03/06/2017, 23:30

Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ bằng thơ về Tổ quốc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử gian khổ mà anh dũng. Anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên qua việc phân tích bài thơ.

Đề tài chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi là đề tài đất nước. Âm hưởng trong nhạc, sự kiện trong tiểu thuyết, cảm hứng trong thơ của Nguyễn Đình Thi đều bắt nguồn từ một ý thức là làm sao thể hiện được một đất nước Việt Nam tươi đẹp và gian lao, vất vả đau thương nhưng kiên cường, bất ...

Đề tài chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi là đề tài đất nước. Âm hưởng trong nhạc, sự kiện trong tiểu thuyết, cảm hứng trong thơ của Nguyễn Đình Thi đều bắt nguồn từ một ý thức là làm sao thể hiện được một đất nước Việt Nam tươi đẹp và gian lao, vất vả đau thương nhưng kiên cường, bất khuất. Những bài thơ ông viết về đất nước là những nét vẽ tài hoa, chân thực, xúc động về đất nước mình. Bài thơ Đất nước là một bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi nói riêng và của thơ ca Việt Nam ...

Bài thơ đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ bằng thơ về Tổ quốc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử gian lao mà anh dũng. Đề tài chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi là đề tài đất nước. Âm hưởng trong nhạc, sự kiện trong tiểu thuyết, cảm hứng trong thơ của Nguyễn Đình Thi đều bắt nguồn từ một ý thức là làm sao thể hiện được một đất nước Việt Nam tươi  đẹp và gian lao, vất vả  đau thương nhưng kiên cường, bất khuất. Những bài thơ ông viết về đất nước là những nét vẽ tài hoa, chân thực, xúc động về đất nước mình. Bài thơ Đất nước là một bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi nói riêng và của thơ ca Việt Nam viết về đất nước nói chung. Bài thơ đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ bằng thơ về Tổ quốc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử gian lao mà anh dũng.
 
Cách mạng tháng Tám là một bước ngoặt lịch sử trọng đại. Dân tộc ta đã đi từ đêm trường nô lệ vùng lên giành lấy  độc lập, tự do và làm chủ  đất nước mình. Ở thời điểm ấy, các nhà thơ không thể không ghi lại những dòng cảm xúc về đất nước mang âm hưởng của hơi thở thời đại. Đề tài đất nước rất được quan tâm và chưa bao giờ hình tượng Tổ quốc lại có được những phẩm chất cao đẹp, mới mẻ đến thế trong thơ. Trong một cung đàn thơ về đất nước, tưởng chừng đã được bấm hết dây, Nguyễn Đình Thi đã chọn cho mình một giai điệu riêng.
 
Đất nước  được sáng tác trong một khoảng thời gian dài (1948-1955). Thời gian sáng tác Đất nước của Nguyễn Đình Thi đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp của dân tộc. Bài thơ được nhà thơ nung nấu cảm hứng sáng tác từ rất lâu. Đất nước không chỉ ngự trị trong cảm xúc mà còn được kiểm nghiệm qua thực tế. Quá trình hình thành độc đáo của bài thơ thể hiện quá trình lớn lên trong nhận thức của nhà thơ về đất nước. Các hình ảnh thơ được chắt lọc từ chính cuộc sống chiến đấu của nhà thơ và của dân tộc cho nên vừa chân thực cụ thể vừa xúc cảm vừa nặng suy tư. Bài thơ vì thế đậm chất trí tuệ chính luận.
 
Đất nước  đúng là một tượng  đài bằng thơ về Tổ quốc Việt Nam mà Nguyễn Đình Thi đã tạo dựng thành công. Hình tượng đất nước tỏa sáng trường tồn trong không gian, thời gian vô tận. Nguyễn  Đình Thi đã sử dụng loại hình nghệ thuật cao nhất là thơ để vẽ nên chân dung đất nước. Vì vậy bài thơ vừa có nhạc, vừa có họa, có đường nét sắc màu, có hình ảnh âm thanh, có cả những thủ pháp của nghệ thuật thứ bảy. Chân dung đất nước trong bài thơ vừa có sự kế thừa truyền thống vừa có những nét riêng của thời đại và có những dấu ấn độc đáo của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi.
 
