04/06/2017, 08:47

Nêu cảm nghĩ của em về đoạn thơ sau trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật: "Không có kính không phải vì xe không có kính ..... Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha..."

Những năm tháng gian khổ kháng chiến chống Mĩ đã được ghi lại rất rõ nét trong những trang thơ của Phạm Tiến Duật. Đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ lái xe quân sự trên tuyến đường Trường Sơn đã trở thành một hình tượng tuyệt đẹp trong bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ: Không ...

Những năm tháng gian khổ kháng chiến chống Mĩ đã được ghi lại rất rõ nét trong những trang thơ của Phạm Tiến Duật.

Đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ lái xe quân sự trên tuyến đường Trường Sơn đã trở thành một hình tượng tuyệt đẹp trong bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ:
 
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi
 Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
 
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
 
 Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
 
Hai câu thơ đầu tiên tạc dựng trước mặt người đọc hình ảnh của những chiếc xe không kính đang nối đuôi nhau băng băng lướt đi trên con đường ra trận. Và những chiếc xe không kính ấy đã làm nổi bật hình ảnh trung tâm của bài thơ: Người chiến sĩ lái xe. Hai câu thơ như một lời phân bua của người lái xe: “Không có kính không phải vì xe không có kính...” Điệp từ "không" được nhắc đến ba lần trong câu thơ càng tăng thêm ý nghĩa khẳng định cho câu thơ: Chiếc xe ấy không có kính vì bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi". Câu thơ đã mở ra một hình ảnh độc đáo mà ta chỉ có thể bắt gặp trong chiến tranh. Ta thường gặp xe quân sự là những chiếc xe có kính cẩn thận, phủ đầy lá ngụy trang để che mắt quân thù. Người chiến sĩ lái xe nói đến nguyên nhân "không có kính " rất bình thản và có phần vui tươi nữa, vì họ đang được lái trên những chiếc xe độc đáo ấy. Người đọc như cảm nhận được trong lời phân bua ấy một nụ cười hóm hỉnh, vui tươi xen lẫn tiếng cười sảng khoái. Ở hai câu thơ tiếp theo, tác giả đi vào miêu tả cụ thể hình ảnh người chiến sĩ lái xe quân sự
 
 Ung dung buồng lái ta ngồi
 Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng...
 
Thái độ của những người chiến sĩ ấy đã được bộc lộ rõ nét trong từ “ung dung”. Ta có thể thấy cá một sự bình tĩnh, bình thản đến lạ lùng của những người lái xe, khi ngồi sau vô lăng.
 
Người đọc có cảm giác dường như không phải những chiếc xe ấy đang lăn ra mặt trận với bao nguy hiểm kề bên mà nó đang trong một cuộc dạo chơi, trong một chuyến đi xa. Ở câu thơ tiếp theo với điệp từ “nhìn” nhà thơ đã tạo nên tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất khuất, không hề ngần ngại trước khó khăn, nguy hiểm của những người chiến Sĩ, Không gian xung quanh họ được mở ra thật bao la rộng lớn “nhìn đất, nhìn trời”. Giữa một vùng trời đất mênh mông nổi bật hình ảnh đoàn xe trên đường ra trận và những người chiến sĩ say sưa, chiêm ngưỡng ngắm nhìn thì thiên nhiên nhưng cái đích của họ vẫn là “nhìn thẳng”. Họ vẫn luôn hướng tâm tư, ánh mắt của mình vào con đường trước mắt để điều khiển xe ra trận được nhanh nhất. Điệp từ “nhìn” đã ngắt câu thơ làm ba ý rất rõ ràng, rành mạch, nhịp nhàng như những ánh mắt đầy quyết tâm của người chiến sĩ. Nhà thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn của họ:
 
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
 Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
 
Trong ánh mắt nhìn của người chiến sĩ hiện lên "gió", “con đường”, “sao trời”, “cánh chim”. Thiên nhiên vây quanh đoàn xe và đã trở thành những con người thực sự. Hình ảnh tả thực trong câu thơ là gió thổi, ùa vào xe, thổi vào mắt người lái xe và đôi mắt phải hứng gió nhiều nhức xót. Hình ảnh những con đường hun hút đằng trước chiếc xe đang lao nhanh khiến cho tác giả tưởng con đường ấy đang chạy thẳng vào tím mình. Hai hình ảnh tả thực rất sống động. Dưới con mắt, ngòi bút của tác giả, làn gió như đang vỗ về, mơn man khiến cho đôi mắt của người chiến sĩ bớt đi cảm giác mỏi nhức.
 
