06/05/2018, 10:27

Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến tại nơi em ở – Văn mẫu hay lớp 5

Xem nhanh nội dung Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến tại nơi em ở – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lâm Đồng Ông Tám cạnh nhà em, tuy tuổi đã cao nhưng vần còn làm được nhiều việc có ích cho hàng xóm. ...

Xem nhanh nội dung

Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến tại nơi em ở – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lâm Đồng

Ông Tám cạnh nhà em, tuy tuổi đã cao nhưng vần còn làm được nhiều việc có ích cho hàng xóm.

Trưa hôm qua, đi học về, khoảng gần trước nha ông, bỗng nhiên một bạn học sinh đang chạy xe đạp bị té ngã lăn kềnh ra.

Cũng may là sát mé đường, nếu không các xe phía sau đã tông tới rồi. Bạn ấy bị lọt ổ gà và chỉ bị trầy xước nhẹ thôi.

Nghe lao xao, ông Tám cùng chạy ra xem sự tình. Ông lấy dầu xức cho bạn ấy và sửa lại giùm đôi chỗ xe bị móp. Bạn học sinh, mặt chưa hoàn hồn, khoanh tay cám ơn ông Tám rồi lên xe chạy tiếp.

Về nhà, ăn cơm xong em mới lon ton ra hóng mát dưới hóng hàng cây dọc đường. Ồ, ông Tám đang hì hục xúc đất giữa trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại. Em chạy lại:

–    Dạ, Ông Tám làm gì vậy?

–    Ông lấp cái ổ gà khi nãy đó con. Sợ người qua đường vấp té. Quay nhìn thì cái hố đã phẳng lì.

Ông Tám thật là đáng kính. Giá biết vậy, em đã ra phụ ông một tay rồi.

Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến tại nơi em ở – Bài làm 2

Trong thành phố này, có nhiều việc tốt xảy ra hằng ngày. Một việc tốt em vừa được chứng kiến chỉ nhỏ bé thôi nhưng đối với em ý nghĩa lại rất to lớn. Việc tốt đó càng lớn khi người làm là một người tàn tật.

Chủ nhật vừa qua, em cùng bà nội ra bến xe buýt, đi Phú Lâm. Xe dừng, người lên kẻ xuống chen lấn, xô đẩy nhau. Trong xe đông nghẹt người, hai bà cháu không tìm ra một ghế trống đành phải đứng. Trước mặt em, một số thanh nièn khoẻ mạnh, mặc quần áo kiểu này kiểu nọ, nói cười huyên thuyên. Em cảm thấy khó chịu. Bà nội em đã bảy mươi tám tuổi, họ có nhìn thấy không nhỉ? Xe bắt đầu chạy, em giữ lấy tay bà. Khi xe thắng lại, hai bà cháu,như muốn té ngửa. Bỗng có tiếng trong trẻo vang lèn phía sau:

–    Thưa cụ, cháu mời cụ ngồi xuống ghế của cháu:

Bà em và em cùng quay lại. Em reo lên.

–    A! Chị Hoa.

Em định ấn bà em ngồi xuống ghế. Chợt em dừng tay. Em nhìn xuống chân chị. Như hiểu ý, chị nói:

–    Dù sao cháu cũng là thanh niên. Cụ cứ ngồi cho khoẻ kẻo lúc thắng xe lỡ bị té…

Chị Hoa với một chân bị tàn tật đứng lên. Bà em cảm động ngồi xuống trong khi chị run run vịn tay vào hàng ghế… Những thanh niên đang cười đùa chợt đỏ mặt. Có người lén đứng lên, len ra gần phía cửa. Bà em kéo chị Hoa ngồi xuống. Với cử chỉ âu yếm, bà quạt cho chị. Luồng gió mát như lan rộng khắp lòng xe…

Chị Nguyễn Kim Hoa, cô gái hiền lành tàn tật của khu phố em làm cho em mến phục. Chị khiêm tốn trong cách ăn mặc nhưng chị mới thật là người lịch sự, văn minh. Ôi! Đẹp làm sao những con người đáng quý.

Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến tại nơi em ở – Bài làm 3

Sáng chủ nhật tuần trước, tại địa phương em, các chú các bác trong tổ dân phố đã góp sức lợp lại mái nhà cho chú Thành, một thương binh nặng bị cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn 1975.

Trước đó nửa tháng, bác Năm tổ trưởng và chú Ân, công an khu vực đã đến từng nhà, vận động bà con quyên góp tiền để mua vật liệu. Ai cũng vui lòng giúp đỡ nên sẵn sàng ủng hộ, dù ít, dù nhiều. Mấy ngày sau, các vật liệu cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ.

Sáng sớm, các anh thanh niên trong đội dân phòng đã bắt tay vào việc dưới sự điều khiển của bác Năm và chú Ân. Toàn bộ mái tôn cũ nát được dỡ ra, xếp gọn vào một góc sân. Sau đó, từng tấm tôn mới được chuyển lên mái, sắp kín vào nhau theo hàng ngang, từ thấp lên cao. Người giữ tôn, người đóng đinh ghép chặt tôn vào xà gỗ. Tiếng cười nói vang rộn xen lẫn tiếng búa gõ chan chát. Mọi người làm việc vui vẻ quên cả mệt nhọc.