Nguyễn Đình Thi là một người sống và hoạt động chủ yếu ở Hà Nội. Đất nước đối với nhà thơ trước hết là Hà Nội – trái tim Tổ quốc. Khi nhà thơ tạo dựng chân dung đất nước thì gương mặt đất nước hiện lên trong phần thái tài hoa của ba mươi sáu phố phường, hiện lên ở ý chí chiến đấu và tinh thần lãng mạn cách mạng của người Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà nói đến đất nước, đến Hà Nội, nhà thơ lại nhớ đến mùa thu:
 
“Sáng mát trong như sáng năm xưa 
Gió thổi mùa thu hương cốm mới 
Tôi nhớ những ngày thu đã xa”
 
Hà Nội  đẹp nhất vào mùa thu. Mùa thu còn là cái mốc lịch sử thiêng liêng đánh dấu cuộc đổi đời của dân tộc này. Tác giả so sánh hai mùa thu xưa và nay để cảm thấy hết nỗi vui sướng và niềm tự hào của một người dân được làm chủ đất nước mình. Hà Nội trước ngày giải phóng vẫn đẹp và thơ mộng khi mùa thu tới. Nhưng là cái đẹp buồn: 
 
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội 
Những phố dài xao xác hơi may 
Người ra đi đầu không ngoảnh lại 
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
 
Những phố dài vắng vẻ đượm vẻ u trầm đặc biệt. Trong không khí đượm buồn của tiết thu “chớm lạnh”, của “hơi may” phảng phất, hình ảnh con người xuất hiện trong tư thế kiên quyết nhưng nặng lòng với Thủ đô. Chỉ với 4 câu thơ, bằng những nét phác họa đơn sơ mà tinh tế, nhà thơ đã thâu tóm được cái thần đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Cảm hứng về vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội đã bắt vào mạch lớn của những rung động về vẻ đẹp của mùa thu đất nước, mùa thu thời đại.  
 
“Mùa thu nay khác rồi”
 
Đây là mùa thu của sự hồi sinh, mùa thu cách mạng, mùa thu giải phóng. Như vậy, vẽ chân dung đất nước, trước hết Nguyễn Đình Thi tạo dựng vẻ đẹp của Thủ đô, sau đó tô màu cho thiên nhiên đất nước mà nổi bật là thiên nhiên  đất nước mùa thu. Mùa thu có ý nghĩa rất lớn với con người Việt Nam. Nó vừa là vẻ đẹp của đất trời vừa là niềm vui của lòng người. Cả đất trời núi rừng bao la tươi đẹp như xôn xao hòa điệu trong niềm vui của con người. Gương mặt đất nước đổi thay. Tâm thế con người đổi thay. Đất nước là những gì hiện hữu quanh ta hằng ngày nay bỗng hiện ra trong một cảm nhận đầy sự khám phá: 
 
“Trời xanh đây là của chúng ta 
Núi rừng đây là của chúng ta 
Những cánh đồng thơm mát 
Những ngả đường bát ngát 
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
 
Hình hài đất nước hiện ra qua “trời xanh”, “núi rừng”, “cánh đồng”, “ngả đường”, “dòng sông”. Nếu như bài thơ là một bản anh hùng ca ca ngợi đất nước thì đoạn thơ này tập trung ca ngợi một phương diện của đất nước, đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của hình hài đất nước. Vẻ đẹp này kết hợp với vẻ đẹp chiều sâu của lịch sử đấu tranh, của truyền thống khiến đất nước hiện lên vừa cụ thể hữu hình vừa lung linh, sâu sắc. Đất nước vừa có chiều cao, vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu. Nhìn một cách tổng quát, bức tranh thiên nhiên, hình hài đất nước  được nhà thơ khéo léo tạo nên bởi không gian ba chiều: chiều cao của trời xanh, chiều rộng của những cánh đồng, những ngả  đường, những dòng sông và chiều sâu rất có hồn của “những cánh đồng thơm mát”, “những ngả đường bát ngát”, “những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Nhờ sự phối hợp của không gian ba chiều mà hình tượng đất nước hiện ra vừa cụ thể sinh động vừa hoành tráng. Khổ thơ sử dụng triệt để nghệ thuật điệp kết hợp với nghệ thuật liệt kê. Đặc biệt phép điệp được triển khai đa dạng: điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu, điệp theo mạch ngang, điệp theo trục dọc gợi ra ấn tượng về một đất nước trùng điệp.
 
