11/05/2018, 12:56

MS239 – Người truyền lửa trong tôi

Đề bài: Viết về thầy cô giáo mà em kính mến Bài làm Người truyền lửa trong tôi Thời gian cứ thấm thoát trôi qua khiến con người ta đôi khi quay đầu lại nhìn thấy mình sao bỗng già đi nhanh thế. Con người chắc ai cũng đã một lần cắp sách đến trường, cũng đã từng ...

Đề bài: Viết về thầy cô giáo mà em kính mến

Bài làm

Người truyền lửa trong tôi

Thời gian cứ thấm thoát trôi qua khiến con người ta đôi khi quay đầu lại nhìn thấy mình sao bỗng già đi nhanh thế. Con người chắc ai cũng đã một lần cắp sách đến trường, cũng đã từng để lại cho mình kỉ niệm sâu sắc về một người thầy, cô nào đó và tôi cũng không ngoại lệ. Được học thầy là một ngoặt lớn trong thuở học trò làm thay đổi bản thân tôi từ một học sinh chỉ yếu, kém ít nói và ngại đám đông lên một học sinh khá năng nổ trong thể thao.

Mặc dù cứ mỗi năm tôi lên một lớp và được học nhiều thầy hoặc cô giáo mới. Riêng hai năm đầu cấp ba tôi được học toán thầy Bửu. Dẫu rằng năm nay đã lên Mười Hai nhưng những hình ảnh của thầy ngày ấy trong tôi vẫn không phai nhòa. Thầy đã để lại cho tuổi học trò của những kỉ niệm đẹp đẽ nhất dưới mái trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy Đặng Công Vinh Bửu là sự giản dị và thân thiện. Ngày đầu nhận lớp học hè cũng là ngày đầu tôi học toán, thầy bước vào lớp với vẻ ngoài rất chỉnh chu và nghiêm nghị, chiếc áo sơ mi xanh dương sọc trắng nhỏ tay dài đóng thùng với quần nâu đen.  Thoạt đầu, đứng lên chào thầy tôi có chút sợ sệt vì trông vẻ ngoài nhìn thầy có chút nghiêm khắc, nhưng tất cả đều biến mất khi thầy nở một nụ cười thân thiện: “Thầy chào lớp, mời lớp ngồi!”. Nhìn mặt thầy khi cười phúc hậu như các ông tiên trong truyện cổ tích mà tôi vẫn hay xem trên htv3 khi còn nhỏ vậy. Giọng nói chậm rãi, trầm trầm khi nghe khiến con người ta cảm thấy thật ấm lòng. Với mái đầu bạc trắng, từng sợi tóc trắng kia như tượng trưng cho từng năm tháng lao tâm vất vả hết mình với nghề của thầy.  Thầy bước vào lớp và giới thiệu từng nội dung, phân môn học một cách rõ ràng và chi tiết.

Thầy cùng các thành viên trong lớp 11B12 2016-2017 (Ảnh tác giả cung cấp)

Ngày đầu tiên làm quen với mái trường cấp ba, tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân mình mà cũng có khá nhiều bạn đồng trang lứa cũng khá bỡ ngỡ và lạ lẫm với phương pháp dạy hay nội dung kiểm tra của từng phân môn bởi nó không còn theo lối mòn “học vẹt” cấp hai mà giờ đây đã chuyển sang “học để hiểu, học để hành”, đặc biệt là môn Toán. Điều đó làm tôi cảm thấy ám ảnh vì trước đây, bản thân rất sợ môn toán, sợ đến nỗi trước mỗi tiết toán của giáo viên tôi đều chạy đông, chạy tây tìm mượn vở lớp nào đồng giảng một phần là để xem trước cho biết phần khác là nếu có kiểm tra đột xuất thì biết đường mà liệu. Thế mà học với thầy, toán như trở thành người bạn đồng hành cùng tôi lúc nào không hay. Thầy hướng dẫn phương pháp nâng cao kĩ năng với học sinh khá giỏi, chăm chút chậm rãi căn bản với học sinh yếu. Đôi khi thầy còn chấp nhận mất thời gian một chút để giải một bài toán với nhiều phương pháp khác nhau để các bạn học sinh dù khá, giỏi hay yếu, kém đều có thể lựa chọn một cách giải phù hợp mà mình hiểu. Đến giờ kiểm tra miệng môn toán, nếu có bạn nào không thuộc bài hay quên phương pháp giải, thầy chỉ nhẹ nhàng góp ý, chỉ bạn cách thuộc bài ngay ở lớp. Có những giờ học căng thẳng, thầy liền kể chuyện cười cho lớp nghe. Các bạn ai nấy đều có một trận cười sảng khoái…