 Câu thơ cuối cùng là hình ảnh so sánh rất giàu tính nghệ thuật, khiến hình ảnh những cánh chim bay là là cạnh chiếc xe trở nên lung linh, đẹp đẽ hẳn lên, Vì xe không có kính, nhìn bầu trời qua cửa xe, người lái tưởng như sao trời và những cánh chim đang sà thấp xuống bên cạnh mình “như sa”, như ùa vào buồng lái. Con đường ra trận bỗng trở nên thơ mộng và thú vị biết bao. Qua những hình ảnh thơ rất sống động và giàu tính nghệ thuật ấy, người đọc cảm thấy những người lái xe tuy phải một mình trên con đường ra trận nhưng họ không hề lẻ loi, cô đơn, bởi bên cạnh họ luôn có thiên nhiên. Thiên nhiên và con người hoà vào nhau, gắn bó thân thiết với nhau. Và dường như thiên nhiên đã trở thành người bạn tâm tình của người chiến sĩ trên suốt cuộc hành trình, để trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với con người.
 
Ở khổ thơ thứ ba, tác giả tiếp tục xây dựng hình ảnh những người chiến sĩ lái xe.
 
Không có kính ừ thì có bụi.
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
 Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha ..
 
Đoạn thơ dựng lên hình ảnh những người lái xe quân sự quần áo lấm lem đất cát, sau những chặng đường bụi mịt mù, bụi phủ trắng cả áo quần. Biện pháp so sánh bụi phun tóc trắng như người già là hình ảnh tả thực. Nó không chỉ thể hiện được cái vất vả, mệt nhọc của những người chiến sĩ sau chặng đường gian lao, đầy nguy hiểm mà nó còn là một hình ảnh rất ngộ nghĩnh, sống động. Người đọc cảm thông nhưng cũng rất thích thú trước hình ảnh ấy. Ta không cảm thấy trong đoạn thơ có cái một nhọc, vất vả mà tràn đầy phấn khởi, vui tươi. Và những ngươi lái xe hiện lên qua ngòi bút miêu tả của Phạm Tiến Duật đang phì phèo châm điếu thuốc, nhìn nhau mặt lấm cười ha ha... là những hình ảnh rất thực, rất sống và mang đậm chất lính, chất chiến sĩ. Cả đoạn thơ là một tiếng cười vui tươi, sảng khoái lạc quan của người lính trẻ.
 
Ba khổ thơ đã xây dựng thành công hình ảnh người chiến sĩ lái xe quân sự trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những người rất dũng cảm, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, rất hóm hỉnh, vui tươi, đồng thời cũng rất mơ mộng, lãng mạn.
 
 Ngôn ngữ trong đoạn thơ tuy bình dị, mộc mạc mà rất trẻ trung, giàu cảm xúc. Giọng điệu thơ phong phú, khi sôi nổi, vui tươi, khi trầm lắng, thiết tha, rất phù hợp với tâm trạng, tành cảm của tác giả. Nhiều câu thơ rất gần với lời nói thường đậm chất văn xuôi:
 
" Không có kính không phải vì xe không có kính"
" Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng"
" Không có kính, ừ thì có bụi"
 
Đã khiến cho bài thơ trở nên dung dị, sâu sắc và cũng có phần thiết tha hơn. Tràn ngập trong đoạn thơ là tình cảm vui tươi của nhà thơ. Phạm Tiến Duật cũng là một người lính lái xe quân sự nên ông đã xây đựng thành công hình ảnh những người đồng chí của mình với những tình cảm rất chân thành, thể hiện rõ nét một hồn thơ vui tươi, giàu cảm xúc, đậm chất thi sĩ - chiến sĩ. Chất thơ và chất lính kết hợp hài hoà trong đoạn thơ, khiến cho nó không chỉ là một bài thơ riêng về người lính lái xe mà đã trở thành một bài ca về những con người:
 
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

0