Hai câu thơ: “Trời xanh đây là của chúng ta / Núi rừng đây là của chúng ta” đem đến cho người đọc ấn tượng về một đất nước vững bền nhờ biện pháp điệp kết cấu và nghệ thuật điệp ngữ “của chúng ta” nâng lên trạng thái đỉnh đạc, đường hoàng như một khúc ca đầy tự hào về đất nước, nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân đất nước mình, nhấn mạnh một đất nước có chủ quyền. Sự khẳng định này là rất cần thiết và có ý nghĩa vì ngay sau khi ta tuyên bố độc lập thì Pháp trở lại, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hai câu thơ thêm một lần củng cố niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
 
Bài thơ là hình tượng đất nước sau Cách mạng tháng Tám, là sự vươn mình “đứng dậy sáng lòa” trong kháng chiến 9 năm. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng ngợi ca đất nước trong một thời đại anh hùng, một dân tộc anh hùng nhưng có sự kết hợp nhuần nhuyễn với cảm hứng lịch sử. Đất nước của thời hiện đại nối mạch với đất nước anh hùng bất khuất của cha ông trong quá khứ: 
 
“Nước chúng ta 
Nước những người chưa bao giờ khuất  
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất 
Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
 
Đất nước được cảm nhận trong chiều dài thời gian của lịch sử. “Nước chúng ta nước của những người chưa bao giờ khuất” là một sự thật hiển nhiên. Ý thơ sáng như một chân lí. “Nước chúng ta” đầy ý nghĩa khái quát mở ra cho người đọc một sự liên tưởng, một sự ngẫm nghĩ về một đất nước của hiện tại và đất nước của truyền thống. Lời thơ có độ ngân của âm thanh, sức vang của ngàn xưa, của bài ca dựng nước và giữ nước. 
 
“Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất 
Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
 
Đó là sức sống của truyền thống, mạch sống ấy vẫn ngầm chảy trong cõi đất này. Đó cũng là mạch ngầm của hơi thở đất đai, hơi thở con người.
 
Đất nước hiện hình từ những con người cụ thể. Linh hồn đất nước là con người. Thoạt đầu là “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, rồi “những người chưa bao giờ khuất” đến những chiến sĩ đêm ngày “hành quân nung nấu”, khái quát hơn là “những người áo vải / Đã đứng lên thành những anh hùng”. Những con người bình dị của non nước này xung trận với sức mạnh bất khuất từ ngàn xưa của cha ông, chính họ tạo nên dáng hình đẹp đẽ, rực rỡ của đất nước.
 
Cuối cùng, hình tượng những con người quy tụ, hòa vào hình ảnh tổng quát của một khối người: “Người lên như nước vỡ bờ”. Đó là hình tượng tổng thể của một đất nước anh hùng.
 
Gương mặt đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi được tỏa sáng bằng vẻ đẹp thời đại. Đó là một đất nước hiện đại của thế kỉ XX, một đất nước từ đau thương chiến đấu đến chói sáng chiến thắng huy hoàng.
 
Đất nước hiền hòa, hùng vĩ, tươi đẹp với dáng núi, dáng sông, với cánh đồng, trời xanh. Nhưng với Nguyễn Đình Thi, đất nước còn đẹp hơn, rạng rỡ hơn trong gian lao vất vả, trong nhọc nhằn đau thương. Ông đã từng bộc bạch một cách chân thành, xúc động về một đất nước như vậy:  
 
“Anh yêu em như anh yêu đất nước 
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”
 
Không né tránh những đau thương, Nguyễn Đình Thi cho ta thấy cái giá của sự hi sinh đã làm nên đất nước, làm sáng lên phẩm chất gương mặt đất nước trong thời đại máu lửa: 
 
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu  
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
 
