Thông tin

Mã trường YHB

Số điện thoại +84 4 38523798

Email daihocyhn@hmu.edu.vn

Website http://www.hmu.edu.vn

Địa chỉ Số 1 Tôn Thất Tùng, Q. Đống Đa, Hà Nội

Đại Học Y Hà Nội

Một trăm năm trường Đại học Y Hà Nội kể từ năm đầu thành lập trong thời kỳ thuộc Pháp đến ngày nước nhà được độc lập, rồi kế tiếp trải qua hai cuộc kháng chiến giữ nước khốc liệt cho đến ngày hôm nay chắc chắn có rất nhiều sự kiện. Để sưu tập tư liệu và viết nên một cuốn sách lịch sử quả là một công việc hết sức khó khăn.

 

Lịch sử trường trong thời kỳ đất nước thống nhất có thể chia làm hai giai đoạn: trước và sau khi có Nghị quyết Đại hội VI (1986).

- Từ 1975 đến 1986 (trước khi có Nghị quyết Đậi hội VI. Đây là giai đoạn nhân dân nô nức vui mừng vì đất nước sạch bóng quân thù, hy vọng sẽ tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội với ấm no, hạnh phúc.

Tên nước, tên Đảng, rồi tên Đoàn thanh niên và Đội thiếu nhi cũng được thay đổi để nói lên quyết tâm xây dựng nhanh một nước Việt Nam phồn vinh, ấm no, hạnh phúc. Khầu hiệu bao trùm khi đó là “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Quyết tâm trên đã được thể chế hoá trong bản Hiến pháp hồi đó.

Nhưng đây cũng là giai đoạn đất nước có rất nhiều khó khăn do cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp không còn thích hợp, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực tới trường đại học Y Hà Nội.

- Từ 1986 trở đi (sau khi có Nghị quyết Đại hội VI): thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, các mặt dần dần có sự tăng trưởng và phát triển; nhờ vậy đã có tác động rất tích cực đối với trường đại học Y Hà Nội.

 

 

Tuy nhiên, dù giai đoạn mới đã mở ra, nhưng quán tính của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn tồn tại một số năm nữa: phải đến năm 1990 trở đi các tác dụng tích cực mới thật sự phát huy. Bởi vậy giai đoạn này có thể chia thành hai giai đoạn nhỏ: 
a) Từ 1986 đến 1990: Phục hồi 
b) Từ 1990 đến nay: Khởi sắc và phát triển

 

Giai đoạn phục hồi vẫn là thời kỳ khó khăn do quán tính của thời kỳ quan liêu bao cấp để lại nên không khác nhiều so với thời kỳ 1975-1986 do vậy chúng tôi tạm chia thời kỳ 1975-2002 thành hai giai đoạn: giai đoạn khó khăn 1975-1990 và giai đoạn khởi sắc 1990-2002.

Giai đoạn Từ 1975 đến 1990.

Sau chiến thắng vĩ đại 1975, đất nước thống nhất, nhưng hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề, thì tiếp đó lại thêm 2 cuộc chiến tranh biên giới (phía Tây Nam và phía Bắc) khiến ta phải huy động nhiều sức người sức của, cộng với những trì trệ về kinh tế cùng với những thiệt hại do những sai lầm trong chính sách “ giá - lương - tiền”... nên đất nước vẫn còn nghèo nàn, khó khăn, do vậy kinh phí hoạt động của trường rất eo hẹp, đời sống thầy cô và sinh viên rất gieo neo. Xuất hiện làn người di tản với hy vọng tìm được cuộc sống no đủ hơn.

Năm 1986, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đề ra các nghị quyết về công tác đổi mới nhưng phải một thời gian sau Nghị Quyết của Đại Hội Đảng VI mới thật sự đi vào cuộc sống. Do vậy, giai đoạn 1975-1986 vẫn là giai đoạn rất khó khăn của trường. Tham khảo về sự mất giá đồng tiền trong giai đoạn khủng hoảng: Thiếu gạo trầm trọng, khiến giá gạo ở thị trường tự do lên rất cao; do vậy nếu tính quy đổi tiền mặt từ tem phiếu, thì lương của y công cao hơn lương bác sĩ không công tác trong ngành ngoại sản và độc hại: y công được hưởng 21 kg gạo, còn bác sĩ chỉ được 13,5 kg.

Quy định ngày 3-5-1985 hiến máu được bồi dưỡng 500 đồng/100ml, trong khi đó lương phó giáo sư 463 hoặc 505 đồng, đến 15-9-1990 quy định lại về giá máu truyền: đã là 15.000đ (gấp 30 lần) và ngày 12-2-1991 tăng thành 32.000đ ( 64 lần) mà vẫn khó tìm ra người cho máu. Cán bộ trường đại học Y Hà nội đành vi phạm lệnh của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội (số 113/QĐ-UB, ngày 02-3-1970) nghiêm cấm nuôi lợn trong nội thành.

 

 

Trong tình cảnh khó khăn như vậy, trường đại học Y Hà Nội với kinh phí hạn hẹp vẫn hoàn thành nhiều việc to lớn và có ý nghĩa. Có lẽ không ai có thể đánh giá công sức của thầy trò nhà trường cùng với các trường đại học khác đóng góp vào sự nghiệp y tế và giáo dục để đất nước Việt Nam lẽ ra xếp gần cuối bảng (dựa trên chỉ số thu nhập đầu người) lại vươn lên tới vài chục bậc (dựa trên chỉ số phát triển con người ), nhờ vậy giảm đáng kể sự yếu kém của nước ta trước con mắt quốc tế.

 

Năm 1978, GS. Nguyễn Trinh Cơ mời đồng chí Đỗ Mười, hồi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tới thăm Trường. Đồng chí Đỗ Mười chính là người giới thiệu GS. Nguyễn Trinh Cơ ra nhập Đảng năm 1946 tại mặt trận Nam Định. Thông cảm vơớinhưũng khó khăn về chỗ ở của cán bộ công nhân viên nhà trường. Đồng chí đã quyết định cho Trường một khu nhà lắp ghép 5 tầng và giao cho Bộ xây dựng thực hiện ngay. Sau một năm, các khu nhà B1, B2, B3 đã được hoàn thành. Ngày 2 tháng 9 năm 1979, gần 200 hộ gia đình CBCNV của nhà trường phấn khởi đón nhanạ những căn nhà mới.

Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là chính phủ chính thức công nhận trường đại học y Hà Nội là trường trọng điểm quốc gia.Trong quyết định về việc tổ chức lại một bước công tác đào tạo của ngành Đại học số 110/HĐBT ngày 8 tháng 4 năm 1985 do Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Võ Nguyên Giáp ký, tại điều II, mục 1 và 1.5 đã quyết định Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội là trường trọng điểm cho cả nước của ngành y. Chúng ta có quyền tự hào vì Đảng và nhà nước đã đánh giá cao sự đóng góp của trường.

Có thể tóm tắt các công tác lớn của trường lúc đó như sau:

1- Phải đáp ứng yêu cầu rất cao về số lượng bác sĩ  ở cả hai miền. Địa chỉ của bác sĩ ra trường khi đó vẫn là tuyến huyện; thời điểm mới thống nhất đất nước, mỗi huyện miền Bắc có trung bình 2-4 bác sĩ, còn lại là y sỹ các chuyên khoa; còn ở miền Nam nhiều huyện chưa có bác sĩ nào. Thời điểm đó, số bác sĩ của Việt Nam vẫn chủ yếu do trường Y Hà Nội đào tạo. Cơ chế thị trường chưa xác lập, do vậy Nhà Nước vẫn bao cấp cho từ khi vào đại học cho đến khi phân công công tác cho bác sĩ mới ra trường.

2- Phải vực dậy hai trường Y ở miền Nam mới giải phóng.  Không thể đơn độc làm nhiệm vụ đào tạo như trên, trường Y Hà nội đã có những đóng góp chủ yếu để hai trường Y miền Nam (Huế và Sài Gòn) có thể hoạt động trở lại, đồng thời vẫn phải tiếp tục hỗ trợ hai trường Y ở miền Bắc (Thái Bình, Bắc Thái), gồm: chi viện giảng dạy, tiếp tục san sẻ và đào tạo cán bộ, hỗ trợ sách giáo khoa... Ngoài ra, còn bắt tay xây dựng Trường Y Hải Phòng (lúc đầu, trường Y Hải Phòng được gọi là “phân hiệu”, thuộc trường Y Hà Nội).

3- Phải thực hiện vai trò trường trọng điểm:

 

Cũng trong giai đoạn này, Trường bắt đầu có những cố gắng trong mở rộng đối ngoại do chính sách mở cửa mang lại.

Nghiên cứu. Thầy cô toàn trường, trong hoàn cảnh ngặt nghèo về cuộc sống và về kinh phí, vẫn cố gắng nghiên cứu khoa học mặc dù đề tài còn hạn hẹp và chưa có điều kiện đi sâu. Kết quả nghiên cứu ngoài những ứng dụng thực tiễn và báo cáo ở các hội nghị, còn giúp cho nhiều thầy cô đạt được các chức danh khoa học. Gần tám chục luận án phó tiến sĩ được bảo vệ. Trong quá trình phát triển, hàng chục đơn vị chuyên môn được thành lập. Thầy cô của trường vẫn tiếp tục được bổ nhiệm vào các chức vụ khoa học và quản lý ở các viện, bệnh viện (dù không thuộc trường).

Nhờ nghiên cứu, trong 15 năm đó trường có thêm 60 giáo sư bậc I và bậc II (nay là phó giáo sư và giáo sư). Đồng thời cũng vắng bóng nhiều thầy có công lao lớn: thầy Di, thầy Tùng, thầy Nguyên, thầy Tước, thầy Hợp, thầy Hoè là những GS đầu tiên của trường; rồi tiếp đó là các thầy Cơ, thầy Doãn, thầy Thái....

Nhờ đổi mới cách nhìn, trường ta đã kỷ niệm 80 năm thành lập. Điều này tạo tiền lệ để trường kỷ niệm 90 năm thành lập. Thời kỳ 1902 - 1945 được thừa nhận là thời kỳ trường này có những đóng góp nhất định cho đất nước.

 

 

a) Trường Y Hà Nội hai lần cải cách giáo dục: lần 1, để chương trình phù hợp với mục tiêu mới (bác sĩ về huyện, thay vì bác sĩ cho chiến trường và cho quân đội, như trước đó). Mục tiêu này chung cho cả các trường y khác: đó là bác sĩ đa khoa, để trên cơ sở này sẽ đào tạo tiếp chuyên khoa (sau đại học); lần 2, khi tuyến huyện đủ bác sĩ, trường đào tạo bác sĩ đa khoa định hướng cộng đồng, với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. 
b) Nhiệm vụ đào tạo sau đại học phải trở thành nhiệm vụ chính, quan trọng như (hoặc hơn) đào tạo đại học. Sau 15 năm nỗ lực thí điểm đào tạo sau đại học, khi sắp bước sang thập kỷ 90 trường đã đủ khả năng mở rộng mọi loại hình. Đã tổ chức đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I tại một số địa phương. Ngoài ra, nhờ chủ trương đưa bằng cấp vào các tiêu chuẩn chức danh, việc đào tạo SĐH phát triển mạnh từ 1990 - 1992, kể cả đào tạo NCS. Hội nghị tổng kết ba năm đào tạo SĐH (1989 - 1992) đã quyết định tìm biện pháp làm “liên thông” giữa các bằng cấp nội ngành với bằng cấp quốc gia.

 

Người đề xuất và đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm thành lập trường là giáo sư Nguyễn Năng An, khi đó đang là phó hiệu trưởng, làm việc dưới quyền của giáo sư hiệu trưởng Nguyễn Trinh Cơ. Chúng ta cũng giữ lại được Viện Giải phẫu lịch sử, lẽ ra đã bị mất. Và cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên Bộ Y tế dựa vào kết quả bầu hiệu trưởng để ra Quyết định bổ nhiệm.

 

MỤC TIÊU, CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 1975 – 1990.

