04/06/2017, 08:47

Đồng chí của Chính Hữu - bài thơ rất quen mà lạ

Hồi nhỏ tôi đã nghe hết bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ rất quen mà lạ, rồi thuộc, chưa bao giờ xem lại bài thơ, gần đây nhân một buổi trò chuyện với sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn tôi mới mở bài thơ ra xem. Mắt vừa chạm vào thơ, tôi đã thấy lạ. Thì ra lâu nay mình mới ...

Hồi nhỏ tôi đã nghe hết bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ rất quen mà lạ, rồi thuộc, chưa bao giờ xem lại bài thơ, gần đây nhân một buổi trò chuyện với sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn tôi mới mở bài thơ ra xem. Mắt vừa chạm vào thơ, tôi đã thấy lạ. Thì ra lâu nay mình mới chỉ thưởng thức cái phần nhạc của thơ mà bỏ quên cái phần hình của nó.

Câu thơ hai chữ:
 
Đồng chí!
 
Gần như đứng giữa bài thơ, riết cái thân bài thơ thành một cái lưng ong, Nửa trên là một mảng quy nạp (như thế này là đồng chí), nửa dưới là một diễn dịch (đồng chí còn là như thế này nữa), Một kết cấu chính luận cho một bài thơ trữ tình, lạ.
 
Chủ đề đồng chí hiện lên trong từng cấu trúc ngôn ngữ, nghĩa là trong từng tế bào thơ. Tôi với anh khi thì được xếp dọc:
 
Quê hương anh nước mặn đồng chua
 Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
 
Khi thì xếp ngang:
 
Anh với tôi đôi người xa lạ
 
Khi thì điệp điệp (nét thẳng của ý chí và nét cong của tình cảm):
 
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
 
để đến đêm rét trùm chung một cái chăn thì nhập lại thành đồng chí.
 
Và cái chăn đắp lại thì tâm tư mở ra. Họ soi vào nhau, anh hiểu tôi, tôi hiểu đến nỗi lòng sâu kín của anh:
 
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay.
 
Giải thích sao đây hai chữ: “mặc kệ”? Có gì giống với thái độ này không?
 
Người đi. Ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
(Tống biệt hành - Thâm Tâm)
 
Không! Nó đâu khinh bạc và phiêu dụ như thế. Ở ngoài mặt trận mà biết gió lay từng gốc cột của ngôi nhà mình thì không còn chữ nào để diễn tả tình cảm thiết tha gắn bó của họ đối với gia đình. Nhưng trước hết họ đã vì nghĩa lớn. Thái độ hiệp sĩ ấy gần với Hồng Nguyên, gần với Trần Mai Ninh.. trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp, gần với Nguyễn Mỹ, gần với Trần Quang Long... trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Họ hiểu nhau đến chiều sâu như thế và tựa vào nhau mà đi đến chiều cao này:
 
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
 
Chung nhau một cái chăn là một cặp đồng chí, nắm đôi bàn tay mà ấm cả đôi bàn chân là một cặp đồng chí, đêm nay, giữa rừng hoang sương muối.
 
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới.
 
Là một cặp đồng chí. Và lãng mạn thay, súng và trăng cũng là một cặp đồng chí.
 
Đầu súng trăng treo
 
Cặp đồng chí này nói về cặp đồng chí kia, nói được cái cụ thể và gợi đến cái vô cùng. Súng và trăng, gần và xa (Tôi với anh vốn người xa lạ, tự phương trời chẳng hẹn quen nhau); Súng và trăng, cứng rắn và dịu hiền; Súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ; Súng và trăng... là biểu hiện cao cả của tình đồng chí.
 
Sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực roi rói với tính chất lãng mạn trong trẻo là màu sắc mới mẻ mà Chính Hữu đã sớm mang lại cho thơ.

0