26/10/2018, 17:56

Phân tích Viếng lăng Bắc của nhà thơ Viễn Phương tuyệt hay

Phân tích Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương Bài làm Bác đã đi rồi sao, Bác ơi! Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười! (Bác ...

Phân tích Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương

Bài làm

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

(Bác ơi!-Tố Hữu)

        Đời người hữu hạn, thời gian vô hạn. Sự ra đi của chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại muôn vàn nuối tiếc trong lòng nhân dân Việt Nam và thế giới. Mỗi một con người đều có những nhận thức và cảm xúc riêng khi viết về Bác- người lãnh tụ tài ba, là niềm tự hào của dân tộc, một đời vì nước vì dân. Sau ngày Bác ra đi về cõi vĩnh hằng, bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương là một trong những bài thơ đặc sắc nhất viết về Bác với niềm kính yêu và sự xót thương vô hạn cho nỗi mất mát to lớn của nước nhà.

        Năm 1976, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại trên cả nước, lăng của chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Thời điểm đó, nhà thơ đã theo đoàn người từ Nma ra viếng lăng Bác với niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng thành kính, tha thiết. Vừa tự hào, vừa thương xót cho Người cha già một đời vì nền cách mạng nước nhà với bao hy sinh thầm lặng:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

       Xuyên suốt bài thơ chính là mạch cảm xúc xúc động, không kìm nổi lòng mình trước cảnh thăm lăng. Bài thơ như nói lên nỗi lòng người thi sĩ  với trái tìm dồn nén nhiều tâm tư, đau xót cho một sự mất mát quá lớn. Ở khổ thơ đầu bài thơ, đó chính là hoàn cảnh và khung cảnh ngoài lăng vào buổi sáng. Nhà thơ như đang cảm nhận từ xa đến gần, từ ngoài vào trong. Với giọng thơ mộc mạc, chân thành, giản dị, lời thơ mở đầu như một lời thông báo. Từ miền Nam ngược ra Bắc để viếng linh cữu của người anh hùng dân tộc. Cách xưng hô “con” trong câu thơ đã thể hiện một lòng thành kính vô bờ đối với Bác Hồ, cũng là tình cảm gần gũi, thân thiết của người con trong nước gửi đến người cha già vĩ đại của đất nước. Người đã ra đi mãi mãi về cõi âm cách biệt, để lại bao nỗi đau thương tột cùng cho toàn thể nhân dân Việt Nam và triệu trái tim con người. Từ “thăm” đã làm giảm nỗi đau thương, mất mát, dù Bác đã đi, nhưng câu thơ như có ý là Người vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam nói riêng và toàn thể dân tộc nói chung. Đó là một lối nói tránh mang cảm giác nhẹ nhàng, bớt đau xót. Giống như Tố Hữu đã từng viết:

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”

       Khung cảnh bên ngoài lăng như trầm tĩnh với một nỗi mặc niệm về con người cao cả. Ở ngoài lăng, hình ảnh đầu tiên nhà thơ thấy chính là “hàng tre trong sương bát ngát”, mênh mông. Hình ảnh đó là một phép ẩn dụ, “hàng tre xanh xanh Việt Nam” chính là biểu tượng cho con người Việt kiên cường, bất khuất trước “bão táp mưa sa”. Dù thế thời ra sao thì nó vẫn “đứng thẳng hàng” như một tấm lòng ngay thẳng, chính trực, đại diện cho phẩm chất con người và phẩm chất bản sắc Việt. Một tiếng reo vui nhẹ nhàng mang nặng nỗi lòng của người “con” ra thăm lăng Bác với sự chân thành, sâu sắc của một người phương xa. Câu thơ của Viễn Phương như mềm mại, cuốn hút hẳn với nỗi niềm thương tiếc vô cùng. Có thể thấy, chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tự rất gần gũi và thân thiết với nhân dân. Để rồi khi cảm nhận những dòng thơ, ta nhưng phản phất đi sự thật về cái chết của Bác, mà cho rằng chỉ là Bác đang ngủ say trong giấc ngủ ngàn thu

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

         Hình ảnh “mặt trời” và dòng người đã hiện lên với một nét nổi bật . Từ láy “ngày ngày” đã góp nên một ý thơ hay, chỉ sự bất tử của hình tượng Bác Hồ trong lòng mọi người. Đó cũng là một điệp từ được lặp lại như nói đến một quy luật về thời gian, nó đều đặn xuất hiện trong cuộc sống, thường trực trong lòng mỗi người con đất Việt, đó chính là tấm lòng của nhân dân đối với người cha già dấu yêu, không nguôi nhớ Người. Có một mặt trời trên lăng nhưng cũng có một mặt trời trong lăng “rất đỏ”. Ở mặt trời thứ nhất, đó chính là mặt trời thật, của tự nhiên, là nguồn sáng cho sự vật, mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ mang sự sống đến cho trái đất.  Còn mặt trời thứ hai lại là hình ảnh hoán dụ, đó không phải mặt trời thật mà đó chính là Bác. Người ta vẫn luôn nhận thức rằng Bác vẫn còn sống với một nét đẹp sáng rực như mặt trời đỏ. Đây là một nét sáng tạo vô cùng đọc đáo trong thơ Viễn Phương. Cùng với đó là hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Từng đoàn người vào viếng lăng Bác , di chuyển vòng quanh thi thể Người và thể hiện tình cảm nâng niu, trân trọng con người vĩ đại của dân tộc. Họ dâng lên Người tràng hoa để dâng “bảy chín mùa xuân”, bảy mươi chín năm cho một cuộc đời sinh ra là để hy sinh cho đất nước. Tác giả không dùng từ “tuổi” mà ở đây ông lại dùng từ “xuân” như gợi nên một sự tươi mới, tràn đầy sức sống của mùa xuân, của tuổi xuân.