Tóm tắt giai đoạn đào tạo bác sĩ trước 1975

Từ thập kỷ 60, trường bắt đầu đào tạo bác sĩ đa khoa cho tuyến huyện, với những mục tiêu sau này bị nhận xét là quá cao (có tính chất là những “kỳ vọng” hơn là mục tiêu). Thực ra, nếu một huyện chưa có bác sĩ nào, thì bác sĩ đầu tiên về đó phải là đa khoa, phải giải quyết rất nhiều vấn đề thuộc các chuyên khoa khác nhau.. Ngoài đa khoa ra, vẫn phải đào tạo một tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa sơ bộ (tức là chuyên khoa trong đại học) cho tuyến tỉnh và tuyến trung ương - vì sự phát triển tự nhiên của các tuyến này.

 

 

Tuy nhiên, số bác sĩ về huyện không nhiều như dự định - vì chiến tranh đã xảy ra. Riêng số bác sĩ đi chiến trường miền Nam và vào quân đội đã tới trên 2000. Ngoài ra số chuyên khoa sơ bộ bổ sung cho tuyến trung ương và tỉnh theo thống kê sơ bộ cũng khoảng gần 1000; trong đó, riêng số bác sĩ được giữ lại trường Y Hà Nội từ 1965 đến 1975 không dưới 200 (trong đó có khoảng 2/3 trụ lại được, số còn lại, vì nhiều lý do, đã xin đi khỏi trường: đa số lại trở về đa khoa). 
Ngày nay, bác sĩ chuyên khoa được đào tạo sau khi tốt nghiệp đa khoa, nhờ vậy sẽ có nền tảng vững chắc. Nhưng cách đây 30-40 năm vấn đề không đơn giản như vậy. Số bác sĩ còn rất thiếu so với nhu cầu, y sĩ trung cấp vẫn phụ trách cả một buồng bệnh, thậm chí là trưởng khoa, thì không thể dành ra 2 năm sau khi tốt nghiệp để đào tạo chuyên khoa. Vậy, chỉ có thể chuyên khoa trong đại học. Cũng hồi đó, có sự giằng co giữa tỷ lệ đa khoa và chuyên khoa và nếu tỷ lệ này quá xa thực tế thì sẽ gây lãng phí, vì phải đào tạo lại mới làm được việc. Nói chung, bác sĩ về huyện phải là đa khoa nếu như mỗi huyện chưa có, hay mới có 1-2 bác sĩ; còn ở tuyến trên (tỉnh, trung ương) thường phải là chuyên khoa.

 

Năm 1966, tuyến tỉnh mới gần đủ bác sĩ, nhưng đã bắt đầu có bác sĩ về huyện, do vậy khóa sinh viên vào trường năm 1966 (ra trường năm 1972) chỉ có 2,6% chuyên khoa, còn lại là đa khoa. Khoá này có một tỷ lệ cao về huyện và đi B, do vậy đa khoa là thích hợp. Nhưng do nhiều yếu tố tác động vào, tỷ lệ chuyên khoa cứ tăng nhanh, cho đến khoá vào trường 1971 (ra trường 1977), tỷ lệ chuyên khoa đã là 66,6%, tức 2/3.

 

 

Một bác sĩ chuyên khoa sản đi B, hoặc một bác sĩ chuyên khoa thần kinh về huyện hẳn là sẽ ít phù hợp trong tình hình và đặc điểm bệnh tật của thập kỷ 60, do vậy gây những lãng phí nhất định. Nhưng điều đó thực tế đã xảy ra thông qua phiếu điều tra. Nguyên nhân làm cho tỷ lệ chuyên khoa cứ tăng cao hàng năm, trái với chủ trương ban đầu, là: 
1) do các cơ sở y tế ở tỉnh và trung ương yêu cầu (trực tiếp lên bộ Y tế), làm cơ sở cho Vụ Kế Hoạch áp đặt cho trường; 
2) tâm lý không thích đa khoa, mà thích chuyên khoa hơn (có cả hy vọng được làm việc ở các tuyến cao, hơn là về huyện), do vậy người học dùng các mối quan hệ để đạt được mong muốn.

 

Vụ Kế hoạch của Bộ Y tế hàng năm giao cho trường những tỷ lệ đa khoa và chuyên khoa rất ít phù hợp với thực tiễn, vì số bác sĩ ra trường theo tỷ lệ này phải làm trái chuyên khoa (theo điều tra) lên tới trên 50%.

 

 

Ví dụ, năm 1968 trường được giao đào tạo 10 bác sĩ chuyên khoa Sinh Lý Bệnh cho các trường dịa phương và cho miền nam, cuối cùng chỉ có 3 người được làm đúng chuyên khoa. Điều này cũng có những nguyên nhân: 1) rất nhiều “chỉ tiêu theo kế hoạch” do cấp trên áp đặt cho cơ sở là không có cơ sở, nặng về cảm tính (đó là tình hình chung của thời kỳ bao cấp, hành chính); sự lãng phí không được rút kinh nghiệm để sửa đổi kịp thời. 2) chiến tranh diễn ra khiến các dự định bị thay đổi, đảo lộn.

 

Từ năm 1975: Giai đoạn trung gian

Năm học 1974-1975, qua điều tra bằng phiếu, đồng thời xem xét các số liệu có sẵn, trường muốn điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới.

Tình hình khi đó là hàng ngàn bác sĩ đi B trở về bổ sung cho màng lưới y tế ở tỉnh và huyện; rất nhiều người ở lại miền Nam nhờ vậy màng lưới y tế ở đó không đến nỗi quá mỏng manh như trước 1975. Một lượng lớn bác sĩ từ quân đội phục viên trở về dân y, phân bố cho y tế cả miền Bắc lẫn miền Nam. Các trường Y Thái Nguyên và Thái Bình đã có một số sản phẩm phục vụ xã hội. Do vậy nhu cầu bác sĩ đa khoa tuy vẫn còn, nhưng không còn gay gắt như trước. Đã có thể tăng tỷ lệ chuyên khoa, nhưng vấn đề đặt ra là chuyên khoa trong đại học hay sau đại học?.

