16/08/2018, 13:30

Logistics là gì, dịch vụ Logistics làm những công việc gì và vai trò

Logistics là gì, tìm hiểu về ngành dịch vụ Logistics là làm những công việc gì, vai trò và quy trình của dịch vụ Logistics trong thương mại. Phải nói, khái niệm Logistics chỉ mới xuất hiện gần đây tại Việt Nam nhưng được các doanh nghiệp quan tâm, trở thành một nghề mà nhiều học sinh tìm hiểu. Tuy ...

Logistics là gì, tìm hiểu về ngành dịch vụ Logistics là làm những công việc gì, vai trò và quy trình của dịch vụ Logistics trong thương mại. Phải nói, khái niệm Logistics chỉ mới xuất hiện gần đây tại Việt Nam nhưng được các doanh nghiệp quan tâm, trở thành một nghề mà nhiều học sinh tìm hiểu. Tuy nhiên, định nghĩa về Logistics vẫn chưa được nhìn nhận đúng, thậm chí các bạn sinh viên không biết học Logistics ra làm gì, phải thi khối gì và cụ thể từng vị trí, công việc chi tiết của nó như thế nào.

Logistics là gì

Phổ biến nhất thì ở Việt Nam người ta đồng ý dùng từ “Hậu cần” để chỉ về dịch vụ Logistics. Hiểu nôm na, Logistic là một phần của chuỗi cung ứng với những việc liên quan tới đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được đưa từ nhà sản xuất giao đến người tiêu thụ cuối cùng. Do khâu Logistics rất quan trọng, nên nhiều doanh nghiệp chọn đây làm lợi thế cạnh tranh. Hay như các công ty chuyên về Logistics như Amazon, Alibaba đã kiếm bội tiền và góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu nhờ hoạt động “Hậu Cần” của mình.

Logistics là gì?



Hậu cần là hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa, tiếng Anh gọi là logistics. Chúng ta cần tham khảo 2 khái niệm Logistics trong Luật Thương Mại Việt Nam và theo định nghĩa của Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP.

  • Điều 233 Luật thương mại nói rằng: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
  • Theo CSCMP: “Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”

Như vậy, Logistics là dịch vụ trung gian mang tính hậu cần nhằm mục đích đảm bảo sản phẩm được chuyển từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Logistics gồm các hoạt động như lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… Nếu làm tốt khâu “Hậu cần” này thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng chuyển hàng hóa đi hơn, vì thế tiết kiệm chi phí vận chuyển đáng kể do không gặp lỗi nhiều, đồng thời giúp đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh và an toàn hơn, nhờ thế tạo tính cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận cho công ty.

Phân biệt Logistics với “Chuỗi cung ứng”

Khái niệm Logistics nói rõ, đây là một phần của chuỗi cung ứng, vậy làm thế nào để phân biệt chúng giống và khác nhau như thế nào? Trước tiên, chúng ta lại phải hiểu “Chuỗi cung ứng” là gì trước đã.

Chuỗi cung ứng được định nghĩa như sau: “Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng, sản xuất và tất cả các hoạt động quản trị logistics. Ở mức độ quan trọng, quản trị chuỗi cung ứng bao gồm sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên cùng một kênh như nhà cung cấp, bên trung gian, các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng. Về cơ bản, quản trị chuỗi cung ứng sẽ tích hợp vấn đề quản trị cung cầu bên trong và giữa các công ty với nhau. Quản trị chuỗi cung ứng là một chức năng tích hợp với vai trò đầu tiên là kết nối các chức năng kinh doanh và các quy trình kinh doanh chính yếu bên trong công ty và của các công ty với nhau thành một mô hình kinh doanh hiệu quả cao và kết dính. Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những hoạt động quản trị logistics đã nêu cũng như những hoạt động sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp về quy trình và hoạt động của các bộ phận marketing, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin.”

Đọc định nghĩa thì nghe có vẻ rối rắm, nhưng có thể hiểu đơn giản thì “Chuỗi cung ứng” mang nghĩa rộng hơn, bao gồm cả Logistics và quá trình sản xuất, nhưng nó chú trọng hơn ở hoạt động mua hàng (Procurement), trong khi Logistics là khâu trung gian mang tính chiến lược, phối hợp giữa marketing và sản xuất.