Ngày ngày, thầy giúp chúng tôi tiếp thu những kiến thức chứa đầy trên các trang vở để chúng tôi có vốn kiến thức vững chắc bước lên những năm học sau này. Tôi thích nhất là tiết hình học không gian. Dù đã xem sách giáo khoa trước nhiều lần ở nhà, đã đọc thêm sách tham khảo, nhưng tôi vẫn chẳng nhìn ra được đường nào cắt nhau hay nhìn ra mặt phẳng chứa đường thẳng cần tìm. Ấy vậy mà đến lớp nghe thầy giảng mới hấp dẫn làm sao! Như có một phép màu, giọng nói truyền cảm trầm ấm như tiếng chuông đưa tôi lạc vào cái không gian “3D” của hình học và những đường giao tuyến lúc nào mà không biết.

Nếu như trước tiết toán có tiết học khác, khi giáo viên khác vừa bước ra tức khắc thì thầy bước vào, thầy biết lớp vừa mới học xong có bạn chưa ghi kịp sẽ cho chúng tôi thêm thời gian để chép bài đang còn dở dang trên bảng rồi mới bảo tổ trực lên xóa bảng. Tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân mình yêu quý thầy mà tất cả các thành viên còn lại trong lớp cũng vậy, thậm chí còn nhiều hơn cả tôi nữa. Thế nên lớp luôn cố gắng làm thầy vui lòng bằng cách học thật tốt môn Toán, nghe giảng bài chăm chú, siêng năng làm bài tập ở nhà đầy đủ nhưng dường như “học tài thi phận”. Mỗi đợt kiểm tra đồng loại toán đi qua là mỗi lần chúng tôi xát muối vào trái tim thầy vì vẫn còn một số bài dưới trung bình mà trong đó có tôi. Thế nhưng thầy chẳng những không la mà còn động viên lũ học trò chúng tôi cố gắng lên trong đợt sau.Thầy càng không trách bao nhiêu thì trong lòng chúng tôi lại cảm thấy có lỗi và thương thầy nhiều bấy nhiêu.

Khi tiếp xúc với thầy, cái cảm giác đầu tiên, theo tôi nghĩ có lẽ là sự thân thiện và sau đó là sự cảm mến thân thương cho nên mặc dù không phải là giáo viên chủ nhiệm gần gũi, gặp lớp thường xuyên nhưng tôi lại cảm thấy hình ảnh của thầy thân thuộc quá đỗi. Thực sự, trong lòng tôi không biết tự bao giờ đã xem thầy như người cha thứ hai của mình rồi. Có lẽ một phần vì thầy cũng trạc tuổi cha tôi, phần khác lại đi học xa nhà nên mỗi lần nhìn thầy, tôi lại nhớ đến cha của mình. Mỗi ngày khi đi ngang qua bãi xe giáo viên, tôi đều lén đưa mắt nhìn xem có biển số “58” của thầy không, hôm nay thầy có đi dạy hay không? Tôi thiết nghĩ hành động của mình thật trẻ con, bởi đa phần giáo viên chỉ quan tâm đến những bạn học giỏi trong lớp trong khi của tôi chỉ là một thành viên “vô danh tiểu tốt” trong đại gia đình B12. Đã bao lần thầy giảng bài và đặt câu hỏi, tôi rất muốn đưa tay lên phát biểu xây dựng bài nhưng khổ nỗi “lực bất tòng tâm” những câu được hỏi chẳng câu nào tôi biết trả lời hay hướng làm bài, chỉ có thể lặng lẳng nhìn các bạn cùng thầy thảo luận rồi chép đáp án vào vở. Những lần như vậy tôi tự trách và dặn vặt mình là bao, nhắc nhở bản thân phải cố gắng tự học về làm lại các bài trên lớp cho vững căn bản nhưng chỉ được cái nói suông, mỗi lần mở tập ra chép đề là tôi lại “lỡ” tay chép luôn dòng đáp án, cứ như là đang học thuộc lòng bài giải không phải là tìm phương pháp giải.