Điều thống nhất qua các hội nghị về đào tạo của trường là về lâu dài, phải đào tạo bác sỹ chuyên khoa trên cơ sở đã tốt nghiệp đa khoa, và đó chính là chuyên khoa cấp I một hình thức đào tạo sau đại học. Thời điểm thích hợp là lúc tuyến huyện và tuyến tương đương ở cả hai miền đã tạm đủ bác sĩ.

Lúc này trong giai đoạn trước mắt được coi là giai đoạn trung gian, trường chủ trương đào tạo loại bác sĩ gọi là chuyên khoa diện rộng, hoặc gọi là đa khoa diện hẹp, nhưng vẫn là đào tạo trong đại học. Đối tượng này gồm 2 loại: Nội-Nhi-Lây và Ngoại-Sản. Điều này được coi là sáng kiến, vừa không mất nhiều thời gian đào tạo, vừa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Sáng kiến được phản ánh đầy đủ ở báo cáo Cải cách giáo dục 1977-1978 và sau đó còn đăng ở Tập san Đại học & Trung học Chuyên nghiệp (số 2.1981).

 

 

Tuy nhiên, chưa ai đánh giá sự đáp ứng thực tiễn của sản phẩm đào tạo ra, cụ thể là không thể tìm được văn bản chính thức đánh giá tác dụng của số bác sĩ “đa khoa diện hẹp” hay “chuyên khoa diện rộng” này. Qua một phần tư thế kỷ, trường vẫn không rõ các bác sĩ trên phát huy tác dụng ra sao và chuyên khoa cuối cùng của họ là gì, mặc dù đến nay họ vẫn đang làm việc. Dẫu sao, chuyên khoa “diện rộng” đến nay vẫn phát huy tác dụng ở vùng sâu hay miền núi - nơi còn thiếu bác sĩ nói chung và bác sỹ chuyên khoa nói riêng.

 

Khó khăn về nơi thực tập, điều kiện ăn ở của sinh viên tăng lên trường phải tìm cách khắc phục. Từ 14-10-1977, hàng năm trường gửi 70 sinh viên Y4 về đào tạo tiếp ở Hải Phòng cho đến hết Y6. Đó là những sinh viên quê ở vùng quanh Hải Phòng, khi tốt nghiệp sẽ phân phối công tác tại các địa phương đó. Bằng cách này, trường tận dụng được cơ sở thực tập, ăn ở và từng bước xây dựng một trường đại học y khoa ở đây.

 

 

Nhiều người còn nhớ rằng, dự kiến thành lập Trường Đại học Y Hải Phòng có từ những năm cuối của thập kỷ 60 với hiệu trưởng dự kiến là BS. Nguyễn Trinh Cơ; nhưng đến năm đó vẫn bất thành - một trong các lý do là trường này quá gần trường Thái Bình.

 

Tiếp đó, với vai trò trường trọng điểm, trường đại học Y Hà Nội đã đề xuất sự thống nhất chương trình đào tạo bác sĩ trong cả nước: gồm một thân chung (phần cứng) và phần mềm phù hợp với tình hình sức khoẻ và bệnh tật mỗi vùng. Đáng chú ý là chương trình đào tạo bác sĩ ở miền Nam hầu như rập theo chương trình nước ngoài.

 

 

Để thống nhất chương trình y khoa trong cả nước, từ 10 đến 16.6.1980, trường ta (đoàn bác sĩ Trương Văn Hợi) và trường thành phố Hồ Chí Minh (đoàn giáo sư Phạm Biểu Tâm) đã bàn chi tiết chương trình và đi đến 4 kết luận:
1) sau 5 năm, khi đã tạm đủ bác sĩ cho huyện thì chuyển hẳn sang đào tạo bác sĩ đa khoa, lấy đó làm cơ sở đào tạo tiếp chuyên khoa; 
2) Trước mắt, tỷ lệ hai loại bác sĩ giữ tương đương, nhưng bác sĩ chuyên khoa sơ bộ sẽ giảm dần, thay bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I; 
3) Kê ra các môn bắt buộc, với số giờ tối đa, tối thiểu để mỗi trường tùy chọn. Đi bệnh viện từ Y2 để tăng cường khả năng thực hành; không học Đông Y quá sớm, khi chưa có hiểu biết nhất định về y học hiện đại; 
4) Tổng số giờ giao dộng trong khoảng 5.835 - 6.875 cho 6 năm, trong đó thực hành labô và bệnh viện là 64%. 
Có thể thấy rằng, ngoài một số thay đổi theo chiều hướng tích cực, thì về cấu trúc chung, đây vẫn là chương trình in đậm dấu ấn thời chiến: các môn cơ sở bị cắt giảm giờ; số giờ chính trị rất cao, quân sự tới 13 tuần, lao động chân tay tới 3-4 tuần. Theo chương trình công bố tháng 8.1979 thì các môn học Chính trị, Ngoại ngữ, Thể dục chiếm 16% tổng số giờ học của 6 năm (bằng cả 1 năm học), trong khi giờ của tất cả các môn khoa học cơ bản chỉ chiếm 9%.

 

Cho đến hơn 10 năm sau (bước sắp vào thập kỷ 90), các nhà làm chương trình vẫn tính toán rằng tất cả số bác sĩ đào tạo ra sẽ được thu hút vào biên chế, tức là hành nghề trong hệ thống y tế công lập. Tính chủ quan, duy ý chí trong lập kế hoạch ngày càng rõ, do vậy tính bất khả thi ngày càng cao.

 

 

Thực tế cho thấy trong giai đoạn thập kỷ 80 và 90 kinh phí cho ngành Y tế và Giáo dục thuộc loại thấp nhất vì bị coi là 2 ngành “phi sản xuất”. Lương Y tế và Giáo dục cũng thuộc loại thấp nhất nhưng cũng đã chiếm tới 60 hay 70% tổng linh phí. Tương tự như vậy tại các cơ sở khám chữa bệnh, kinh phí chi cho trang thiết bị và thuốc men cũng rất nghèo nàn nên hết sức khó khăn trong điều trị người bệnh. Chưa bao giờ cả thầy thuốc và bệnh nhân khổ như lúc đó. Hiến pháp ghi rõ “chữa bệnh không mất tiền” càng làm cho ngành y tế lúng túng và bế tắc.