Các hoạt động của Logistics bao gồm:

  • Dịch vụ khách hàng
  • Dự báo nhu cầu
  • Thông tin trong phân phối
  • Kiểm soát lưu kho
  • Vận chuyển nguyên vật liệu
  • Quản lý quá trình đặt hàng
  • Lựa chọn địa điểm nhà máy và kho
  • Thu gom hàng hóa
  • Đóng gói, xếp dỡ hàng
  • Phân loại hàng hóa

Bài toán kho bãi và phương tiện vận tải luôn làm đau đầu các doanh nghiệp, vì thế Dịch vụ Logistics ra đời làm khâu trung gian chuyên nghiệp, thông minh để giúp nhà sản xuất tối ưu lợi nhuận và tập trung tốt hơn vào các khâu như sản xuất và bán hàng, thay vì phải loay hoay với khâu Hậu Cần.

Các hình thức của Logistics – 1PL, 2PL, 3PL, 4PL là gì

Logistics phân ra nhiều dịch vụ khác nhau gồm 1PL, 2PL, 3PL, 4PL là Viết tắt của First, Second, Third, Fourth Party Logistics. Ví dụ 3PL thì dịch thành “Công ty cung cấp Dịch vụ Logistics bên thứ 3”, hay 1PL là bên thứ Nhất, 2PL là Bên Thứ Hai, và 4PL là Bên thứ Tư.

  • 1PL là Logistics tự cấp, nhà sản xuất tự xây dựng dịch vụ logistics của riêng mình mà không phụ thuộc ai.
  • 2PL là Logistics 1 phần, tức nhà sản xuất sẽ thuê 1 phần dịch vụ logistics bên ngoài, còn lại thì tự mình làm.
  • 3PL là Logistics thuê ngoài, dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp độc lập với nhà sản xuất, nhưng ở dạng đơn lẻ, nhỏ lẻ.
  • 4PL là Chuỗi cung cấp dịch vụ logistics đầy đủ, tạo thành một “chuỗi” hoàn chỉnh.
  • 5PL là E-logistics hay còn gọi Logistics trên nền thương mại điện tử.

Học Logistics là học gì?

Logistics là học về quản lý chuỗi cung ứng, cách vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, các phương thức vận tải, học về kiến thức marketing, quản trị chiến lược, xây dựng và quản lý hệ thống kho bãi, tối ưu chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa.

Sinh viên ngành Logistics cần hiểu sâu về kinh tế Logistics, quản lý nhân sự, học luật vận tải, quản trị Logistics và chuỗi cung ứng cũng như hệ thống phân phối, giao nhận, thông thạo nghiệp vụ tài chính, kế toán. Nhân viên Logistics cũng cần lập kế hoạch tốt, có đầu óc tổ chức tốt, biết phối hợp với các bộ phận.

Học Logistics ra làm gì?

Người học Logistics ra làm khá nhiều việc, có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như:

– Nhân viên xuất nhập khẩu

– Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu

– Nhân viên thu mua

– Nhân viên quản lý hàng hóa

– Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải

– Nhân viên kinh doanh Logistics…

Các cấp bậc của nghề Logistics

– Logistics Officer ($300 – $700): Vị trí nhân viên bình thường không đòi hỏi kinh nghiệm, thường làm các công việc chân tay, phù hợp với các bạn mới ra trường.

– Logistics Supervisor ($1000 – $1500): Vị trí này đòi hỏi một vài năm kinh nghiệm hoặc lớn hơn, kiểu như tổ trưởng hay nhóm trưởng, có cơ hội thăng chức lên quản lý Logistics Manager.

– Logistics Manager ($1000 -$4000): Vị trí này đòi hỏi phải ít nhất 3 năm kinh nghiệm, tiếng Anh lưu loát, chuyên về quản lý cấp nhỏ.

– Logistics Director ($4000 – $6000): Là vị trí đứng đầu, quản lý, phân bổ và kiểm soát hoạt động Logistics trong công ty, kiểu quản lý tổng, nên đòi hỏi từ 8 năm kinh nghiệm trở lên cùng nhiều kỹ năng khác nữa.

– Supply Chain Director ($5000 – $7000): là Giám đốc chuỗi cung ứng, phụ trách tất cả các hoạt động Logistics cả trong nước lẫn phạm vi quốc tế.

Học Logistics nên học trường nào ở đâu tốt nhất?

Dưới đây là danh sách các trường Đại học tại Việt Nam chuyên đào tạo Logistics được đánh giá cao:

– Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

– Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

– Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2

– Trường ĐH Hàng hải Việt Nam

– Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc Gia TP.HCM

– Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam

Hy vọng bài viết này của Giainghia.com đã giúp độc giả hiểu khái niệm Logistics là gì, dịch vụ Logistics là làm những việc gì, cần những kiến thức nào và vai trò, thu nhập, cơ hội ra sao. Hiểu được cơ chế vận hành và tầm quan trọng của ngành Logistics sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình đưa sản phẩm, hàng hóa từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng.

0