Hăng hái nhất là đám thanh niên. Các anh làm việc liên tục không nghỉ. Đến trưa thì mái trước đã lợp xong. Bác Năm bảo mọi người dừng tay, về nhà ăn cơm, chiều đến làm tiếp.

Trời vừa tắt nắng thì công việc cũng xong xuôi. Những tấm tôn trắng ngời làm cho căn nhà sáng sủa, khang trang hẳn lên. Ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn mọi người làm việc, chú Thành xúc động lắm.

Lúc mọi việc đã đâu vào đấy, bác Năm đại diện bà con trong tổ dân phố nói mấy lời với chú Thành. Chú và gia đình cảm ơn mọi người đã nhiệt tình giúp đỡ. Từ nay, nhà chú đã thoát khỏi cảnh chịu dột trong mùa mưa.

Được chứng kiến cảnh ấy, em càng thấm thía hơn câu nói: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Em cũng là một hàng xóm nhỏ của chú Thành. Em sẽ giúp đỡ chú những việc hợp với sức khoẻ của mình. Việc làm đầy tình nghĩa của bà con khu phố đã tạo cho chú Thành niềm tin vào con người và cuộc sống.

Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến tại nơi em ở – Bài làm 4

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta có vô cùng nhiều những việc làm tốt. Những trái tim nhân hậu không phân biệt tuổi tác. Sau đây là một câu chuyện về một em bé mà tôi đã từng được chứng kiến tận mắt, em bé ấy quả là một em bé ngoan và thương người. 
Vào một ngày đông lạnh giá, gió rít từng cơn, từng cơn lạnh thấu xương. Mưa phùn rơi buốt da, buốt thịt. Sự lạnh giá như làm mọi vật trở nên lười biếng. Đường chỉ lác đác vài chiếc xe, vài chiếc lá khô xào xạc. Tôi đang trên đường đi bộ về nhà, miệng thở ra những hơi khói. Và bỗng nhiên, ập vào mắt tôi là hình ảnh một ông lão ăn xin ngồi dưới gốc cây trơ trụi. 

Tôi vô cảm nhìn ông lão, đã từ bao giờ, tôi đánh mất đi một thứ gọi là "tình người". Tôi chả thấy ông lão có một chút thiện cảm. Quần áo thì rách rưới, chỗ vá chỗ khâu. Khuôn mặt nhem nhuốc, tóc tai thì bù xù, chân tay đen ngòm, bẩn thỉu. Sự nghèo khổ đã gặm nhấm đi con người…

Rồi bỗng nhiên, từ một góc nào đó, có một em bé chừng bốn năm tuổi, ăn mặc rất đẹp tiến tới chỗ lão ăn xin. Tôi cố tình đứng lại, nép sau một thân cây gần đó xem con bé trêu lão ta thế nào. Con bé nhìn ông lão một lúc rồi ngồi xổm xuống, ngẩng khuôn mặt ngây thơ lên và hỏi ông lão ăn xin:

– Ông ơi, nhà của ông đâu, sao ông lại ở đây vậy ạ?

Đáp lại là giọng bé bé, khản đặc của ông lão: 

– Ông… ông…không có nhà cháu à!

Gió vẫn rít, mưa phùn vẫn rơi lâm thâm. Cô bé đáp lại ông lão: 

– Vậy gia đình của ông đâu vậy ông, cháu tưởng ai cũng có gia đình.

Sự ngây thơ của con bé như làm lão bối rối: 

– Ông … ông … gia đình của ông….

Chưa kịp trả lời hết, cô bé đã hỏi tiếp:

– Mà sao trời lạnh như vậy, ông ở ngoài đường mà lại ăn mặc phong phanh như thế ạ?

– Ông …. làm gì … có .. có tiền mua quần áo …! -Ông lão trả lời, giọng rưng rưng.

Trên khuôn mặt con bé thể hiện rõ nỗi ngạc nhiên, như thể là nó còn cả đóng thắc mắc muốn hỏi ông lão. Nó nháy lia lịa đôi mắt bồ câu to, tròn, đen láy của mình. Nhưng rồi, con bé lấy tay, tháo chiếc khăn trên cổ, cầm bằng hai tay, đưa cho ông lão:

– Ông đeo tạm chiếc khăn của cháu này, cho ông đỡ lạnh, ở nhà cháu còn nhiều khăn lắm! 
Tôi như khựng lại, cô bé này không trêu lão sao? Trên khuôn mặt ông lão ăn xin hiện lên một vẻ trìu mến, xúc động, xen lẫn sự ngạc nhiên. Ông lão đưa tay run run, cầm lấy chiếc khăn. Ông nắm lấy đôi bàn tay bé bỏng của cô bé, rưng rưng: 

– Ông… ông cảm ơn cháu, chảu quả là một cô bé tốt. 

Mọi vật như trở nên ấm áp. Sau đó, cô bé tạm biệt ông lão ăn xin rồi đi về. Tôi cũng đi về, một cảm giác khó tả. Sự vô cảm đã biến con người ta thành cái gì vậy? Một cô bé nhưng còn biết thương người. Tôi cảm thấy có lỗi và cảm thấy thật xấu hổ…

Đâu đó, trong xã hội, vẫn còn tồn tại một thứ vô hình như vô cùng giá trị, thứ đó gọi là "tình nguời". "Giữa một đêm đông lạnh giá, một hành động nhỏ bé nhưng cũng đủ để sưởi ấm một trái tim."

Thu Thủy (Tổng hợp)

0