 

Thực hiện mục tiêu đào tạo bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Từ 1985-1986, tám trường Y trong cả nước hàng năm đã đào tạo đều đặn trên 1000-1500 bác sĩ, nhờ vậy tuyến huyện về cơ bản đã đủ bác sĩ. Nhưng cũng thời điểm này khó khăn của đất nước lên đến đỉnh điểm. Trường Y Hà Nội, nhận thức được cần có bác sĩ về tuyến cơ sở, nên đã đề xuất mục tiêu bác sĩ đa khoa thực hành, hướng về chăm sóc sức khỏe ban đầu, nơi làm việc của họ là tuyến cơ sở (tuyến phổ cập), và cố nhiên là trong biên chế (như chế độ bao cấp quy định hồi đó).

 

 

Thống kê tháng 1.1981 cho thấy: năm 1979 ta có 12.260 bác sĩ (ở cả hai miền), trong đó 2/3 do trường Hà Nội đào tạo, nhưng tuyến huyện mới chỉ nhận được 3030 bác sĩ. Tính ra huyện miền Bắc trung bình có 7,5 bác sĩ, còn huyện miền Nam là 4,6. Đến 1985, số bác sĩ cả nước tăng lên gấp rưỡi (cụ thể là 18.875 người), số về huyện tăng rất đáng kể. Như vậy, về cơ bản, có thể chuyển sang đào tạo 100% bác sỹ đa khoa cho tuyến cơ sở (tuyến phổ cập) và trên cơ sở này chọn ra một tỷ lệ đào tạo chuyên khoa sau đại học (tức Chuyên khoa cấp I: cho tỉnh, sau đó sẽ cho huyện). Do vậy, mục tiêu đào tạo phải thay đổi.

 

Giáo sư Hoàng Đình Cầu, tác giả đề án này, nêu rõ: bác sĩ đa khoa thực hành trường ta sắp đào tạo là bác sĩ gia đình, biết điều trị bệnh thông thường, biết áp dụng các biện pháp vệ sinh cho cộng đồng, biết vận động nhân dân, có khả năng cộng tác với đồng nghiệp và huấn luyện cấp dưới. Tóm lại, đây là bác sĩ công lập, có giác ngộ cao, có trình độ chuyên môn phù hợp, làm việc trong một tổ chức và toàn tâm toàn ý phục vụ cộng đồng.

Để thực hiện cải cách giáo dục, ngoài sự thay đổi mục tiêu, còn phải thay đổi chương trình, viết lại sách giáo khoa, cải cách sư phạm, cải tiến thi cử và nhiều việc khác cho phù hợp với mục tiêu, mà việc nào cũng đòi hỏi kinh phí cao và tiến hành đồng bộ; do vậy rất dễ thất bại nếu không đủ các nguồn lực. Nhưng nếu thực hiện được sẽ đưa lại hiệu quả cao gấp bội so với số kinh phí đã bỏ ra.

Trong chương trình cải cách lần này, các môn y học cơ sở được dồn nén vào 2,5 năm đầu (trước là 3 năm) để dôi ra một học kỳ dành các buổi sáng cho sinh viên đi bệnh viện sớm để tăng khả năng thực hành. Các môn y học xã hội được tăng cường, hi vọng sẽ trở thành một vế cân bằng với các môn y sinh học và sẽ có tác dụng giúp ích thiết thực cho bác sĩ làm việc ở cộng đồng Đáng chú ý là tiêu chuẩn về chính trị và đạo đức cách mạng lại khá cao, với tính toán là tất cả bác sĩ đào tạo ra sẽ là cán bộ nhà nước, có lập trường và quan điểm phục vụ, có tinh thần tập thể và khả năng hợp tác với đồng nghiệp, làm việc trong biên chế Nhà nước, ở tuyến cơ sở.

 

 

Trường có thể tự hào đã rất sớm đề ra mục tiêu đào tạo từ năm 1966 trong lúc ở Việt Nam chưa trường nào tiến hành. Do chưa hiểu thấu đáo về mục tiêu nên nhiều khi ta viết mục tiêu như là sự “kỳ vọng”, hoặc như những “yêu cầu” của nhà trường mà bác sĩ phải có, chứ không phải những kỹ năng nghề nghiệp mà nhà trường phải dạy kỳ được cho sinh viên, thể hiện ở nội dung chương trình và cách đánh giá. Điển hình nhất là khi viết mục tiêu về lập trường, đạo đức cách mạng.

 

Mở đầu cuộc cải cách với mục tiêu mới là các buổi khai giảng lớp sư phạm y học. Ví dụ, lớp 20-10-1986, kéo dài 10 ngày, giảng viên là các thầy Lê Nam Trà, Phạm Gia Khải, Đào Xuân Tích... Sau lớp này, còn những lớp “vét” để đảm bảo hầu hết các thầy cô trong trường được học.

 

 

Ngày 20, 21, 22 học về mục tiêu; 3 ngày sau dành cho các bài về phương pháp lượng giá. Theo hướng dẫn, sau khi đề ra mục tiêu, phải đề ra ngay cách lượng giá’ Khi dạy và học một mục tiêu nào đó, cả thầy và trò đều biết rõ mục tiêu đó sẽ được đánh giá kết quả dạy và học như thế nào và phải có ngay thang điểm cho mục tiêu đó. Đã là mục tiêu, nhất thiết phải được học, phải thi và phải có điểm thi. Do vậy khó nhất là đánh giá mục tiêu về lập trường, đạo đức. Bốn ngày sau dành cho phương pháp dạy và học bằng môđun.

 

Trong 4 ngày cuối, có một ngày (28-10-1986) dành riêng để giáo sư hiệu trưởng Hoàng Đình Cầu thuyết trình về mục tiêu của ngành Y tế đến năm 2000. Hồi đó, ai cũng thấy năm 2000 còn rất xa và các mục tiêu là hơi thấp đối với một nước đang tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội.

