắc họa thành công hình tượng người mẹ Tà-ôi, người mẹ của Tổ quốc với những phẩm chất đáng quí và là biểu tượng của người mẹ Việt Nam anh hùng.

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm – Bài làm 6

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ có ba đoạn, mỗi đoạn đều có lời ru của tác giả và lời ru của bà mẹ nối tiếp nhau tạo nên sự hòa thanh mới lạ. Mỗi đoạn đều mở đầu bằng hai câu thơ: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi. – Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ” và kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ, mở đầu là: “Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi Mẹ thương a-kay, mẹ thương…”, ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng. Cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp đó tạo nên âm điệu dìu dặt, vấn vương của lời ru. Điệu hát ru vừa có sự lặp lại vừa có sự phát triển qua ba đoạn thơ thể hiện tình cảm thiết tha trìu mến của người mẹ và sự phát triển của tình cảm, ước mong, hành động của người mẹ.

Hình ảnh người mẹ Tà-ôi được miêu tả trong bài thơ qua lời ru của tác giả. Hình ảnh người mẹ được gắn với hoàn cảnh công việc cụ thể qua từng đoạn thơ. Người mẹ vừa địu con vừa làm biết bao công việc của người dân nơi chiến khu, việc nhà mà cũng là việc nước, việc kháng chiến.

Đầu tiên là mẹ giã gạo góp phần nuôi bộ đội kháng chiến. Công việc vất vả nhưng tình mẹ dành cho con thì sâu nặng vô cùng.

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai. mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.

Mẹ địu con làm việc và ru con bằng lời ru từ trong tim. Tiếp đến là hình ảnh “Mẹ đang tỉa bắp trên núi Kalư”, nghĩa là đang làm công việc lao động sản xuất của người dân ở chiến khu – bám đất bám làng chiến đấu. Gian khổ của người mẹ giữa núi rừng mênh mông, heo hút được thể hiện qua hình ảnh đối lập: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”. Hai câu thơ: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ, em nằm trên Lưng” thể hiện tình mẹ con thật cảm động. Con là mặt trời của mẹ, là nguồn hạnh phúc ấm áp vừa gần gũi vừa thiêng liêng của đời mẹ, góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống. Mặt trời con cứ trẻ trung và ngày càng rực rỡ trên thế gian này. Lòng mẹ yêu con thật sâu nặng, thiết tha.

Từ trên sân nhà, mẹ ra nương rẫy và mẹ đến chiến trường. “Mẹ đang chuyển làn, Mẹ đi đạp rừng”, “Mẹ địu em đi để giành trận cuối”. Mẹ cùng các anh trai, chị gái tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài với lòng quyết tâm, tin tưởng vào thắng lợi. Đó là người mẹ yêu con, yêu nước, khát khao độc lập tự do.

Tấm lòng và ước mong của người mẹ qua những lời ru trực tiếp của mẹ – “tim hát thành lời”.

Tình yêu con tha thiết, dịu dàng, âu yếm thể hiện ngay từ lời mở đầu mỗi khúc hát ru: “Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi”. Qua lời ru thấy được sự nâng niu, âu yếm, vỗ về rất dịu dàng của người mẹ với con. Tình mẹ yêu con trải dài qua những lời ru nhắc đi nhắc lại như điệp khúc “Mẹ thương a-kay, mẹ thương…”. Qua mỗi lời ru ở đoạn thơ, chiều dày tình cảm càng tăng lên, càng được nâng lên.

Thương con, mẹ mong ước cho con bao điều. Lời ru của tác giả hướng vào thực tại, lời ru của người mẹ hướng về tương lại, như là sự lí giải động lực tinh thần sâu xa giúp mẹ vượt qua gian lao thử thách. Tình cảm và ước mong người mẹ giành cho con hòa với tình cảm, ước mong cho bộ đội, dân làng, đất nước và hợp với hoàn cảnh, công việc của người mẹ.

Vì đang giã gạo nuôi bộ đội, mẹ ước. “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần” và đang tỉa bắp trên núi, mẹ ước '‘Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”, khi “địu em đi để giành trận cuối”, mẹ ước “Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ” nghĩa là mơ nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp. Người mẹ mong cho con mau chóng lớn khôn để trở thành chàng trai cường tráng, mạnh mẽ trong lao động sản xuất (vung chàỵ lún sân, phát mười kalưi) và trở thành người lính chiến đấu vì nền độc lặp, tự do thiêng liêng, để được làm người dân của một đất nước hòa bình. Ước mong của người mẹ gắn liền và hòa hợp tình yêu con với tình thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước. Ước mong ấy lớn dần từ hạt gạo, hạt bắp đến tự do; từ quê hương đến đất nước). Điều đặc biệt là người mẹ gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của đứa con: "Con mơ cho mẹ…”, mẹ mong con ngủ ngoan và có những giấc mơ đẹp. Người mẹ lao động, chiến đấu nhọc nhằn mà ước mơ bay bổng, đầy tin tưởng vào tương lai.

Hiện ra trong khúc hát ru thường gặp hình ảnh tấm lưng của người mẹ. "Lưng đưa nôi” và lưng chính là nôi. Tấm lưng trần của người mẹ Tà-ôi gắn chặt với con trai, trong mọi công việc vất vả, nặng nhọc. Tấm lưng ấy nhỏ, không to như “lưng núi” nhưng'bền bỉ như lưng núi và kiêu hãnh hơn lưng núi vì con trai – mặt trời của mẹ nằm ở trên lưng. Và sau hết, từ trên lưng mẹ em tới chiến trường".- Phải chăng mẹ đã dùng tấm lưng làm nôi nuôi dưỡng những dũng sĩ cho cuộc kháng chiến của dân tộc và gánh chịu tất cả nỗi vất vả, gian lao để giành chiến thắng. Ta hiểu vì sao tác giả đặt nhan đề cho bài thơ là Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Tên bài thơ là câu thơ hay nhất của bài. Từ hình ảnh người mẹ bình dị mà vĩ đại, bài thơ gợi lên hình ảnh người mẹ Tổ quốc.

Bài viết liên quan

0