03/06/2017, 23:12

Em hãy tả lại quang cảnh đổi mới ở quê em

Quê nội em ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng bố mẹ em đã chuyển vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, nên thỉnh thoảng chúng em mới được về quê nội. Mỗi lần về quê em lại nhận thấy có rất nhiều sự đổi thay bất ngờ, đặc biệt là mấy năm gần đây. Trước hết là sự thay đổi ở những con đường. Những con ...

Quê nội em ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng bố mẹ em đã chuyển vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, nên thỉnh thoảng chúng em mới được về quê nội. Mỗi lần về quê em lại nhận thấy có rất nhiều sự đổi thay bất ngờ, đặc biệt là mấy năm gần đây.

Trước hết là sự thay đổi ở những con đường. Những con đường nhựa láng bóng thênh thang sạch sẽ phẳng lì đã thay thế cho những con đường đất đầy ổ gà, trời mưa nhão nhoét bùn đất. Xe ô tô có thế chạy thẳng một mạch vào nhà ông nội, không còn cảnh cả gia đình lễ mễ tay xách nách mang đi bộ từ ngoài đường vào nhà nội như trước đây nữa. Không chỉ một con đường mà khắp ngõ xóm chỗ nào cũng đều như vậy. Dọc theo nó là những trụ điện xếp hàng đều đặn thẳng tắp như những người lính canh phòng, tải điện tới tận mỗi nhà.

Những căn nhà ngói đỏ tươi, những ngôi nhà lầu hai, ba tầng xinh xắn, khang trang, đẹp đẽ đã mọc lên san sát như ở phố. Những ngôi nhà tranh đang dần dần lùi vào dĩ vãng. Đèn điện sáng trưng, không chỉ ở trong nhà mà cả ngoài đường. Không còn cảnh tối om phải dò dò từng bước trong đêm như trước đây nữa. Bắt đầu có những quán nhạc xập xình với những bóng đèn xanh đỏ nhấp nháy như ở trong thành phố. Điều này thì em không thích lắm vì nó làm mất đi sự tĩnh lặng của làng quê.

Một ống khói cao ngất đã mọc lên ở phía chân núi Trà Linh, ông nội bảo rằng đó là nhà máy đường, mới xây dựng được vài năm. Hèn gì trên đường về em thấy cơ man là mía, bạt ngàn. Nhà nội em cũng có hẵn một máy tuốt lúa. Trước đây lúa gặt về phơi ở sân phải dùng trâu kéo mới rã được hạt khỏi bông. Nay chỉ cần bỏ vào máy chạy ù một lúc là xong, rơm, hạt riêng rẽ sạch sẽ, phần nào ra phần ấy.

Cơm vì vậy mà không còn sạn như ngày trước nữa. Hạt gạo cứ trắng ngần. Nội bảo trong xóm cứ vài nhà là có một cái.

Ngay chính giữa xã là nhà văn hoá vừa mới khánh thành cao ráo rộng rãi và rất phong phú về hình thức sinh hoạt: Bài chòi, tổ tôm, võ, trò chơi, hội diễn văn nghệ, thi kể chuyện cho thiếu nhi... Lúc nào cũng tấp nập người đến sinh hoạt.

Đã có rất nhiều người đi xe máy, tiếng xe nổ giòn giã và cả ồn ào nữa, ngồi trên xe thường là các anh chị đã đi làm, mặt tươi như hoa, những chiếc xe đạp vẫn còn nhưng ít hơn thường là các cô chú đã lớn tuổi. Tối đến nhà nào cũng quây quần bên chiếc ti vi, không còn cái cảnh kéo nhau sang nhà hàng xóm xem nhờ như trước đây. Nhà nội em có tới những hai chiếc. Một chiếc để ông bà xem cải lương còn một chiếc cô chú và mấy em nhỏ xem chương trình thể thao và ca nhạc.

Có một điều mà em không thích trước sự thay đổi của quê nội là dòng sông Trường Giang hiền hoà trong xanh không còn nữa. Nó đã bị ngăn ra từng khúc để nuôi trồng thuỷ sản. Em nhìn dòng sông mà xót xa bồi hồi. “Chảy đi sông ơi!” Dòng sông dường như cũng nghẹn ngào tức tưởi phân bua: Tôi không thế chảy được nữa rồi!

Chia tay quê nội vào một sáng hè rực nắng. Kẻ xa quê này hẹn ngày trở lại vào ngày hè năm tới.

0