 

 

Đây là nội dung thầy Cầu kiên nhẫn trình bày trong mọi dịp, để những người dù ít liên quan cũng nên biết. Như vậy chỉ có lợi. Cụ thể, đến năm 2000, ngoài 8 điểm tuyên ngôn Alma Ata khuyến nghị (giáo dục sức khoẻ; cải thiện ăn uống; cung cấp nước sạch và thanh khiết môi trường; sinh đẻ kế hoạch và bảo vệ bà mẹ trẻ em; tiêm chủng mở rộng; khống chế các bệnh dịch lưu hành; khám và chữa bệnh thông thường; cung cấp thuốc thiết yếu), ngành Y tế ta còn đề thêm hai điểm: 1) Toàn dân có hồ sơ sức khoẻ, được theo dõi định kỳ; 2) Xây dựng y tế cơ sở rộng khắp và quản lý tốt nó. Bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, công tác ở cơ sở chính là lực lượng sẽ thực hiện 8 điểm đầu và 2 điểm cuối cùng này - với điều kiện phải có đủ biên chế thu nhận họ vì thu nhập chung của người dân ở cộng đồng chưa cho phép có hệ y tế dân lập.

 

Thời gian này, rất nhiều ý kiến trong ngành và ngoài ngành Y phát biểu trên báo chí và đài phát thanh về tỷ lệ bác sĩ quá thấp của nước ta - một nước xã hội chủ nghĩa - (so với các nước tư bản, thậm chí với các nước quanh vùng). Nhưng rất ít ai nghĩ rằng đào tạo bác sĩ chưa khó bằng kiếm ra kinh phí nuôi họ đủ sống để họ yên tâm làm việc trong hệ thống công lập. Quỹ lương trả cho bác sĩ thực chất là do dân đóng góp, nhưng kinh tế nước ta còn nghèo, nhất là những năm 80 dân ta đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, do vậy quỹ lương đã không kham nổi số bác sĩ đào tạo ra. Đã vậy, tư tưởng bao cấp vẫn rất nặng nề, sự hiểu biết về nền kinh tế thị trường vẫn phiến diện và nông cạn. Hồi đó, người ta không thể quan niệm bác sĩ nước ta một nước đã được đổi tên là nước xã hội chủ nghĩa lại có thể khám bệnh tư.

 

 

ở Sài Gòn, khi xét một bác sĩ vào Đảng hay đi nước ngoài, bao giờ cũng thẩm tra xem “có khám tư hay không”. Ngày 14-4-1984, bộ trưởng Đặng Hồi Xuân ký chỉ thị (số 48/YK/TC) gửi toàn ngành Y về việc cấm làm tư, cấm bỏ việc, không nhận sự phân công... (chỉ thị này căn cứ vào thông tư của Hội đồng bộ trưởng chủ trương không khám chữa tư, vì nó trái Hiến Pháp (chữa bệnh và đi học không mất tiền). Khám bệnh tư và dạy học tư bị đặt trong khái niệm bóc lột. Bộ trưởng đã vào tận Sài Gòn để chấn chỉnh tình hình. Còn ở trường Y Hà Nội, tới tận năm 1992 mà bài kiểm tra viết Chính Trị cho sinh viên Y6 (sắp ra trường) còn có câu hỏi ‘Bác sĩ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa khác bác sĩ dưới chế độ tư bản như thế nào. Thật khó trả lời; tuy nhiên, nếu bài nào đưa ý “không khám tư” vào, sẽ đúng đáp án.

 

Ngày 27 và 28-11-1986 tại Đại hội công nhân viên chức, tình hình đào tạo đại học được nhận định như sau: chất lượng thực hành và chất lượng chính trị đều giảm, các điều kiện vật chất phục vụ giảng dạy đều bất cập, nhất là kinh phí.

Báo cáo của bác sĩ Hoàng Hữu Đốc, phó hiệu trưởng phụ trách hậu cần, rất được chú ý. Riêng khoản lương, phụ cấp, học bổng đã chiếm 68% tổng kinh phí của trường. Cụ thể: lương, bảo hiểm, học bổng là 7.439.000 đồng, còn số tiền được cấp là 11.037.000 đồng. Đây là số tiền gấp đôi kinh phí năm 1985, nhưng vật giá ở thị trường lại tăng gấp 5 hay 10 lần (xem bảng dưới)

 

MẶT HÀNG MỨC TĂNG GIÁ SO VỚI NĂM TRƯỚC (số lần)
Hoá chất, thiết bị, máy Hàng trăm lần
Súc vật 15 lần
Giấy, phấn nội địa 8 lần
Xà phòng 6 lần
Bóng đèn 16-28 lần
Gỗ, đồ gỗ 20 lần
Xi măng 4 lần
Vôi 9 lần
Sắt thép xây dựnghàng trăm lần 35 lần

 

 

 

Trường thu được 10.000 U$D tiền tổ chức hội nghị quốc tế, Bộ Y tế trích lại 10%; số còn lại đổi sang tiền Việt (bằng cách mua hàng ở cửa hàng quốc tế Giảng Võ để bán cho được giá hời) được 1.349.000 đồng. Tính ra, 1 U$D giá trị bằng 150 đồng. Từ đó suy ra tổng kinh phí của trường tương đương 74.600 U$D, và lương phó giáo sư (505 đồng) tương đương 3,7 U$D. Thực ra, phó giáo sư còn được mua 13,5 kg gạo, 1 kg đường và 1,5 kg thịt theo giá tem phiếu; do vậy nếu kể cả hiện vật thì lương ông ta khoảng 10-12U$D chưa kể bao cấp về tiền nhà và tiền điện. 
Một năm sau, tại Hội nghị công nhân viên chức, tình hình kinh phí không cải thiện mà còn xấu đi. Được cấp 16.758.000 đồng, riêng chi cho lương, phụ cấp, công tác phí, y tế, bảo hiểm, học bổng, điện, nước, ... đã hết gần 90% kinh phí. Chi cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học chỉ có 1.861.000 đồng, chiếm 7% tổng kinh phí. Lương quá thấp, nên cần nhắc lại công sức rất lớn của ông Trần Văn Luận và nhất là ông Trương Xuân Ngọc đã bỏ ra khi phụ trách xưởng sản xuất thuốc Philatốp để đem lại cho trường số tiền phúc lợi rất lớn, bù đắp vào lương (và cả kinh phí chung). 
Tiến hành cải cách giáo dục trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy nhưng đa số vẫn rất nhiệt tình, hăng hái thực hiện không tiếc công sức.