Những vần thơ dầy đau thương và căm giận được chắt lọc từ chính hiện thực cuộc sống, chiến đấu mà có lần nhà thơ đã chứng kiến trên đường hành quân. Nỗi đau thương của đất nước được bộc lộ qua những từ “chảy máu”, “đâm nát”. Hình ảnh thơ vừa tượng trưng, vừa khái quát. Đường nét, màu sắc của bức tranh có sự tương phản gay gắt: trong ánh chiều bầm tím, những cánh đồng “vành đai trắng” rực đỏ lên như máu. Cũng trong ánh chiều đó, đen sẫm lại là hình ảnh dây thép gai tua tủa như “đâm nát trời chiều” và cứa vào hồn người một nỗi nhói buốt. Đất nước như một cơ thể sống đang phải hứng chịu những vết thương do bom đạn kẻ thù gây nên. Trên cái nền của đất nước  đau thương  ấy bỗng vụt sáng long lanh trong tâm tưởng người chiến sĩ hình ảnh đôi mắt người yêu như ngôi sao xanh, một niềm hi vọng và cháy sáng khát vọng, soi tỏ bầu trời đêm: 
 
“Những đêm dài hành quân nung nấu 
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
 
Tình yêu và tình đất nước, những tình cảm riêng và tình cảm chung hòa nhập trong tâm hồn người chiến sĩ. Tình cảm này cũng được thể hiện trong nhiều bài thơ khác của Nguyễn  Đình Thi (Nhớ,  Đóa hoa nghệ, Chia tay trong đêm Hà Nội…). Chính sự hòa nhập ấy đã làm cho đất nước vừa vĩ đại như những thiên anh hùng ca vừa nhân văn như những bản tình ca.
 
Đất nước từ đau thương đã lớn lên, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh: 
 
“Từ những năm đau thương chiến đấu  
Đã ngời lên nét mặt quê hương 
Từ gốc lúa bờ tre hiền hậu  
Đã bật lên những tiếng căm hờn”
 
Những câu thơ mang sức khái quát lớn về đất nước trong những ngày tháng quật khởi, những ngày tháng cải cách ruộng đất đáng ghi nhớ. Những chữ “ngời lên”, “bật lên” gợi ra sức mạnh quật cường của dân tộc, tỏa sáng gương mặt quê hương trong đấu tranh cách mạng.
 
Một đất nước anh hùng bất khuất trong sức sống bất diệt hiện ra với hình ảnh vừa cụ thể vừa đầy tính khái quát: 
 
“Xiềng xích chúng bay không khóa được 
Trời đầy chim và đất đầy hoa 
Súng đạn chúng bay không bắn được  
Lòng dân ta yêu nước, thương nhà”
 
Đất nước hiện ra trong tầm vóc của những con người kháng chiến với “những đêm dài hành quân nung nấu”, rồi những hình ảnh đầy chất suy tư: “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới”, đặc biệt là một biểu tượng mới của đất nước thời đại Hồ Chí Minh, đó là biểu tượng của công – nông – binh, chủ lực của cuộc kháng chiến chống Pháp:  
 
“Khói nhà máy cuộn trong sương núi 
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng 
Ôm đất nước những người áo vải  
Đã đứng lên thành những anh hùng”
 
Tất cả những hình ảnh trên, từ con người, ý chí, sức mạnh… kết lại thành một tượng đài đất nước: 
 
“Súng nổ rung trời giận dữ 
Người lên như nước vỡ bờ 
Nước Việt Nam từ máu lửa 
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
 
Đây là đỉnh cao của cảm xúc, suy tư về  đất nước. Bức chân dung đất nước vừa cụ thể vừa âm vang chiến trận vừa vươn tới hình tượng sử thi hoành tráng giàu sức khái quát. Khổ thơ là một khám phá về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nước Việt Nam từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương của lửa máu, bật dậy mạnh mẽ làm nên thiên thần thoại lịch sử chói áng huy hoàng. Đó là chân dung của một nước Việt Nam mới chói ngời trên cái nền của lửa máu bùn lầy và khói đạn. Một đất nước sừng sững kiêu hãnh giữa thế kỉ XX trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
 
Hơn nửa thế kỉ đã đi qua, kháng chiến chống Pháp gian khổ đã lùi vào quá khứ. Nhưng những gì đẹp đẽ của một thời vẫn còn được giữ lại trong những áng thơ ca chân chính. Nguyễn Đình Thi là đại biểu của một thời đại anh hùng đã nói lên tình yêu đất nước bằng những hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát. Bài thơ có sự hòa trộn giữa chất nhạc và chất thơ, giữa suy tư và xúc cảm tạo nên một bài ca hào hùng về đất nước. Bài thơ trường tồn cùng thời gian và trường tồn cùng đất nước. 

0