Phân tích Viếng lăng Bắc của nhà thơ Viễn Phương tuyệt hay

Phân tích Viếng lăng Bác

         Ngày người ra đi, “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Đó là sự cảm thương và đau xót của toàn thể dân tộc. Cả nước khóc thương trong ngày quốc tang của Bác để tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại và thương tiếc cho một con người đáng quý của nhân dân. không những thế, ngày Người ra đi, trời đổ cơn mưa như khóc cùng con người Việt Nam như bộc lộ nỗi niềm đau đớn và tiếc cho sự ra đi của người anh hùng khiến bao người kính nể.

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

       Không gian, vị trí điểm nhìn ở mỗi khổ thơ đều khác nhau bởi trong thơ đều có sự di chuyển theo bước chân của người đi viếng. Ở khổ thơ thứ ba, hình ảnh Bác nằm yên “trong giấc ngủ bình yên” với sự tĩnh lặng, trang nghiêm được so sánh với “vầng trăng sáng dịu hiền”. Đó là hình ảnh so sánh phù hợp với thực tế bởi nó gợi tả được nét đẹp về tâm hồn và tình cách đôn hậu, dịu dàng, chiếu ánh sáng bình dị đến nhân dân. Trong không gian ấy, ánh sáng dịu hiền của vầng trăng như đang thắp sáng trong giấc ngủ vĩnh hằng của Người. Ở khổ thơ hai, tác giả lấy hình ảnh mặt trời để thể hiện con người Bác, đó là sự thể hiện về những công lao vĩ đại, to lớn như trời biển của Người dành cho dân tộc. Còn ở khổ ba thì lại xuất hiện vầng trăng với nét đẹp nhẹ nhàng, tình cảm, đó là vẻ đẹp trong tâm hồn Bác với lối sống bình dị. Điều đó không hoàn toàn mâu thuẫn mà chính mặt trời hay là mặt trăng đều xứng tầm để diễn tả con người Bác Hồ. Bác đã đi xa,đó là một sự thật mà ở mỗi chúng ta đều biết rõ điều này,”Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Người đã đi về nơi âm dương cách biệt, nhưng đối với tác giả và nhân dân thì hình ảnh Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim triệu người dân Việt Nam. Nhưng đó lại là sự mất mát quá lớn khiến ông “nhói” trong tim như một sự đau lòng đầy thương tiếc. Trái tim ta khi bước vào lăng vẫn “nhói” lên đau xót bởi đó là tình cảm, là ân huệ đối với vị chủ tịch hết mực thân thiết và gần gũi với mỗi một con người.

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông bát ngát tình”

     Những lời thơ như lột tả cảm xúc nhói đau thương tiếc nhưng lại hết sức tự hào về vị chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Suốt một đời Người sống cho dân để khi chết, dân lại luôn nhắc nhớ đến người. Dù là người vô cảm hay thờ ơ với cuộc sống thì khi đứng trước linh cữu của Bác cũng phải cúi đầu, rơi lệ bởi những gì mà Người đã hy sinh vì dân nước Việt Nam ta. Ở khổ thơ cuối bài, bao cảm xúc như dồn nén lại với một nỗi niềm mong ngóng ngày quay lại Hà Nội để thăm người cha già đang nằm ngủ trong lăng với bao người canh giữ.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…

       Bước ra khỏi lăng, nhưng khi nghĩ đến “mai về miền Nam”, phải xa Bác thì nhà thơ lại xúc động, “thương trào nước mắt”, như không muốn rời. Tình cảm ấy bỗng trào ra mãnh liệt như một làn sóng mạnh đẩy tràn lòng mình để rồi thổ lộ ra những tâm tư trong lòng với sự xót xa và ước nguyện được ở bên Bác. Nhà thơ “muốn làm con chim hót”, “muốn làm đóa hoa” để ở lại nơi đây canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho Người. Tất cả ước nguyện đều hướng về Bác, muốn sống bên Người mãi mãi để thỏa nỗi lòng thương mong. Điệp từ “muốn làm” được lặp lại liên tiếp ba lần làm cho những câu thơ như làn sóng cuộn trào trong lòng và đang dâng lên một cách mãnh liệt. Đó là tấm lòng ân nghĩa, thủy chung son sắt và sự gắn bó bền chặt giữa tình cảm của miền Nam đối với chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở câu cuối bài, hình ảnh cây tre lại xuất hiện, nó như một phép ẩn dụ để bổ sung cho ý nghĩa trung hiếu của Viễn Phương. Bài thơ kết thúc trong sự xa cách về không gian, tác giả phải trở về miền Nam để tiếp tục công cuộc dựng xây đất nước. Nhưng tình cảm của ông và Bác Hồ lại rất gần gũi, thân thương, “người ra đi nhưng lòng ở lại”-tấm lòng nhớ Bác khôn cùng.

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già!”.

          Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã bày tỏ được tình thương lớn và sự kính trọng đối với Người. Qua đó thể hiện niềm xúc động và lòng thành kính của nhà thơ và toàn thể nhân dân dành cho vị cha già dân tộc. Bằng giọng điệu trang trọng, tha thiết cùng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ đầy gợi cảm, ngôn từ hàm súc, cô đọng đã bộc lộ được những niềm yêu lớn và nỗi đau thương đầy chua xót  của nhà thơ trước cảnh thăm lăng Hồ Chí Minh xúc động, rơi nước mắt.

Bùi Phương Thảo

0