 

Ngày 7-4-1987 trường có cuộc họp về chất lượng thực hành của sinh viên. Những người quan tâm nhất và có trách nhiệm thừa hành đã tới dự và góp ý. Cuộc họp đã đi đến thống nhất là không nên coi các giờ thực tập Giải Phẫu, Mô Học, Hoá Sinh, Sinh Lý, Sinh Lý Bệnh là “thực hành”, mà chỉ là để minh hoạ lý thuyết. Nhưng nếu sinh viên vận dụng tốt lý thuyết vào thực tiễn thì lại được coi là khả năng thực hành. Mặt khác, ở bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức không còn bệnh thông thường giống như bệnh lý ở tuyến cơ sở nữa. Phải xây dựng thực địa, nhưng lại không có kinh phí. Ngay súc vật thực tập cũng sẽ bị cắt giảm. Giáo sư hiệu trưởng chủ trương coi ký túc xá cũng là thực địa cộng đồng để thầy trò tham quan và cải tạo nó.

 

 

Ngày 05-9-1988 có cuộc họp về súc vật thực tập, mời bác sĩ phụ trách giáo vụ của các bộ môn cơ sở tới dự. Riêng chó, năm vừa qua (1987-1988) đã dùng hết 361 con (thành tiền 9.025.000 đồng); 213 thỏ (1.278.000 đồng); ếch 252 kg, gà 80 con (400.000 đồng); chuột nhắt 424 con (212.000 đồng)... Tổng cộng 11.001.000 đồng. Kinh phí được cấp không thể kham nổi, nếu năm học tới các bộ môn cứ dự trù như năm qua. Chính thời gian này bộ môn sinh lý bệnh có sáng kiến thay các bài thực tập phải dùng súc vật bằng các bài phân tích kết quả xét nghiệm (phân tích huyết đồ, niệu đồ, ion đồ...), tuy nhiên, tại hội nghị bàn về chất lượng thực hành này, phó giáo sư Dương Chạm Uyên đã phát biểu: không nên tốn thì giờ dạy sâu vào phân tích các xét nghiệm, vì về cộng đồng không thể có...

 

Ngày 21-10-1987, Hội nghị công nhân viên chức họp vào giai đoạn cuộc cải cách giáo dục đang được đẩy mạnh tới cao trào. Mọi người thấy năm học này đầy khó khăn, đời sống vẫn còn phải bươn chải, nhưng có thể hi vọng vào phúc lợi vì việc sản xuất Philatốp được chú ý đúng mức.

 

 

Giáo sư hiệu trưởng phát biểu: Hội nghị quốc tế ở Tokyo về đổi mới đào tạo y tế để chuẩn bị cán bộ cho thế kỷ 21; nó phù hợp với yêu cầu của chúng ta, nhưng phải có nỗ lực rất lớn mới thực hiện được. Cải cách giáo dục ở trường đã được đề ra từ 3 năm nay, đến lúc này phải tích cực đẩy nhanh tiến độ. Phải sớm áp dụng phương pháp sư phạm mới để tăng tính chủ động học tập của sinh viên. Phải có mục tiêu và kiên quyết thực hiện: bác sĩ ra trường sẽ làm việc ở tuyến phổ cập, miệng nói tay làm, phải quản lý sức khoẻ và chăm sóc ban đầu, chữa bệnh ngoại trú. Điểm dân cư 30.000 dân phải có một phòng khám đa khoa. Sinh viên cần có đủ tài liệu học tập và phải được phát từ trước. Mỗi sinh viên có chương trình của cả 6 năm học để tự lập lấy kế hoạch học tập của mình...

 

Cũng do quá eo hẹp về kinh phí, suốt quá trình đào tạo theo mục tiêu mới, hầu như không có cuốn sách giáo khoa nào được viết ra theo mục tiêu, nhất là những sách về y học xã hội. Hầu hết các thầy tuy đã được học phương pháp sư phạm mới, nhưng chủ nhiệm các bộ môn lại không học, hoặc chỉ học qua loa, không quan tâm, nên không đứng ra tổ chức áp dụng điều đã học. Mặt khác, không phải cứ từng bộ môn muốn áp dụng phương pháp sư phạm mới mà được, vì đây là việc phải làm dưới sự tổ chức, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của hiệu trưởng. Điều không được phép quên là phải có dủ kinh phí, ví dụ kinh phí để ngăn các giảng đường lớn chứa cả trăm người như hiện nay thành các giảng đường nhỏ để dạy theo phương pháp sư phạm mới...

Tới 1992, có 2 khóa bác sĩ ra trường theo mục tiêu này nhưng rất khó đánh giá chất lượng; thứ nhất, vì điều kiện tối thiểu để thực hiện mục tiêu cũng không đủ (ví dụ, không có thực địa cho họ học); thứ hai, vì họ không làm việc ở đúng địa chỉ mà ta mong muốn. Có hai nguyên nhân cụ thể: 1) đa số bác sĩ tân khoa không tìm được biên chế 2) nhiều người hoàn toàn không tự nguyện làm việc ở cơ sở, nhưng nguyên nhân chính là lương không đủ sống lại phải đi vùng xa. Số bác sĩ thất nghiệp có chiều hướng tăng. “Nguyên nhân của nguyên nhân” vẫn là ngân sách quá thấp, không đủ quỹ lương để thu nhận họ vào biên chế; nếu thu nhận được thì trả lương ở mức không thích hợp.

Người ta nhớ đến kinh nghiệm của thế giới mà UNESCO tổng kết: Cải cách giáo dục ở các nước nghèo hầu hết thất bại chủ yếu do duy ý chí và thiếu tiền (chứ không phải kế hoạch đặt ra có sai sót về chuyên môn, kỹ thuật) vì vậy chỉ làm được ở mức nửa vời, đưa đến lãng phí lớn cho các nước đó.