Đôi lúc tôi lại cảm thấy vô cùng ganh tỵ với cô con gái cũng đang học tại trường của thầy, sao em ấy lại có một người cha tuyệt vời đến như vậy. Thầy khiến tôi hết lòng kính trọng và cảm phục không chỉ về phẩm hạnh đạo đức con người mà còn vì cách thầy cư xử với đồng nghiệp và học sinh. Tôi rất yêu quý và kính trọng thầy. Đối với tôi, thầy là hình ảnh tuyệt vời nhất, thầy đã để lại cho tôi những ấn tượng đẹp đẽ và sâu sắc về tuổi thơ của mình. Và trong lòng tôi thầy chính là người cha thứ hai của mình.

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi đã từng được học một người thầy có tâm và nhiệt huyết với nghề đến như vậy, quả không sai khi nói  “dưới ánh mặt trời, không nghề nào cao quý hơn nghề nhà giáo”. Thầy không những dạy bằng cái tâm, cái tình mà còn coi tôi như con của thầy, có sai cái gì thì trách mắng âu cũng là những lời trách mắng yêu thương. 2 năm với gần 300 tiết học toán – không quá ít, cũng không quá nhiều nhưng cũng đủ khiến con người ta khắc ghi những kỉ niệm sâu đậm từ tận đáy lòng.

Tôi cảm ơn thầy rất nhiều, tôi không biết là thầy có đọc được những lời viết lủng củng, đầy tính trẻ con của đứa nhỏ này hay không nhưng tận từ trong thâm tâm, những lời này có lẽ cũng không bày tỏ được hết nỗi niềm tôi dành cho “người cha thứ hai của mình”. Đã có những lúc tôi tưởng chừng như mình phải chuyển lớp vì áp lực học tập, muốn dừng chân và rút khỏi chặng đường học vấn gian nan này và thầy đã đến, không phải để động viên mà răn dạy để tôi thức tỉnh khỏi sự ngu muội của mình, nhờ sự dạy bảo của thầy, mặc dù năm Mười Một chỉ đạt học sinh khá nhưng sao cảm thấy mình rất hạnh phúc và vô cùng tự hào, hạnh phúc vì mình đã chiến thắng bản thân, không bỏ cuộc giữa chừng, tự hào vì mình không phải đi học thêm “đầu sấp mặt tối” nhưng vẫn có thể qua lớp, vừa có thể tham gia hoạt động thể dục thể thao và đoàn trường nhưng học tập vẫn không bị sao nhãng.

“Thầy ơi! Con sẽ luôn khắc ghi sâu những lời thầy dạy và in sâu hình bóng thầy trong tim. Con xin hứa sẽ cố gắng học thật tốt để xứng đáng là học trò của thầy!”

“Một đời người – một dòng sông…

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

Muốn qua sông phải lụy đò

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa…  

Tháng năm dầu dãi nắng mưa,

Con đò trí thức thầy đưa bao người.

Qua sông gửi lại nụ cười

Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

Con đò mộc – mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…”

Trần Lưu Phúc Thịnh

Lớp 12A6 – Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP Hồ Chí Minh

0