 

Bài liên quan

Đại Học Y Dược TPHCM

Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, thường gọi là Y khoa Đại học đường Sài Gòn, được thành lập năm 1947, như một phân hiệu của trường Y khoa Hà Nội. GS. C.Massias được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng phân hiệu này

Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng

Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng là trường công lập thuộc hệ thống giáo dục Việt Nam, có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực ngành Y – Dược ở trình độ đại học, sau đại học và các trình độ khác. Đảm bảo cho người học có môi trường học tập tốt, sau khi tốt nghiệp có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực ...

Đại Học Điều Dưỡng Nam Định

Sứ mệnh của trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã được xác định là phát triển công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học về đào tạo Điều dưỡng, Hộ sinh và nhóm ngành khoa học sức khoẻ theo hướng đào tạo nguồn nhân lực về Điều dưỡng, Hộ sinh có chất lượng cao để phục vụ công tác nâng cao chất ...

Đại Học Y Dược Cần Thơ

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đại Học Xây Dựng Miền Trung

Sứ mệnh của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng và một số lĩnh vực khác, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Đại Học Xây Dựng Hà Nội

"Sứ mạng của Trường Đại học Xây dựng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế."

Đại Học Công Nghiệp Việt Trì

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, các dịch vụ giáo dục và sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại Học Võ Trường Toản

Sứ mệnh hoạt động của Trường Đại học Võ Trường Toản là đưa vào ứng dụng thành công mẫu hình trường Đại học hiện đại, mang tầm vóc quốc tế về quy mô và chất lượng với nền tảng đầu tiên là đạo đức, hướng tới mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có được vốn tri thức vững vàng ứng dụng thành công vào ...

Trường Sĩ Quan Kĩ Thuật Quân Sự - Hệ Quân sự - Đại Học Trần Đại Nghĩa

Trường được thành lập ngày 27/5/1978 theo Quyết định số 51/QĐ-QP ngày 27/05/1978 của BQP, với tên gọi đầu tiên là "Trường Hạ sĩ quan kỹ thuật", có thêm nhiệm vụ: Đào tạo hạ sĩ quan kỹ thuật hệ I, với 11 chuyên ngành.

Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Vĩnh Long

Mã tuyển sinh: VLU Tên tiếng Anh: Vinh Long College Of Technology Education Cơ quan chủ quản: Bộ Lao động, Thương binh Xã hội Địa chỉ: 73 Nguyễn Huệ, P.2, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long Website: www.vlute.edu.vn Mã trường: VLU 1.1.   Đối tượng tuyển sinh: Thí sinh tốt nghiệp trung học thổ thông ...

Mới nhất

THPT Đinh Tiên Hoàng

THPT Đinh Tiên Hoàng đang không ngừng nỗ lực phát triển trở thành một ngôi trường với chất lượng giảng dạy tốt nhất, tạo ra những thế hệ học sinh chất lượng

THPT Thực nghiệm

Trường THPT Thực Nghiệm trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Trường là cơ sở giáo dục đào tạo công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông của thành phố Hà Nội. Trường dạy học theo chương trình giáo dục Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp ...

THPT Đông Kinh

Khẩu hiệu hành động: “ Hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ học sinh để giảng giải giáo dục và xử lý công việc ” “ Tất cả vì học sinh thân yêu ”

THPT Hà Nội Academy

Những rào cản còn tồn tại kể trên sẽ được vượt qua bởi những công dân toàn cầu tích cực với nhiệm vụ chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu bao gồm, nhưng không giới hạn ở nhân quyền, đói nghèo và công bằng xã hội. Nhận ...

http://thptkimlien-hanoi.edu.vn/

Qua 40 năm nỗ lực phấn đấu trong các hoạt động giáo dục, vượt khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường THPT Kim Liên đã tạo dựn được uy tín vững chắc, là 1 trong 5 trường THPT hàng đầu của Thủ đô có chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng nâng cao và trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc ...

THPT Tô Hiến Thành

Trường THPT Tô Hiến Thành được thành lập từ năm học 1995-1996, theo quyết định của Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 6/2010, trường chuyển đổi loại hình sang công lập. Suốt 20 năm phát triển, thầy, cô giáo, thế hệ học sinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước phát triển ...

THPT Mai Hắc Đế

Trường THPT Mai Hắc Đế được thành lập năm 2009, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, Trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong đào tạo bậc THPT trên địa bàn Hà Nội.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều

Nhìn lại chặng đường gần 60 năm xây dựng và trưởng thành , các thế hệ giáo viên và học sinh trường Nguyễn Gia Thiều có thể tự hào về truyền thống vẻ vang của trường ; tự hào vì trường đã đóng góp cho đất nước những Anh hùng , liệt sĩ , những người chiến sĩ , nhà khoa học , trí thức , những cán bộ ...

Trường Trung học phổ thông MV.Lô-mô-nô-xốp

Sứ mệnh Xây dựng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp có môi trường học tập nền nếp, kỉ cương, chất lượng giáo dục cao; học sinh được giáo dục toàn diện, có cơ hội, điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực và tư duy sáng tạo, tự tin hội nhập.

Trường Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc Hà Nội

Trường thực hiện việc giảng dạy và học tập theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thực hiện thời gian học tập theo biên chế năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Song song với chương trình này là chương trình học bằng tiếng Anh được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên bản ngữ giàu ...

 

Thời điểm 1985-86, ăn no mặc đủ luôn là mối lo hàng ngày của thầy cô. Sinh viên là lớp người sống khổ nhất, dù 100% có học bổng. Thù lao giờ giảng của giáo viên, do tiền mất giá, phải đối phó bằng cách cho phép họ khai tăng giờ thực giảng lên gấp 2, 3 hay 4 lần; sau dần dần dẫn đến chỗ vô lý (một buổi sáng có giáo sư già có thể giảng 8, 10 hay 12 giờ).) Để đối phó với tình trạng mất giá quá nhanh của đồng tiền cũng như giờ giảng lại phải qui ra gạo (2kg/giờ nên không hiếm bộ môn đã khai tăng giờ gấp đôi. Cũng 1986, chính phủ ra hai văn bản (ngày 29-6) đảm bảo học bổng, sinh hoạt phí, đời sống tối thiểu cho sinh viên, nhưng ít mang lại hiệu quả vì sự điều chỉnh không theo kịp tốc độ đồng tiền mất giá.